Đi mồi chim cu gáy

Tuổi thơ gắn với đồng bãi, gò đồi và những rặng tre xanh luôn rì rào những bài ca bất tận về thiên nhiên hoang dã. Và quả thật nếu không có những thú vui dân dã, hẳn cuộc sống vốn rất nhiều toan lo của người dân quê dễ “khô cằn”. Mồi chim cu gáy, một trong những “thú vui” ấy, vẫn thường được nhắc đến như nghề chơi lắm công phu.

Ở quê bây giờ những người theo nghề mồi cu gáy không nhiều. Ông Võ Văn Tiếc – thôn trưởng thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc (Phú Ninh) cũng quả quyết như vậy. Ông Tiếc là số ít những người đến nay còn theo cái nghề này, như là duyên nợ. Chẳng biết có phải vì thế mà người xưa từng liệt nghề “gác cu” vào… một trong bốn cái ngu ở đời. Nhưng đã là duyên nợ thì dứt làm sao được.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Uống một hớp nước, ông Tiếc nhớ lại, từ thuở lên 10 đã lon ton chạy theo ông nội, sau đó là cha, để đi mồi chim cu gáy. Bây giờ ở tuổi 55, có thâm niên hơn nửa đời “gác cu cầm sào”, nhưng ông vẫn không sao quên được cái cảm giác rộn rạo mỗi khi chim mồi cất lên tiếng gáy ngày trước… Với làng Đồng Nghệ, nghề mồi chim cu gáy đã có cách đây hơn 100 năm. Lưu truyền người đầu tiên đến với thú chơi này là ông Trần Mỹ. Ông Mỹ ở Đồng Nghệ rất có tài mồi chim nên người ta gọi chết tên “Mỹ Chim”. Bây giờ, cả thôn có đến cả chục người lấy mồi chim làm thú vui sau những ngày lao động vất vả, nhưng thật sành điệu thì không còn ai. Và sự đắn đo trong lời bình phẩm về “sự sành điệu” ấy của ông Tiếc càng cho thấy ông đang ngầm tiếc rẻ về sự mai một của nghề, của thú chơi đã nâng lên tầm nghệ thuật.

Dẫn chúng tôi ra hiên nhà bên dãy lồng chim mồi treo dưới hàng hiên và cả dưới những tán cây cạnh đó, ông Tiếc giới thiệu về những dụng cụ mồi chim cu gáy. Đó là chiếc lồng nhốt chim mồi, ba phía xung quanh được bọc kín bằng vải mùng, mặt còn lại là cửa sập chim. Một cây sào trảy (trúc) được cưa làm hai đoạn, lúc cần có thể nối dài ra bằng một vòng sắt. Sào phải là loại trảy đá được lấy ở vùng Quế Sơn đem về gọt giũa trơn láng sau đó gác giàn bếp cho đến khi đen bóng, mới thật vừa ý. Trên đầu sào có gắn một móc sắt tự chế dùng để giựt nhánh cây như câu liêm vừa có móc để tiện treo lồng chim. Để dụ được chim mồi gáy phải dùng đến một dụng cụ giống như ống sáo được làm từ một đốt trúc có khoét lỗ, khi thổi lên âm thanh hệt tiếng cu gáy. Dụng cụ này gọi là ống kích. Theo ông Tiếc, yếu tố quan trọng để mồi cu gáy phải kể đến “nhân vật chính” là chú chim mồi. Chim mồi được chọn nuôi từ nhỏ hoặc lấy chính con chim đã mồi được nhưng phải hội đủ những yếu tố cần thiết của một con chim mồi thuần thục có khả năng gọi “bầy đàn”. Kinh nghiệm đó phải là chú chim trống đã trưởng thành, lưng gù, cườm tấm. Vòng đời của chim chỉ kéo dài từ 7 đến 8 năm, nên việc chọn chim mồi phải được tính toán khá thường xuyên.

Riêng chim có lông trắng ở cánh và tiếng gáy phải “hội hai”- tức là một tiếng gáy một tiếng gù đi kèm nhau- thì không dễ tìm được. Ông Tiếc bảo cả đời mồi chim ông chỉ có được… một con loại này. Ngày trước ở làng Đồng Nghệ có người đánh đổi cả trâu đực mộng để có được chim mồi hay. Nghe đâu hồi Ngô Đình Diệm nhờ người đến ngã giá mua căn nhà cụ Huỳnh Anh ở Tiên Cảnh (Tiên Phước), khi về đã tạt vào Đồng Nghệ mua chim mồi. Tránh sự phiền toái cho dân, cụ nội ông Tiếc đành đoạn cầm lòng “tiễn đưa” một chú chim mồi cánh trắng ra đi.

