như đã chia sẻ, mình bắt đầu dạy con tiếng Anh khi bé được 14 tháng. tính đến nay, khoảng thời gian đã là 18 tháng, tức hơn một năm rưỡi.
ở các blog trước, mình đã bàn đến khía cạnh dạy ngữ pháp cho con trong trường hợp các cha mẹ băn khoăn không biết làm sao bé sẽ hiểu và dùng được ngữ pháp: với điều kiện lượng input (nghe và tiếp xúc với người nói tiếng Anh) đều và chuẩn, bé sẽ tự “thấm” dần cách dùng mà không cần một lời giải thích nào.
xin nhắc lại rằng các bé trong độ tuổi đang học cả tiếng Việt thực ra lại có lợi thế hơn rất nhiều các bé đã thành thạo tiếng mẹ đẻ, vì các lý do sau:
+ trẻ đang học cả 2 tiếng chưa thành thạo tiếng nào nên 2 tiếng hoàn toàn có thể phát triển song song nếu lượng input lớn và đều cho cả 2 ngôn ngữ. khi đã thành thạo 1 tiếng, trẻ không thấy được sự cần thiết phải học một tiếng khác vì nhu cầu giao tiếp đã được thỏa mãn qua tiếng mẹ đẻ, đặc biệt ở trong môi trường không tiếp xúc với ai nói tiếng Anh.
+ trẻ chỉ tập trung vào học nghe/nói qua các tình huống hàng ngày tự nhiên, không phải tập trung học viết cùng một lúc. tất cả các từ vựng, cấu trúc người trông trẻ nói với bé hàng ngày đều phát sinh từ nhu cầu giao tiếp thực sự, không phải là những bài giảng cứng nhắc đã được lên chương trình khiến trẻ phải học cho dù có thực sự cần thiết cho giao tiếp hay không.
+ trẻ đang còn bé, nên vừa học vừa chơi, không bị căng thẳng.
+ trẻ rất thích thú học, không ngại ngùng, xấu hổ khi mình nói sai.
+ nếu được tiếp xúc với phát âm chuẩn ngay từ đầu, trẻ có thể bắt chước được giống 100%.
bất lợi của quá trình này lại là người trông trẻ hàng ngày phải có tiếng Anh tốt (trong trường hợp không có nhiều thì cũng phải có nền tảng chắc), và thời lượng bỏ ra với trẻ để giao tiếp bằng tiếng Anh là 2-3 tiếng trở lên, trong khi không phải gia đình nào bố mẹ cũng có đủ thời gian với con hoặc đủ kiên nhẫn để nói chuyện, đọc sách hay chơi các trò chơi khác nhau với bé để qua đó tận dụng hoạt động mà lồng tiếng Anh vào.
bạn Bư tháng 32
đối với các bố mẹ cũng bắt đầu dạy con từ khi còn bé xíu như mình mà bé lại nhỏ tuổi hơn, mình xin chia sẻ tiến bộ của bạn Bư để các bố mẹ tiếp tục cố gắng. thành quả của bạn Bư và mẹ bạn Bư vào hiện tại là bạn đã biết đặt nhiều câu hỏi bằng tiếng Anh và bắt đầu sử dụng ngữ pháp đúng:
I want to play I-pad please.
I’m not making monster anymore.
I want to read color book.
dog big. I’m small.
Something(s) wrong with the aliens.
I want to play games.
I want to get out.
I finish bread.
meo look funny.
I’m young like meo.
There(s) a cat.
Meo is hiding on the chair.
George is drinking milk.
Meo got tail. I got tail. Mommy got tail too.
I gotta fart.
I’m gonna close the door.
I want to buy balloons.
Don’t do that (bị mẹ cù)
This one is sleeping (chỉ vào 1 con cú đang ngủ trong sách, và cùng trang đó có rất nhiều cú)
Can you buy balloons?
Can you make tea?
Is this coffee?
Where (are) we going?
Is that Mommy?
Are you eating?
Can I watch TV?
Are you eating dragonfruit?
Want some mồng tơi?
Who opened the door?
What number is that?
What(s) granddad doing? He(s) watching TV.
hiện bạn Bư vẫn đôi khi bị lẫn lộn khi sử dụng you, I, my, your. danh từ số nhiều đã biết thêm “s”, tuy nhiên khi nói về các vật số nhiều, bạn vẫn dùng “it” chứ chưa nhận thức được phải dùng “they”.
nếu so sánh với 1 năm trước hoặc chỉ nửa năm trước, những tiến bộ trên vô cùng là đáng kể, và mình tin chắc rằng không có lý do gì về sau bé không sử dụng được tiếng Anh với ngữ pháp đúng nếu 2 mẹ con mình tiếp tục duy trì mức độ sử dụng tiếng Anh như hiện tại cũng như từ lúc bé bắt đầu học tới giờ.
các cha mẹ hãy tiếp tục kiên trì nói chuyện với con. thành quả sẽ tự đến nếu có một quá trình nhiều input và vui vẻ cho cả bé lẫn cha mẹ 🙂