Làm sao khiến con nhỏ hợp tác hơn?

Nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn xem họ có thể làm gì để khiến con nghe lời và làm theo ý họ.
Điểm đầu tiên tôi nghĩ tất cả chúng ta nên tự nhắc nhở bản thân: Trẻ em cũng là con người. Chúng là những cá nhân bị phụ thuộc vào cha mẹ, nhưng sự nhỏ bé ấy không làm cho chúng thấp kém hơn cha mẹ.

Trước khi muốn con nghe lời, ta hãy tự đánh giá mong muốn của ta dành cho con đi. Có cần phải thế không? Ta có thể để con làm thế vì việc ấy thực ra không ảnh hưởng đến ai và là ý thích của con, qua đó con thấy rằng ta tôn trọng con? Ta can thiệp vì lý do gì? Vì sự trưởng thành của con? Vì sự an toàn của con? Hay vì sự tiện lợi và thiếu kiên nhẫn của ta?

không có nghi ngờ gì rằng giữa cha mẹ và con cái thì quyền lực nằm ở trong tay cha mẹ. Quyền lực là thứ rất ít người đủ bản lĩnh để sử dụng một cách khôn ngoan vì lợi ích của tất cả. Quyền lực là một bài kiểm tra lớn, và là một bài học lớn.

Để quyền lực giữ được giá trị của nó, người có nó chỉ nên dùng nó ít nhất có thể, vào tình huống thực sự cấp thiết, và dùng với thái độ ôn hoà nhưng kiên quyết.

Các cách cha mẹ sử dụng sai quyền lực để yêu cầu con làm gì đó bao gồm:

– Mắng, cao giọng và nói dài dòng. Cách này tưởng như để phô uy quyền, nhưng uy quyền thật thì không bao giờ cần phải phô; uy quyền mà phải phô thì thực ra là không có. Lời nói càng dài dòng càng mất giá trị.
– Xúc phạm trẻ. Hạ thấp ai đó không bao giờ là cách hay để bắt ai theo mình, kể cả trẻ nhỏ. Người khác có thể sẽ theo, nhưng không thích thú gì, mà còn sinh hận.
– Đe doạ và đánh. Không bao giờ làm việc này với con.
Ta hãy thử cách đơn giản sau:
– Khi yêu cầu con làm điều gì đó, hãy chắc chắn đó là điều cần thiết, và phù hợp với khả năng của con.
– Đừng cau có khi yêu cầu con làm gì, mà hãy vui vẻ, lịch sự.
– Sau khi yêu cầu, hãy chờ con một chút. Bọn trẻ cần có thời gian, nhất là khi chúng đang mải mê làm việc gì đó.
– Khi con không theo, cũng đừng vội bực mình. Kiên quyết với con nếu đó là điều cực kỳ quan trọng, không làm theo có thể gây nguy hiểm (vd: con cho xà phòng vào mồm, múc nước lã đưa lên miệng.) Nếu không nguy hiểm và không cấp thiết (con chưa nhớ để nói “ạ”, chưa biết tự chào mọi người, không muốn đọc sách, không quen dọn đồ chơi,…) thì hãy thử lại vào lần khác, và thử đều đặn.

– Khi con từ chối, hãy chấp nhận chuyện đó, và ghi nhận rằng “hôm nay mình đã thử nhưng con chưa làm theo.” tuyệt đối không biến sự từ chối của con thành biểu hiện của tính cách, như “biết ngay là nó hư, biết ngay là lười, bảo không nghe, chỉ giỏi mải chơi,…”.

Cách bạn nhìn nhận con sẽ ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với con. Nếu ta tin tưởng con là một con người có ý thức trách nhiệm và ta đối xử với con như thể con đã hành xử như thế, thì con sẽ trở nên đúng như thế. Các đức tính khác đều như vậy. (Đức tính, không phải tính cách bẩm sinh.)

* * *

Con gái thứ hai của tôi mới 22 tháng tuổi, rất thích tắm, trong lúc tắm rất thích nghịch cốc, múc nước tắm lên chơi, hứng lên thì uống ực cái luôn. Tôi hay vặn nước đầy chậu, gội đầu cho hai đứa rồi để hai đứa tự chơi với nhau trong khi tôi nghe ngóng ở ngoài.

Phản ứng của tôi khi thấy đứa nhỏ uống nước tắm là: “Trời ơi, không uống đâu Siêu Tăm.” và cầm nhẹ tay nó, kéo cốc ra khỏi miệng. Tôi vẫn cho phép con chơi cốc tiếp, chỉ dặn ngắn gọn: “Không uống đâu nhé!” và dặn Bư (đứa lớn sắp 5 tuổi): “Con để ý em nhé, không cho nó uống nước tắm đâu.” Và tôi đi ra, thỉnh thoảng ngó vào kiểm tra tình hình. Tin tưởng con và cho phép con tin tưởng bản thân gửi thông điệp “Con có thể làm được”. Rất quan trọng với trẻ.

