Phạt con cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc hình thành nhân cách, tâm lý của bé sau này. Vì vậy, hãy phạt con thật khéo léo để bé biết nghe lời, không tái phạm nhiều lần.
Trẻ vứt đồ chơi bừa bãi
Nếu trẻ vứt đồ chơi bừa bãi, bạn đừng la mắng hay đánh bé rồi đi dọn dẹp thay con. Hãy tịch thu món đồ chơi mà bé đã vứt ra trong một tuần hoặc lâu hơn và bắt bé dọn dẹp không gian sinh hoạt của mình. Nhớ rằng, ngay bản thân bố mẹ cũng phải làm gương trong việc sắp xếp đồ đạc ngăn nắp và dọn dẹp những gì bừa bộn do mình gây ra.
Trẻ khóc nhè
Đối với những đứa trẻ hay khóc nhè, hãy bắt trẻ vòng tay đứng yên một góc úp mặt vào tường để trẻ tự điều chỉnh tâm trạng của mình. Bố mẹ và những người khác không quan tâm đến bé cho đến khi bé hết khóc. Nếu bé vẫn khóc sẽ cho vào phòng riêng ở một mình. Bố mẹ cũng có thể đếm từ 1 đến 10 để yêu cầu trẻ ngừng khóc.
Trẻ nói tục
Không ai chơi và nói chuyện với trẻ cho đến khi trẻ xin lỗi và hứa mình sẽ không tái phạm nữa. Đồng thời, buộc trẻ phải xin lỗi người mà mình đã nói tục. Khi nào người đó đồng ý tha lỗi thì bố mẹ mới cho phép về chỗ và đứng yên một góc, không được nói chuyện cho đến khi bố mẹ chưa cho phép, nếu muốn nói phải giơ tay xin phép.
Trẻ lấy cắp đồ chơi của người khác
Trẻ con khi thấy món đồ chơi của bạn đẹp hơn của mình là muốn có nó, cho nên nảy ý định lấy cắp. Khi đó bố mẹ hãy bình tĩnh hỏi nguyên nhân, phạt trẻ trả lại món đồ chơi cho bạn và sẽ không được mua món đồ chơi mới trong một tháng.
Bé xem tivi liên tục
Nếu bé ngồi xem tivi liên tục hàng giờ mà không chịu đứng dậy, ban có thể đưa ra hình phạt là bé sẽ không được xem bộ phim hoạt hình mà mình yêu thích nữa. Ngoài ra, bố mẹ phạt trẻ phải làm một số việc trong gia đình phù hợp với khả năng của trẻ.
Trẻ đánh em
Phạt bé xin lỗi em, dỗ em nín khóc hay ôm em và tự đưa hình phạt ra cho mình khi đánh em lần nữa.
Trẻ đánh bạn
Khi bé đánh bạn, bố mẹ phạt bé đứng trước mặt bạn mà mình đánh để xin lỗi một cách nghiêm túc, chân thành. Sau đó, yêu cầu bé vòng tay đứng yên một góc, suy nghĩ về lỗi của mình. Nói cho trẻ biết nếu tái phạm lần hai thì sẽ nhận một hình thức phạt nặng hơn, không được đi ra ngoài chơi với bạn trong vòng một tuần…
Giữ bình tĩnh khi con phạm lỗi
Đa phần các ông bố bà mẹ, khi nhìn thấy con phạm lỗi thường không giữ được bình tĩnh liền vội vàng quát mắng, đánh đập trẻ, điều này không giúp trẻ biết nghe lời, ít phạm lỗi hơn mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của bé sau này. Các ông bố nên thực hiện điều sau để bớt nóng giận:
– Khi bé phạm lỗi bạn nên tách ra khỏi bé khoảng vài phút đi uống ly nước, rửa mặt, hít thở thật sâu, khi bạn cảm thấy mình bình tĩnh hơn có thể đến bên trẻ đưa ra kỷ luật và hình thức phạt.
– Khi bạn đang nóng giận một vấn đề gì đó đừng vội vàng phạt trẻ, nếu không bạn sẽ trút cơn giận của mình xuống đầu trẻ. Khi nào bạn thấy mình đã hạ hỏa có thể kiểm soát được hành động thì hãy phạt trẻ.
– Hãy hiểu rằng, trẻ con còn nhỏ và chưa ý thức được việc làm của mình, nên chuyện phạm lỗi là đương nhiên, không có gì là nghiêm trọng cả. Điều cần thiết là bạn phải đưa ra hình phạt thích hợp để trẻ nhận ra lỗi của mình và không tái phạm nữa.
– Tìm hiểu nguyên nhân trẻ phạm lỗi, khi biết được nguyên nhân trẻ phạm lỗi bạn sẽ biết đầu đuôi diễn biến sự việc và bớt nóng giận hơn về lỗi của trẻ.
– Tìm một số người hỗ trợ như ông, bà…để có thể thay bạn xử lý hành vi phạm lỗi của trẻ trong khi bạn đang nóng giận.