Thế nào là trải nghiệm giáo dục?

Nhiều phụ huynh (và rất nhiều người chưa làm phụ huynh) có một ngộ nhận về giáo dục. Ngộ nhận này là: Chỉ có các sách được thiết kế vì mục tiêu giáo dục, các sản phẩm được dán mác giáo dục, các khóa học được thiết kế vì giáo dục, những trò chơi “giáo dục”,… thì mới đem lại trải nghiệm giáo dục cho trẻ.

Tôi coi đó là một trong những sai lầm lớn nhất khiến cho toàn bộ định hướng giáo dục của phụ huynh bị lệch hướng nghiêm trọng.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa mục tiêu của các sản phẩm và khóa học đó với những thay đổi thực sự xảy ra ở trẻ.

Thế nào là một trải nghiệm giáo dục? Một trải nghiệm giáo dục không thể bị giới hạn ở một nội dung, ở một địa điểm, hay ở một thời điểm nào. Một trải nghiệm giáo dục diễn ra khi trẻ bỗng nhiên nhận ra điều gì mới mà chúng chưa từng hiểu, một khoảnh khắc “à há! Ra là như vậy!” Chúng không đủ từ ngữ để diễn tả lại, song những người lớn hiểu trẻ và giỏi quan sát trẻ có thể nhận biết tức khắc.
Nếu tôi đưa con tôi một cuốn sách giáo khoa, mở bài thứ nhất, đọc hết một thôi một hồi nhưng con tôi không hiểu, xin hỏi đó có phải một trải nghiệm giáo dục không?

Nếu tôi đưa con tôi ra toa lét công cộng lần đầu, yêu cầu con xếp hàng, giữ im lặng, và giữ gìn vệ sinh ở đó, xin hỏi đó có phải một trải nghiệm giáo dục không?

Nếu tôi mở một hộp flashcard trong đó có nhiều thẻ có tranh minh họa và từ, và nếu khi mở ra các con tôi chỉ quan tâm đến miếng xốp trong đó, xé nó ra thành trăm mảnh và chơi với các mảnh đó và hoàn toàn phớt lờ các thẻ flashcard, xin hỏi phần nào trong hộp flashcard là trải nghiệm giáo dục cho trẻ, và phần nào đã hoàn toàn trở nên vô ích?

Một trải nghiệm giáo dục không phải là một nội dung phải ghi nhớ diễn ra trong sách hay màn hình hay một lớp học, mà là một nội dung để sống, một cách để làm một điều gì đó, một sự giãn nở của nhận thức, một liên kết nơ-ron mới, một điều có ý nghĩa với trẻ khiến trẻ thay đổi suy nghĩ.
Một trải nghiệm giáo dục không luôn luôn đi kèm với những gì được thiết kế vì mục tiêu giáo dục. Trải nghiệm diễn ra và đến một cách tự nhiên, mục đích giáo dục của các sản phẩm và các lớp học thì phần lớn chỉ là sự mường tượng những gì sẽ xảy ra với trẻ. Trải nghiệm đỏi hỏi sự tham gia và lựa chọn tích cực của trẻ; các sản phẩm, các lớp học phần lớn tạo ra sự tham gia thụ động, kể cả khi nó được khoác áo “tương tác” vì đứa trẻ không có lựa chọn. Cùng một sự việc diễn ra, sự chủ động tham gia của trẻ hoặc/và ý nghĩa của việc đó theo cách hiểu của trẻ sẽ quyết định trải nghiệm đó có mang tính giáo dục hay không.

Vì vậy, điều rất thường thấy là: Khi ta hướng cho trẻ học một điều A (nhưng không hiểu được là trẻ không sẵn sàng/không quan tâm đến điều A), thì trẻ sẽ lại học được điều A’, một nội dung mà ta không hề chuẩn bị nhưng là một trải nghiệm cực kỳ thật với trẻ. Ta không có khả năng lường trước được nếu ta không am hiểu trẻ. Ta không có khả năng chuẩn bị trước được nếu ta không am hiểu trẻ.

Vì vậy, giáo dục đích thực là giáo dục mở – nó không đóng hộp sẵn các lựa chọn và các mục tiêu cho trẻ. Toàn bộ các lựa chọn và các mục tiêu là MỞ, tức là liên tục thay đổi phụ thuộc vào chính đứa trẻ. Khả năng học của trẻ nhỏ thường vượt xa những gì người lớn có thể tưởng tượng được. Nhưng chính vì người lớn chọn đóng hộp sẵn các lựa chọn, khi trẻ không chui vừa hộp, thì người lớn quở mắng trẻ và thất vọng. Cái thất vọng đó phản ánh sự ngốc nghếch của người lớn, chứ không phải sự thiếu thông minh của trẻ.

Sự hiểu biết của người lớn trực tiếp hướng dẫn trẻ mới làm nên chất lượng giáo dục – cách trẻ được đối xử, cách trẻ được nhìn nhận, cách trẻ được trao quyền quyết định, được quan tâm, tôn trọng, và yêu thương. Chính sự hiểu biết này mới làm nên sự khác biệt giữa một đứa trẻ phát huy được tiềm năng và một đứa trẻ bị thui chột tiềm năng. Chính sự hiểu biết này mới quan trọng, chứ không phải là sản phẩm gì, lớp gì, chuyến đi gì, trường học gì, công nghệ gì.