Thư gửi bố mẹ: Trẻ nhỏ dạy người lớn điều gì?

Nói đến việc có con và nuôi dạy con, nhiều người lớn thường nghĩ đến việc họ sẽ dạy gì cho trẻ, rằng họ sẽ phải hi sinh cho con biết bao nhiêu và quá trình sẽ vất vả đến nhường nào.
Chính vì nhiều người lớn không thể nào không nhắc đến chữ “đầu tư” khi nuôi dạy con, nhiều người trong chúng ta những tưởng rằng chúng ta cho, còn trẻ thì nhận. Chúng ta tưởng rằng đây là một sự hi sinh một chiều từ cha mẹ.
Chúng ta quên rằng con cái mới là người trao cho cha mẹ cơ hội lớn lao để trưởng thành.
Trẻ nhỏ dạy tôi vô cùng nhiều bài học quý giá mà hầu như không người lớn nào làm được.
Nhưng nếu bạn muốn học từ trẻ nhỏ, bạn phải là người vô cùng khiêm nhường. Bạn phải là người sẵn sàng học từ bất kì ai.

Văn hóa và “truyền thống” 

Văn hóa của chúng ta dạy chúng ta điều gì? Văn hóa của chúng ta dạy rằng người lớn mới đúng, rằng trẻ nhỏ phải kính trọng người lớn, rằng trẻ nhỏ phải nghe, phải chào, phải sẵn sàng mà học từ người lớn; còn người lớn không cần phải lắng nghe, không cần phải chào trẻ, không cần phải đếm xỉa đến trẻ. Không tin thì bạn hãy mở các quyển sách giáo khoa, các bài học đạo đức cho trẻ, sách truyện cho trẻ nhỏ, và nhìn thái độ của rất nhiều người lớn mà coi!
Một đứa trẻ sẽ bị trách vì nó không nhanh mồm nhanh miệng chào hỏi. Nhưng một người lớn không bao giờ bị trách vì không chào lại đứa trẻ. Thậm chí nếu có lờ đứa trẻ thì cũng là chuyện thường tình. Khi người lớn nói mà trẻ không đồng tình rồi nói lên ý kiến của nó thì đứa trẻ ấy bị gọi là “hỗn”, là “láo”. Còn người lớn thì có quyền gạt phăng ý kiến của đứa trẻ như thể suy nghĩ và cảm xúc của nó chẳng quan trọng. Người lớn khuyến khích trẻ “ngoan” bằng cách vâng lời. Đứa trẻ hầu như không có tiếng nói.
Trong tiếng Việt có từ gì tương đương với từ “hỗn” để chỉ thái độ thiếu tôn trọng của người lớn với trẻ con? Tôi chưa nghĩ ra.

Trẻ nhỏ dạy ta chấp nhận người khác

Nếu bạn muốn học từ trẻ nhỏ, bạn phải dành thời gian với con để hiểu con, để thực sự cảm nhận được con, lắng nghe con, và vứt bỏ cái tôi và những gì bạn nghĩ là bạn biết, để nhường chỗ cho những điều mà người lớn đã lãng quên từ lâu.
Quan sát con tôi chơi với trẻ lạ hoắc ở bàn bên cạnh những lần đi uống cà phê mà tôi hiểu rằng chấp nhận người khác là chuyện rất dễ dàng, vô cùng tự nhiên ở trẻ mà người lớn, do thường không thể vượt qua được cái tôi, nên khó mà làm được.
Trẻ nhỏ chẳng cần biết gia đình chúng thuộc tầng lớp văn hóa nào, những đứa trẻ khác béo hay gày, đi học ở đâu, đã học được những gì, mặc quần áo gì, tóc tai ra sao. Chúng chỉ mất vài phút tần ngần ban đầu. Rồi sau đó kể cả khi chúng đã từng hoặc chưa từng chơi với nhau thì cũng chả có gì quan trọng. Chúng chỉ biết đúng một điều: Chơi cùng nhau là vui.

