Ebook Mont Aid to Life (Hỗ trợ cuộc sống)
Nguồn: Aidtolife.org/vn
—
Không đơn thuần là học tập về kiến thức, mà còn là khả năng tập trung, tính kiên trì, khả năng tự suy nghĩ cũng như khả năng tương tác tốt với mọi người.
Tự mình có động lực ham học hỏi, có tư duy linh hoạt và sáng tạo, không chỉ ý thức được nhu cầu của người khác mà còn tích cực thúc đẩy sự hài hòa trong cuộc sống
Bốn giai đoạn phát triển trong cuộc đời của một đứa trẻ bao gồm: Lúc sinh ra đến 6 tuổi, 6-12 tuổi, 12-18 tuổi, 18-24 tuổi.
Trẻ từ 14 tháng đến 3 tuổi, học tập trung vào vận động, ngôn ngữ và sự tự lập.
Trích dẫn các lời khuyên:
A- Mười lời khuyên về giao tiếp
Mười việc bạn có thể làm tại nhà để giúp con giao tiếp
1. Tạo ra một môi trường bình yên và tĩnh lặng cho con bạn và bảo vệ bé khỏi những tiếng ồn lẫn những âm thanh điện tử. Hãy giữ âm thanh máy truyền hình và âm thanh nền xung quanh ở mức thấp nhất để tạo ra một môi trường bình yên. Hãy giúp bé được nghe giọng nói của con người nhiều nhất.
2. Hãy trò chuyện với con của bạn. Khi con bạn tạo ra âm thanh, hãy trả lời như thể bé đang nói chuyện vậy. Âm thanh của bé sẽ chuyển sang bập bẹ – những cố gắng đầu tiên để giao tiếp. Nói chuyện với bé suốt ngày và khuyến khích những người chăm sóc trẻ hay khách đến thăm bé cùng làm như vậy.
3. Đọc truyện, thơ, và hát. Trẻ em có được vốn từ vựng lớn hơn và khi lớn lên sẽ thành những người thích đọc sách khi bé thường xuyên được nghe đọc sách. Hãy đọc ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời trẻ. Trẻ thích được nghe một cuốn sách được đọc đi đọc lại nhiều lần. Hãy tìm những quyển sách có nội dung thực tế với những hình vẽ đơn giản về những đồ vật, hành động, và sự kiện hàng ngày. Hãy hát những bài hát mà bạn yêu thích.
4. Hãy nói một cách rõ ràng và trực tiếp. Giải thích tất cả những hoạt động hàng ngày của bé. Cũng quan trọng như việc nói chuyện và đọc cho bé, bạn nên chú ý đến những cố gắng của bé trong việc phát âm và hãy cho bé biết bạn rất vui vì điều đó bằng cách vỗ tay, cười hay nhắc lại những gì bạn nghe thấy từ bé
5. Không nói theo lối nói chuyện của trẻ con hoặc tạo ra một ngôn ngữ đặc biệt kiểu trẻ con, bé sẽ bị lẫn lộn bởi những từ ngữ vô nghĩa đó. Bé cần phải được nghe những từ ngữ chính xác mà người lớn dùng để giao tiếp. Khi bạn nói với bé, hãy nói rõ ràng và xúc tích. Bé đang học rất nhiều từ, bé liên hệ đồ vật với từ ngữ và vì thế, bé phải được nghe tên của đồ vật khi bé nhìn thấy nó hay cầm nắm nó
6. Đáp lại những cố gắng giao tiếp của bé. Việc đáp lại bé sẽ giúp bé chuyển từ ngôn ngữ cơ thể sang ngôn ngữ nói nhanh hơn. Bé sẽ nhìn thấy sự cố gắng của bé có kết quả. Khi bạn nghe bé nói và đáp lại, bạn đang xây dựng mối quan hệ và làm cho bé muốn nói hơn, ngôn từ của bạn là rất quan trọng
7. Hãy sử dụng từ ngữ chuẩn, không chỉ là những từ ngữ chung chung mà cả những từ ngữ cụ thể như “cái ép tỏi” hay “rèm nhà tắm”. Hãy gọi tên tất cả những vật liên quan đến những căn phòng trong nhà: phòng bếp, phòng tắm, phòng ngủ…
8. Đừng nhắc lại những từ ngữ đánh vần sai hoặc những từ ngữ chỉ mang tính chất vui đùa. Nếu con bạn nói pasgetti, hãy nói lại với bé bằng từ ngữ đúng: Tối nay mẹ con mình ăn spaghetti. Bằng cách nhắc lại các cụm từ đúng hoặc liên tục trao đổi giao tiếp, bạn sẽ giúp bé dần dần tiếp thu những từ ngữ đúng và biết cách sử dụng chúng
9. Hãy thay phiên nhau kể chuyện, kể những câu chuyện về cuộc sống, không phải chỉ kể những câu chuyện từ sách vở. Bé sẽ yêu thích những chi tiết trong các câu chuyện nhỏ kể trước khi đi ngủ và coi đó như một hoạt động cuối ngày” Con tỉnh dậy, mặc chiếc quần xanh lá cây và áo khủng long, rồi đánh răng và…”
10. Hãy dành thời gian để lắng nghe, hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn, kể cả khi bạn không hiểu bé đang nói gì. Đừng ngắt lời bé hay gợi ý từ ngữ, mà nên để cho bé được kể hết câu chuyện. Sự thích thú quan tâm của bạn sẽ khuyến khích bé tiếp tục giao tiếp.
