Có ai trong những người làm cha mẹ chúng ta chưa từng giận dữ? Chúng ta có thể cảm thấy tức giận với hoàn cảnh tạm thời, với con, cụ thể là một hay nhiều hành vi của con, với chính bản thân chúng ta, mà thường là tất cả cùng một lúc.
Lấy một ví dụ đơn giản thế này: Buổi đêm thì ai chẳng muốn được liền mạch và ngon giấc. Nhưng đến khi làm mẹ thì nhiều bà mẹ mới hiểu rằng giấc ngủ ngon mà họ vẫn luôn mặc định là chuyện thường tình trong bao nhiêu năm qua là điều mà bây giờ họ ước ao. Vậy là đến tối, bà mẹ, mặc dù biết là con có khả năng dậy, song vẫn mong đợi sẽ được ngủ ngon giấc. Đang ngủ, bỗng đứa trẻ tỉnh và khóc nức nở, bà mẹ dỗ nó khó hơn thường lệ.
Bà mẹ cáu.
Sau khi cảm thấy cáu vì phải ru đứa con ngủ trong khi chỉ mới chợp mắt được một lát, bà mẹ lại cáu hơn nữa. Bà mẹ không thể chấp nhận được việc mình lại tự để cho mình mất kiểm soát một cách ngẫu nhiên. Chị đã nghĩ rất nhiều và tự nhủ mình sẽ không cáu nữa.
Lại thất bại.
Phải làm gì?
Hãy nhận lấy trách nhiệm
Tôi cũng đã lâm vào tình huống trên và các tình huống tương tự khác với con rất nhiều lần. Con đầu của tôi năm nay sắp lên 4 tuổi. Dù những cơn giận của tôi đã bớt cả về tần suất lần mức độ sau vài năm qua, dù tôi tự biết mình đã cải thiện được phản ứng của mình với con và học cách điều chỉnh các mong đợi, tôi không thể nói rằng mình đã được tự do.
Tại sao tôi lại dùng từ tựdo? Vì tôi vẫn để cho các mong đợi giam cầm mình, và để cho các cơn giận trói buộc mình. Mà chỉ có tôi là người chịu trách nhiệm về mong đợi cũng như phản ứng của mình.
Con tôi không có nghĩa vụphải hành xử như tôi mong đợi, không có nghĩa vụ phải buồn ngủ đúng giờ như tôi mong đợi, không có nghĩa vụ “không làm phiền” tôi như tôi mong đợi, và ti tỉ thứ khác như tôi mong đợi để tôi có thể có một ngày sinh hoạt an nhàn, để tôi có thể có thể có thời gian làm việc riêng của tôi, dù cho đó là thú vui tiêu khiển, làm việc hay sở thích.
Con tôi không làm bất kì điều gì để chọc tức, thách thức hay quấy rầy tôi.
Con chỉ là con. Con đang sống theo cách của con. Con thể hiện mình theo cách của con.
Tôi không cần phải tức tối. Tức tối là chuyện của tôi.
Nếu bạn chưa sẵn sàng cho thông điệp này, có lẽ bạn sẽ cần đến nó khi nào bạn sẵn sàng tại một thời điểm gần hoặc xa trong tương lai. Tôi xin nhắc lại: Bạn tức là do mong đợi của bạn, và do thiếu chuẩn bị để đối phó khi cơn giận diễn ra, không phải tại con.
Ngưng đổ lỗi cho bản thân
Cơn giận của bạn là do bạn, nhưng khi nó xảy ra, bạn không nên đổ lỗi cho bản thân mình để tiếp tục giận dữ thêm. Như vậy chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Tự trách mình lại chỉ khiến bạn cảm thấy thêm bất lực.
Khi chúng ta giận chính bản thân mình, một loạt các ý nghĩ trong đầu xuất hiện như thế này: Mình lại tức giận, mình đã nói với bản thân là không được giận nữa, mình chẳng làm được tích sự gì, con mình khổ thân vì có người mẹ, người bố như mình quá, v.v…
Đêm qua khi con thứ hai gần 1 tuổi của tôi tỉnh giấc, và tôi phải dỗ bé ngủ lại (trong khi tôi đang rất mệt và vừa đặt lưng xuống chưa được lâu), tôi cảm thấy vô cùng bực tức. Khi ấy, gần như là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi bỗng ngưng phán xét nỗi giận và ngưng phán xét bản thân. Tôi ngưng tất cả lại, để cảm thấy nỗi giận như ngập tràn trong cổ họng và lồng ngực mình, và nhận diện nó: “À, mình đang giận.” (Lúc ấy, tôi còn vô cùng ngái ngủ chứ không tỉnh táo gì!)
Bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó không?
Như một phép thần, cơn giận bỗng tan biến.
