Chưa kịp nghỉ hè, học trò đã ‘vắt chân lên cổ’ học thêm

Môn Ngữ Văn phải “ôn kiến thức cũ”, những môn học khác cũng phải ôn bài. Vậy là lịch học thêm, học kèm sẽ lấp đầy những ngày hè sắp tới của cháu.

Phượng đang đỏ thắm ngoài kia, ve râm ran gọi hè về xốn xang. Mùa vui chơi, tung tăng chạy nhảy của học trò đã về háo hức bên ngoài cửa lớp. Vậy mà có những đứa trẻ… chẳng có mùa hè.
“Cô đến giúp cháu ôn kiến thức cũ cũng được”
Tôi đang làm gia sư môn Ngữ văn cho cậu học trò lớp 7 trường Nguyễn Tri Phương – ngôi trường cấp hai danh giá nhất ở Huế. Sau khi xong kỳ thi cuối năm, tôi cho cháu nghỉ xả hơi và đinh ninh cháu sẽ được thoải mái chơi đùa – ước mơ mà cháu bị bố mẹ và chính tôi hẹn từ lần này đến lần khác.
Mỗi khi sắp có bài kiểm tra, cháu phải “chạy đua” với kiến thức. Tôi động viên rằng kiểm tra xong cô sẽ cho cháu học nhẹ nhàng hơn, ít bài tập hơn. Nhưng các bài kiểm tra nối dài mãi và tôi đành… thất hứa.
Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm này, hai cô trò “vắt chân lên cổ” ôn bài đọc văn, làm bài tập tiếng Việt và luyện viết kha khá dạng đề tập làm văn. Không “vắt chân lên cổ” cũng không được, bởi khá lâu trước kỳ thi, tôi được cha mẹ cháu “nhắc nhở”: “Cháu sắp thi, cô cố gắng sắp xếp thêm vài buổi dạy”.
Học trò vừa thi xong, tôi buông sách vở dạy kèm và an tâm với điểm tổng kết môn Ngữ Văn 8.0 được báo qua sổ liên lạc điện tử của phụ huynh. Vậy mà cách đây mấy hôm, tôi nhận được điện thoại của mẹ cháu lúc tối muộn: “Cô ơi, cháu nó làm bài thi môn sinh học chỉ 3,8 điểm. Trời đất trong chị như sụp đổ”.
Sau một hồi tâm sự, động viên và phân tích sức học của cậu bé, tôi nhận được lời đề nghị của chị: “Cô sắp xếp đến dạy cháu sớm. Mình nghỉ hết tuần này thôi và đầu tuần sau bắt đầu học lại được chưa cô?”.
Tôi giật mình hỏi chị có cần vội vàng như thế không, rằng vừa thi xong nên cho cháu nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng chị vẫn muốn tôi đến dạy sớm để ôn lại kiến thức cũ và sang tháng mới sẽ học chương trình lớp 8. Chị lo cháu hổng kiển thức bởi cháu sẽ thi lên cấp ba sau… hai năm nữa.
Môn Ngữ Văn phải “ôn kiến thức cũ”, những môn học khác cũng phải ôn bài. Vậy là lịch học thêm, học kèm sẽ lấp đầy những ngày hè sắp tới của cháu.
Phải học cho “bằng bạn bằng bè”
Mấy hôm nay mọi người trong trường tôi xôn xao hỏi nhau con thi mấy điểm, cháu được danh hiệu gì. Một chị đồng nghiệp cùng tổ chuyên môn với tôi than thở: “Bé nhà chị chỉ học sinh khá thôi”.
Con chị học lớp có hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Điểm tiếng Anh của con chỉ đạt khá còn điểm tiếng Nhật bị trung bình. Vì “vướng” môn tiếng Nhật nên con không được học sinh giỏi.
Chị kể bé con nhà chị học hành siêng năng lắm nhưng áp lực vô cùng. Nhìn con học mà chị xót cả ruột. Chị bảo cháu “cày như trâu” nhưng vẫn bị học sinh khá nên mấy hôm nay buồn lắm.
Lớp cháu là lớp chọn, các bạn đều chăm học và thi đua, cạnh tranh nhau giành từng con điểm. Trước nay cháu vô tư vô lo, hay cười đùa, chơi giỡn với em trai nhưng từ khi lên lớp 6, đối diện với áp lực học hành, cháu thu mình lại, ít nói, ít cười và suốt ngày chỉ học, học, học.
Chị luôn khẳng định không hề ép con phải học và đạt thành tích cao mà chính bản thân cháu tự xác định mục tiêu học tập của mình và quay cuồng với việc học. Tuy nhiên, qua lời kể của chị, tôi nhận ra chị đang so sánh từng con điểm của con với bạn, so sánh thành tích của con với bạn.
Những mùa hè trước, chị và hai con đều vào nghỉ hè ở nhà ngoại. Năm nay chị để con ở lại Huế học thêm Toán, Lý, Văn, tiếng Anh và tiếng Nhật. Tôi hỏi chị sao không cho cháu nghỉ hè ít hôm thư thả rồi học, chị thở dài bảo con phải học thêm các môn điểm còn thấp để “bằng bạn bằng bè”.
Thế là thêm một đứa trẻ mới 12-13 tuổi chẳng biết nghỉ hè là gì.
Chẳng biết từ bao giờ mùa hè ý nghĩa của các con bị người lớn “chiếm dụng” như thế? Chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, khái niệm “nghỉ hè” dường như thành ước mơ xa xỉ đối với nhiều đứa trẻ. Niềm hạnh phúc được thỏa sức vui chơi, khám phá, trải nghiệm, tích lũy kỹ năng sống bị dập tắt không thương tiếc.
Bởi vậy, không có gì lạ lẫm khi ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “cỗ máy học” với tuổi thơ không trọn vẹn. Con trẻ đang bị “ép chín” về kiến thức, lớn lên như những con “gà công nghiệp” nghèo nàn cảm xúc, thiếu thốn tình cảm và hạn chế kỹ năng sống.
Học cho tương lai tốt đẹp và cuộc sống hạnh phúc ư? Tương lai sẽ cho câu trả lời, có thể đúng, có thể sai… Còn hiện tại, tôi đang băn khoăn và nghi ngại rất nhiều về những đứa trẻ quanh mình không có mùa hè.