Với loài chim này mình đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp của thời đi học phổ thông… – Cái thời khốn khó đến nỗi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm cũng không ra được một cuốn sách tử tế viết về chim… Cái thời mà để được phép mua một cái lồng sắt xấu xí làm từ thép thừa xây dựng và một cặp chim: đã phải mất vài tháng trời ‘thuyết phục’ mẹ và kì nèo bố…, vì đắt và chưa đủ ‘sung sướng vật chất’ để gia đình cho phép mình nghĩ đến chuyện … nuôi chim kiểng!
Thế rồi mình cũng đã thỏa ước mơ: sở hữu 1, rồi 2 cặp chim. Và sau đó chúng đẻ, phát triển dần, đến khi mình có hàng chục chú chim xinh xắn đó, với đủ màu sắc đẹp đẽ…
Có lẽ đó cũng là cái duyên buổi ban đầu – để gắn mình với niềm vui được nuôi những loài chim sinh sản trong lồng, mỗi lúc mỗi đòi hỏi điều kiện và kiến thức nuôi ngày một khó….
Bài viết dưới mình viết cho ABV cách đây cả … 7 năm trước, hôm nay đọc vẫn thấy không quá tồi!
——————
Hẳn có người sẽ nói với tôi: “Ồ, tưởng gì! Chúng được bán đầy rẫy ngoài chợ kia kìa, hàng chim nào mà chẳng có!”.
Vâng, thì chúng dễ nuôi, lại rẻ tiền, thời giá bây giờ vẫn đứng khoảng 15 ngàn/chú; nhưng bạn có biết rằng chúng là loài chim cảnh được nhiều người nuôi nhất thế giới ? Bạn có biết rằng từ một màu xanh lá cây hoang dã ngoài thiên nhiên, hiện nay người ta đã công nhận trên 50 màu sắc khác nhau của yến phụng? Bạn có biết rằng, đã một thời chúng là cứu cánh của biết bao gia đình người chơi chim?…
Chim yến phụng là loại chim thuộc bộ Vẹt, xuất xứ từ Úc châu, tên khoa học là Melopsittacus undulatus, được xếp vào nhóm vẹt nhỏ đuôi dài. Khá nhiều sách về chim cảnh xuất bản tại Việt Nam khẳng định rằng yến phụng hoang dã có màu vàng ươm (vàng chanh), sau nhiều năm nghiên cứu lai tạo mới có màu xanh lá cây, xanh dương, màu tím, màu trắng… như hiện nay.
Đây quả thực là một sai lầm nghiêm trọng! Trên thực tế, ngoài thiên nhiên yến phụng là loài chim nhỏ không có khả năng chiến đấu tự vệ, cách duy nhất bảo vệ chúng khỏi sự truy đuổi của các loài chim săn mồi khác là tốc độ bay nhanh và khả năng ngụy trang cho giống với môi trường xung quanh, cụ thể là bộ lông của chúng phải có màu xanh lá cây viền nâu đen để dễ dàng lẩn vào các tán lá. Những cá thể màu vàng đôi khi cũng xuất hiện ngoài thiên nhiên, là một sự đột biến gen sắc tố, nhưng chúng nhanh chóng bị tiêu diệt vì bộ lông sặc sỡ quá lộ liễu so với đồng loại.
Một trong những điểm thu hút của yến phụng khiến nhiều người chọn nuôi chúng là tính tình dịu dàng và khả năng làm quen đến mức thân mật và tin tưởng tuyệt đối của chúng với các thành viên trong gia đình. Việc chăm sóc một chú chim nhỏ chắc chắn không đòi hỏi nhiều thời gian công sức, hơn nữa chỉ trong thời gian ngắn ngủi, loài chim đáng yêu này sẽ chinh phục được cảm tình không những của con người, mà cả đến những con vật nuôi khác trong nhà: chúng quá dễ thương, quá ngây thơ mà vẫn láu lỉnh nhanh nhẹn, vẫn tò mò dạn dĩ đúng như bản chất họ nhà vẹt. Có một chú chim yến phụng nuôi thả tự do trong nhà, bạn nhớ hãy cẩn thận với những trang sách bìa cứng, với những chậu cây xanh… nhất định sẽ có ngày chú chim nhà ta mon men đến gặm thử đấy!
