Để giúp trẻ học hành nghiêm túc, có chí tiến thủ, hào hứng học hỏi… cha mẹ nên tạo hứng thú cho con tìm tòi học hỏi qua sách, lưu trữ tài liệu, kết bạn bè.
Ảnh minh họa: K.A. |
1. Tạo niềm vui học tập cho con ở nhà
Việc học tập phải là niềm vui thì trẻ mới hào hứng được. Vì thế, mỗi góc học tập sẽ được thiết kế sao cho thật hữu hiệu. Con có thể có một cuốn sổ trắng, trên đó sẽ dán những bông hoa mà con cắt sẵn, đằng sau ghi số bài tập. Cứ xong một bài tập, con dán vào đó một bông hoa. Sau vài lần dán, nếu không hứng thú với trò này nữa, con có thể chơi trò khác. Ví dụ như con có thể viết số bài đã hoàn thành vào trang trắng rồi vẽ hoa hoặc trang trí theo cách con thích cho đẹp. Mẹ nên đặt làm một số con dấu: hoàn thành bài, hoàn thành xuất sắc bài tập, con thật đáng khen… Con học xong thì mẹ đóng vào quyển sổ đó để đánh dấu. Con sẽ vô cùng thích thú với công việc này đấy.
2. Tạo hứng thú tìm kiếm thông tin qua các trang sách
Các cha mẹ đừng ỷ lại vào mạng Internet, có quá nhiều cám dỗ và thông tin lệch lạc ở đây. Hãy tạo niềm vui tìm hiểu cho con ở hiệu sách và thư viện. Hướng dẫn con tìm hiểu thêm bài học trong sách dựa vào các chủ đề đang học.
Ví dụ: Con hỏi mẹ: Mẹ ơi trái đất có bao nhiêu vệ tinh hả mẹ? Sau khi trả lời con là chỉ có một là mặt trăng, mẹ có thể đưa con đến hiệu sách, tới quầy sách khoa học và yêu cầu con tìm sách về vũ trụ. Khi con mở sách ra, tìm hiểu được thêm thông tin về những gì con đang học, chắc chắn con sẽ hào hứng vô cùng.
Để có thể giúp con việc này, các cha mẹ phải bám sát bài con học và dành cho con nhiều thời gian hơn. Những kiến thức mà con không thích lắm cũng có thể trở nên hấp dẫn với con nếu như cha mẹ đưa con đến hiệu sách và chỉ thêm cho con những cuốn sách có nội dung như vậy nhưng sâu sắc và hài hước một chút.
3. Tạo điều kiện để con áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế
Hẳn nhiều cha mẹ sẽ bảo với tôi là: Việc này quá khó khăn. Các cha mẹ chú ý nhé. Nhiều bài học có thể áp dụng ngay vào thực tế.
Ví dụ: Cha mẹ có thể cho con tập trồng cây, hoặc mua cây rau về cho con phân tích: thân, rễ, lá… Cha mẹ cũng có thể mua cho con một vài con vật nhỏ xíu để con mổ ra phân tích như: con ngao, con sò…
Cha mẹ cũng nên nhờ con tính toán số liệu cho công việc của mình như nhẩm tính giúp mẹ tiền rau, tiền chợ. Hay với học sinh lớp 1 vừa ghép xong vần, cha mẹ có thể nhờ con ghi danh sách những thứ cần mua sắm trước khi đi siêu thị, bé sẽ vô cùng hào hứng. Những việc này sẽ tập cho con nhiều thói quen áp dụng các kiến thức đang học vào thực tế cuộc sống.
4. Tập cho con thói quen lưu trữ những sản phẩm học tập của mình
Một tập vở có nhiều bài viết ngay ngắn, các phép toán chính xác được cô giáo phê những lời khen ngợi nếu được lưu trữ lại sẽ là những món đồ lưu niệm vô giá. Chúng sẽ để lại cho con những dấu ấn thời gian tuyệt vời. Các sản phẩm thủ công vụng về do tự tay con làm sẽ khiến con bật cười khi lớn lên mở ra. Cha mẹ có thể chụp ảnh một bài kiểm tra của con và đem đi in ra rồi trang trọng treo lên tường cũng sẽ làm con thật sự thích thú.
5. Luôn luôn nhắc nhở con: Việc học là việc của con
Khi nhận thức rõ được việc này, con sẽ làm thật sự tốt. Học là quyền lợi, nếu con lơ là hoặc lười biếng, cha mẹ có thể phạt. Hình phạt lớn nhất có thể là tước đi niềm vui học tập. Một ngày nghỉ ở nhà, làm việc nhà, không được đến lớp học, nhìn bạn bè đi học với ánh mắt khao khát sẽ khiến con hiểu thêm quyền lợi của mình.
Thậm chí bạn nào lười biếng quá, có thể cho đi làm việc ở cơ sở tư nhân với công việc tay chân nào đó một thời gian. Cách làm này không phải là chê bai nghề nghiệp tay chân mà để nhấn mạnh cho con giá trị của việc học chữ. Khi có kiến thức, những công việc sẽ nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả cao hơn. Những giọt mồ hôi vất vả trong các giờ “công tác” này sẽ khiến con thêm trân trọng những giờ học.
6. Khi ai đó hỏi han việc học của con, cha mẹ tránh chê bai, nói xấu
Nếu con học chưa thực sự tốt, cha mẹ có thể nói khéo: Cháu nó rất cố gắng. Con nghe được sẽ hiểu thành ý của cha mẹ.
7. Tạo tình bạn cho con với những bạn chăm học
Cách làm không khó, các cha mẹ chỉ cần yêu cầu con tìm hiểu về người bạn đó với các thông tin như bạn có em không? Mẹ bạn tên là gì? Bố bạn làm ở đâu? Nhà bạn ở đâu? Nhà bạn có mấy con chó, con mèo?… Các bạn chăm học thường sẽ có tác động rất tốt đến tính lười biếng của con. Một chút ganh đua, một ánh mắt hơi tỏ vẻ coi thường của bạn bè sẽ khiến con động lòng tự ái mà học nhiệt tình hơn là lời mắng mỏ thúc giục của cha mẹ rất nhiều.
Tạo hứng thú cho con không khó, giải quyết tính lười biếng của con cũng không khó nhưng sẽ mất thời gian và công sức của cha mẹ rất nhiều. Các cha mẹ lưu ý: Những nguyên tắc thực hiện trị tính lười của bài lần trước vẫn phải áp dụng nghiêm. Bài này chỉ tăng cường thêm để con có thêm động lực học thôi.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội