Mấy năm trở lại đây, người dân TP. Buôn Ma Thuột có rất nhiều thú chơi tao nhã và độc đáo như: chơi xe cổ, chơi hoa phong lan, chơi gà cảnh, đá phong thủy, đồ mỹ nghệ… Trong đó, thú chơi chim cảnh và cụ thể là chơi chim vành khuyên đã và đang làm say mê bao người.
Xuất hiện cách đây khoảng chục năm, đến nay, thú chơi chim vành khuyên đã nở rộ trong giới chơi chim cảnh. Tại TP. Buôn Ma Thuột hiện có một câu lạc bộ (CLB) chim vành khuyên thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Cứ vào sáng chủ nhật tuần thứ hai và tuần thứ tư của tháng, đến quán cà phê số 135 đường Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột), thể nào khách cũng được thưởng thức miễn phí bản hòa ca do những chú chim vành khuyên xinh xắn, đáng yêu “biểu diễn”. Vào những ngày này, các thành viên trong CLB Chim vành khuyên Buôn Ma Thuột lại tụ tập tại đây để tổ chức thi chim hay trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim khuyên, trung bình mỗi lần gặp gỡ có khoảng từ 20 – 40 lồng tham dự.
Chim vành khuyên là một giống chim nhỏ tựa như chim sâu, vẻ bề ngoài không xinh đẹp như các loài chim cảnh khác nhưng hót rất hay. Ở Việt Nam, chim vành khuyên có ba họ: chim vành khuyên nâu, chim vành khuyên xanh và chim vành khuyên vàng. Có thể mua chim này ở các tiệm bán chim trên đường Điện Biên Phủ với giá chỉ khoảng 50.000 đồng/con. Người bán chim thường nhốt hàng chục con chim mộc vào một lồng. Theo kinh nghiệm của người nuôi lâu năm thì người ta thường bắt ra khoảng 10 con chim nhanh nhẹn, khỏe mạnh trong lồng, sau đó chọn ra những con mỏ mỏng có giọng quát to (hầu hết những con có giọng quát to là chim đực). Bên cạnh đó, để có được chim vành khuyên hót hay, dân chơi thường chọn chim theo bộ như: Bộ đầu quả táo, bộ đầu xà, bộ lưng quy đầu xà, bộ đuôi chuột nhưng phải ngắn vì khi líu chim thường líu xòe rất đẹp. Chim vành khuyên hay phải là những chú chim thường đứng giữa cầu (thanh giữa lồng, làm chỗ cho chim đứng), giọng lảnh lót, to, dài và có tính ganh đua với đồng loại… Chân chim khuyên phải cao, lông óng để tạo dáng cho chim đẹp.
Quán cà phê Chim trên đường Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột – nơi gặp gỡ của những người say mê thú chơi chim vành khuyên. |
Khi đã chọn được chim rồi, người chơi còn phải chú ý tới chế độ ăn uống của chim. Theo anh Nam, chủ quán Cà phê Chim (135 Nguyễn Công Trứ), Chủ nhiệm CLB Chim vành khuyên Buôn Ma Thuột – có 3 năm kinh nghiệm nuôi chim cho biết, thức ăn “tươi” chính của chim khuyên là sâu bọ, hoa quả và phấn hoa. Trong điều kiện nuôi nhốt, người chơi không thể đáp ứng được những nguồn thức ăn trên, chỉ có cám là nguồn thức ăn chính để nuôi chim, thành phần chủ yếu là đậu xanh, trứng gà và một số các chất bổ tổng hợp khác. Nơi đặt lồng phải yên tĩnh, tránh nơi quá nắng, nhiều gió. Phải chăm chim đều tay, điều độ về thức ăn, nước uống, giờ tắm, giờ ngủ. Khi ra đường và khi chim ngủ phải khoác áo lồng để tránh gió và tránh chim khỏi giật mình. Một thành viên CLB là chàng trai trẻ Nguyễn Từ Linh (phường Tân Lập) bộc bạch, chơi chim vành khuyên phải có niềm đam mê thì mới chơi được vì nó đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Một con chim được tuyển chọn đi thi đấu là phải qua nhiều khâu chăm sóc, luyện tập công phu như phải duyệt dãi, ăn uống, tắm; thường xuyên mang những chú chim đi “giao lưu” với những chú chim khác để chúng tự luyện tiếng hót.
Bên cạnh việc chăm sóc, chơi chim vành khuyên còn thể hiện “đẳng cấp” ở những chiếc lồng và cóng (đựng thức ăn) của chim. Lồng và cóng hiện nay có rất nhiều loại: bình dân có lồng tre, trúc đơn giản, giá vài trăm nghìn đồng; cao hơn một chút có lồng cầu dừa, lồng triện thường, giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi chiếc; cao cấp hơn có lồng triện hai mặt kỹ, lồng đục chạm; loại đặc biệt có lồng khung tre, trúc có khảm, chạm ngà voi, đồi mồi, thậm chí có loại lồng được làm bằng 100% ngà voi, đồi mồi, sừng có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/chiếc. Như anh Bùi Văn Khang (đường Nguyễn Công Trứ) đang nuôi ba con chim vành khuyên; trong đó có con chim được anh mua ở Đà Lạt với giá 3 triệu đồng và anh có một lồng chim có phần đáy chạm khắc gỗ hương rất tinh xảo giá 8 triệu đồng.
Đoàn Văn Hân