Dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ: giáo trình?

Khá nhiều cha mẹ băn khoăn xem họ có cần một giáo trình để có thể dạy con nhỏ tiếng Anh tại nhà hay không. Trong post này, Phương giải đáp các câu hỏi liên quan tới giáo trình và các câu hỏi tương tự.

Trước khi giải đáp, có một lưu ý rất quan trọng về cách dạy cho trẻ trong giai đoạn 0-6 chưa biết chữ: Trẻ học tiếng mẹ đẻ hay bất kỳ ngôn ngữ nào theo cách thức như nhau. Cha mẹ hoặc người trông trẻ tận dụng các tình huống hàng ngày bao gồm khi chăm sóc trẻ, chơi đùa với trẻ, và sinh hoạt cùng trẻ nói chung, để NÓI CHUYỆN với trẻ một cách có ý nghĩa, đúng theo mối quan tâm và sự chú ý của trẻ.

SỰ THẬT 1: TRẺ KHÔNG CẦN GIÁO TRÌNH.

Trẻ nhỏ không cần giáo trình, cũng như chúng ta không cần giáo trình để dạy tiếng Việt cho trẻ.
Giáo trình được sử dụng trên lớp dành cho trẻ nhỏ khi trẻ đã có khả năng tập trung chút ít – tức độ tuổi 3-4. Độ tuổi này là độ tuổi sớm nhất để học trên lớp chung với các trẻ khác do trẻ khi ấy bắt đầu có khả năng kiềm chế hành vi, làm theo các yêu cầu của người lớn, và có mức tập trung nhất định. Tuy vậy, khác biệt giữa từng trẻ là rất lớn. 

Giáo trình được sử dụng trên lớp vì số trẻ quá đông, môi trường học không phải là môi trường lý tưởng để phát triển ngôn ngữ như nhà ở của các bé, nơi có rất nhiều hoạt động đa dạng, nhiều đồ chơi, nơi trẻ cảm thấy an toàn và tự do khám phá theo cách của trẻ. Trên lớp, chẳng có gì ngoài ghế để ngồi và một giáo viên. Lớp học được trang bị thêm bảng, máy tính, flashcard và các đồ chơi như bóng nhựa, thú nhồi bông,… vì mục đích là để mô phỏng những thứ trong cuộc sống mà lớp học không thể có.

Chính vì lớp học không thể như nhà ở, nên nhu cầu giao tiếp tự nhiên không tồn tại. Và vì vậy, người ta thiết kế giáo trình để tạo ra nhu cầu giao tiếp. Nhu cầu đó không thật, nên trẻ rất ít động lực để tham gia. 

Nếu bạn từng là giáo viên tiếng Anh hoặc biết tiếng Anh, bạn sẽ thấy các giáo trình đưa ra nội dung cực kỳ giới hạn. Những người lớn không hiểu trẻ nhỏ thì dễ dàng tin rằng đó là tất cả những gì trẻ có thể học được. Nhưng sự thật là trẻ có thể học được nhiều gấp ngàn lần như thế trong thời gian nhanh hơn nhiều. Lớp học và giáo trình khó đáp ứng được khả năng học của trẻ, chứ không phải là trẻ không có khả năng học. Giáo trình thường cứng nhắc, không liên quan nhiều tới mối quan tâm của trẻ. Do vậy, nếu không hiểu trẻ mà lại càng bám vào giáo trình, thì người lớn càng ức chế do …. không hiểu.

 

SỰ THẬT 2: CHẲNG CÓ LỘ TRÌNH HỌC NGÔN NGỮ NÀO CẢ.

Một số cha mẹ, sau khi hiểu ra ý nghĩa của giáo trình, đưa ra băn khoăn tiếp theo: Vậy ít ra phải có một lộ trình? Ví dụ như các nội dung từ dễ tới khó, các câu giao tiếp hàng ngày để trẻ học theo,ngữ pháp chia theo từng cấp độ,…? Cần thiết chứ nhỉ?

Họ đặt ra câu hỏi này vì bản thân vẫn còn tin rằng chỉ có cách học như ở trường, có bài được chuẩn bị, có mục tiêu,… thì trẻ mới có thể học được. Câu trả lời là: Đó chỉ là những mong muốn về mức độ đảm bảo, và những hình dung không có căn cứ.

Người lớn thường muốn sự đảm bảo. Giáo trình hay lộ trình chính là sự đảm bảo. Tuy vậy, phát triển nhận thức và khả năng học của trẻ không bao giờ có sự đảm bảo đó. Trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, luôn luôn có các mốc phát triển. Tuy vậy, thời điểm nào đạt được mốc nào lại khác biệt tùy từng trẻ, không phải trẻ nào nhanh hơn thì thông minh hơn, mà đơn giản là trẻ là một cá thể duy nhất phát triển theo tốc độ duy nhất với cách thức duy nhất.

Phát triển ngôn ngữ cũng như vậy. Cái đem lại sự đảm bảo không phải là cái chúng ta chuẩn bị cho trẻ, và ấn định mốc thời gian xem bao giờ phải hoàn thành cái gì, mà là CHẤT LƯỢNG của sự tương tác của chúng ta dành cho trẻ. Chất lượng tương tác càng cao, thì người lớn sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để trẻ học hỏi và phát triển. 

