Rừng vắng lặng vì thú nuôi chim cảnh

Rừng vắng lặng vì thú nuôi chim cảnh
Các khu rừng của Việt Nam ngày càng vắng lặng trước thú săn tìm, buôn bán chim cảnh tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh.

Trong một nghiên cứu kéo dài 3 ngày, TRAFFIC ghi nhận tổng cộng 8.047 cá thể chim từ 115 loài bị bán tại hai thành phố lớn trong năm 2016. Trong số này có tới 90% loài không được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Năm 2018, TRAFFIC khảo sát định tính (phỏng vấn sâu đối tượng nuôi chim, chuyên gia, chủ cửa hàng, hiệp hội chim cảnh) và định lượng (phỏng vấn 400 người qua bảng khảo sát), qua đó phát hiện một số thông tin đáng chú ý về sở thích, thái độ, nhận thức của đối tượng nuôi chim.

Kết quả cho thấy đối tượng nuôi chim chủ yếu là nam giới, thường nuôi vì mục đích giải trí hoặc thi đấu. Một số loài chim bị nuôi phổ biến bao gồm chào mào (Pycnonotus jocosus), chích chòe lửa (Pycnonotus jocosus), họa mi (Garrulax canorus), khướu bạc má (Garrulax chinensis), vành khuyên họng vàng (Zosterops palpebrosus), chim vành khuyên Nhật Bản (Zosterops japonicus).

Hầu hết người nuôi chim đều nghĩ rằng những con chim họ sở hữu có nguồn gốc từ tự nhiên. Đáng chú ý là có tới 49% số người được hỏi cho rằng vẫn còn rất nhiều loài chim trong tự nhiên, đủ cho nhu cầu sở hữu chim của người nuôi; 63% người nuôi nhận thức các loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng nhưng chỉ 52% cho rằng việc đánh bắt chim ảnh hưởng đến quần thể hoang dã.

Dưới đây là một số kết quả chính được TRAFFIC tổng kết:

Từ những kết quả ghi nhận được, từ tháng 4-6/2020, TRAFFIC phối hợp cùng Trung ương Hiệp hội Phật giáo Việt Nam (VCBA) thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm đánh thức lòng trắc ẩn và phật tính của các đối tượng với thông điệp không khuyến khích nuôi giữ, sưu tầm và buôn bán chim cảnh. Thông qua các bài pháp thoại và bài viết chuyên sâu, Thượng tọa Thích Thanh Huân thể hiện rõ sự mâu thuẫn, xung đột giữa sở thích mang tính chiếm hữu và vì lợi ích của con người với niềm tin Phật giáo. Các sản phẩm đã được đăng tải trên các kênh truyền thông của TRAFFIC và mang lại kết quả nhất định, ví dụ: 60% đã thay đổi ý định mua chim cảnh trong tương lai; 60% sẽ khuyên người khác chống lại việc sưu tầm các loài chim cảnh.

“… Những cái lồng dù lớn, đẹp và đắt tiền tới đâu cũng không thể thay thế cho khu rừng rộng lớn với cây xanh và không gian tự do không giới hạn, đó mới là môi trường sống tự nhiên của các loài chim. Lồng chim chẳng khác chi nhà tù giam hãm… Hãy cùng nhìn lại hàng ngàn năm lịch sử, bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để gìn giữ sự tự do và độc lập bằng mọi giá vì các thế hệ cháu con. Chúng ta có thể ngẩng đầu như những người tự do của một quốc gia có chủ quyền, không cúi đầu như nô lệ để mặc cho ngoại quốc sai khiến. Tự do thật đáng quý! Đối với tất cả cuộc đời khác, khao khát tự do của chúng cũng không ít hơn chúng ta. Mặc dù chúng ta không hiểu ngôn ngữ của chúng, khát vọng tự do và mong muốn được sống trong hòa bình là tất cả những gì cuộc sống khao khát”, Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ.

Mỹ Linh

Nguồn: Báo Bảo vệ rừng và môi trường