Lồng nuôi chim Họa Mi

Có nhiều ace mới chơi họa mi thường nghĩ đơn giản, chỉ cần một cái lồng nuôi được là xong. Thực ra không phải như vậy. Để nuôi một con chim họa mi một cách chu đáo cần khá nhiều dụng cụ mới có thể phục vụ tốt đời sống của nó như lồng nuôi, lồng tập lực, lồng phóng, lồng tắm, cầu, cóng, hộp đưngh thức ăn, áo lồng… Tất cả nhưng thứ đó muốn tốt và đẹp, bền ta cần biết cách xử lý và bảo vệ mới đạt được hiệu quả tốt nhất. Bây giờ ta đi vào từng chi tiết nhé.

Tiết I
Lồng chim
Người chơi chim thông thường nuôi họa mi trong lồng chân gạch do thợ làng Vác sản xuất. Với đường kính lồng trống D=38Cm có sàn chiến, lồng mái D= 36Cm không có sàn chiến. Từ mặt đất đến mép cửa lồng phía dưới là 16,5Cm, dung sai + 3 mm. Kích thước này rất quan trọng và đồng đều độ cao để khi đặt hai cửa lồng chim chiến vào với nhau không bị quá chênh lệch gây thiệt thòi cho phía lồng thấp hơn. Ngoài ra cửa lồng tắm cũng làm với kích thước như vậy nên có tính đồng bộ cao trong sử dụng.
Mấy năm gần đây do sự phát triển nuôi họa mi hót ngày càng nhiều nên lồng chim hót vì thế cũng phát triển rất phong phú, có loại lồng thổ nhỏ với đường kính D= 32 Cm. Loại lồng này gọn và chắc chắn rất phù hợp chơi họa mi hót; có loại lồng gò mộc rất nhỏ, đường kinh D = 28 cm (chỉ bằng lồng yên) nhưng rất chắc chắn, tiện cho việc mang nhiều lồng đi dượt hoặc đi chơi, có loại đan quây vai, quây chặn dế, ken nan ép mộc… thông thường D từ 32 đến 36cm. Có người chơi sành điệu dùng lồng vuông 32×32, kiểu lông chào mào để nuôi những con chim hót đã nũa, trông khá đẹp mắt.


Ngoài những thông số có tính kỹ thuật ở trên, để tăng tính thẩm mỹ, nhiều người dung lồng đục, chạm khắc cầu kỳ các tích Tam Quốc, Thủy Hử, Thúy Kiều – Kim Trọng…hoặc lồng khảm chai rất bắt mắt, nói chung là khá đắt tiền, có cái lồng đục lên đến vài ba chục triệu VNĐ, hoặc lồng khảm lên tới dăm chục triệu. Riêng bản thân tôi chỉ thích loại lồng nhẹ nhàng, mảnh mai, nan nhỏ và thoáng nhưng chắc chắn, giá cả cũng phải chăng, chỉ dưới 2 triệu là OK.
Trừ lồng đục, khảm cầu kỳ và đắt tiền, còn những lồng thông thường nên chon lồng làm bằng tre, trúc già mới tốt. Mới mua về không nên dùng ngay, mà nên hơ qua trên lửa cho cháy hết những phoi dăm tre bám trên nan lồng, sau đó phơi thật khô kiệt rồi quét đẫm một lớp dầu luyn, tiếp đó đặt lồng vào một túi nilon lớn, buộc túm chặt phía trên lại treo lên chừng 3 tháng để các phân tử dầu ngấm vào thớ tre, trúc. Lúc ấy lấy xuống rửa sạch bằng xà phòng rồi phơi khô kiệt lại. Nấu nước vối đặc ngâm vào một đêm, lấy ra rửa sạch bằng nước xà phòng rồi phơi thật khô kỹ. Khi đó ta có thể cứ để như thế chơi, cũng có thể phun lên một lớp sơn Pu mỏng trong suốt tạo độ bóng mặt ngoài và chống thấm nước vào nan. Nhiều người cho rằng dùng sơn Pu là không sành điệu vì nan khó lên màu. Tôi dám quả quyết là sơn không ảnh hưởng đến việc lên màu của nan lồng, trừ trường hợp sơn quá dày và không đúng kỹ thuật. Sau khi sơn khô cứng mới lắp đồ và thả chim vào. Nếu làm được công đoạn ủ dầu này tốt thì chiếc lồng có thể dùng mấy chục năm không bị mọt hỏng. Tôi có một cặp lồng chiến làm như vậy, dùng từ năm 1996 đến nay vẫn chưa hề suy suyển gì, nan lồng lên màu rất bắt mắt.


Chú ý:
– Có 2 trường hợp không được dùng sơn Pu, một là lồng làm bằng tre không được già, hai là lồng phơi chưa khô kiệt. Hai trường hợp này nếu gặp nắng, lớp Pu sẽ nổ và nan sẽ mốc cực xấu.
– Khi lồng không nuôi chim nên rửa thật sạch, treo lên và cửa lồng luôn mở để chuột không cắn nan lồng.
Tất nhiên lồng phải có áo lồng. Áo lồng là một mảnh vài hình chữ nhật hoặc may thành hình chuông có khóa Fecmantuya để phủ ra ngoài lồng cho chim đỡ sợ hãi. Thường người ta dùng áo lồng màu đỏ cho đẹp nhưng thực ra màu nào cũng được, miễn là đủ độ dày và đủ chiều dài ngăn con chim không nhìn thấy người và vật ở ngoài lồng. Hiện nay các câu lạc bộ hay chọn vải Ka Ky may áo lồng rồi in hình đại diện của câu lạc bộ mình lên đó. Trên thị trường có loại áo lồng may bằng gấm hoa Tô Châu rất đẹp và dày dùng rất tốt.
Chúc ace có những chiếc lồng vừa ý với con chim của mình!
Chào thân ái!