—
B- Mười lời khuyên cho vận động
1. Ngay từ lúc ban đầu, cho bé một chiếc giường thấp trên sàn nhà, để bé có thể tự do vận động, trong một phòng ngủ đã chuẩn bị với mục đích đảm bảo sự an toàn.
2. Một tấm thảm làm nơi vận động cung cấp cho bé thời gian nằm sấp trên bụng để tăng sức mạnh cho phần trên của cơ thể bé. Gắn một tấm gương trên tường cùng chiều cao của bé, cạnh giường hay tấm thảm để vận động. Khi bé nhìn thấy bản thân mình cử động, bé sẽ cố gắng hơn để vươn mình và làm khỏe các cơ ở cổ của bé.
3. Treo các món đồ chơi có chuyển động phía trên đầu của bé nhưng ngoài tầm tay, cho đẹp và để bé tập sự tập trung và theo dõi các vật. Vài tháng sau đó, khuyến khích bé với tay và nắm bắt bằng cách treo một đồ lắc tay hay đồ chơi trẻ con trong tầm tay của bé. Nhìn xem bé dùng tay đánh món đồ tới lui, nắm lấy và khám phá món đồ.
4. Chọn quần áo cho phép bé cử động tối đa, như quần đùi ngắn với lưng dây thun, vớ ấm, và chất liệu nhẹ nhàng. Sự thôi thúc bên trong khiến bé vận dụng tứ chi và cơ thể sẽ bị cản trở vì vướng víu do các quần áo hạn chế sự vận động.
5. Cho bé lý do để vận động. Chụp bắt các vật chỉ nằm ngoài tầm tay một chút là một sự hấp dẫn khiến bé vươn mình, trườn người, lết và bò đi. Các trái banh bằng chỉ đan hay bằng vải lăn chầm chậm thu hút cánh tay chụp bắt và giữ được sự chú ý của bé. Khi bé có sự phối hợp vận động tốt hơn, hãy cho bé những trái banh chạy nhanh hơn.
6. Tránh dùng các thiết bị hạn chế các cử động của con bạn. Các võng chơi, dụng cụ tập bước đi, dụng cụ tập đi tại chỗ, các ghế nhún và cả ghế đu kiềm hãm và hạn chế cử động. Các thiết bị này giúp bé ngồi, đứng, đi hay nhảy trước khi các bé có được niềm vui đạt được các bước tiến này bằng chính sự cố gắng của mình.
7. Tạo được một không gian mở và một thế giới sạch sẽ, ngăn nắp cho bé khám phá khi bé bắt đầu lết, bò, bước đi với sự nâng đỡ, hay tự đứng một mình. Gắn một thanh gỗ dài dọc theo tường (đường kính 5 cm) để giúp em bé của bạn gia tăng sức mạnh và sự vững vàng khi đứng dậy.
8. Tìm một nơi bé có thể tập leo trèo nếu ban không có cầu thang, Dạy bé cách bò xuống các bậc cầu thang.
9. Tìm những nơi có không gian rộng cho bé vận động: sân chơi, phòng tập thể thao công cộng, công viên hay câu lạc bộ thể dục. Đưa cho bé những vật lớn và nặng cho bé chập chững biết đi của bạn mang đi khi đi bộ và di chuyển.
