GIAO TIÊP, KHẢ NĂNG KẾT NỐI VÀ CẢM NHẬN VỀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN CỦA TRẺ
Chỉ quan sát một đứa trẻ 6 tuổi và cách nó chơi với những đứa khác, bạn sẽ nhìn ngay ra được cha mẹ nó dạy dỗ nó như thế nào. Không cần phải hỏi cha mẹ nó xem họ đã áp dụng phương pháp gì, gửi con đi học ở đâu hay đầu tư gì cho con cả. Đứa trẻ càng lớn, cách giáo dục càng lộ rõ “chân tướng”.
Những đứa trẻ được giáo dục trong môi trường yêu thương với khuôn khổ rõ ràng dễ dàng chơi với những trẻ khác một cách hòa thuận, bất kể lứa tuổi và mức độ thân quen. Mâu thuẫn không tránh khỏi, song mâu thuẫn dễ dàng được giải quyết.
Mọi người thường hỏi tôi rằng con tôi sẽ học giao tiếp như thế nào. Sau 5 năm nuôi dạy con, tôi nhìn thấy rõ những gì tôi đã làm thể hiện ở chính đứa con của tôi và ngấm, rất ngấm trải nghiệm của chính mình.
Giao tiếp bắt đầu với cha mẹ. Chúng ta đều muốn dạy trẻ giao tiếp tốt – việc đó chẳng hề liên quan gì đến việc bao nhiêu trẻ đồng lứa trẻ được gặp hàng ngày. Giao tiếp tốt bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là: Cảm nhận của đứa trẻ về giá trị của chính nó. Nếu đứa trẻ được đối xử với tôn trọng và yêu thương, nhưng không phải với sự tâng bốc (“Con giỏi quá, thông minh quá”) hay bảo vệ thái quá để giúp con trốn tránh trách nhiệm (“Con ngã à? Con bị bạn đánh à? Con không làm được việc đó à? Ôi thương con, không may cho con thôi mà. Tại cái bàn, tại bạn đó, tại cái việc đó,…), thì nó sẽ có cảm nhận chính xác về giá trị của nó.
Khi đứa trẻ biết nó là một cá thể duy nhất xứng đáng được yêu thương và không cần phải so sánh mình với ai, nó cảm thấy an toàn và sẵn sàng mở lòng với mọi người.
Đồng cảm cũng là yếu tố rất quan trọng giúp trẻ biết kết nối với người khác. Trẻ biết đồng cảm khi người lớn biết đồng cảm với trẻ. Trẻ biết yêu thương khi trẻ được yêu thương.
Được gặp bao nhiêu người không quan trọng bằng chất lượng của mối quan hệ và chất lượng của thời gian ở bên nhau như thế nào. Chất luôn quan trọng hơn lượng. Vì vậy, khi lượng đã quá mức bão hòa khiến chất cũng bão hòa, thì tốt hơn cả là để cho trẻ có thời gian tĩnh lặng.
Người lớn chúng ta thường đặt trọng tâm lệch hướng. Chúng ta chỉ quan tâm đến biểu hiện bên ngoài, và tìm cách sửa cái nổi lên ở bên ngoài – thực ra chính là triệu chứng của cái ở bên trong. Cảm nhận về giá trị của trẻ chi phối biểu hiện của trẻ. Vì vậy, đừng chữa triệu chứng mà hãy chữa căn bệnh.
Thời gian tĩnh lặng cũng rất đáng quý với đứa trẻ. Nó có thời gian để quay về với chính nó. Nó có thể quá nhỏ để hiểu được điều đó, nhưng nó cảm nhận được. Cảm nhận là cái ở bên trong mà người lớn khó nhìn thấu. Không có khả năng nhìn thấu không có nghĩa là nó không có ở đó.
Trẻ có tính cách gì – điều đó không quan trọng. Vì vậy, các cha mẹ không nên biện minh rằng “con tôi đặc biệt, nó thế này, nó thế kia, nó không giống ai, nó phải có cái này, phải được cái nọ,…” Mọi đứa trẻ đều đặc biệt. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được trân trọng. Đừng dùng những cái mình biết hay tưởng mình biết để chỉ dẫn đứa trẻ. Thay vào đó, chúng ta phải an bình với cái ta-không-biết-mà-vẫn-đang-diễn-ra. Đó là sức sống tự nhiên ở trong mỗi cá thể. Nó cần có không gian và ánh sáng để vươn lên. Chúng ta chỉ là người quan sát, và giúp đỡ khi thực sự cần. Sự đặc biệt của mỗi đứa trẻ vừa là cái thiêng liêng, vừa là cái bình thường. Thiêng liêng để ta nâng niu và yêu thương, bình thường để ta biết rằng mọi trẻ đều vậy.
Một cái cây con không cần tới sự giẫm đạp để tồn tại. Nó sẽ chết. Tồn tại trong tự nhiên không có sự phân biệt, phân chia, đánh giá. Tất cả đều liên quan tới nhau, tất cả đều là một phần của Nhất Thể và chính là Nhất Thể. Một cái cây con cần được yêu thương. Yêu thương là sức mạnh để giúp nó vươn lên. Khi nó đủ lớn, nó sẽ tự đủ sức mạnh để vươn lên cho dù có bão tố gì. Ngược lại, cái cây bị tổn thương từ nhỏ sẽ luôn đem theo những tổn thương trong lòng. Nó sẽ lớn lên mà luôn nơm nớp lo sợ sẽ lại bị tổn thương. Nỗi sợ ấy khiến nó dễ dàng quỵ ngã khi gặp sóng gió.