Mới đây một tai nạn hi hữu xảy đến với cậu bé 7 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM khi đi ăn cá viên xiên không may bị que xiên đâm vào lồng ngực.
Được biết, trước khi gặp nạn, tranh thủ giờ ra chơi, cậu bé rủ bạn đi ăn cá viên chiên. Trong lúc vừa ăn, vừa chơi đùa, bé không may bị bạn khua tay khiến đầu nhọn của cây xiên viên cá đâm vào lồng ngực.
Cây xiên cá viên đâm vào lồng ngực bệnh nhi (ảnh: bệnh viện cung cấp)
Ngay sau đó, nạn nhân được sơ cứu tại chỗ rồi chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau thăm khám ban đầu, bác sĩ quyết định chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định mũi nhọn của cây xiên cá viên may mắn chỉ đâm thấu phần mềm ở lồng ngực bệnh nhi nên tiến hành tiểu phẫu rút dị vật ra ngoài.
Chỉ trong thời gian ngắn cây xiên cá viên, xiên thịt viên đã gây họa cho 2 bệnh nhi. Trước đó (ngày 11/9) cậu bé 4 tuổi ngụ tại An Giang phải đến Bệnh viện Mắt, TPHCM cấp cứu, điều trị vì bị cây xiên thịt viên đâm thấu hốc mắt.
Bé V.V.Q.H bị que thịt xiên đâm vào hốc mắt. Ảnh: Người Lao động
Qua những trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo những vật như thìa, đũa, đĩa, bút, thước, đinh, kéo, dao… sắc nhọn đầu luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho con trẻ bởi các bé chưa ý thức được sự nguy hiểm.
Trên thực tế có rất nhiều tại nạn thương tâm xảy đến với con trẻ khi các em chơi những vật dụng sắc nhọn này.
Trước đó, hàng loạt các trang báo của Trung Quốc cũng đưa tin về cậu bé 2 tuổi ở Vũ Hán, Hồ Bắc bị đũa cắm từ mũi lên tận não như một lời báo động về sự nguy hiểm khi cha mẹ cho trẻ chơi với thìa, đũa.
Sự việc tương tự cũng xảy ra đối với cậu bé 14 tháng tuổi ở Sơn Đông, Trung Quốc khi cậu chơi với đũa trong khi mẹ cậu rửa bát trong bếp. Cậu bé không may mắn này đã ngã xuống khiến cho chiếc đũa đâm thẳng vào mũi và cắm sâu 4mm vào não cậu.
Các bác sĩ đã rất lo ngại khi tìm cách rút chiếc đũa ra khỏi não cậu bé vì nếu không cẩn thận có thể khiến cậu bị xuất huyết não làm tê liệt hoàn toàn não, thậm chí dẫn đến tử vong. Rất may ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và cậu bé chỉ bị chảy máu thông thường.
Ảnh Internet
Khi trẻ bắt đầu nghe và hiểu, cha mẹ cần giải thích cách dùng và những nguy hiểm nếu có của đồ vật cho trẻ hiểu. Cần dạy trẻ cách sử dụng an toàn và cách phòng tránh tai nạn đối với các vật dụng trong nhà để tạo ra những kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ.
Trường hợp chẳng may trẻ bị dị vật xuyên thấu cơ thể, người sơ cứu cần bình tĩnh trấn an bệnh nhi; tuyệt đối không rút dị vật để tránh nguy cơ mất máu cấp, sang thương có thể khiến nạn nhân rơi vào nguy hiểm; cố định dị vật tại vết thương, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Theo www.chimcanhviet.vn