Thứ gì làm nên thành công tương lai?

Chúng ta luôn được nghe và đọc đủ hàng tỉ các lời khuyên dành cho cha mẹ. Lúc trẻ còn nhỏ xíu, các lời khuyên bao gồm: cho trẻ ăn gì và ăn thế nào, tắm cho trẻ ra sao, giáo dục sớm là gì, chơi với trẻ kiểu gì, dạy ngoại ngữ cho con hay cho con đi học ngoại ngữ ở đâu,… Khi trẻ dần lớn hơn, cha mẹ lại quay cuồng với hàng núi thông tin về các lớp học, trường học, phải cho trẻ đi học gì, học ở đâu,… Quá nhiều sản phẩm, khoá học và trường học hứa hẹn sản phẩm hay lớp học của họ chính là giải pháp hoàn hảo cho bọn trẻ.

Tôi sẽ đi thẳng vào sự thật đầu tiên mà chúng ta cần đối mặt và hiểu cho rõ. Một đứa trẻ không trở nên có giáo dục vì nó được đi học, mà vì mối quan hệ với cha mẹ của nó. Mối quan hệ với cha mẹ, không chỉ riêng trong những năm đầu đời mà còn kéo dài cho tới lúc trẻ trưởng thành và sẵn sàng rời khỏi tổ ấm gia đình, là nền tảng cho mọi phát triển ở trẻ, và sau này là khả năng tự giáo dục bản thân và vượt qua khó khăn của trẻ.

Để tôi làm rõ thêm sự thật này. Nhiều người nghĩ rằng giáo dục gia đình chỉ quan trọng với những gia đình homeschool như gia đình tôi, và cho rằng tôi đang nhấn mạnh quá tầm quan trọng của giáo dục gia đình vì tôi cổ suý homeschooling. Hoàn toàn không phải như vậy.

Dù bạn gửi con đi học ở đâu, dù bạn học để làm cha mẹ hay không, dù bạn chăm sóc con bạn giỏi hay tệ, dù bạn chủ động giáo dục con hay không, mối quan hệ của bạn với con, cụ thể là cách bạn đối xử với con và cách bạn can thiệp hay trao quyền tự do cho con trong cuộc sống hàng ngày với bạn, chính là nền tảng tạo nên con người của con.

Nhiều người nghĩ rằng kiến thức và điểm cao là tấm vé hạng VIP để con có thể có tương lai tốt đẹp và nghề nghiệp như mơ ước. Nhiều người cũng nghĩ rằng cha mẹ phải có thật nhiều kiến thức chuyên môn thì mới có thể giáo dục được con. Để tôi làm rõ tiếp. Sự thành công trong cuộc sống của một con người không thể được đoán trước bằng điểm ở trường, càng không phải là lượng kiến thức mà trẻ thể hiện ra là đã thuộc làu, mà phụ thuộc vào NHÂN CÁCH của trẻ. Một số yếu tố tiên quyết tạo nên thành công bao gồm sự quyết đoán, hiểu biết về bản thân, sự nỗ lực, trí thông minh cảm xúc, sự tự tin vào bản thân, lòng tự trọng, sự tin tưởng rằng mình có thể đem lại thay đổi và mình kiểm soát cuộc đời mình, sự linh hoạt, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, khả năng trì hoãn sự thoả mãn tức thời và biết kiềm chế bản thân.

Bạn có biết trẻ nhỏ học những kỹ năng và phát triển nhân cách như thế bằng cách nào không? Từ mối quan hệ với cha mẹ. Đổ lỗi cho nền giáo dục là một lựa chọn đơn giản. Nó là cách né tránh trách nhiệm nhanh nhất. Chúng ta không thể tạo nên thay đổi trong hệ thống giáo dục ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể ý thức được cách chúng ta đối xử với con sẽ ảnh hưởng tới con về lâu dài như thế nào.

