Dạy con nhỏ chia sẻ

Nhiều cha mẹ nói rằng con họ không biết chia sẻ, mặc dù họ đã ra sức nhắc nhở con.

Trước khi có mong đợi dành cho trẻ, cha mẹ cần phải hiểu trẻ thì mới có thể có mong đợi hợp lý và điều chỉnh cách dạy. Các đặc điểm của trẻ dưới 5 là: khả năng kiềm chế thấp, khả năng nhận thức và tư duy hạn chế, đang phát triển dần khả năng đồng cảm nhưng gặp khó khăn trong việc phải đặt mình vào địa vị của người khác, khả năng ngôn ngữ đang phát triển dần nhưng còn hạn chế, cần học qua tình huống cụ thể với nhiều lần lặp lại để tập và rèn luyện kỹ năng.

Khả năng chia sẻ, do đó, không đơn giản phụ thuộc vào việc cha mẹ hướng dẫn hay không, mà là hướng dẫn như thế nào, không chỉ riêng về cách chia sẻ, mà còn liên quan đến các kỹ năng khác như nhận diện và mô tả lại cảm xúc, xử lý cảm xúc tiêu cực, ngôn ngữ,.. Tất cả đều phát triển tốt nhất khi trẻ được hướng dẫn trong môi trường yêu thương, song còn phụ thuộc vào khả năng của trẻ ở từng thời kỳ. Không có gì có thể đẩy cho não của trẻ phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển đã được định sẵn.

Bạn nên hướng dẫn con bạn chia sẻ khi con xấp xỉ 2-3 tuổi trở lên. Đừng bắt một đứa trẻ 1 tuổi chia sẻ vì điều đó hoàn toàn vô nghĩa với nó.

Mỗi một cơ hội trẻ tranh giành là một cơ hội để trẻ học. Không bao giờ mắng trẻ là hư hay ích kỷ, và không bao giờ bắt con chia sẻ khi con chưa sẵn sàng.

Tôi để ý thấy một số cha mẹ bắt ép con phải nhường đồ cho trẻ khác ngay khi trẻ đó đòi. Khi ta làm vậy, ta truyền thông điệp rằng:

– Con có quyền giật thứ khác của người khác, ngay cả khi không được phép.
– Không có thứ gì của con thực sự là của con. Khi trẻ khác đòi, con hãy sẵn sàng đưa ngay lập tức.
– Cách tốt nhất để có được thứ gì đó là đòi và khóc.

Bắt ép trẻ chia sẻ chẳng có ích gì cả, thậm chí còn khuyến khích trẻ tranh giành nhau theo cách không lành mạnh, lúc nào cũng cần phải có người lớn sử dụng quyền lực để giải quyết mâu thuẫn. Thông thường, những đứa lớn không thể nào hết ghen tị với em chính bởi vì cha mẹ và người thân luôn ưu ái đứa nhỏ, vì cho rằng đó là công bằng. Đó không phải là công bằng. Công bằng là khi đứa nhỏ và đứa lớn được đối xử theo các nguyên tắc như nhau, bất kể độ tuổi.

Tôi đã đọc về nguyên tắc chia sẻ trong cuốn It’s OK not to share của Heather Shumaker, mà mãi gần đây khi đứa con thứ 2 hơn 1,5 tuổi tôi mới có dịp để áp dụng và chứng kiến sự hiệu quả củav việc áp dung các nguyên tắc đó. Các nguyên tắc chia sẻ đó là gì?

1) Đồ chơi chung nào mà ai động vào trước và chơi trước thì nó thuộc về trẻ đó. (Nếu là đồ của con thì con có quyền giữ, không cho ai chơi cả.)

2) Nếu có trẻ khác muốn chơi, trẻ đó nên hỏi lịch sự để xin phép. Nếu không được phép, nó nên chờ tới lúc đứa trẻ kia chơi xong, bất kể là bao lâu.

3) tất cả mọi trẻ đều phải chờ tới lượt.

4) Trẻ nào khóc sẽ cần được người lớn giúp đỡ về mặt cảm xúc: dạy nó ý thức về cảm xúc, mô tả cảm xúc, vỗ về nó, giải thích lại nguyên tắc và giữ vững nguyên tắc chờ-tới-lượt.

5) Những trẻ nào được giữ tiếp đồ chơi nên được người lớn hướng dẫn để để ý tới cảm xúc của những đứa trẻ đang phải chờ hoặc khóc lóc. Tuyệt đối không gây sức ép bắt chúng chia sẻ.

6) Khi bọn trẻ đã quen với sự hướng dẫn, chúng sẽ học cách tự giải quyết mà không cần người lớn tham gia.

Một số gia đình có 2 con trở lên tìm cách đảm bảo bọn trẻ sẽ không phải tranh giành bằng cách mua đầy đủ đồ chơi – mỗi đứa có một cái giống nhau để tránh tranh giành. Cách này nghe có vẻ hay, song nó vô tình giảm cơ hội mâu thuẫn để qua đó trẻ học cách giải quyết mâu thuẫn và chia sẻ.

Khi bạn để cho bọn trẻ được chơi đồ thoải mái trước khi chia sẻ, mong muốn chiếm hữu đồ của chúng sẽ giảm. Áp dụng kiên trì, bọn trẻ sẽ biết chia sẻ và đồng cảm với người khác nhanh hơn là những trẻ bị ép buộc phải chia sẻ. Những trẻ bị ép buộc sẽ tích luỹ dần cảm xúc tiêu cực với việc chia sẻ, và càng trở nên ích kỷ hơn – do đã bị hướng dẫn sai cách.