Tôi bật dậy cho con bú vào lúc 4 rưỡi sáng, sau một ngày đi chơi Tết vất vả với tổng cộng khoảng 5 tiếng đồng hồ bế con đi chơi các nơi. Sau một vài tiếng đi ngủ đêm thức dậy tôi mới có khả năng để tự diễn giải thành lời lý do tại sao Tết khiến tôi phát điên.
Tôi là một người hướng nội cao với những đặc điểm sau:
- Không ưa thích ồn ào.
- Không thích tán phét, đặc biệt về những chuyện không phải của mình hoặc không phải chính tai nghe, mắt thấy.
- Không thích sự bất lịch sự. Các đặc điểm có thể bao gồm hút thuốc bên cạnh trẻ con; hiểu biết ít hoặc suy nghĩ lệch lạc, kiến thức khoa học không có nhưng lại thích chứng tỏ; nói to và nói nhiều, không quan tâm xem đối tượng có tỏ ra thích thú hay có ý kiến gì, chỉ cần mình được nói cho thỏa mong muốn được nói, nếu cần thì “lấy thịt đè người” – tức tăng âm lượng và tốc độ nói để áp đảo đối phương.
- Đặc biệt không thích những biểu hiện ngược đãi trẻ con.
- (Và tôi xin phép không kể thêm.)
Bạn sẽ nói: Ai mà không ghét những người ngược đãi trẻ con?
Tất nhiên chẳng ai thích cả. Nhưng không phải ai cũng nhận ra mình là một người ngược đãi trẻ con, hoặc thậm chí người trong gia đình mình có những biểu hiện này. Nói đến ngược đãi, chúng ta thường nghĩ đến đánh đập, quát mắng, cô giáo nhét giẻ vào mồm, trói chân trói tay, để lại những dấu hiệu bạo hành có thể nhìn thấy – nhưng ở đây tôi xin được đề cập cụ thể đến ngược đãi về mặt cảm xúc.
Ngược đãi hay không ngược đãi?
Ngày nào ra đường tôi cũng bắt gặp các cha mẹ không hề có vẻ quan tâm gì đến con cái mình. Họ cho con đi ăn, đi uống rất đầy đủ nhưng không quan tâm xem con họ đang suy nghĩ gì, mong muốn gì.
Vào 30 Tết, tôi bắt gặp cảnh tượng bất bình thường đã trở nên rất bình thường vì nó xảy ra quá nhiều không còn khiến ai bất bình. Một đám trẻ con cả trai lẫn gái tầm 10 tuổi ngồi im cạnh nhau trên ghế tại một quán cà phê, mặt nhăn nhó như giấy đã nhàu nát – giống như khi chúng gặp khó khăn trong nhà vệ sinh để thải ra những gì cần thải nhưng không chịu chui ra hơn là ngồi trong quán cà phê nơi công cộng. Chắc hẳn chúng vừa bị quở mắng.
Một lát sau, một người phụ nữ tầm 35 tuổi từ bàn bên cạnh chỉ có riêng người lớn ngồi với nhau bước sang và bắt đầu “phân phát” khoai tây chiên. Tôi nói “phân phát” vì đúng là chịta đi phân phát thật – chị ta đảm bảo khoai tây nhiều và đủ cho tất cả đám trẻ, tỏ ra rất quan tâm tới cái dạ dày của chúng, nhưng không mảy may quan tâm xem đám trẻ đang khó chịu như thế nào. Phân phát xong thì chị ta quay về bàn người lớn, sung sướng được thay đổi vai trò từ người phân phát khoai tây miễn cưỡng sang không vai trò, được thoải mái ngồi nhấm nháp cà phê và “chém gió”.
Chưa có gì ngược đãi – bạn bảo thế.