Trẻ nhỏ dạy ta yêu thương

Tôi dành rất nhiều thời gian nói chuyện và chơi đùa cùng con. Điều mà tôi nhận thấy rất rõ ràng là trẻ nhỏ sinh ra đã có sẵn lòng yêu thương to lớn cho cả con người lẫn con vật, và thậm chí là cả những vật vô tri vô giác.
Khi con tôi để quên một đồ chơi ở nhà ông bà ngoại, bé về nhà và lo lắng hỏi: “Nó có buồn không hả mẹ? Ai dỗ nó bây giờ? Khổ thân nó quá.”
Trẻ nhỏ không bao giờ muốn ai bị đau, bị buồn, bị bỏ rơi, bị bắt nạt, bị đánh mắng hay bị tổn thương theo bất kì cách nào.
Có vài lần tôi và con đã chứng kiến một số cha mẹ mắng hoặc đánh con khiến đứa trẻ chưa biết nói chỉ biết tức tưởi khóc òa. Con tôi chỉ mới 3 tuổi tỏ vẻ quan sát, lắng nghe rất tập trung với vẻ đăm chiêu rồi thốt lên: “Bư sẽ đánh bà đấy. Bà đấy xấu tính.”
Mẹ con tôi cũng hay đọc sách với nhau. Khi dưới 4 tuổi, hễ có chi tiết nào liên quan đến cãi vã hay đánh nhau, con tôi đều từ chối đọc tiếp. Mỗi khi có nhân vật nào khóc hoặc buồn, bé cũng tỏ vẻ rất đồng cảm, lo lắng cho các nhân vật. Khi tôi giải thích cho bé là gấu Bắc Cực ăn hải cẩu, bé nói sẽ bảo vệ hải cẩu bằng cách đem hết những con hải cẩu về phòng bé, cho chúng ngủ lại và cho chúng ăn nữa.
Tôi cũng giải thích ngắn gọn cho bé khi bé được 3 tuổi rằng túi ni lông và rất nhiều thứ độc hại do co người tạo ra không tốt cho Trái đất, mà Trái đất lại chính là nơi ta sinh sống. Lâu lâu sau đó, có một lần trước khi sắp đi ra siêu thị, tôi hỏi bé: “Khi đi mua hàng thì nhớ không được mang gì về hả con?” Tôi vô cùng ngạc nhiên vì bé vẫn nhớ. Bé trả lời: “Túi ni lông!” Thi thoảng bé lại hỏi tôi xem một thứ gì đó có tốt cho Trái đất hay không.

Trẻ nhỏ dạy ta nói thật

Trẻ nhỏ nghĩ thế nào thì nói thế ấy. Không quanh co, không vòng vèo, không ám chỉ. Trẻ chưa học được những cách nói này, cũng chưa biết “lịch sự” là gì. Lịch sự tưởng như hay, nhưng trong nhiều trường hợp thực ra cũng chỉ là giả vờ. Khi con tôi thực sự yêu ai, con tôi nói liền. Và nếu có một thành viên trong gia đình bé có nghĩa vụ phải thích nhưng lại không thích, bé cũng sẽ nói thẳng ra, chứ chẳng ngại ngần gì.
Cái thật mà trẻ dạy ta không chỉ là cái thật về những gì xung quanh ta. Cái thật mà trẻ dạy ta còn là cách nhìn nhận chính bản thân ta. Mỗi khi con tôi khóc và đòi hỏi vô lý, ngay trong lúc khóc bé cũng nhận luôn là mình “bầy hầy”. Những khi ấy, tôi hỏi: “Thế bầy hầy có tốt không hả con?” Bé không chần chừ: “Không!” Người lớn chúng ta có dám nhận mình “bầy hầy” hay lảng tránh bằng những trò chơi lảng tránh sự thật và đổ lỗi cho nhau?
Trẻ nhỏ cũng dạy ta nhìn nhận mọi việc đúng như những gì đang diễn ra. Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm để thêm mắm thêm muối vào câu chuyện, để suy diễn, để dùng thành kiến làm công cụ đánh giá người hoặc sự kiện. Một người chen hàng chỉ là một người chen hàng. Anh ta có một hành động bất lịch sự. Điều đó không đồng nghĩa với việc anh ta là kẻ bất lịch sự trong mọi trường hợp, là kẻ đại diện cho dân Việt Nam, là kẻ không coi ai ra gì, là kẻ ích kỉ, là kẻ đại diện cho mọi thứ bạn ghét, v.v…

