Nở rộ phong trào chơi chim cảnh

Nở rộ phong trào chơi chim cảnh
“Nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng đức, nuôi cá dưỡng thần” là câu châm ngôn có tính thư giãn và triết học sâu xa mà cha ông ta đã đúc kết từ ba thú chơi tao nhã này. Trong ba thú chơi tao nhã ấy, chơi chim cảnh hiện đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Lắng nghe “nhạc rừng” giữa thành phố

Có thời gian rảnh rỗi và có dịp bước chân vào các trường chim lúc sáng sớm, chiều muộn hay mỗi dịp cuối tuần, bạn sẽ được “thả mình” trong một không gian tràn đầy âm thanh trong trẻo của các loài chim như đang sống giữa một cánh rừng. Đây cũng là nơi gặp gỡ của những người mê chim cảnh đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội, có thể là một cụ già hay là một chú bé, một bác chạy xe ôm hay một công chức nhà nước có chung niềm đam mê và mong muốn được thả hồn mình trong những âm thanh của núi rừng sau giờ làm việc căng thẳng.

Đến với trường chim Vườn Cau (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột), có thể ngắm hàng trăm chiếc lồng của anh em nghệ nhân mang đến. anh Tô Đức Dũng – Chủ trường chim cho hay: Hội chim Vườn Cau ra mắt được hơn hai năm trở lại đây, xuất phát từ niềm đam mê và nhằm tạo thêm một nơi để anh em nghệ nhân có nơi để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc chim cảnh. Ngoài việc tạo sân chơi cho anh em nghệ nhân, với bàn tay khéo léo của mình, anh Dũng còn nổi tiếng là thợ làm lồng chim đẹp. Anh Dũng cho biết, một mình anh một tháng chỉ có thể làm được khoảng từ 7 đến 10 lồng, không đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của anh em nghệ nhân…

Thực khách vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thưởng thức “nhạc rừng” tại Hội quán chim cảnh Vườn Cau.
Thực khách vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thưởng thức “nhạc rừng” tại Hội quán chim cảnh Vườn Cau.

Thú chơi chim cảnh đến với anh Nguyễn Đinh Tấn Thân (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) khi anh còn là một cậu học sinh. Sau những buổi học trên trường, anh thường cùng bạn bè rong ruổi khắp xóm để bẫy chim mang về thuần dưỡng. Công việc thuần dưỡng chim với anh cũng lắm công phu, phải trải qua hơn một năm chim mới đứng lồng và hót được. Ban đầu ở khu vực suối Đốc Học – nơi anh sinh sống chỉ có một vài người chơi chim cảnh, mỗi sáng những người này lại tụ tập tại khoảng sân trống trước nhà anh để thưởng thức giọng hót thánh thót của những chú chim cưng do mình cất công thuần dưỡng. Theo thời gian, người chơi ngày một đông, anh phải bỏ luôn cái nghề sửa chữa xe gắn máy đã gắn bó với anh hơn 15 năm để chú tâm phục vụ nhu cầu giải trí của bản thân cũng như của anh em nghệ nhân trong và ngoài xóm. Với đức tính hiền lành, chăm chỉ rất được lòng giới nghệ nhân chơi chim cảnh, hiện anh Thân (hay còn gọi là Mười Thân) được bầu làm Hội trưởng Hội Chim chào mào TP. Buôn Ma Thuột. Anh Thân tâm sự: “Anh em đến với nhau vì có chung niềm đam mê, sau giờ làm việc hễ có thời gian rảnh thường tụ tập nhau lại để chia sẻ về kinh nghiệm trong việc nuôi, chăm sóc và huấn luyện chim. Niềm đam mê của người nuôi chim là mỗi buổi sáng sớm, ngồi uống cà phê được nghe tiếng chim hót, cảm thấy tâm hồn thanh thản, quên đi những áp lực công việc và như được hòa mình vào thế giới tự nhiên”.

Nghề chơi cũng lắmcông phu!

Có thể thấy, phong trào chơi chim cảnh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, toàn tỉnh nói chung đang ngày càng được nhiều người quan tâm. Chim cảnh hiện nay có hàng trăm loài, mỗi loài có một vẻ đẹp, một giọng hót đặc trưng và phong cách chơi cũng rất khác nhau. Theo tìm hiểu, thì chim cảnh cũng có dăm bảy loại, giá chim dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng. Ngoài việc chọn chơi chim đẹp, hót hay, lồng “đỉnh”, giới chơi chim cảnh còn đầu tư tiền triệu cho những phụ kiện đi kèm như cóng đựng thức ăn, nước uống cho chim. Có những bộ cóng được làm bằng gỗ quý có giá gần chục triệu đồng. Theo ghi nhận tại một số trường chim, trong hàng trăm loài chim thì chim chào mào hiện đang nhận được sự quan tâm, thu hút nhiều người chơi chim cảnh nuôi dưỡng nhất hiện nay. Theo các nghệ nhân, chính thân hình dễ thương với cái mào cao đứng thẳng hay cong về phía trước, má đỏ ửng cùng tiếng hót lảnh lót của loài chim chào mào đã thực sự chinh phục niềm đam mê của giới chơi chim cảnh.

Để có một chú chim hót hay, cũng không phải là chuyện đơn giản, dễ làm của người chơi chim cảnh. Thông thường giới chơi chim hiện nay đều chọn cho mình những chú chim có thân hình to, dài và có độ thi đấu bền bỉ. Những chú chim chào mào ở các vùng như: Huế, Đà Nẵng, Bình Định và Dak Lak được giới chơi chim cảnh chọn nuôi nhiều nhất. Nếu như chim chào mào ở hai vùng Huế và Bình Định có thân hình to, giọng hót khỏe thì chim ở Đà Nẵng và Dak Lak lại sở hữu giọng hót ngân vang, lánh lót. Anh Nguyễn An Lâm, nhà ở phường Tân Tiến được xem là một “tín đồ” của loài chim chào mào cho biết: Chim ở vùng Phong Điền và Bạch Mã của xứ Huế được anh chọn nuôi nhiều nhất vì có giọng hót líu lo rất hay, có phong cách và độ bền thi đấu tốt. Cũng theo anh Lâm, thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng thực ra nghề chơi chim cảnh cũng lắm công phu, đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn. Trong đó cái khó nhất là làm sao mỗi khi ra trường đấu hót, mỗi chú chim luôn sung mãn và không bị cụp mào mỗi khi gặp những chú chim dữ khác.

Không chỉ có những người trung niên, giới trẻ cũng có người rất am hiểu và đam mê tiếng hót của loài chim chào mào. Như anh Nguyễn Vương, dù công việc chính là người dẫn chương trình nhưng sau thời gian làm việc căng thẳng anh cũng chọn cho mình thú chơi riêng để thư giãn đó là thuần dưỡng chim chào mào. Những lúc rảnh rỗi hay mỗi sáng sớm anh cùng với chú chim yêu quý bên trong chiếc lồng dễ thương đến với trường chim để nghe tiếng hót của nó. Là một người còn rất trẻ nhưng anh Nguyễn Vương tỏ ra rất am hiểu về thú chơi tao nhã này. Theo anh để có được một chú chim hay, đấu hót tốt đòi hỏi người chơi phải cất công tìm tòi và phải kiên nhẫn trong cách chăm sóc.

Tuấn Hùng