Dạy trẻ nhỏ tiếng Anh: Đúng vs sai.

Tôi đã đi dạy tiếng Anh cho nhiều đối tượng. Quá trình dạy của tôi là đi “giật lùi”: tôi bắt đầu dạy người lớn, sau đó tới sinh viên và học sinh trung học, sau đó tới học sinh tiểu học, sau đó tới các em mẫu giáo. Các con tôi là lứa tuổi bé nhất mà tôi dạy tiếng Anh: tôi dạy con đầu từ lúc con 14 tháng, và con thứ hai từ lúc sơ sinh.

Tôi không phải dân sư phạm hay đã được đào tạo sư phạm gì.

Trong quá trình “giật lùi” đó cho đến nay, kết hợp với quá trình học của bản thân cũng như quan sát cách các con học và phát triển, tôi mới đủ khả năng để móc nối tất cả các giai đoạn phát triển với nhau. Tôi bắt đầu nhìn thấy câu trả lời cho các câu hỏi như tại sao người lớn lại có những biểu hiện A, B, C trong khi học ngoại ngữ, còn trẻ vị thành niên là D, E, F, nhưng trẻ mẫu giáo là K, P, G, và trẻ chưa đi mẫu giáo là Q, W, X hay gì đó.

Tôi giật mình vì nhận ra rằng một phần rất lớn trong cách tiếp cận sai với trẻ nhỏ chưa biết chữ khi dạy tiếng Anh cho chúng là do người lớn đem cách học của người lớn hoặc cho trẻ lớn đã biết chữ để dạy trẻ chưa biết chữ.

Bạn hãy nghĩ đi. Một đứa trẻ chưa biết chữ. Vẫn đang học nói. Và chúng ta đem chữ để dạy chúng? Câu trả lời chỉ có thể là: Chúng ta chẳng biết gì cả.

Một ngộ nhận rất lớn rằng trẻ có thể học chữ ở bất kỳ độ tuổi nào, dù chỉ mới sơ sinh, bắt đầu với Glenn Doman, một phương pháp xuất hiện ở Tây từ những năm 80, nhưng đến này thì gần như “mất tích” ở đó, nhưng lại được đem về Việt Nam để “tái sử dụng”, tung hô như phương pháp đào tạo thiên tài. Một thứ không có giá trị sẽ tự bị loại bỏ. Đến nay, khoa học cho biết rằng trẻ nhỏ có thể sẽ tò mò về chữ loanh quanh 3-4 tuổi, tùy trẻ; nhưng để hiểu nguyên tắc ghép vần, bộ não trẻ không đủ sẵn sàng cho đến khi trẻ 5-6 tuổi, có trẻ thậm chí muộn hơn.

Một số nguồn quảng cáo phonics như một cách dạy trẻ học nói. Ôi không. Phonics là phương pháp học đọc, giống như học đánh vần tiếng Việt. Khi một đứa trẻ đang học nói tiếng Việt, bạn có đem chữ ra cho nó và dạy nó nguyên tắc ghép vần, hi vọng nó sẽ học nói được qua đó? Tất nhiên là không. Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng phonics sẽ giúp trẻ dưới 6 biết nói tiếng Anh?

Đối với trẻ nhỏ đang bập bẹ học nói, chúng có khả năng học tất cả các ngôn ngữ như nhau. Không có gene nào của người Việt quy định rằng ta chỉ có thể học được tiếng Việt, và cũng không có gene nào của người Mỹ quy định rằng họ chỉ sinh ra để học tiếng Anh sau khi chui ra khỏi bụng mẹ.

Bạn sẽ thấy có rất nhiều phụ huynh “quảng cáo” các phương pháp dạy trẻ học nói tiếng Anh sau:

1- Flashcard.
2- Phần mềm, như MJ rất nổi tiếng, được “hàng triệu bố mẹ trên thế giới tin dùng”. (Ta có biết ở Mỹ họ dùng MJ để làm gì không? Để dạy con họ học đọc, sau khi chúng đã nói sõi tiếng mẹ đẻ và sẵn sàng cho việc học đọc.)
3- “Tắm” tiếng Anh – cứ bật loa lên ngày đêm với những file audio chuẩn là con khắc học được tiếng Anh.
Bạn sẽ thấy họ nói rất nhiều, khoe rất nhiều là họ đang sử dụng phương pháp gì. Nhưng tôi cược luôn rằng chưa có cha mẹ nào dạy con nói được tiếng Anh thành thạo bằng cách xem flashcard, sử dụng phần mềm, hay “tắm” ngoại ngữ.
Bởi vì việc học ngôn ngữ không diễn ra như thế.

