8 điểm là không được lên lớp phải không mẹ? Con nằm mơ mình 8 điểm’


Trước kỳ thi học kỳ 2 năm lớp 1, con gái tôi hỏi: ‘8 điểm là không được lên lớp 2 phải không mẹ? Bữa giờ con lo quá, con mơ thấy mình có 8 điểm, phải ở lại lớp’, con gái tôi thủ thỉ.

Trước kỳ thi học kỳ 2 năm lớp 1, con gái tôi hỏi: “8 điểm là không được lên lớp 2 phải không mẹ?”. Con băn khoăn: “Các bạn con nói vậy, mẹ các bạn cũng nói vậy. Cô con thì nói cả lớp mình cố gắng để ai cũng được điểm 9 và 10 để cả lớp là học sinh giỏi”.
Đó là chuyện từ 9 năm trước và giờ… vẫn vậy.
Điểm 8 và nỗi lo “bị đúp”
Cháu tôi, vừa xong lớp 1 với 2 điểm 10 môn toán và tiếng Việt, khoe: “Vậy là con được lên lớp 2. Bữa giờ con lo lắng lắm, tối ngủ mơ thấy con có 8 điểm và phải ở lại lớp 1”.
Lớp 1 của con tôi năm ấy có 35/35 học sinh giỏi. Lớp 1 của cháu tôi bây giờ 44/45 học sinh đạt danh hiệu xuất sắc. Từ cách đánh giá xếp loại học sinh tiểu học cũ đến thông tư 30/2014, thông tư 22/2016, phần đông con cái chúng ta từ giỏi thành xuất sắc với toàn điểm 9, 10…
Chuyện này từ lâu đã được coi như bình thường. Đến mức học sinh nào lỡ “bị”… 8 điểm (hoặc thấp hơn) thì tủi thân, cả cha mẹ cũng thấy thua thiệt, bức xúc.
Một lần gặp nhau, ông bố có con cùng học lớp 1 với con tôi bực bội: “Hồi chưa thi học kỳ, cô chủ nhiệm nói riêng với tôi sang năm nên cho con bé chuyển lớp khác vì lớp này các bạn đều giỏi, bé hơi chậm hơn, học cùng thì tội nghiệp… Rồi thì sao? Con tôi được 2 con 10 đó, cô nói chậm là chậm kiểu sao! Tôi đóng tiền cho nó học thêm với cô cả năm mà sao cô nói kỳ vậy?”.
“Con bé” ấy điểm thấp dần và rời trường tiểu học với điểm 5. Cô giáo lớp 1 đã nói rất chân thành với học sinh, nhưng phụ huynh đã không chấp nhận lời cô.
Bao lần tôi tự hỏi: vì sao một học sinh được đánh giá là “chậm hơn” có thể có 2 điểm 10 và ở đâu ra, bằng cách nào để có cả rừng điểm 9, 10 vậy? Và tôi trả lời cho riêng tôi: hẳn nhiên đó là kết quả của trẻ, nhưng nhiều khi đó là điểm của thầy cô và của cả cha mẹ bằng mọi cách phải đạt được.
Có bao nhiêu thầy cô dũng cảm?
Không phải tất cả, nhưng có không ít thầy cô giáo tiểu học luôn phấn đấu vì mục tiêu 90-100% học sinh lớp mình phải đạt danh hiệu cao nhất. Tỉ lệ ấy có thể từ nhà trường, từ danh dự của mỗi giáo viên và cũng từ chính đòi hỏi của phụ huynh. Thầy cô đã làm mọi cách (kể cả ở lớp dạy thêm) để những học sinh “chậm hơn” cũng có thể đạt 9-10 điểm trong kỳ thi cuối năm – thường không quá khó.
Rất ít học sinh điểm trung bình, điểm 7, 8 cũng không nhiều. Nhiều trường THCS ra điều kiện tuyển đầu vào lớp 6 với điểm tuyệt đối (20 điểm/2 môn toán, tiếng Việt) nhưng vẫn thừa nguồn tuyển. Hệ lụy là gì?
Tôi tin rằng thầy cô THCS hiểu rất rõ học lực của số đông học sinh giỏi tiểu học, cũng như thầy cô trường THPT nhiều nơi vất vả như thế nào với những học sinh mất căn bản từ lớp dưới. Ai cũng biết học sinh mỗi em mỗi khác, có giỏi, có khá, phải có trung bình. Có học sinh điểm 9, 10 thì cũng sẽ có em điểm 8, điểm 5.
Cháu tôi học lớp 1 ở quê, nơi học sinh tiểu học phải qua đò đến lớp, nhiều trẻ chưa được học mẫu giáo. Vào học kỳ 2, cô giáo ngại ngần bày tỏ: thằng bé nhút nhát quá, tính tình lại không tập trung, nếu được, nhờ phụ huynh chở trẻ đến nhà để cô kèm riêng và xin không nhận học phí. Cô ngại rằng trẻ sẽ không đủ sức lên lớp…
Trước ngày thi học kỳ 2, cô thật lòng nói: mong gia đình không buồn nếu bé ở lại lớp và chính cô sẽ nhận học sinh này năm sau. Và cô đã dạy trò đọc thông viết thạo, làm toán đúng lên lớp 2 với danh hiệu xuất sắc. Đáng mừng hơn là đứa trẻ trở nên tự tin, lanh lợi…
Tôi cho rằng đó là một cô giáo dũng cảm. Học sinh ở lại lớp, cô có buồn không? Có thể cô mất thành tích. Nhưng quan trọng hơn cả là đứa trẻ phải được đánh giá đúng thực lực, tiến bộ bằng chính sức lực của mình và tiến bộ toàn diện, không chỉ là điểm số các bài thi.
Trẻ cần được khen hơn bị phê. Nhưng khen không chỉ bằng mọi cách để có điểm 9, 10 và danh hiệu xuất sắc! Tiên tiến cũng là một danh hiệu, cũng là lời khen đủ để hãnh diện. Còn không, chỉ cần được đánh giá có tiến bộ, có cố gắng hay chăm ngoan cũng là đánh giá tốt, rất có giá trị.
Đâu chỉ có điểm số…
Việc đánh giá, công nhận danh hiệu tiểu học, theo quy định hiện chủ yếu vẫn dựa vào điểm thi học kỳ 2. Dồn cả vào một buổi thi, trẻ có thể đau răng hoặc bất cẩn cũng có thể mất vài điểm, mất danh hiệu. Ngược lại, người lớn cũng có không ít cách để trẻ đạt điểm cao nhất. Điểm chỉ gắn với danh hiệu, chưa chắc gắn với thực lực và kiến thức trẻ đã có.
Không chỉ trẻ ngộ nhận về học lực của mình, người lớn cũng khó đánh giá đúng về trẻ nếu chỉ nhìn vào điểm số và danh hiệu cuối năm. Người ta đang dần quên một điều: đánh giá một học trò ở trường, một đứa con trong nhà đâu chỉ có điểm số mà còn là sự phát triển thể lực, rèn luyện sự tự giác, tự tin, tự lực, tự nhận thức để trưởng thành.