Một lần khác, tôi được chứng kiến một bà mẹ đưa 2 đứa trẻ khoảng 10 tuổi đi ăn tại một quán pizza. Thức ăn đầy ứ ự khắp mặt bàn – nào pizza, nào mì Ý, nào (vâng lại) khoai tây chiên. Chị này cũng không hề khác chị ở trên về ý thức vai trò làm mẹ. Tôi không hề thấy chị ăn (chắc chị ăn quá nhanh khiến tôi không nhìn thấy), cả buổi chỉ nghe tiếng chị nói: “Nào nào, ăn nhanh lên. Có ăn không? Đây, đây, miếng pizza này ngon này. Ăn đi. Đấy. Ăn nhanh lên. Mày có ăn nhanh không? Ăn mãi không xong. Nhìn nhìn cái gì. Không ăn xong thì không đi chơi.”
Chưa có gì ngược đãi – bạn bảo thế.
Nhiều lần khác, trong những nhà khá giả luôn đầy đủ “trang thiết bị”, các cha mẹ mỗi người một cái iPad, trẻ cũng một cái iPad. Trong những nhà ít điều kiện hơn nhưng bố mẹ lại “nhường nhịn”, đứa trẻ chăm chú dán mắt vào cái điện thoại để chơi game hoặc xem điện tử, còn cha hoặc mẹ đưa mắt nhìn xa xăm. Trong khi đó, những nhà còn lại có bố hoặc mẹ đặt ưu tiên của mình lên hàng đầu, còn trẻ chán chường ngồi nhìn cha mẹ đang mải mê cắm mặt vào thiết bị điện tử quên cả con. Tôi nghĩ nếu nghiên cứu kĩ hơn thì cách các gia đình chia sẻ “cô trông trẻ và trông cả người lớn” iPad hoặc điện thoại với con hoàn toàn có thể cho thấy cách thức cha mẹ lạm dụng quyền lực trong gia đình như thế nào.
Chưa có gì ngược đãi – bạn bảo thế.
Tôi biết có khả năng cao bạn sẽ bảo thế. Bởi vì tôi là người duy nhất trong những quán cà phê hoặc quán ăn đó đưa ánh mắt quan sát xung quanh và cảm thấy bất bình và thương cho những đứa trẻ.
Dấu hiệu bạo hành cảm xúc
Nhưng tất cả các biểu hiện trên nếu diễn ra thường xuyên sẽ trở thành bạo hành trẻ về mặt cảm xúc. Tôi xin ghi ra đây một số biểu hiện của bạo hành cảm xúc mà tôi hay gặp nhất, nguồn ghi kèm ở dưới:
- Phớt lờ trẻ, không quan tâm tới trẻ.
- Từ chối không đáp ứng nhu cầu của trẻ, bao gồm cả nhu cầu về mặt cảm xúc.
- Nhạo báng trẻ, dọa dẫm bằng ngôn từ.
- Bắt nạt trẻ bằng cách tạo ra một môi trường khiến trẻ luôn cảm thấy sợ và bị đè nén.
Bạo hành cảm xúc làm cản trở sự phát triển về mặt nhận thức, xã hội, cảm xúc và tâm lý ở trẻ. Nhưng theo như tôi quan sát, những bạo hành như các ví dụ ở trên (xin lưu ý là các biểu hiện như các ví dụ tôi đã nêu phải diễn ra thường xuyên mới được coi là bạo hành) hầu như không được ai để ý tới. Tôi sẽ nói luôn lý do: Đó là vì bạo hành cảm xúc ở trường học nước ta từ mẫu giáo tới trung học phổ thông diễn ra với tần suất quá lớn. Bản thân chúng ta là những người đã từng ngồi ghế nhà trường, khi nghĩ lại về kinh nghiệm đi học của bản thân, cũng chỉ nghĩ đơn giản: Ngày xưa có cô giáo A,B,C này xấu tính, thích trù dập mình; đi học thì làm sao tránh được những người như thế.
Xin thưa, không đơn giản là như thế. Đó là bạo hành cảm xúc.
Vâng, tôi cũng gặp các lý luận khác như: Nhưng mà ngày xưa mình cũng thế, rồi mình có làm sao đâu?
Kiểu lý luận đó rất thú vị, và rất khôn khéo . Nhưng tiếc là mỗi người chúng ta chỉ có một phiên bản, không có phiên bản khác để đối chiếu xem nếu chúng ta được đối xử tốt hơn thì chúng ta có thể phát triển nhận thức ở cấp độ khác như thế nào. Nên tôi cho rằng lý luận kiểu như vậy thì thôi, mặc trẻ cho ra sao thì ra, rồi đều thành người hết! (Tôi chỉ sợ lốt người nhưng ở bên trong không còn được người lắm.)
