Các bước cơ bản khi bắt đầu tập cho con ăn dặm tự chỉ huy mẹ nên nhớ

Ăn dặm tự chỉ huy không những giúp con ăn ngon miệng mà còn là cách để bé học được nhiều kỹ năng ngay từ khi còn nhỏ.

Ăn dặm tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) đúng theo tên gọi của nó là hình thức để bé tự lựa chọn, tự thực hiện việc đưa thức ăn vào bên trong miệng của mình, thực hành các kỹ năng nhai và nuốt mà không cần sự hỗ trợ từ mẹ.

Một số mẹ Việt cho rằng, đối với một đứa trẻ mới 6-7 tháng tuổi, điều này là khá nguy hiểm vì rất có thể thực phẩm sẽ làm hại đến đường họng, đường thở của bé nên còn ngần ngại khi lựa chọn phương pháp này trong giai đoạn ăn dặm của con.

Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn không phải thế, thực tế rất nhiều bà mẹ đã vượt qua thử thách cho con ăn dặm tự chỉ huy một cách thành công mà không hề có tai nạn nào xảy ra.

Vì sao nên cho con ăn dặm tự chỉ huy?

Theo Clancy Cash Harrison, tác giả của Feeding Baby, chỉ ra thì ăn dặm tự chỉ huy ở trẻ sơ sinh là cách để trẻ tự hình thành nhiều kỹ năng cho mình.

“Việc cai sữa ở trẻ sơ sinh chuyển sang giai đoạn ăn dặm hỗ trợ sự phát triển phối hợp bằng tay, kỹ năng nhai, khéo léo và thói quen ăn uống lành mạnh. Nó cũng cung cấp cho trẻ sơ sinh một cơ hội để khám phá hương vị, kết cấu, hương thơm và màu sắc của nhiều loại thực phẩm. Và điều quan trọng là giúp trẻ học cách tự điều chỉnh: ngừng ăn uống khi cảm thấy đủ no”, Clancy Cash Harrison nói.

Điều này có nghĩa rằng, kết thúc quá trình bị “áp đặt” bú sữa trong 6 tháng đầu, kể từ tháng thứ 6 trở đi, bé bước sang giai đoạn học kỹ năng làm chủ bản thân. Và các kỹ năng này sẽ học được từ việc ăn uống.

Nếu giai đoạn ăn dặm này mẹ tiếp tục hỗ trợ, đút ăn cho con thì bé không có cơ hội được học các kỹ năng như trên. Đó là một sự thiếu hụt đáng tiếc.

Đồng quan điểm, Natalia Stasenko, nhà dinh dưỡng trẻ nhỏ và đồng tác giả cuốn Real Baby Food cũng cho biết: “Việc cha mẹ dùng thìa để xúc cho con ăn có thể dẫn đến tình trạng bé đã no nhưng vẫn bị ép ăn. Bé sẽ mất dần khả năng tự điều chỉnh nhu cầu và lượng thức ăn của mình.
Ngược lại ăn dặm tự chỉ huy sẽ giúp con biết ngừng khi nào nào cần và độc lập với bản thân mình hơn”.
Thực phẩm cho con ăn dặm phải chế biến chín, mềm để tránh trường hợp bé bị hóc, nghẹn. Ảnh minh họa

Các bước cơ bản khi mẹ bắt đầu cho con ăn dặm tự chỉ huy
Tuy nhiên, đối với phương pháp nào cũng vậy, phải cần một quá trình để thực hiện và dạy dỗ cho con chứ không phải cai sữa là bé thực hiện được luôn.

Vậy, khi lựa chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy mẹ cần làm những gì để thành công?

Thời điểm bắt đầu: Khi mà con bạn có thể ngồi được trên một chiếc ghế mà không cần sự hỗ trợ từ mẹ (đương nhiên là ghế có bảo vệ vòng tròn xung quanh) và có thể dùng tay cầm thức ăn, cử động lên xuống cho vào miệng.

“Hầu hết trẻ khỏe mạnh trên 6 tháng tuổi đều tự hình thành được kỹ năng này. Tuy nhiên, đối với tùy từng bé kỹ năng nhai có thể được hình thành sớm hay muộn, tốt nhất vẫn là khi được 9 tháng. Quá trình cai sữa do trẻ sơ sinh sẽ giúp phát triển kỹ năng nhai”, Clancy Cash Harrison nói.

Dụng cụ thực hiện: Một chiếc ghế có bàn ăn và thanh chắn bảo vệ là dụng cụ mẹ cần chuẩn bị. Hãy đặt con ngồi vào trong đó và để bé tự nhiên thoải mái ăn uống mà không có sự giám sát của mẹ. Tuy nhiên, luôn để mắt đến con là điều cần thiết để phòng tránh những sự cố ngoài ý muốn.

Bữa ăn đầu tiên: Bắt đầu bằng những thực phẩm mềm: Trái cây chín, lòng đỏ trứng nấu chín, cá luộc chín mềm gỡ xương, rau cải. Đây là những lựa chọn tốt nhất mà các chuyên gia dinh dưỡng trẻ nhỏ khuyên mẹ nên áp dụng.

Hình dạng đồ ăn:
 Vì bé thực hiện kỹ năng ăn dặm tự chỉ huy bằng tay nên mẹ hãy chuẩn bị thức ăn cho con là những miếng dài, mảnh mỏng, cắt khúc để bé dễ dàng cầm nắm và kiểm soát được.

Ngoài ra, thức ăn phải được nấu chín mềm, loại bỏ những phần xương cứng có thể gây hại cho bé.

Thực phẩm đảm bảo về mặt dinh dưỡng: Hãy chắc chắn rằng có những thực phẩm có lượng calo cao và những thực phẩm chứa nhiều chất sắt, kẽm, protein và chất béo lành mạnh.

Yếm ăn: Ăn dặm tự chỉ huy không thể tránh khỏi việc bé làm rơi vương vãi thực phẩm vào cổ, quần áo, thậm chí là ra cả sàn nhà. Hãy đeo cho con một chiếc yếm ăn để tránh thức ăn làm bẩn quần áo.

Cho con ăn cùng với bữa cơm gia đình: Cho phép con ăn ở bàn trong bữa ăn gia đình. Thậm chí là các món ăn giống với mọi người để bé hiểu rằng việc ăn uống là độc lập, riêng tư của mỗi người và ai cũng có sự lựa chọn nguồn thực phẩm như nhau.

Tuyệt đối tránh
– Lúc con mệt mỏi, ốm đau, việc ăn dặm tự chỉ huy sẽ không có hiệu quả.

– Chế biến quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một thời gian ngắn. Một loại thức ăn mới nên được cho bé thử và ăn lại sau 4 ngày để theo dõi các phản ứng dị ứng với thức ăn có thể xảy ra ở trẻ.
– Biết khi nào là điểm dừng: Sau khoảng 10 đến 15 phút ăn hoặc khi con không còn tập trung vào ăn uống, sự thu hút được hướng sang một phía khác có nghĩa là con đã ăn đủ no và mẹ không nên gượng ép.

– Giúp con tránh xa một số mối nguy hiểm như nghẹt thở bởi thực phẩm quá cứng, quá khô, quá nóng… bằng cách chế biến thật kỹ.

– Thật thoải mái trong lúc con ăn, đừng mắng hay la hét khi bé làm rơi vãi thức ăn vì càng gây áp lực bé lại càng chống đối việc ăn uống.