Đến giờ ra, Bư ra rồi mà Tăm vẫn chưa chịu ra. Tôi bảo: “Tăm ơi, ra nào.” Hai lần, không có biến chuyển gì. Tăm lại còn cười và trêu mẹ. Tôi bèn giả giọng quái vật ồm ồm: “Ra thôi!!! Siêu Tăm!!!!” Khá hiệu quả. Nó cười toe toét và bước ra.

Tôi đóng vai quái vật nhiều đến nỗi Bư cũng giả giọng quái vật trêu Siêu Tăm luôn.

Lần tới bạn thử giọng quái vật hoặc nhân vật hoạt hình nào đó mà xem!

* * *

“HẾT GIỜ RỒI, VỀ ĐI NÀO! NHANH LÊN!”

Tôi chắc hẳn phụ huynh nào cũng đã từng nói câu này với con nhỏ của mình, dù ít hoặc nhiều. Và nếu để ý ở nơi công cộng thì bạn sẽ thấy rất nhiều phụ huynh nói như vậy với con.

Chúng ta nói với con như vậy không chỉ khi con ở sân chơi công cộng, ở hàng quán, mà còn ở nhà, khi con đang tắm, đang ăn, đang mải chơi, mải làm chuyện gì đó. Chúng ta muốn con kết thúc vào giờ mà chúng ta muốn, vì bản thân chúng ta có mong muốn đó. Nhưng con cái chúng ta không có mong muốn đó. Chúng không nghe lời, và chúng ta bực.

Khi bực trong tình huống đó, một số phản ứng không tích cực và cũng không giúp được cho cả trẻ, cả bố mẹ (rất hay xảy ra) là:

1 – Diễn giải với trẻ. “Nhanh lên, hết giờ, mẹ phải làm việc ABC.”
2 – Đe dọa. “Nhanh, không tao đánh. Tao bảo phải nghe. Nhìn kìa, cái cần cẩu trên đầu nó rơi vào bây giờ. Nhìn kia, chú bảo vệ bắt cho đấy.”
3 – Hứa hẹn và nịnh. “Về đi ăn kem đi. À này, mai mẹ lại cho ra tiếp. Về nhà có nhiều thứ hay lắm.”
Khi thử những “chiêu” này mà thất bại (thường là thất bại), cha mẹ thường cảm thấy bất lực, và sử dụng cách duy nhất mà không ai muốn phải dùng tới: lôi đứa trẻ đi xềnh xệch trong khi đứa trẻ giãy giụa, giàn giụa nước mắt.

Có gì không ổn? Tại sao đứa trẻ cứ phản kháng? Chắc hẳn là nó hư? Nếu nó không hư, thì nó đã biết nghe lời. Không phải thế sao?

Câu trả lời là KHÔNG PHẢI.

Con bạn có xu hướng hợp tác với cha mẹ hay không là do cách bạn đối xử với con, và rất nhiều là do cách bạn xử lý các tình huống khó.

Chúng ta có thể làm gì để yêu cầu một đứa trẻ nhỏ ra về khi nó vẫn đang mải chơi? Sau đây là một số lưu ý:

1 – Bạn cần hiểu rằng cuộc chơi hoặc bất kỳ thứ gì trẻ đang làm là quan trọng với trẻ. Không bao giờ phủ nhận trẻ hoặc điều trẻ thích như “Có gì hay đâu? Có gì quan trọng đâu? Cái kia mới hay kìa.” Không bao giờ nhầm lẫn giữa mong muốn của bạn và mong muốn của đứa trẻ, và không bao giờ tìm cách bắt đứa trẻ đồng ý với bạn rằng lựa chọn của bạn mới hay, còn lựa chọn của trẻ là tầm thường.

2 – Chấp nhận phản ứng và cảm xúc của trẻ. Khi bạn nói “Về thôi con”, và đứa trẻ phản ứng “Không”, hoặc đứa nhỏ chưa biết nói, khi thấy bạn goi về mà cố chạy đi, bị bế lên thì khóc, hãy thể hiện rõ là bạn HIỂU mong muốn và cảm xúc của trẻ. “Con muốn ở thêm để chơi hả? Con buồn quá vì cuộc chơi đang vui mà lại phải đi về.” Đừng cố học thuộc, nói theo ghi nhớ trong khi bản thân bạn không cảm thấy như vậy. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Chúng biết khi nào người lớn cùng phe với chúng và khi nào người lớn chọn đối đầu với chúng.