10. Ít dùng xe đẩy. Dành thời gian cho phép bé con của bạn đi bộ, bởi vì bé có khả năng đi bộ rất xa khi bạn không vội quá.
—
C- Mười lời khuyên cho bé tự lập
1. Tự mặc quần áo Lựa chọn những loại quần áo mà bé có thể tự mặc: Áo sơ mi chui đầu dễ dàng, quần có dây lưng co giãn, khóa dán hoặc khóa bấm để bé có thể tự cài.
2. Cho bé tự chọn một số quần áo bằng cách treo 1 vài bộ quần áo phù hợp trên móc ở độ thấp vừa tầm với của bé. Đặt một chiếc giỏ nhỏ phù hợp với bé để đựng quần áo bẩn.
3. Hãy cho bé một cái gương đặt ở tầm thấp, một chiếc bàn chải cỡ nhỏ và lược để chải tóc.
Tự lập trong vệ sinh cá nhân
4. Bé nên có một chiếc ghế nhỏ để ngồi bồn cầu, cái ghế này khác với chiếc ghế đẩu dùng để trèo và ngồi lên chiếc bồn cầu của người lớn. (Một chiếc ghế để trèo lên bồn cầu sẽ tốt nếu như bé đã được dạy cách đi vệ sinh và tự trèo lên một hay hai bậc thang một mình.) Bé cần cảm thấy an toàn khi tìm cách ngồi lên bồn cầu mà không lo sợ là mình có thể bị ngã vào đó.
5. Cho bé một chiếc ghế đẩu để bé có thể với tới bồn rửa mặt để rửa tay và đánh răng. Chiếc ghế này cũng có thể dùng như một chiếc ghế thấp để thay quần lót.
Tự lập trong việc ăn uống
6. Bạn hãy dọn sạch một chiếc tủ bếp thấp để đặt những chiếc ly uống nước nhỏ, bình rót nước nhỏ, chén bát, đĩa, thìa muỗng, và nĩa của con bạn, mỗi thứ được đặt ở nơi quy định hay vật chứa riêng trong tủ chén bát.
7. Khi chọn đĩa bát, bạn hãy tìm những chiếc có kích cỡ vừa với trẻ, được làm từ những vật liệu dễ vỡ chứ không phải bằng nhựa. Bé sẽ học cầm nắm đồ vật một cách cẩn thận sau vài lần làm rơi vỡ đồ. Sự đổ vỡ nên được xử lý một cách thực tế, không nên giận dữ hay trách mắng trẻ. Trẻ sẽ nhanh chóng học cách cầm nắm chén bát một cách cẩn thận.
8. Trẻ có xu hướng thích ăn những thứ mà trẻ đã phụ giúp chuẩn bị khi làm thức ăn. Bé có thể bóc vỏ quýt hoặc chuối nếu bạn giúp bé một vài thao tác đầu tiên.
Tự lập trong việc ngủ
9. Ngay từ đầu, một chiếc giường thấp sẽ cho bé tự do di chuyển. Nó cho phép trẻ thức dậy và tự bò ra khỏi giường vào buổi sáng. Những đồ chơi đặt trên giá kệ thấp thường sẽ thu hút sự chú ý của trẻ khi thức dậy.
10. Tạo ra một trình tự hoạt động hàng ngày giúp trẻ hiểu rằng đã đến giờ ngủ. Lịch trình này có thể khác nhau ở mỗi gia đình, nhưng cho dù bạn chọn sinh hoạt nào thì hãy bảo đảm đó là một sinh hoạt giảm dần tính náo động, như theo thứ tự: giờ chơi, giờ tắm, giờ kể chuyện, giờ ngủ là cách hoàn hảo. Giờ kể chuyện, giờ tắm, giờ chơi, giờ ngủ sẽ tạo ra sự xáo trộn lớn (không hợp lý)
—
D- Mười lời khuyên giúp bé Kỷ Luật Tự Giác
1. Trang bị môi trường của bé với trang thiết bị, dụng cụ vừa cỡ với bé. Ví dụ, khi bé muốn rửa những củ cà rốt hay những quả dâu tây, bé sẽ ngồi ở một cái bàn và một cái ghế có cỡ vừa với bé và sử dụng các dụng cụ bếp vừa tay cầm của bé. Chỉ cho bé cách làm thật rõ ràng để thực hiện các thao tác như phủi bụi trên kệ, quét nhà, giặt vớ, lau bàn sau khi ăn xong, xếp quần áo và đặt chúng vào đúng vị trí, dọn bàn ăn và nhiều công việc khác nữa.