Bạn không phải là cơn giận, cơn giận không phải là bạn
Lúc ấy, tôi mới hiểu những gì Thích Nhất Hạnh nói về nỗi giận – những điều mà tôi đã đọc rất lâu rồi, tưởng như rất hiểu rồi, nhưng chưa bao giờ làm được. Ông nói rằng khi cơn giận đến, hãy nhận diện nó, hãy quan sát nó. Nhưng đừng bao giờ quên: Bạn không phải là cơn giận, và bạn không phải là những cảm xúc của bạn.
Bạn như mặt nước phẳng lặng, qua đó mọi thứ từ bông hoa, cành cây, mặt trăng đều có thể được phản chiếu một cách chân thực nhất. Cảm xúc như những cơn gió, có thể hiu hiu hoặc rất mạnh, khiến cho mặt nước gợn sóng dập dềnh hoặc nổi sóng to. Cảm xúc đến rồi đi. Đừng bấu víu vào chúng. Chúng đến thì để chúng đến. Chúng đi thì để chúng đi.
Cảm xúc không xấu. Đừng phán xét cơn giận của bạn. Bạn sẽ chỉ giận thêm. Khi cơn giận đến, hãy hít thở sâu, hãy lắng nghe bên trong mình, và nói với bản thân bạn: À, cơn giận đến rồi.
Đêm qua khi tôi làm vậy, tôi đã cho phép mình được giận, nhưng tôi không cho phép cơn giận chi phối hành vi của mình. Đồng thời, tôi không phán xét bản thân, cũng không phán xét cảm xúc giận.
Tôi là người quan sát. Tôi không tham gia.
Tôi chưa hề có một cảm giác nào như thế.
Nó bình yên và đẹp đẽ đến khó tả.
Đối phó với cơn giận
Bạn không thể hết giận bằng cách né tránh cơn giận. Bạn không thể trốn tránh cơn giận bằng cách tránh những điều khiến bạn giận. Bạn không thể đè nén cơn giận bằng cách tảng lờ như thể nó không có ở đó.
Tất cả chúng ta đều đã từng thử tất cả các cách ở trên, để nhận ra mình vẫn thất bại. Nó vẫn có ở đó.
Nó tích trữ, lưu cữu ngày qua ngày, và bùng phát ngày một mạnh. Nguyên nhân rất đơn giản: Ta không chấp nhận nó, ta cho rằng nó xấu.
Cách duy nhất để chinh phục sự giận dữ là chấp nhận rằng nó ở đó, là nhận diện nó, là quan sát nó, là cảm nhận nó đang ở trong từng tế bào trong cơ thể bạn như thế nào. Nói cách khác, đó chính là buông bỏ.
Sự buông bỏ không phải là thất bại. Buông bỏ không phải là dễ. Trái lại, một khi chúng ta thực sự buông bỏ, chúng ta mới cảm thấy mình mạnh như thế nào. Một con người yếu đuối không biết buông bỏ, mà chỉ biết lệ thuộc, bấu víu.
Tôi không thể mô tả thêm cảm giác này. Chỉ có bạn là người trải nghiệm mới có thể hiểu được những gì tôi nói.
Ngẫm nghĩ và trải nghiệm cảm giác buông bỏ, tôi mới hiểu các kiến thức khoa học trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ hiện nay quả là tuyệt vời và rất chính xác (và hơn nữa, rất nhất quán – chứ không như ở Việt Nam ta, rất nhiều “chuyên gia” và hầu như mỗi “chuyên gia” lại nói một kiểu, bởi vì hiểu biết không dựa trên khoa học, rất nhiều là suy luận cá nhân cảm tính.)
Các nguồn thông tin cho cha mẹ ở phương Tây đều khuyên khi con cáu, cha mẹ hãy giúp con nhận diện cảm xúc, thể hiện lại bằng lời, và diễn giải nguyên nhân tại sao con cảm thấy như vậy. Nói cách khác, cha mẹ phải đồng cảm với con. Và đừng quên ôm con một cái. Khi cha mẹ đã làm được điều này, cảm xúc tiêu cực ở trẻ sẽ tan biến. Trách móc trẻ, phán xét trẻ hay cố gắng giải thích với trẻ là chẳng có lý do gì để cáu đều sẽ không giúp gì được bạn hay trẻ.
Đôi khi tôi làm được điều này với con, đôi khi không.
Và tôi còn có một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa: áp dụng nguyên tắc này với chính bản thân tôi.
Có con quả là công việc khó khăn nhất đời người. Nuôi dạy con là đã khó, nhưng con còn là cơ hội cho cha mẹ trưởng thành, để nhận ra thiếu sót của chính mình mà phấn đấu để trở thành con người hoàn thiện hơn.
Hãy tiếp tục nào các bố mẹ!