Trẻ nhỏ dạy ta học hỏi

Sự thật là trẻ nhỏ sinh ra đã là những nhà khoa học. Chúng quan sát và khám phá thế giới, lắng nghe cách thức ngôn ngữ được sử dụng, và sau đó sự đúc kết các quy luật. Chúng ta không thấy khả năng học ngôn ngữ tuyệt vời của trẻ hay sao? Đáng tiếc là nhiều người lớn chúng ta tưởng rằng trẻ chẳng biết gì, nên phớt lờ trẻ và các nhu cầu của trẻ, chỉ quan tâm đến mong đợi của mình dành cho trẻ.
Trẻ luôn muốn biết mọi thứ có tên gọi là gì, vận hành ra sao, và đặt muôn vàn câu hỏi tại sao – có khi đến người lớn sống bao lâu cũng chịu, không có câu trả lời. Chỉ cần có một thay đổi nhỏ trong một căn phòng ở nhà, trẻ sẽ phát hiện ra ngay khi đặt chân vào. Trong khi đó, những người lớn trong nhà có khi lại chẳng phát hiện ra.
Nhưng chỉ cần lên đến lớp 1 là trẻ đã thôi, không còn hỏi tại sao, và không còn háo hức tìm hiểu cuộc sống nữa. Vì sao? Vì sự can thiệp quá nhiều của người lớn vào quá trình học của trẻ. Vì người lớn ưu tiên kết quả mà quên đi quá trình. Người lớn bỏ qua nhu cầu chơi-mà-học của trẻ, thay vào đó lại ép trẻ học những thứ mà người lớn cho là quan trọng, và học theo cách của người lớn. Qua đó, chúng ta tước đi của trẻ bản năng học mạnh mẽ.

Trẻ nhỏ dạy ta sống trong hiện tại 

Các bố mẹ, ông bà thì thường mong con cháu ngoan, biết nghe lời, tài giỏi hơn những đứa khác, để về sau đi học trường có tiếng, có bằng, kiếm được nhiều tiền, và quan trọng nhất là sống cuộc đời như bố mẹ đã hình dung sẵn và chuẩn bị cho.
Nhưng trẻ nhỏ không đoái hoài đến những thứ đó. Trẻ nhỏ chỉ quan tâm đến hạnh phúc ở đây, bây giờ. Bạn có thấy trẻ nhỏ nào lo lắng xem chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai không? Hay tự ngồi dằn vặt mình về một điều đã qua? Hay bất mãn với bản thân chúng? Hay bất mãn rồi trách móc cha mẹ, ông bà? Lớn lên một chút thì trẻ sẽ học những thứ đó từ chúng ta chứ không phải ở đâu ra.
Chính người lớn chúng ta dạy chúng rằng phải đạt được điều này, điều kia thì mới xứng đáng được yêu, xứng đáng được chấp nhận. Chúng ta đặt ra đủ loại yêu cầu cho chúng: Ngoan, nghe lời, ăn nhiều (nhưng không được béo quá), đi ngủ đúng giờ, học nhanh mọi thứ người lớn dạy, được điểm cao đối với MỌI MÔN HỌC, lễ phép, tự tin, vui vẻ, khéo léo, biết bày tỏ ý kiến, biết kiềm chế bản thân, không nghịch ngợm, v.v…
Chúng ta lấy đi động lực chính đáng nhất là sự hạnh phúc của trẻ, và thay thế vào đó là kẹo, là kem, là iPad, là điểm cao, là tình yêu có điều kiện, là sự tán thưởng của người lớn và xã hội. Chúng ta dùng những phần thưởng hởi hợt đó để hấp dẫn trẻ, để ép trẻ vào cái khuôn đã có sẵn.

Chúng ta đều đã từng là những đứa trẻ. Rồi chúng ta lớn lên, và quên mất mình ở đây để làm gì. Chúng ta quên mất những gì mình phải chịu đựng do sự thiếu hiểu biết của người lớn ngày chúng ta còn bé. Và chúng ta lặp lại những điều tương tự với con cháu chúng ta.
Chúng ta càng sống thì cái tôi càng to. Tưởng biết được nhiều mà cái đầu như ngày càng chồng chất những hỗn loạn.
Mọi thứ sẽ tiếp tục hỗn loạn đến khi chúng ta không chịu nổi nữa, và nhận ra rằng chúng ta phải học cách vứt bỏ rác rưởi ra khỏi đầu, để học cách trở lại làm đứa trẻ ngày trước.
Không phải tất cả chúng ta đều sẵn sàng cho việc này, và không phải những người sẵn sàng đều thành công.
Tôi cho rằng đó chính là một trong những mục đích cao cả của cuộc đời.