Như nhiều loài vẹt khác, mỏ yến phụng khoằm, sắc nhọn, rất thích hợp với việc nhằn gặm các loại hạt ngũ cốc, hạt cỏ… như kê, lúa, lúa mì, hạt hướng dương. hạt yến mạch… Chúng thích ăn rau quả: xà lách, rau cải, rau muống, bắp cải, táo ngọt… thậm chí cả một lát cam vàng cũng đủ cho chú vẹt nhỏ của bạn vui tươi. Yến phụng rất thích tắm, và vì vậy, bạn hãy tạo điều kiện cho chú được tắm hàng ngày. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh một chú chim đứng trên bồn nước nghiêng ngó, vục mỏ vào hất một chút nước lên lưng… Bạn sẽ mỉm cười khi chú ta rón rén chàm chạm ngón chân nhỏ xinh xuống nước, rồi bất ngờ nhảy tùm xuống, xù lông, nằm bẹt, đôi cánh xoãi ra đập mạnh bắn nước tung tóe ra ngoài… Tắm xong, yến phụng thường chọn nơi có ánh nắng chan hòa mà sưỏi ấm, đôi mắt lim dim khoái trá như chàng trai chuẩn bị áo xống hò hẹn người yêu. Bộ lông được sưởi khô sẽ mượt mà sáng bóng, óng ánh sắc màu… và đẹp, và sinh động, và sặc sỡ như một đóa hoa xinh xắn… Đã một thời việc kinh doanh yến phụng đẻ mang lại nguồn thu không nhỏ cho những người nuôi chim. Yến phụng đến Việt Nam vào khoảng những năm 30-50 của thế kỉ trước, và chúng nhanh chóng trở thành loại chim cảnh đắt giá khi mà nghề chơi ở Việt Nam khi ấy chỉ mới khoanh vùng trong thú chơi chim hót-chim rừng và bồ câu thịt. Người Hoa kiều-Chợ Lớn Sài gòn gần như độc quyền trong việc kinh doanh loại chim này, vì họ nắm được bí quyết phân biệt chim trống mái để lựa chọn và cho bắt cặp khi sinh sản.Thật ra phân biệt yến phụng trống-mái rất đơn giản, ta chỉ cần nhìn vào mũi chim: ở chim non, mũi con trống có màu hồng tươi, còn mũi chim mái thì trắng đục như lòng trắng trứng luộc. Khi chim đã trưởng thành, ở những con trống sẫm màu (xanh lá cây, xanh dương, tím, nâu, xám…) mũi chúng chuyển sang xanh dương sẫm, còn ở những con trống màu nhạt (vàng tinh, trắng tinh, vàng bông, trắng bông-vàng, trắng pha đốm xanh, xám, tím… ) thì mũi chúng vẫn giữ màu hồng tươi như khi còn nhỏ. Chim mái trưởng thành thì mũi có màu trắng bẩn ngả nâu, màu lông nào cũng vậy. So với nhiều loài chim bộ Vẹt, yến phụng là loài chim tương đối dễ ghép cặp. Trải qua nhiều thế hệ lai tạo và nuôi nhốt, ngày nay người ta có thể dễ dàng lựa chọn bất kì màu sắc nào để ghép với nhau và cho sinh sản. Nhưng có thể nhận thấy rằng những màu sắc nguyên thủy sẽ dễ dàng bắt cặp hơn, bản năng làm cha mẹ của chim cũng cao hơn những màu lai tạo khác.
Một trong những kinh nghiệm lựa chọn yến phụng đẻ cuả bản thân mà tôi tâm đắc nhất là việc quan sát dáng vẻ bên ngòai của chim cha mẹ. Ngòai những tiêu chuẩn thông thường để chọn một chú chim khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, tôi thường chọn những chú chim trống dạn dĩ, thân thiện, chân to vững chãi, và đặc biệt là đuôi phải thật thẳng, thật dài, bản đuôi nhỏ và nhọn về chót đuôi-đây có thể coi là biểu hiện của một con trống sung sức đủ năng lực làm giống. Ngược lại, ở chim mái, tôi ưa chọn những cô nàng tròn trịa, chân ngắn vừa phải, xương chậu nở rộng, bụng tròn hơi có lớp mỡ mỏng, và đặc biệt là đuôi (lại cái đuôi!) ngắn vừa, bản đuôi rộng, chót đuôi tròn phẳng. Chớ chọn những con mái quá dạn dĩ với người ! qua kinh nghiệm bản thân, GC tôi thấy rằng những con mái thông thường càng dạn dĩ bao nhiêu thì đến khi làm tổ lại càng tỏ ra dễ bị kích động bấy nhiêu, và không ít trường hợp chúng lao vào cắn xé tay người khi thăm nom ổ đẻ, hoặc tệ hơn là lao vào mổ trứng, cắn mổ chim non… Thật là kì lạ!
Thức ăn cho chim mớm con thuờng lại loại thức ăn mềm, người Châu Âu, người Mĩ thường chọn loại thức ăn mềm nhiều đạm là trứng luộc trộn cà rốt băm hoặc xay nhuyễn và bột bánh mì khô, còn người Việt ta thì để tiết kiệm chi phí thường chọn bắp non còn mọng sữa cho chim ăn hàng ngày. Quả thật với món bắp non này, không chỉ yến phụng mà rất nhiều loài chim khác cũng thấy ngon miệng. Nếu nuôi chim trong chuồng rộnh, có nhiều điều kiện bay nhảy hay thả tự do trong nhà, khẩu phẩn đạm và bắp non có thể cho chim ăn tùy thích, còn nếu lồng nuôi chật, bạn nên chú ý cho chim ăn vừa phải, môt tuần đôi ba lần thôi, kẻo chúng béo phì vì ăn nhiều chất bổ mà không được vận động đó!Phân biệt chim non-chim trường thành:
Một chú trống non (mũi đỏ hồng)
Khi trưởng thành (mũi xanh)
Những bọng cây thế này sẽ là chiếc tổ lí tưởng cho yến phụng hoang dã
Ngày nay, người ta có xu hướng nghiên cứu tạo ra chủng yến phụng lông xoăn như thế này – có nơi gọi là English Budgie
Chuồng tập thể trong nhà, rất thích hợp cho bộ sưu tập yến phụng hay những loài chim kích thước nhỏ tương tự
Chúng thật sự là loài chim đáng yêu !