Theo chân người “gác cu”

Cũng theo kiểu “buôn có bạn bán có phường”, mùa nồm nam, từ sáng sớm thức dậy đã nghe thoảng hơi gió mát rười rượi thổi về. Đâu đó, gần xa vọng tiếng chim cu gáy… Đây chính là thời điểm năm, bảy bạn mồi trong làng bắt đầu thong dong “lồng, sào” lên đường. Không ai bảo ai, mỗi người tự tìm vị trí thích hợp để đặt lồng chim. Chuyện tưởng như giản đơn, nhưng ai sõi nghề nhìn cách thức đặt lồng chim của người đi mồi họ hiểu ngay người mới hay vào nghề đã lâu. Theo ông Tiếc, chỗ đặt lồng cơ bản đảm bảo yếu tố đắc địa, ấy là nơi có cây cội (cây đứng một mình) tách biệt với đám cây xung quanh. Phía trước cành chọn đặt lồng phải có một nhánh cây cách chừng 10-15cm và phải cao hơn một chút để chim ở ngoài bay vào có chỗ đậu, trước khi nhảy vào đá với chim trong lồng. Khi đã đặt lồng xong thì tìm một chỗ nấp kín đáo để quan sát và dùng sáo thổi “kích” chim mồi gáy nhử chim ở ngoài bay về. Công đoạn chờ chim ngoài bay vào đá là hồi hộp, thú vị nhất nhưng cũng là khoảng thời gian phải kiên nhẫn nhất. Có nhiều chim tinh khôn chỉ đứng gáy trêu ngươi chứ không chịu vào sập bẫy. Và cũng có những lúc “màn trình diễn” được đẩy lên cao trào khi bên ngoài là con chim tinh khôn, đẹp mã. Lúc đó người mồi chim chăm chú đến từng động tác của chim mồi lẫn chim bên ngoài, nên quên cả… gãi ngứa, nhiều lúc khát đến khô cổ họng cũng không dám rời chỗ ẩn nấp để tìm nước uống. Được thua ở những cuộc này là cả niềm vui sướng đến tột cùng nhưng cũng có thể là nỗi thất vọng, tiếc nuối ngẩn ngơ. Thường thì mỗi cuộc mồi chim kéo dài từ 3 đến 5 ngày và thành quả thu về khi 5, khi 10 chim cu gáy, trong đó không ít con qua “huấn luyện” giá cả bạc triệu. Song chuyện mồi cu cũng may rủi khôn lường, dự phòng lúc trắng tay khi thời tiết thay đổi hay không gặp chim, người đi mồi còn mang theo lồng mồi chim quất. Loài này dễ mồi hơn nhiều so với chim cu gáy.

Mai này còn có tiếng chim ?

Hiện nay việc cấm sử dụng các loại súng săn chim đã mở ra “đường sống” cho nhiều loại chim, trong đó có chim cu gáy. Nhiều vùng quê, chủ yếu là vùng trung du dần dà tiếng cu gáy đã quen thuộc như không thể thiếu được trong bản đồng ca chim chóc. Tuy nhiên, đây đó tình trạng săn chim bằng súng hơi, súng thể thao cho những cuộc nhậu của những tay chơi rỗi việc rất đáng lo ngại. Thậm chí lại có thông tin cũng không mấy vui : tình trạng săn bắt chim có tính “càn quét” vừa rộ lên, nghe đâu cách thức này được du nhập từ vùng Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Đó là việc dùng chim mồi (nhử) là chim giả, sau đó dùng nhựa thông để “trói giò” những chú chim ngu ngơ tưởng chim giả là đồng loại. Ngoài ra, người ta còn dùng lưới giăng trong các hẻm núi, hoặc bãi đất trống để bắt chim hàng loạt. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sau này liệu có còn được nghe tiếng chim cu gáy gọi nhau trên những lùm tre xào xạc, tiếng chim gù trong tiếng vỗ cánh đánh đu khi sà xuống những đường cày còn tinh khôi mùi đất mới, mùi rơm ngai ngái hơi bùn được đốt lên bên này chiều trở gió… nữa hay không ? Và thú mồi chim cu gáy tao nhã một thời liệu cũng “đứt bóng” theo ?

VĂN TRƯỜNG – TẤN ĐƯỜNG

Theo báo quangna