2. Hãy cho con bạn học từ chính lỗi lầm của bản thân. Bé sẽ không làm việc vừa nhanh nhẹn vừa hiệu quả giống như bạn được. Trong trường hợp bé đang tập sử dụng một cây lau nhà, có thể sẽ có xà phòng lẫn nước bị văng xuống sàn nhà khi bé hoàn thành công việc. Quá trình thực hiện một công việc quan trọng hơn rất nhiều cho sự phát triển bên trong của bé hơn là mục đích làm sạch sàn nhà.
3. Sử dụng vật dụng trong nhà và các món đồ chơi đúng theo mục đích sử dụng của chúng. Nếu con bạn ném món trò chơi phân loại hình khối, hãy nói rằng “Hãy nhẹ nhàng với đồ chơi của con.” Trẻ nhỏ thỉnh thoảng thể hiện tính khí bất thường, nhưng điều này không có nghĩa là các bé phá phách. Nếu như bé lại tiếp tục ném đồ chơi, hãy hướng sự chú ý của bé đến việc khác: “Chúng ta hãy cùng ra ngoài ném banh.”
4. Khi thích hợp, hãy cho bé những lựa chọn thực tế. Các sự lựa chọn nên thật đơn giản như bánh kẹp đậu phộng bơ hay bánh kẹp phó-mát, hoặc là mua táo xanh hay táo đỏ. Quá nhiều sự lựa chọn sẽ gây cảm giác bị áp đảo, một vài sự lựa chọn mỗi ngày là đủ cho độ tuổi này.
5. Giao tiếp với trẻ một cách tích cực và chân thành. Con bạn sẽ phát triển với những lời phát biểu tích cực và không cần phải nhận nhiều lời khen rỗng. Thay vì nói, “Con đúng là một người giúp việc giỏi”, hãy nói “Cám ơn con đã dọn bàn ăn”. Thay vì ra lệnh “Đi ra khỏi bàn”, bạn nhấc bé khỏi bàn và nói, “Đặt chân xuống sàn nhà.”
6. Khen thưởng là một điều không cần thiết khi con bạn thực hiện những gì bạn muốn bé làm. Đối với trẻ em, phần thưởng là ở ngay chính việc làm của bé. Người lớn có thể cho rằng ‘công việc’ là thứ mà chúng ta phải làm, nhưng đối với trẻ em công việc lại là những trò chơi của các bé.
7. Duy trì những thói quen hằng ngày một cách nhất quán. Trẻ em cần thời gian ngủ đúng giờ, những bữa ăn đều đặn, khoảng thời gian với các thành viên gia đình, và nhiều cơ hội để đốt cháy năng lượng và giải trí ngoài trời. Khi có thể dự đoán trước những hoạt động thường ngày thì bé có thể biết những gì sẽ đến.
8. Đặt ra những giới hạn phù hợp với gia đình bạn, và bảo đảm rằng mỗi thành viên đều áp dụng chúng. Khi bạn thường xuyên nhượng bộ các yêu cầu của con bạn, sẽ khó cho bé hiểu được những gì bạn mong đợi ở bé.
9. Đánh giá mỗi một tình huống trước khi phản ứng lại. Nếu con bạn mất kiểm soát, hãy tự hỏi bản thân rằng bé có đói, mệt, nản chí hay quá khích động hay không. Từng trường hợp riêng sẽ cần một cách phản ứng khác nhau.
10. Biết rằng phạt là hình thức không hiệu quả. Hình phạt có những giá trị giới hạn, vì nó làm cho trẻ tập trung vào những gì không được làm hơn là vào những gì nên làm, và nó thường làm cho vấn đề đơn giản trở nên phức tạp hơn. Trẻ nhỏ có thể thường ghi nhớ những hình phạt, nhưng không thể nối kết được hình phạt với hành vi đã gây ra hình phạt đó.