Cách đứa trẻ nhìn nhận bản thân nó phụ thuộc chủ yếu vào cách cha mẹ nó đánh giá nó và đối xử với nó. Nếu bạn liên tục chỉ trích và so sánh con với trẻ khác, thông điệp mà bạn gửi con là “Con chẳng là gì hết. Con thật kém cỏi.” Đứa trẻ sẽ trở thành người lúc nào cũng lo lắng mình kém người khác. Nếu bạn liên tục thờ ơ các vấn đề cảm xúc của con (vd như con khóc, bực, ghen tị,…), thông điệp bạn gửi con là “cảm xúc của con không quan trọng với bố mẹ”. Đứa trẻ sẽ suy ra rằng những cảm xúc của nó không quan trọng, nó thiếu kỹ năng đối mặt và xử lý cảm xúc, nó sẽ mất liện hệ với cảm xúc của chính nó, và sẽ có các vấn đề tâm lý nảy sinh từ việc chạy trốn cảm xúc. Nếu bạn liên tục kiểm soát con, không cho phép con tự quyết định nhiều, thông điệp bạn đang trao cho con là: “con chẳng biết gì hết, tốt nhất là bố mẹ không cho con quyết định.” Lớn lên, đứa trẻ đó đương nhiên sẽ mất phương hướng, không biết mình muốn làm gì, và thiếu khả năng tự lên kế hoạch cho cuộc sống của mình.

Sự kiểm soát thái quá và sự chỉ trích là liều thuốc độc khủng khiếp nhất một người cha hoặc mẹ có thể trao cho con. Những đứa trẻ bị cha mẹ can thiệp quá mức vào các hoạt động của nó (liên tục chỉ huy con cách chơi, bắt con nghe lời mọi lúc, bắt con đi học thật nhiều mà không cho con thời gian rảnh để tự chơi,…) đều có nguy cơ dễ mắc các chứng bệnh tâm ly như trầm cảm (vào giai đoạn vị thành niên), cảm thấy trống rỗng vì không biết mình muốn gì, sống để làm gì, hoặc ở các bé trai thì là sự hung hãn, gây gổ, sử dụng/lạm dụng chất kích thích sớm, phạm tội. Theo các nghiên cứu của Mỹ, trẻ em các gia đình khá giả đặc biệt có nguy cơ dễ trở nên như vậy vì mức độ kiểm soát quá cao do kỳ vọng con cái phải trở thành ai đó trong tương lai.

Trẻ con không tự dưng hư hỏng hay có các chứng bệnh tâm lý. Tất cả xuất phát từ cách được cha mẹ đối xử. Đó mới là giáo dục.

Bản thân cha mẹ, khi còn có các vấn đề riêng như mặc cảm, tự ti, lo lắng, căng thẳng kéo dài…, sẽ đem toàn bộ các vấn đề đó vào trong mối quan hệ với con cái. Bản thân tôi chỉ cần một đêm thiếu ngủ là hôm sau có thể trở nên hết sức cáu kỉnh và xử lý các tình huống với con kém hẳn.

Vì vậy, tôi luôn tin tưởng rằng khi giáo dục con cái, trách nhiệm đầu tiên cha mẹ phải học là cách sống hạnh phúc với bản thân và hoà hợp với những người xung quanh, có thể thoả hiệp đôi chút về hành vi nhưng không thoả hiệp các giá trị sống. Bạn sống thế nào, bạn là người thế nào, bạn đang đi đâu trên cuộc hành trình của riêng bạn – tất cả đều là bài học giáo dục dành cho con cái của bạn, dù bạn muốn hay không.

Có con là cơ hội để ta làm lại ta. Đây là lúc để ta tự đánh giá lại ta và điều chỉnh bản thân. Ta không tự giúp ta thì không ai giúp ta cả. Ta hạnh phúc với bản thân và tin tưởng bản thân, thì con cũng sẽ hạnh phúc với ta, tin tưởng ta, và hạnh phúc với chính con cũng như tin tưởng chính con.

Ta còn chờ gì nữa?