Cách chọn chim cu gáy

Bài dành cho ace mới chơi chim

VẤN ĐỀ CHỌN CHIM

ACE mới chơi chim thân mến!

Trong nhiều năm qua, số anh chị em chơi chim ngày càng tăng nhanh một cách đáng kể. Những ace mới bước vào sân chơi, đại bộ phận còn rất nhiều bỡ ngỡ khi làm quen với con chim nên nhiều người đã gửi tin nhắn hỏi tôi về cách chọn một con chim, con gà thế nào để chơi được? Vì gà cũng là một loài chim nên tôi xin gộp cả vào đây để trả lời nhưng sẽ dành ra một mục riêng.

Câu hỏi mới nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực tình nó là cả một vấn đề lớn và phức tạp. Bởi vì chim cảnh có rất nhiều loài, sang thì công, trĩ, yến (Canari), oanh…phổ thông thì cu gáy, chích chòe, họa mi, chào mào, gà tre… Thấp hơn thì Quế Lâm, ngũ sắc…Rồi còn màu lông, giọng hót .v.v…và.v.v…nếu trả lời hết, chắc phải cỡ tài liệu trên dưới nghìn trang mới đủ. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đi hơi sâu và 5 loài chim cảnh chính, phổ biến nhất hiện nay mà thôi. Đó là cu gáy, yến (canari), họa mi, chích chòe và gà cảnh. Thế cũng rất dài rồi nên tôi chia làm từng phần, mỗi phần được đăng vào một chủ nhật. Bạn nào quan tâm xin đón đọc và đóng góp ý kiến cũng như trao đổi kinh nghiệm để cùng chơi nhé.

Cu gáy!

Chim cu gáy trong dân gian còn gọi là bồ cu đất, là con chim không lấy gì làm đẹp lắm về màu sắc và hình dáng nhưng nó có giọng gáy thật mộc mạc, dân dã đồng quê. Với những người có tuổi ấu thơ ở nông thôn, khi trưởng thành phải xa quê hương, nếu nghe tiếng chim cu gáy trong một buổi chiều vàng thì không thể không xao xuyến nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đặc biệt với những vị cao niên thì sự tác động ấy lại càng mãnh liệt bội phần. Đó là nói một cách đại thể, còn thực ra khi chọn một con cu gáy ưng ý để chơi, không hề đơn giản tí nào. Bởi vì cách thức phát âm nhả tiếng của cu gáy mới nghe chỉ thấy những tiếng cúc cu, cúc cù cu…cu…rất đơn giản nhưng khi đã chơi đến một trình độ nào đó ta sẽ phân biệt được những giọng điệu khác nhau thật đa màu sắc của mỗi cá thể con chim. Khi đó ta đã say mất rồi, không dễ gì từ bỏ được thú chơi đầy “ma lực” này, đồng thời đây cũng là lúc ta phân biệt được sự hay, dở của mỗi cá thể con chim.

Vấn đề đặt ra là: Ta nên chọn mua con chim như thế nào?

Xin thưa với ace, không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề như vậy mà ngay từ xa xưa, những bậc chơi chim tiền bối thuộc hàng tổ tiên chúng ta cũng đã khổ công suy ngẫm, nhận xét, đúc kết ra những kinh nghiệm hết sức quí báu đối với việc chọn một con chim cu gáy. Dưới đây là một vài tổng kết ngắn gọn của người xưa để lại khi chọn chim:

– Đầu nhỏ, mỏ ngay vật chết vẫn hay.

– Đầu nhỏ, mỏ thẳng, mình bắp chuối, đuôi lưỡi mác, mũi hạt đậu, cánh vỏ trai, cườm liên giáp.

– Vừng thổ, nổ đồng.

Cơ bản đại loại chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng là sự chắt lọc, cô kết từ không biết bao nhiêu thời gian và công sức của cha ông chúng ta. Diễn giải ra, chúng ta có thể hiểu rằng nên chọn những con chim đầu nhỏ, mỏ thẳng, đuôi luôn thu gọn dài vút ra sau như lưỡi mác. Hai cánh mũi chim ngắn và hơi phồng lên như hai nửa hạt đậu, không nên chọn con có cánh mũi kéo dài theo chiều mỏ. Cánh chim phải gọn ghẽ, ốp sát thân như vỏ con trai sông. Cườm liên giáp là con chim có lông cườm vòng kín cổ. Tiêu chuẩn này vô cùng khó. Trong đời tôi chơi chim quá nửa thế kỷ cũng chưa nhìn thấy con nào như vậy. Do đó chúng ta có thể hiểu rằng vòng cườm càng kéo sát nhau ở phía cổ chim càng tốt.

Còn câu vừng thổ, nổ đồng nghĩa là con chim có cườm vừng thông thường gáy giọng thổ. Những hạt cườm màu trắng nhỏ li ti như những hạt vừng rải đều trên nền đen. Con chim có cườm nổ hay còn gọi là cườm mảnh bát, hạt cườm to, hình đa giác như gắn mảnh bát trên nền đen của cổ chim. Câu này thì tôi thấy không được chính xác lắm vì có những con cườm mảnh bát nhưng cũng gáy giọng thổ, rất trầm và âm vang. Trong hai loại cườm trên, những anh chị em chơi cu gáy chưa thật dạn dày kinh nghiệm thường chọn cườm vừng. Điều đó có phần nào hơi oan uổng cho những con cườm nổ.