Ngôn ngữ là công cụ để kết nối các cá nhân trong các tình huống đời thường. Tức là khi học ngôn ngữ, phải có: 1 – NÓI, 2 – TƯƠNG TÁC VỚI NGƯỜI KHÁC, và 3 – CÁC TÌNH HUỐNG ĐI KÈM VỚI NHU CẦU GIAO TIẾP.

Nếu bạn cho rằng học tiếng Anh thành công chỉ là đếm được từ 1 đến 10, biết gọi tên vài chục con vật, biết tên các đồ vật, biết đọc được vài chục từ, thì các “phương pháp” nổi tiếng đánh số 1 và 2 ở trên có thể giúp con bạn. Nếu đó là mục tiêu của gia đình bạn, các cách thức đó ổn. Nhưng không bao giờ nên hi vọng từ đó mà con bạn có thể nói tiếng Anh thành thạo hay hiểu một người khác nói gì bằng tiếng Anh.

“Phương pháp” thứ 3 nên được vứt thẳng ra thùng rác, nghiêm cấm tái sử dụng. Khi trẻ không biết tiếng Anh, thì không một chữ nào sẽ lọt vào đầu theo cách đó. Những từ ngữ luôn phải có ý nghĩa với trẻ, được trình bày theo cách có ý nghĩa kèm theo tương tác tự nhiên với người khác.
Với những băn khoăn về giọng chuẩn, tôi xin nói thật luôn: Con bạn kể cả có học với thầy Mỹ giọng chuẩn cũng khó mà nói được giọng Mỹ. Đó mà mong đợi không tưởng. Thường chỉ có những phụ huynh chưa từng học tiếng Anh thành thạo, và không biết mấy tiếng Anh, mới nghĩ ra những đòi hỏi như thế.

Khi bản thân bạn chưa học tiếng Anh thành thạo, thì bạn sẽ rất dễ bị lung lay bởi quảng cáo, bởi đủ các loại phương pháp mà mỗi loại một kiểu, bởi vì bạn không có đủ kinh nghiệm thì bạn không có nền tảng gì để đối chiếu lý thuyết với kinh nghiệm, không có gì để đánh giá thông tin.
Và nếu con bạn không học tiếng Anh từ 2 tuổi thì đã sao nào? Có rất nhiều thứ khác để học. Và nếu bạn biết giới thiệu tiếng Anh một cách vui vẻ cho con để từ đó con có thể có niềm yêu thích với tiếng Anh, thì thế là đã đủ lắm rồi.

Ngày nhỏ, hồi những năm 97, 98, tôi còn rất nhỏ, chỉ có 9-10 tuổi, nhưng toàn tự học rất nhiều qua các bài hát và phim ảnh. Tôi tiếp tục thói quen đó cho tới khi lớn. Mọi người nghĩ rằng kỹ năng tiếng Anh của tôi có được là do những năm ở nước ngoài, nhưng nếu tôi không có cả chục năm tự học trước đó, thì những năm đó cũng không đem lại cho tôi nhiều lợi ích. Kể cả sau khi đã về nước và không còn tiếp xúc với người bản ngữ, tôi vẫn tiếp tục xem phim, đọc sách. Tiếng Anh của tôi đã cải thiện đáng kể từ khi tôi bắt đầu dạy các con, và vẫn đang tiếp tục phát triển tiếp. Khi đứng lớp, tôi cũng phải dùng tiếng Anh, nhưng tôi chỉ mải truyền đạt lại cái tôi đã biết, chứ không học được nhiều như khi dạy con. Khi tôi dạy con, đó cũng là khi tôi học.

Hành trình học ngôn ngữ là hành trình cả đời. Hành trình cả đời sẽ phụ thuộc vào chính ta, phụ thuộc vào niềm đam mê, yêu thích, nhu cầu, và mong muốn của ta. Bắt đầu sớm hơn vài năm chưa chắc đã để làm gì, đặc biệt là khi trẻ bị ép buộc hoặc học theo cách không thích hợp với trẻ.

Vậy thay vì “làm sao để con học thật sớm, thật nhiều?”, hãy hỏi: “làm sao để con tôi vui thích học?”