Khi dạy trẻ ngôn ngữ, chất lượng tương tác không chỉ là khả năng ngôn ngữ, mà còn là: cách thức chúng ta nói chuyện với trẻ (bắt đầu với câu ngắn gọn, đơn giản, đúng về cái trẻ quan tâm) và cách thức chúng ta quan tâm tới trẻ (quan sát xem trẻ muốn gì, tôn trọng trẻ, nhạy cảm với trẻ, để ý tới mọi biểu hiện, hành vi và cử chỉ ở trẻ) và sự kiên trì điều chỉnh cách dạy để người dạy và trẻ như hai bánh răng cưa quay cùng nhau. Nếu một người lớn chỉ mong ngóng con sẽ nói được tiếng Anh sớm nhưng không học cách tương tác với con, người lớn ấy sẽ sớm nản và bỏ cuộc, kể cả có giỏi tiếng Anh. Những người lớn này thường nói: “Tôi chịu, con tôi không chịu học. Nó có vấn đề. Tôi đã rất cố gắng.”

Không có một mốc thời gian nào để đảm bảo với bạn rằng con bạn sẽ thành thạo ngôn ngữ trong giao tiếp trong vòng bao lâu. Lộ trình không tồn tại. Quan trọng nhất là bạn nói chuyện TỰ NHIÊN theo đúng nhu cầu giao tiếp của con và bạn. Đừng cố nói điều gì đó thêm vào chỉ để mong con sẽ học được, hay vừa nói vừa lo rằng con sẽ chẳng hiểu gì cả. 

Vui vẻ thì khắc đồng hành cùng nhau. Căng thẳng và lo lắng thì sẽ chẳng có đường nào cả. Muốn biết hành trình đòi hỏi gì, bạn phải bắt tay vào dạy con thì mới làm và hiểu. Nếu cứ tìm hiểu, suy nghĩ mãi, kết quả có thể là bạn sẽ không dám bắt đầu, và cũng sẽ không bao giờ hiểu thực/hư những lời đồn đại về dạy con song ngữ tại nhà. 

SỰ THẬT 3: CHA MẸ PHẢI HỌC LÀ CHÍNH, TRẺ CON KHÔNG CÓ GÌ PHẢI HỌC

Hãy quan sát cách con bạn học tiếng Việt. Đứa trẻ học ngôn ngữ chẳng có gì vất vả; trái lại, dễ như bọt thấm nước – nhưng phải là học qua tương tác trong hoàn cảnh tự nhiên, chứ không thấm i-Pad hay các chương trình trên màn hình. Trẻ học ngôn ngữ nào trong giai đoạn này cũng vậy.
Những người lớn không hiểu thì cho rằng dạy trẻ như vậy quả là “nhồi nhét”, “gây áp lực”. Không có ngồi học, không có giáo trình, không có lộ trình, không có mục tiêu, chỉ toàn là chơi và được quan tâm – tôi không rõ áp lực nào? Khi cho con học tiếng Việt, bạn có lo con bị áp lực không? Vậy thì học ngoại ngữ cũng như vậy đấy. Nếu lo con bị áp lực, tốt nhất hãy chờ đến khi con 6 tuổi hẵng dạy tiếng Việt chăng?

Cách dùng ngôn ngữ của bạn ra sao và trình độ ngôn ngữ của bạn như thế nào, trong quá trình tương tác với con, tất cả đều sẽ trở thành khả năng của đứa trẻ (dĩ nhiên với điều kiện tương tác có chất lượng và thời lượng 1 giờ mỗi ngày trở lên).

Vì vậy, cái mà cha mẹ cần chuẩn bị không phải là cho trẻ, mà là cho chính mình. 

Lời khuyên dành cho các cha mẹ khi trau dồi vốn tiếng Anh: không cần phải học qua giáo trình (cứng nhắc, giới hạn – cũng như cho trẻ nhỏ). Hãy học theo cách mà bạn thấy vui và hợp với bạn. Vì vậy, đừng hỏi mọi người xem cách nào là đúng. Chỉ có cách đúng với người này, sai với người khác. Cách mà tôi thích nhất là xem phim với phụ đề tiếng Anh và đọc chính các sách bản ngữ mà tôi mua về cho các con. Trong quá trình đọc sách cùng con, tôi đã học được thêm vô cùng nhiều từ vựng cũng như các cách diễn đạt. Tôi cũng đã phải tự tra lại các cách dùng ngữ pháp (nên có một cuốn ngữ pháp – ví dụ như Grammar in Use theo từng trình độ – nếu bạn không có khả năng tự tra bằng tiếng Anh trên mạng), ý nghĩa của từ, cách phát âm các từ, cũng như phải tra thêm nhiều từ mới – tất cả đều được quyết định bởi nhu cầu giao tiếp tự nhiên, chứ không phải vì một cuốn sách nào nói rằng những thứ đó là cần thiết.

Sự trau dồi và điều chỉnh ở chính bạn sẽ diễn ra liên tục trong suốt quá trình dạy trẻ, chứ không có điểm dừng.

Khi con hỏi bạn một điều gì đó mà bạn không biết, hãy nói thành thật rằng bạn không biết nhưng sẽ đi tìm câu trả lời. Hãy làm vậy, và trả lời con vào lúc khác. Trẻ con thích những người lớn thành thực và biết giữ lời. Điều đó cho trẻ thấy bạn quan tâm tới trẻ. “Mẹ không biết, để mẹ xem rồi bảo lại với con” là một câu cần thiết mà tất cả các cha mẹ đều cần phải học.