mình rất phấn khởi sau khi vô tình tìm thấy bộ flash card từ đơn dạy bé đọc sớm trong hiệu sách và đã mua ngay 2 bộ tiếng Anh và tiếng Việt cho bé Bư lúc đó 31 tháng.
thông tin về bộ Flashcard
tên đầy đủ của sản phẩm này là: Dạy trẻ biết đọc sớm – Flashcard tiếng Anh (hoặc tiếng Việt), trên hộp có ghi “Giáo dục sớm: thẻ thông minh chuẩn theo phương pháp giáo dục của Glenn Doman”, “dành cho trẻ từ 3 tháng – 6 tuổi” của nhà xuất bản Dân Trí. một hộp giá 259,000 đồng.
mỗi thẻ hình chữ nhật, kích thước khá to (14 x 41 cm), bên trong có một thẻ ghi hướng dẫn về mặt phương pháp kèm theo khoảng 100 thẻ. trên mỗi thẻ từ đơn (là bộ mình mua), độ dài của các chữ cái khoảng bằng ngon tay cái đối với các chữ thấp (c, r, i, e,…) và bằng ngón tay trỏ đối với các chữ dài hơn (l, p, d,…). mỗi thẻ có nền trắng, với chữ màu xanh nước biển (bộ Tiếng Anh) hoặc đen (bộ TV).
theo như tờ hướng dẫn, các bước học đọc theo phương pháp này bắt đầu từ các thẻ với (1) từ đơn, sau đó đến (2) từ ghép, (3) các cụm từ, và cuối cùng (4) là câu hoàn chỉnh.
bộ từ đơn tiếng Anh bao gồm từ theo chủ đề (mỗi chủ đề khoảng 10 từ): các ngày trong tuần, các bộ phận cơ thể, màu sắc, thức ăn, số từ 0 – 10, hoa quả và các thành viên trong gia đình.
vào thời điểm hiện nay khi đang viết review này, mình đã đánh mất tờ hướng dẫn phương pháp, nhưng có tìm được link tham khảo: //glenndomanvietnam.net/kinh-nghiem-day-tre-biet-doc-som-theo-phuong-phap-glenn-doman/
theo link ở trên, cách học là:
+ mỗi ngày 5 chủ đề, mỗi chủ đề 5 thẻ.
+ mỗi thẻ tráo 1 giây, chỉ tráo hết 1 lượt 25 thẻ, không tráo lại.
+ 1 ngày dạy trẻ 3 lần.
+ ngày tiếp theo, mỗi chủ đề bỏ 1 thẻ cũ, thêm 1 thẻ mới.
kết quả thử bộ flashcard với bé Bư
bản thân mình chưa tìm hiểu cụ thể các nguồn nước ngoài xem cụ thể Glenn Doman dạy gì, và có khác gì so với các hướng dẫn ở Việt Nam hay không.
tuy nhiên, sau khi thử với bé trong khoảng 2 tuần thì bé nhà mình tỏ ra không hề hứng thú. bé chỉ đọc theo một vài thẻ, và không quan tâm nữa (có thể do mình đã áp dụng sai là kéo dài thời gian dạy đọc quá, hoặc một lý do nào khác). thay vào đó, bé nhà mình ngồi chơi với … cái hộp và chỉ thích thú bỏ các thẻ ra rồi lại xếp lại vào hộp.
thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với bé: giấy xốp, bút dạ và băng dính.
kết quả như bạn có thể thấy qua ảnh, mình đã mua một loại giấy xốp nhiều màu bán ngoài văn phòng phẩm với giá khá rẻ, một vài cái bút marker màu đen và băng dính 2 mặt, cắt ra thành các thẻ nhỏ, cho bé chơi, rồi dán lên tủ lạnh, tủ quần áo hoặc cửa ra vào các phòng.
thay vì viết các từ bé chưa biết hoặc không hứng thứ (Monday, Tuesday, yellow, nephew, aunt, chops,…), mình chọn viết các từ mà bé đã biết và thích. ví dụ như bé rất thích hoạt hình Peppa pig, có thể lựa chọn các từ bé đã đọc trong truyện hoặc xem trong hoạt hình. hoặc tên bé, ông bà, bố mẹ,…
theo mình, dạy bé đọc các từ cứng nhắc theo chủ đề mà người lớn chọn lựa, trong đó bao gồm các từ bé chưa biết hoặc không thích thì không thể nào gây hứng thú cho bé được.
hiện giờ, bé Bư sắp tròn 34 tháng có thể nhận diện các từ như:
tiếng Việt: Bư, đi, xe máy, xe đạp, ông bà, bố mẹ, canh cá, thích, yêu, bập bênh, phở, hói, phệ, ếch, vali, ăn, cà phê, có, mèo, lợn.
tiếng Anh: awesome, silly, funny, is, daddy, mommy, baby, like, love, sugar, dinosaur, peppa pig, George, tea, star, set, I, you, love, don’t, no, yes, supermarket, sail, and, mirror, TV.
trước khi viết thẻ, cũng có lúc mình hỏi bé xem bé muốn viết từ gì thì mẹ con mình sẽ viết từ đó.
thêm vào đó, cho bé tham gia vào quá trình dán từ lên tủ hoặc cửa và yêu cầu bé tự chọn từ càng khiến bé hăng hái hơn.
khi bé cho thấy đã thuộc một số từ nhất định, bạn có thể bỏ dần các từ đó, và viết thêm từ mới.
có lúc bé ngồi một mình và tự chơi với các thẻ từ mẹ đã viết cho.
cho bé học từ liên quan đến đồ vật, bạn có thể dán luôn thẻ từ lên các đồ vật đề giúp bé nhớ mặt chữ dễ dàng hơn.
cách thức này rất có hiệu quả với nhà mìn kể từ lần đầu thử cho tới nay.
kết luận
các nhà khác có thể có kết quả hơn với bộ flashcard này.
tuy nhiên, ý kiến cá nhân của mình vẫn là: bộ flashcard này được thiết kế để bán và hấp dẫn phụ huynh, còn tác dụng khó có thể được như mong muốn của các bố mẹ. nếu làm theo cách “tự chế” thẻ từ, kết quả chắc chắn cao hơn – bạn có thể viết bất kì từ nào bé thích, viết lên thẻ đủ các loại màu sắc bắt mắt, cho bé tham gia vào quá trình cắt, dán, chọn lựa từ.
khi áp dụng một “phương pháp” nào đó mà không có tác dụng, bố mẹ dễ cho rằng đó là lỗi của mình hoặc lỗi của bé. tuy nhiên, nếu để ý hơn và có tìm hiểu hơn, bạn sẽ hiểu ra rằng mỗi trẻ một khác, mỗi bố mẹ một khác, và sự tương tác giữa bạn và con bạn là duy nhất. có thể có một phương pháp chung, nhưng cách thức tiếp cận cần phải được điều chỉnh và linh hoạt, và chỉ có bạn là bố mẹ mới có thể làm được điều đó.