Nếu bạn đang nhìn vào cái ảnh ở trên và băn khoăn, “Tượng tô gì mà xấu thế? Thế mà cũng đưa lên thành ảnh?”, tôi xin giải thích!
Nếu bạn có con nhỏ thì chắc hẳn gia đình bạn không còn lạ lẫm gì với Tiniworld, khu vui chơi cho trẻ em trong nhà hiện có mặt tại nhiều khu vực quanh Hà Nội.
Nào cùng chơi!
Lần nào tôi vào Tiniworld cùng con và bé ngồi xuống tô tượng, tôi cũng bắt gặp một số kiểu cha mẹ thường gặp – và cả ông bà nữa. Có bà ngồi cạnh cháu, tay cầm sẵn giấy lau, liên tục chấm chấm giấy quanh bức tượng để lau phần màu thừa đang nhỏ giọt xuống xung quanh bức tượng. Có bà mẹ sốt ruột vì con tô lâu, mà lại tô “không đúng”, nên bực mình, cầm luôn một cái bút nữa tô cùng con. Có bà lại ngồi chỉ huy, chỗ này phải màu này, chỗ này màu kia. Đối với tranh cát (tô màu dùng cát ấn lên trên tranh đã có sẵn) hoặc tranh ghép hình nhựa, có ông bố sốt ruột đến nỗi … ngồi làm luôn hộ con, và đứa trẻ chỉ ngồi nhìn. Và tất nhiên, lại có những người hoàn toàn mặc kệ con, ngồi ở ghế bên cạnh “dán mắt” vào điện thoại.
Thông điệp chúng ta đang gửi gắm cho trẻ là gì qua những hành động trên?
- Cầm giấy liên tục lau màu rớt ra = Chơi gì mà bẩn thế, không thể chấp nhận được.
- Sốt ruột nên cầm bút “tranh” tô cùng con = Chơi gì mà chậm thế, để mẹ giúp cho nhanh.
- Tô thế sai rồi, nghe mẹ bảo rồi tô = Con làm sao mà biết bằng mẹ, nghe mẹ nói đây.
- Làm hộ con, con ngồi nhìn = Thôi khỏi chơi, cái này khó lắm, biết gì mà làm.
- Hoàn toàn mặc kệ = Chuyện mày mày tự làm, tao làm việc tao, mấy cái trò chơi vớ vẩn.
Tóm gọn lại, thông điệp chung khi không ít người lớn can thiệp vào quá trình chơi của trẻ là: Trẻ con không biết bằng người lớn, chờ đến khi nào biết làm hẳn hoi thì hẵng làm, nếu không thì lắng nghe mà học tập, hoặc để đấy người lớn làm cho.
Không cho trẻ phát triển tự nhiên
Trẻ con cần nhiều lần tập làm mới có thể hoàn thiện các kĩ năng. Chưa kể việc hoàn thiện kĩ năng không đơn giản có thể xong sau nhiều lần tập, mà còn phụ thuộc vào khả năng của trẻ qua từng giai đoạn phát triển. Những phát triển này không thể bị đẩy nhanh. Trẻ cần có thời gian để tự mày mò, tự chơi để có thể hiểu ra những điều tưởng như rất đơn giản: Cầm bút như thế nào, góc cầm so với bề mặt tô ảnh hưởng như thế nào đến nét vẽ, chấm bút vào nước ra sao cho hết màu, cần bao nhiêu màu là hợp lý để tô phần muốn tô, v.v… Không thể giảng giải là xong.
Người lớn quá sốt ruột, thể hiện thái độ khó chịu rồi giảng giải, rồi làm hộ. Trẻ mặc dù quá bé vẫn có thể hiểu rằng người lớn đang nói, “Con kém quá, đừng làm nữa.”
Tâm lý thích tốc độ
Trẻ con cần nhiều thời gian để phát triển. Học là một quá trình. Nhưng không ít cha mẹ không để ý đến quá trình, thay vào đó lại chỉ mong ngóng kết quả. Các cha mẹ kiểu này thích nói, thích “ủn” con, nhưng không tự mình bình tĩnh hướng dẫn cho con xem cụ thể phải làm gì.
Những mong đợi không hợp lý kết hợp với căng thẳng ngày càng gia tăng giữa cha mẹ và con dần dần tạo thành một vòng tròn không bao giờ kết thúc, với kết quả là con chẳng học được, còn cha mẹ ngày càng thất vọng một cách không cần thiết.
Cuộc chơi đã kết thúc
Cha mẹ lao đầu vào làm giúp con không chỉ riêng trong việc tô tượng, mà còn trong việc ăn uống, mặc quần áo, đi giày, dọn đồ chơi, và các việc nhỏ khác trẻ có thể tự học dần để làm được.
Không cần ai dạy, từ khi sinh ra, bản năng của trẻ đã là vừa học vừa chơi. Tập ăn, tập bò, tập đi, khám phá thế giới,… tất cả đều là một cuộc chơi mà trẻ không hề có khái niệm “thất bại”. Cuộc chơi này chấm dứt đối với rất nhiều trẻ khi trẻ đã lớn hơn, muốn tự làm mọi việc, và người lớn nói: “Nếu làm thì làm ra hồn. Con không làm được đâu. Để mẹ làm cho nhanh.”
Người lớn quên mất rằng trẻ cần phải được trao cho cơ hội học cách tự lập dần dần, rằng quá trình mới là chính còn kết quả là phụ (quá trình tốt, kết quả khắc đến) trong đó trẻ phải tự nỗ lực. Người lớn vô tình lấy đi niềm vui của trẻ khi được làm mọi việc. Người lớn vô tình dạy trẻ rằng điều quan trọng nhất là kết quả. Người lớn vô tình dạy trẻ rằng những gì trẻ làm chỉ có ý nghĩa khi khiến người lớn hài lòng.
Không, điều quan trọng nhất không phải là kết quả, hay sự hài lòng của người lớn.
Điều quan trọng là niềm vui và nỗ lực. Điều quan trọng là trẻ cảm thấy được yêu thương và chấp nhận kể cả khi không hoàn hảo. Điều quan trọng là bố mẹ sẵn sàng giúp trẻ khi trẻ yêu cầu được giúp đỡ (chứ không phải chen vào giúp khi con không cần). Điều quan trọng là trẻ hiểu rằng học là một cuộc chơi với số lần thử không giới hạn, thất bại là khi không còn thử nữa.
Điều quan trọng với người lớn chưa chắc đã là điều quan trọng với trẻ. Điều quan trọng với người lớn chưa chắc đã giúp ích cho trẻ. Trẻ phải được trao đủ tự do để tự là mình, chứ không phải làm đứa trẻ mơ ước của người lớn.
Các bậc cha mẹ có dám tự đánh giá mình để tự nhìn ra mình cần thay đổi ở đâu?