Nuôi chim hót là thú tiêu khiển thanh cao của phần đông người mình, bất luận già trẻ, sang hèn, thôn quê hay thành thị. Mỗi nhà đều có một vài lồng chim treo lủng lẳng ở hàng ba, trước ngõ, thỉnh thoảng nghe chim hót líu lo một vài âm điệu véo von thì tự nhiên mọi người cảm thấy vui lây, quên đi những phiền muộn do cuộc sống vốn nhiều khó khăn, phức tạp mang lại …
Chim hót mà chúng ta thường nuôi là loại chim rừng, loài chim hoang dã như Họa Mi, Chích chòe than, lửa, Khướu, Sơn Ca, Khoen, Két… vì là chim rừng nên khó nuôi, dễ chết, nếu ta không biết nghệ thuật nuôi chúng.
Chim rừng bắt về nuôi có 2 loại: Loại chim non và loại chim đã trưởng thành.
Chim non thì bắt tại ổ, còn chim trưởng thành còn gọi là “chim bổi” thì bắt bằng lục, bằng lưới, bằng nhựa dính…
Chim non bắt tại ổ là loại chim chưa “ra ràng”, tức là chưa đủ lông đủ cánh để bay, chưa đủ trí khôn để tìm mồi, mà chỉ sống nhờ chim cha, chim mẹ tha mồi về đút mớm. Loại chim này dễ nuôi, dễ chăm sóc.
Nếu chim còn quá non, ta nên làm cho chúng một cái tổ nhân tạo để chúng nằm cho ấm áp. Mỗi ngày ta phải đút mồi cho chúng ăn thật no nê cứ cách một giờ cho ăn một bữa vì chim non tiêu hóa thức ăn rất nhanh, do đó chúng mới mau lớn. Khi đói, gặp người đến gần, chú tự động há mỏ ra đòi ăn, và khi đã no nê thì dù ta có cạy mỏ ra chúng cũng không chịu há mỏ.
Chim non độ 6 tuần tuổi đã biết bay nhảy, biết mổ thức ăn, ta khỏi đút mớm mồi cho chúng như trước nữa. Độ 2 tháng tuổi thì chim bắt đầu tập hót “nói gió”. Giọng hót của chim non đơn điệu, không đa âm như chim bổi, tiếng trong nghề gọi là thiếu “giọng rừng”. Phải nuôi một hai mùa (tức một vài năm) và cho học hỏi “giọng rừng” thì tiếng hót của chúng mới giàu âm điệu hơn. Chính vì lẽ đó nên ít người chịu nuôi chim non. Mà người đã có con chim non “nổi giọng” rồi thì giá nào họ cũng không bán. Vì rằng, chim non rất dạn người, dễ chăm sóc, có thể thả như nuôi các loại gia cầm khác, tối biết tìm về lồng của mình để ngủ …
Còn chim bổi là loại chim đã trưởng thành, có con đến bốn năm tuổi nên “tre già khó uốn”. Nhốt chim bổi vào lồng chúng không chịu đứng yên trên cầu mà bay nhảy tứ tung để tìm cách thoát thân. Vì vậy, chúng thường bị bể đầu, hư mỏ, sút móng. Có con còn không chịu ăn mồi, và chỉ vài hôm là lăn đùng ra chết.
Muốn nuôi chim bổi thì trước hết ta phải chọn một chiếc lồng chắc chắn, bên trong ràng chắc chắn một cái cóng đựng sâu, cóng nước, một cóng thức ăn thích hợp với loại chim nuôi, nửa trái chuối chín. Sau đó, ta phủ áo lồng lại thật kín để chim không nhìn được cảnh vật cũng như người qua lại bên ngoài. Rồi treo lồng vào một nơi thanh vắng. Nhờ sự yên tĩnh đó, con chim không bay nhảy, không hốt hoảng, lại lúc đói khát biết tìm thức ăn trong lồng mà sống.
Mấy hôm sau, ta hạ lồng xuống, thay thức ăn và nước uống, sau đó hé áo lồng ra một quãng rồi treo lên chỗ cũ, để tập cho chim quen dần với quang cảnh bên ngoài, làm quen dần với môi trường sống mới.
Từ đó, cứ năm ba ngày ta châm thức ăn và nước uống cho chim một lần, và áo lồng hé rộng thêm ra… cho đến ngày nào con chim thật dạn dĩ không nhát người nữa thì thôi.
Thời gian nuôi chim hót cho một con chim bổi như vậy thường phải mất bốn tháng đến nửa năm chim mới hót hay.
Chim bổi phải có nghệ thuật nuôi thì hót rất hay, vì đó là “giọng rừng”, vì vậy nhiều người thích nuôi chim bổi hơn là nuôi chim non lên.
Chim bổi thường rẻ tiền hơn chim non, hơn nữa khi chọn chim để nuôi lại dễ chọn lựa, vì đó là chim đã trưởng thành. Người nuôi chim thường tỏ ra khó tánh, phải chọn con chim có ngoại hình vừa ý như đầu mỏ, mắt, lông, chân, ngón, móng có hoàn chỉnh thì dù giá cao cũng không tiếc tiền. Còn hạng chim có tì vết thì dù có nuôi khôn lớn, dù hót có hay người ta cũng … thả… không tiếc!
Chim bổi dù nuôi lâu năm tính cũng nhát, gặp người lại gần chúng thường nhảy nhót, không chịu đứng yên như chim non. Chỉ trừ những con được nuôi quá lâu, độ năm bảy mùa trở lên thì chúng mới dạn dĩ.
Loài chim hót rất ưa tắm, vài ba ngày ta nên cho chúng tắm một lần, mỗi lần chừng mươi lăm phút. Khi tắm phải sang chim sang loại lồng tắm đặc biệt và trong thời gian chim đang tắm, ta tranh thủ vệ sinh lại lồng của chúng cho sạch sẽ, như vậy chim mới mạnh khỏe, sung sức.
Dư Hữu Đức
Hội SVC TP. Hồ Chí Minh