Tết thì vẫn bạo hành cảm xúc
Quay lại Tết.
Chị A, một người tôi hầu như chả gặp, ra bắt chuyện với tôi và lịch sự yêu cầu tôi cởi địu để chị bế bé thứ 2 nhà tôi mới được hơn 6 tháng tuổi. Chị tâm sự đã có 2 con và đang bầu đứa thứ 3. Vui quá là vui! Chẳng mấy khi tôi gặp một người mẹ hào hứng sinh con thứ 3 nên tôi nghĩ chắc hẳn chị phải yêu trẻ con lắm. Nhìn cái cách chị ngồi với đám trẻ để chụp ảnh kìa. Giá có thêm các bà mẹ như chị.
10 phút sau, tới giờ ăn cơm, chị ngồi vào bàn cùng mấy đứa nhỏ, và bắt đầu la mắng đứa con gái với giọng của một cai ngục,“Đâu? Làm sao? Anh nói gì đâu mà nói? Lần sau phải nghe cho rõ rồi mới nói. Hiểu chưa? Úp mặt vào tường.” Lúc đó thì tôi mới được biết chị thường xuyên “phát xít” với con. Sau đó tôi được biết nửa đêm đứa bé nhà chị có dậy, quấy khóc thì chị cũng bắt đứa lớn dậy cùng để đi lấy bỉm cho em. Chị bảo, “đẻ thêm đứa thứ 3 thì đứa lớn trông em được rồi!”
Anh C., nhìn thấy tôi bế con cả buổi, nhận xét: “Bọn này á, bế ít thôi. Bế nhiều bện hơi.” Tôi đã nghe những lời như vậy rất nhiều, nhưng riêng nhận xét này lại pha (rất nhiều) chút anh-là-chuyên-gia, khiên tôi tức đến mức thấy cổ họng nghẹn lại, muốn đấm cho “đồng chí” này vài phát nhưng phải cố không có hiểu hiện gì bất lịch sự. Nếu bạn cũng đồng ý với anh này, tôi sẽ ghi ra đây chút thông tin khoa học: Trong những tháng đầu đời, cha mẹ nên ôm ấp con nhiều để trẻ cảm thấy an toàn cũng như được yêu thương. Để trẻ phát triển tốt, đây là một trong những điều vô cùng quan trọng cha mẹ cần làm. Vâng, bạn nên kiểm tra nếu bạn muốn.
Còn H., chỉ thấy con bé con chưa tới 3 tuổi nghịch rồi vứt bao lì xì mà lừ mắt nhìn nó khiến nó phát khóc. H. thỉnh thoảng tâm sự khi đến ăn cỗ, “Con này á, nghịch lắm, không bảo được. Không ngoan như Bư nhà chị đâu!” (mà xin lưu ý thêm là cả năm chắc chúng tôi gặp nhau được vài lần – làm sao đủ dịp quan sát để biết con tôi “ngoan” hơn?)
Cải cách giáo dục chẳng để làm gì, hay giáo dục con tôi là chuyện của người ta
Thêm một lý do Tết khiến tôi cảm thấy khổ từ ngày có con: Tôi thương đám trẻ. Tôi thương những đứa trẻ được ăn no, mặc ấm, có khi thừa cân thừa mỡ. Tôi thương chúng vì cha mẹ chúng cũng chả biết họ đang bạo hành chính con mình trong khi họ đang vui cười đón Tết.
Tôi thương cả xã hội ta vì những tranh cãi cải cách giáo dục này nọ nảy lửa, những bước tiến này kia, phải có ai xắn tay lên mà làm, tôi dám làm đây, các người có dám đâu mà ngồi chê bai, vân vân.
Tôi thương nhiều giáo viên vì chính họ cũng chẳng ý thức được họ đang tham gia vào vòng xoáy bạo hành cảm xúc. Chỉ có những giáo viên gây ra thương tích mới xuất hiện trên báo. Ai quan tâm đến một vài câu nói khiến trẻ bị tổn thương (hàng ngày)?
