ở nhà hay ở trường?

GIÁO DỤC TẠI NHÀ HAY Ở TRƯỜNG VÀ TẠI SAO ĐIỀU ĐÓ KHÔNG QUAN TRỌNG NHƯ CHÚNG TA NGHĨ

Nếu bạn đã từng theo dõi các bài viết của tôi và biết đến tôi như một cá nhân ủng hộ giáo dục tại nhà, có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi đọc những dòng trên, và có thể không.

Ban đầu, khi mới tìm ra giáo dục tại nhà, tôi hồ hởi, hăng hái lắm. Niềm hăng hái có giảm nhiều so với những ngày đầu (giống như bất kỳ khi nào ta phát hiện ra điều gì mới). Tôi vẫn tiếp tục giáo dục hai con tại nhà cho tới nay – tức 4 năm sau đó. Sự ủng hộ, phản đối, thờ ơ, nghi ngờ hay đánh giá tôi đều đã hứng hết.

Nay khi tôi quay trở về với tâm linh, khi đã đủ khả năng lùi lại để quan sát chính những suy nghĩ và cảm xúc của mình, tôi quan sát tất cả như tôi quan sát bàn tay tôi, hay bàn chân, hay một cái ghế.
Những tranh cãi “giáo dục tại nhà hay không” với tôi trở nên vô nghĩa. Vì tôi nhận thấy bản ngã tham gia các cuộc tranh luận đó, cái tôi muốn khẳng định mình, muốn khẳng định sự thật thuộc về mình.

Thưa các bạn, sự thật không thuộc về ai cả. Bạn có thể khám phá ra nó hoặc không, chịu thừa nhận nó hoặc không. Nó không phải là thứ có thể thay đổi một sớm một chiều. Về kể có ai có uy tín đứng lên phản bác sự thật, thì sự thật cũng chẳng quan tâm. Nó không cần tới ai để khẳng định sự tồn tại của nó thì mới tồn tại được.

Sự thật trong giáo dục và sự thật về những đứa trẻ cũng không thuộc về người lớn chúng ta. Hoặc chúng ta nhận ra, hoặc chúng ta chưa nhận ra.

Tôi nhận ra rằng bấy lâu nay, cũng như người ta dùng các trường phái tôn giáo để khẳng định mình, thì nay người ta dùng các trường phái giáo dục để khẳng định mình, cụ thể không phải là trường phái hay cách thực hiện, mà là các tên gọi và các khái niệm.

Hết thảy những thứ đó đều vô nghĩa.

Bạn nghĩ bạn có thể hiểu về giáo dục chỉ qua học một vài khóa học hay có một tấm bằng sư phạm? Tôi vẫn hay đùa rằng nếu vẫn sống trong ảo tưởng rằng mình biết (vì đã sở hữu vài tấm bằng) thì cứ ra đời, làm việc vài năm, là sẽ bị đời tát cho liên hồi vào mặt (nạ). Khi nào bong mất mặt nạ ra thì tự nhìn thấy mình.

Sự thật là dù bạn là giáo viên được đào tạo sư phạm hay không, thì cái hiểu của bạn về giáo dục phải qua trải nghiệm thực tế với những đứa trẻ. Những cuốn sách sẽ không giúp bạn được nhiều. Điều nguy hiểm nhất về những cuốn sách là chúng ta có thể đọc, nghiền ngẫm cho nát nhừ nội dung đã đọc, và rồi tưởng là mình đã hiểu. Cứ làm đi, bị tát cho vài (hay nhiều) phát, ngã rồi tự đứng dậy, tự ngẫm, tự đúc kết, chỉ sau vài năm là khắc hiểu vấn đề – nếu bạn thực sự có niềm đam mê với cái mà bạn đang làm, cho dù bạn dạy trẻ trong môi trường lớp học hay dạy con tại nhà (toàn bộ hay chỉ theo cách giáo dục gia đình).

Nhưng rồi những đứa trẻ thì sao? Thế hệ tôi và bạn, chúng ta đều đã đi học ở trường. Cùng một hệ thống giáo dục, nhưng chúng ta không ai giống ai cả. Bởi vì mỗi chúng ta sinh ra đã là một cá thể duy nhất. Và bởi vì giáo dục gia đình vẫn là phần cốt lõi của giáo dục. Giáo viên không thể giải quyết được những vấn đề mà bố mẹ tạo ra ở nhà cho đứa trẻ. Giáo viên tốt chỉ có thể xoa dịu đứa trẻ. Nhưng đồng thời, giáo viên cũng có thể tạo ra vấn đề ở trẻ và gây tổn thương cho chúng. Tuy nhiên, những tổn thương mà giáo viên gây ra không bao giờ có sức mạnh như tổn thương do bố mẹ gây ra.