3 – Khi chuẩn bị đi về, hãy báo cho con trước 5-10 phút. “Này con, chuẩn bị về nhé. Chơi thêm một lát nhé.”

4 – Đến giờ về, bạn chỉ nói đơn giản “Về thôi con.” Nếu con phản kháng, đừng sử dụng các biện pháp sai mà tôi đã nêu ở trên. Quay lại bước 2 nếu cần, và hãy tỏ ra kiên quyết, không nhân nhượng. Không nhân nhượng không có nghĩa là phải tức giận, phải mắng mỏ, xúc phạm trẻ.

5 – Khi bạn bực mình với trẻ, bạn có quyền thể hiện sự tức giận, nhưng hãy giữ chừng mực, ngắn gọn, và đi thẳng vào vấn đề là hành vi chứ không phải con người trẻ. Cố gắng nói “Mẹ bực mình vì con không chịu về. Lần sau khi mẹ yêu cầu con về, mẹ muốn con về”, thay vì “Mẹ nói bao nhiêu lần rồi mà con cứ như vậy? Khi làm như vậy là con rất hư. Con hư, mẹ không yêu con nữa đâu nhé. Con vừa phải thôi. Hãy tự biết thân biết phận của mình chứ đừng làm mẹ bực. Chẳng biết giới hạn của mình ở đâu cả blah blah blah” Không bao giờ phán xét trẻ.

6 – Trong giai đoạn bạn điều chỉnh bản thân, mỗi lần trẻ hợp tác, hãy nói: “Đến giờ là con tự về mà mẹ không cần phải nói nhiều. Con làm được đấy chứ. Mẹ thấy vui.” hoặc đại loại như vậy. Hãy tìm các cơ hội để khen ngợi các hành vi tốt ở trẻ, qua đó giúp trẻ nhìn thấy rằng mình cũng có thể thay đổi và tin tưởng rằng mình có khả năng làm tốt mọi việc.

* * *

Tôi vẫn hay đưa các con ra hàng quán, sân chơi, hiệu sách,… Chưa bao giờ tôi phải nói nhiều hay sử dụng các biện pháp mạnh để bắt các con về. Kể cả khi các con đang mải xem đồ chơi ở hiệu sách, tôi chỉ cần nói “Về thôi mấy đứa ơi” và tôi đi ra cửa chờ. Hai đứa tự lon ton chạy ra. Khi vào hiệu sách chẳng hạn, tôi cũng để hai đứa tự xem, tự chơi, chứ không bắt các con phải đi theo tôi, phải đặt cái này xuống, phải đi đường này, đường kia. Một phần lớn vì các con được thỏa mãn khi chơi, nên tới lúc phải kết thúc, các con cũng sẵn sàng ngừng.

Trẻ con dễ dàng nghe lời chúng ta bởi vì chúng tôn trọng chúng ta. Chúng tôn trọng chúng ta bởi vì chúng ta tôn trọng chúng. Văn hóa Việt Nam thường dạy chúng ta rằng trẻ con nhỏ hơn, đương nhiên phải biết lễ phép, phải biết nghe lời, phải biết ngoan. Nhưng trẻ nhỏ cũng là con người. Chúng sẽ không phục khi cha mẹ không biết cách cư xử với chúng, không biết tôn trọng chúng. Cha mẹ mà chỉ biết đòi hỏi con theo mình thì không bao giờ con theo cả. Đứa trẻ trong những gia đình đó sẽ theo vì sợ, theo để chiều lòng bố mẹ; lý do theo thường không phải là tự nguyện theo vì cảm thấy đó là cách đúng để làm mọi việc.

Bạn cứ quan sát đi. Và bạn sẽ thấy các gia đình có con chống đối nhiều nhất là các gia đình có trẻ bị đánh giá thấp, bị xem thường, bị đặt ở vị trí thấp hơn so với người lớn, và bị phủ nhận thường xuyên.

Tự nguyện hợp tác với cha mẹ chỉ là một biểu hiện quan trọng cho thấy cha mẹ biết cách giáo dục con cái, và cha mẹ và con cái tôn trọng nhau, hiểu nhau, gần gũi và tin tưởng nhau.

Do đó, nếu chỉ tập trung sửa hành vi (là triệu chứng) mà không xây dựng nền tảng là mối quan hệ thì việc đó vô ích. Nếu thành công thì chỉ thành công ngắn hạn, không để lại giá trị lâu dài, và không giúp trẻ xây dựng được nhân cách.