Ngoài những điều vừa nói trên, chúng ta cần chú ý đến sắc lông. Chim cu có màu lông nâu nhạt, cần chọn con có chất lông mềm và mượt. Chim từ vùng đồng bằng bắc bộ trở vào nam, trên lông cánh có dăm đen nằm chính giữa mỗi bản lông. Chim ở các tỉnh biên giới phía bắc và Trung Quốc thường không có dăm cánh, toàn thân màu gụ nhạt, hơi to con và gáy không hay nên ít được ưa chuộng. Con chim khỏe mạnh ngực nở, phong thái nhanh nhẹn, khuyên mắt vàng đậm, con ngươi ở chính giữa đen và bóng.

Đấy là khi ta chọn một con chim mộc, đơn thuần là chọn màu lông và hình dáng. Với trường hợp chọn một con chim đã gáy thuần thì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều, ngoài những điều nói trên còn cần xem con chim gáy giọng gì, thổ hay thổ đồng, giọng kim hay kim còi hay kim pha thổ v.v… tùy theo ý thích của mình mà chọn. Khi đã chọn được giọng chim ưng ý, cần chú ý đến kỹ năng và kiểu gáy của con chim. Các cụ xưa cho rằng một con chim hay phải có ít nhất một trong bốn kỹ năng sau đây là: TRU, NÈO, BỔ,VẤP. Để nhận biết điều này không dễ, những ace mới chơi nên đi cùng những bậc cao niên trong nghề chơi để họ chỉ cho cụ thể mới biết được. Thêm vào đó, việc hiểu cho đúng các từ ngữ các cụ dùng cũng không đơn giản. Thí dụ: BỔ, thế nào là bổ? Nhiều bạn cho rằng con chim cứ gáy bổ cái đầu gật gù một cái, gọi là bổ!!! Do vậy họ bảo con chim của họ bổ bẩy bổ tám thâm chí bổ đến mười mấy…!!! Chúng ta đi ngược thời gian tí. Ngay xưa nước ta là nước phong kiến có nền kinh tế chậm phát triển rồi trải qua giai đoạn phong kiến nửa thuộc địa, nhân dân nói chung là nghèo khổ, từng hạt thóc cọng rau đều rất quí nên không phải ai thích nuôi chim cũng được. Những người có thể nghiền ngẫm trong nghề chơi chim thường là người có kinh tế tương đối khá giả, thông thường là quan lại và các gia đình quyền quí và có học Hán ngữ. Từ BỔ ở đây là một từ Hán – Việt, về từ loại nó là tính từ chứ không phải động từ. Vì thế nghĩa của từ này là vẻ “tốt đẹp được thêm vào”. Tức là sau hồi gáy chính, con chim thêm vào một, hai hoặc ba tiếng nữa. Số tiếng được thêm vào đó gọi là bổ, không có tiếng thêm vào gọi là gáy trơn. Thí dụ:

– Cúc cù cu!…Cúc cu cu!…Cúc cù cu!… (gáy trơn).

– Cúc cù cu…cu! …Cúc cù cu…cu!… (nhất bổ – bổ một)

– Cúc cù cu…cu cu!…Cúc cù cu…cu cu!… ( nhị bổ – bổ hai)

– Cúc cù cu…cu cu cu!…Cúc cù cu…cu cu cu!…( tam bổ – bổ ba)

Trong thực tế chúng ta thường gặp nhiều chim gáy trơn và bổ một, chim bổ hai rất ít, còn chim gáy bổ ba là rất hiếm. Tất nhiên chim gáy có bổ là hay rồi nhưng không phải vì thế mà con chim gáy trơn là đồ bỏ đi. Nếu con chim gáy trơn có mã đẹp và giọng gáy âm vang có ngân như tiếng kim khí thì trên cả tuyệt vời. Vì thế khi nghe tiếng chim gáy, bạn hãy nghe bằng trái tim của mình để thấy được sự tinh diệu của nghề chơi.

Bây giờ chúng ta đã thấy sự phức tạp của vấn đề rồi nhưng chưa phải đã hết. Người chơi chim kỹ tính còn xem những vệt đen, vệt trắng ở cánh và đuôi chim. Có những điểm được gọi là đắc địa và cũng có những điểm gọi là hãm địa, không nên dùng. Chúng ta mới chơi, hãy tạm biết chừng ấy đã nhé. Bài đã quá dài rồi. Tôi xin phép dừng phần chim cu gáy ở đây, phần sau tôi xin nói về yến Canari. Bạn nào muốn hiểu chim yến Canari cần chọn như thế nào, xem bài sau sẽ rõ.

Chúc ace tìm được con chim ưng ý của mình!

Atpic Lâm Kiệt