Qua bố mẹ, chúng ta học về chính chúng ta: Chúng ta có giá trị không? Chúng ta có đáng được yêu không? Chúng ta có thể đem lại thay đổi không? Có hay chăng một sứ mệnh trên đời? Câu trả lời cho những câu hỏi này đều nằm ở cách bố mẹ đối xử với chúng ta qua nhiều năm tháng. Một phần lớn nữa của câu trả lời nằm ở nghiệp quả. Nghiệp quả chi phối các mối quan hệ của chúng ta. Phần nữa còn quan trọng hơn nữa: Đứa trẻ là một linh hồn tiến hóa ở cấp độ nào?

Một linh hồn phát triển rất khó bị ảnh hưởng bởi môi trường và có sức sống rất mãnh liệt. Những linh hồn kém phát triển thì có xu hướng chấp nhận những gì bị áp đặt lên bản thân và đầu hàng.Chúng ta không biết được con cái chúng ta là linh hồn phát triển hay không, và tốt nhất cũng không nên bận tâm quá nhiều về chuyện đó.

Cái giúp được đứa trẻ rất nhiều trong giai đoạn đầu của cuộc đời trên hành trình tiến hóa linh hồn là mối quan hệ với cha mẹ, cụ thể là tình yêu thương đích thực của cha mẹ, sự chấp nhận vô điều kiện.
Chấp nhận vô điều kiện có nghĩa là ta mặc cho trẻ làm gì cũng được? Không phải. Đứa trẻ cần những giới hạn rõ ràng – những giới hạn cho phép nó có nhiều tự do trong đó, và cũng là tấm bảng chỉ dẫn cho đứa trẻ biết rằng khi đã xâm phạm giới hạn, thì cha mẹ có quyền ngăn nó. Nước mắt và sự ngăn cản có tầm quan trọng của nó.

Chấp nhận và yêu thương có nghĩa là: ta biết con không phải là hành vi sai của con, ta biết con là một cá thể khác biệt với ta, ta biết giá trị của con cho dù ở bên ngoài con có biểu hiện gì, ta biết con có những mong muốn của riêng con, ta luôn thương yêu con, nhưng điều đó cũng có nghĩa là ta cần phải cứng rắn khi ta cần – theo cách không tổn thương con – để ngăn con lại những khi con có thể làm tổn thương chính mình hoặc người khác. Con sẽ không thích khi ta ngăn con, nhưng những giới hạn quan trọng hơn ý thích của con, và cả của ta. Tất cả là vì sự trưởng thành nhận thức của chính con.

Bạn có biết làm sao để bạn biết bạn đang dạy trẻ đúng không? Đừng tự đánh lừa mình với những nhãn mác hay tên gọi của phương pháp mà bạn thích. Bạn hãy nhìn vào đứa trẻ, nhìn vào cách nó ứng xử với mọi người, và hãy tỉnh táo. Một đứa trẻ lên 2 đánh bạn là vì nó không biết gì, nhưng nó cần được hướng dẫn để dừng lại. Nhưng một đứa trẻ lên 5 mà vẫn tiếp tục đánh bạn thì đó là biểu hiện cho thấy vấn đề trong cách giáo dục con của bạn. Một đứa trẻ 2 tuổi hay vòi vĩnh là bình thường, nhưng nó cần được hướng dẫn để dừng lại khi vượt giới hạn. Một đứa trẻ 5 tuổi vẫn tiếp tục vòi vĩnh thì đó là biểu hiện không lành mạnh.

Không có đứa trẻ nào sinh ra là hư hoặc thích làm tổn thương người khác. Không có đứa nào sinh ra đã quá kiêu hãnh hoặc tự ti về giá trị của nó. Và không có đứa trẻ nào sinh ra đã biết giới hạn của mình ở đâu. Cha mẹ phải vô cùng tỉnh táo thì mới có thể điều chỉnh cách giáo dục con khi quan sát thấy các biểu hiện không lành mạnh (chuyện đánh giá này không đơn giản, vì cha mẹ rất dễ bị bản ngã chi phối khiến cho mờ mắt, chỉ còn thấy các mong muốn của mình để bắt con sống theo mong đợi).

Thành quả giáo dục con không chờ đến năm con 20 tuổi mới đơm hoa kết trái. Thành quả luôn đến ngay lập tức, và hậu quả cũng đến ngay lập tức. Hãy yêu thương trong tỉnh táo và linh hoạt, ứng biến theo cách của bạn, và học từ chính những gì bạn quan sát được ở con.

Thay đổi trong giáo dục đến từ những cha mẹ đầu tiên, chính từ bạn đó, những bậc cha mẹ của một kỷ nguyên thức tỉnh.