Tôi thương cả xã hội vì tất cả nền tảng của việc giáo dục trẻ em đều được coi là việc của người khác, không phải việc của các cha mẹ. “Đấy, cũng cho đi học lớp này lớp kia đấy. Chả bằng ai. Kém lắm!” – những so sánh như thế này đã trở thành chuyện thường tình. Việc chính của cha mẹ là đi kiếm tiền và lo cho cái dạ dày của con. Chuyện thường rồi. Bà M. kể, “Ôi, bố mẹ nó đi kiếm tiền để con ở nhà cho tôi trông. Nó ngoan, xem tivi suốt, mà béo tốt lắm. Thông minh cực kì (!)”
Vâng, chúng ta chỉ cần dạy trẻ ABC, số đếm, rồi tiếp đến học viết, học đọc sớm, toán, văn, các môn khoa học dù có phải ép chúng học như những con rô bốt trong khi chúng ta hoàn toàn phớt lờ phát triển cảm xúc. Vâng, rồi cũng thành người cả thôi. Yên tâm!
Vâng, chúng ta mua những sản phẩm Vinamilk hay gì đó quảng cáo “tốt cho trí não trẻ”, mua sữa “tăng trọng” để vỗ béo cho trẻ, sẵn sàng cắt giảm sữa mẹ, tìm đủ mọi cách để “nhồi”. Rồi chúng ta vỗ ngực tự hào, “Đó, con tôi đó! Từng đấy tuổi mà từng đấy cân! Tôi nuôi con giỏi phải biết.” Sau đó, chúng ta có những đứa trẻ 5, 6, 7 tuổi đến giờ ăn cơm mà mẹ hoặc bà vẫn phải chạy theo để xúc. Còn các ông bố ngồi phểnh râu, “Nào có phải chuyện của tôi!” Đến khi trẻ lên đại học, chúng ta có những đứa trẻ em-chịu-không-biết-em-chỉ-nghe-bố-mẹ-em-thôi.
Bản thân chúng ta có khi chẳng nhấc nổi mông để làm một việc nhỏ nhoi nhất tốt cho trí não trẻ mà hoàn toàn không tốn một xu: Nói chuyện với chúng để hiểu chúng và giúp chúng có một mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ.
Hội chứng tự yêu
Nếu bạn chưa từng nghe, tôi xin giới thiệu rằng rất nhiều cha mẹ mắc một chứng bệnh tên tiếng Anh gọi là narcissism. Theo định nghĩa thông thường, narcissist là một kẻ yêu bản thân quá mức. Nhưng tâm lý học dùng từ đó để gọi tên một loại bệnh: Narcissistic Personality Disorder. Ta có thể gọi đùa là hội chứng tự yêu. Các biểu hiện của một người cha hoặc mẹ quá yêu mình như sau:
- Biểu hiện chính: Không có khả năng yêu thương trẻ.
- Không có khả năng nhận ra trẻ có những nhu cầu khác mình.
- Quá mức quan tâm tới hình ảnh bản thân.
- Sẵn sàng gò ép trẻ làm mọi thứ theo yêu cầu của mình, nhưng không đáp ứng được 1% nhu cầu cảm xúc của trẻ.
- Trẻ chỉ đơn giản là đối tượng cho cha/mẹ điều khiển để cha/mẹ cảm thấy tuyệt vời về bản thân cha/mẹ.
- Thường xuyên chỉ trích, hạ thấp trẻ.
- Khi trẻ chỉ ra rằng cha/mẹ đã làm gì sai, cha/mẹ nghĩ ngay ra cách để “giúp” trẻ nghĩ rằng trẻ chỉ có trí tưởng tượng quá phong phú.
- Nếu trẻ ngoan, sẽ không có việc gì xảy ra. Nếu không nghe lời, hãy chờ đợi một trận lôi đình và hình phạt tương xứng.
- Vân vân.
(//thenarcissisticlife.com/do-i-have-a-narcissistic-mother-21-signs-of-a-narcissistic-mother/)
Chúc mừng năm mới!