Khi con cái không nghe lời

(dành cho các cha mẹ có con 0-5 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn)

Sự chấp nhận mới là yêu thương đích thực. Chừng nào còn phủ nhận, còn có các chuẩn mực để buộc con theo, chừng nào còn khó chịu khi con không theo mình, chừng đó cha mẹ còn rất nhiều phải học để biết yêu thương con.

Sự chấp nhận con nằm một phần ở thái độ bên ngoài cha mẹ thể hiện ra, nhưng phần còn lại lớn hơn rất nhiều là sự chuyển hóa cảm xúc và thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến cảm xúc của bản thân cha mẹ.
Ở bên ngoài, thái độ chấp nhận thể hiện qua cách cha mẹ báo trước với con (con ơi, đến giờ rửa đít rồi), cho con thấy mình hiểu cảm xúc của con (con khó chịu quá nhỉ, không thích rửa đít), nhưng vẫn kiên quyết rằng việc cần làm thì phải làm (bế con lên, dù con khóc). Những việc không cấp thiết , cha mẹ nên bỏ qua, lúc khác thử lại. Khi cha mẹ chấp nhận toàn bộ phản ứng của con, thì cha mẹ vượt qua được tình huống, và con cũng sẽ bớt phản ứng. Con vẫn khóc, cha mẹ để con khóc mà không bực bội, chỉ quan sát, quan sát con và quan sát chính mình.

Cơ chế tương tác giữa phản ứng ở cha mẹ và bé là: khi bé làm điều gì trái với ý cha mẹ => cha mẹ thường bực/ phản kháng lại => bé lại càng bực dọc, khó chịu => cha mẹ lại càng bực bội hơn nữa => bực bội gia tăng không kiểm soát.

Vì vậy, cha mẹ có thể xử lý đúng ngay ở bước 2, thay phản kháng bằng không phản kháng, và thế là sự bực dọc của cả bé lẫn cha mẹ sau đó sẽ không xảy ra. Bé cũng sẽ thôi khóc nhanh hơn rất nhiều.
Để có thể không phản kháng trong những trường hợp như thế, cha mẹ phải tập và tập rất, rất nhiều lần. Nếu sự phản kháng ở cha mẹ vẫn còn, chỉ là kiềm chế thể hiện và kiềm chế hành vi, thì ít nhiều bé vẫn cảm nhận được, và không sớm thì muộn, cơn giận và sự phản kháng bị kiềm chế sẽ thể hiện ra bột phát vào lúc nào đó.

Biểu hiện không nghe lời của bé là hoàn toàn bình thường, thậm chí vô cùng lành mạnh. Bởi một lẽ rất đơn giản: bé cũng là một cá thể, với những suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc,… khác với bạn. Luôn luôn ghi nhớ điều này.

* * *

con cái chúng ta hoàn toàn bình thường.

sai lầm chính ở trong nhận thức của chúng ta: ta tưởng ta trưởng thành rồi và quá tự tin vào những kinh nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc mà mình đã tích lâu năm; sau đó, ta nhìn con cái ta, thấy chúng chẳng có sự tích luỹ đó, và bắt đầu coi chúng là đối tượng để ta dạy bảo và sửa chữa.
chừng nào ta còn coi trẻ là đối tượng để ta sửa (mà mục đích chính thực chất là qua đó ta chứng tỏ giá trị bản thân) thì ta còn mê muội vô cùng.

sự mê muội này chính là triệu chứng của bản ngã. bản ngã là cái tôi giả mà đa phần mọi người đều đồng nhất mình với; đối tượng đồng nhất của bản ngã bao gồm cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc, văn hoá, kinh nghiệm, học thức, tôn giáo, nghề nghiệp, giới tính, áo quần, xe cộ và đồ sở hữu,… và cả con cái nữa – đến con cái cũng không phải là ngoại lệ.

chính vì mong muốn sửa con mà ta không thể nhìn thấy và trân trọng con người thật của con cái mình. chính vì mong muốn đó mà ta liên tục phủ nhận con cái, bỏ qua một cơ hội quý giá để ta học yêu thương đích thực.

lý do ta không thể hạnh phúc với con chính là vì ta liên tục chống đối sự thật về con.

cơn mê lớn nhất là cơn mê lúc tỉnh.