Cách hay đối phó với những cơn cáu kỉnh của trẻ

Rất nhiều những người làm cha mẹ nhận thấy đối phó với những cơn cáu kỉnh của con cái dường như luôn là “nhiệm vụ” khó khăn và dễ gây bực mình nhất, đặc biệt khi con trẻ đang ở thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên ba”.

Tuy nhiên, theo như ông John Sargent – chuyên gia tâm lý và sức khỏe của trẻ em, trường đại học Y Baylor, Houston: “Trẻ ở độ tuổi này đang nhận thức rằng chúng có khả năng thể hiện mình, việc cãi lại cha mẹ là một cách để các bé TỰ TIN hơn”.

Đối phó với những cơn cáu kỉnh của con cái dường như luôn là “nhiệm vụ” khó khăn với bố mẹ (ảnh minh họa)

Vậy là đối với các bé, việc dần ý thức được bản thân cũng đồng nghĩa với việc nhận ra thế giới xung quanh có quá nhiều thứ khó hiểu và trẻ cảm thấy mình thật yếu đuối, bé nhỏ. Trở nên ương bướng, làm ngược lại với yêu cầu của cha mẹ, nói không với tất cả những ý kiến của người khác … là cách để bé cảm giác mình có chút “quyền năng”.

Do vậy, điều cần làm trước tiên với cha mẹ khi con cái bất ngờ trở nên khó bảo là: bình tĩnh và dịu dàng. Chúng ta không thể dùng cơn thịnh nộ của người lớn để đối ứng với cơn thịnh nộ của bé. Đứa trẻ ngay lúc đang bướng bỉnh, cần được hướng dẫn để điều chỉnh cảm xúc và chính bạn sẽ làm gương cho bé về sự ôn hòa. 

Hãy tự nhủ, sự cáu giận của bạn sẽ qua đi, và đứa trẻ mà bạn yêu thương hết mực này cần bạn dạy bảo một cách nhẹ nhàng nhất. Bạn có thể chờ một lúc cho cảm xúc dịu lại rồi mới bắt đầu phản ứng với hành vi của bé, những lời khuyên sau có thể rất hữu dụng:


1. Cho bé quyền quyết định bằng cách đặt ra các câu hỏi có tính lựa chọn: 


Tránh yêu cầu trẻ bằng các câu mệnh lệnh mà đưa ra các câu hỏi để bé có khả năng tự quyết định cho mình. Điều này giúp trẻ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân. Ví dụ như: “con thích mặc áo màu xanh hay màu đỏ?”, “ đến giờ đi ngủ rồi, con muốn nghe mẹ hát hay kể chuyện?”, “ Nào, bé ngoan biết dọn dẹp, con muốn dọn đồ chơi màu vàng trước, hay màu xanh trước?”

2. Biến các hoạt động cần sự hợp tác của trẻ thành các trò chơi nho nhỏ:

Sẽ có lúc trẻ luôn nói KHÔNG trước bất cứ lời nói nào của cha mẹ, dù ta đã thử ngọt nhạt hết mức. Lý do có thể vì trẻ cảm thấy khó chịu khi phải dừng hoạt động vui chơi nào đó để đi tắm, rửa tay, đi ngủ…nhưng nếu đó là một trò chơi khác thì trẻ sẽ dễ dàng bị cuốn hút để làm theo yêu cầu của mẹ khi tham gia vào trò chơi nho nhỏ đó.  

Hãy thử chuyển hóa yêu cầu thành trò chơi. Chẳng hạn như: “Bây giờ mình đi tắm, con muốn mẹ lấy xà bông hóa trang cho con có bộ râu giống như ông già tuyết không?”, “ Rửa tay trước khi ăn nào, con với mẹ thi xem ai nhảy lò cò tới nhà vệ sinh trước nhé?”, “ây giờ xem con có  bỏ rác vào thùng trước khi mẹ đếm đến 10 không nhỉ?..1..2…”  

Nên chờ một lúc cho cảm xúc dịu lại rồi mới bắt đầu phản ứng với hành vi của bé (ảnh minh họa)

3. Cho trẻ cơ hội để trở nên “mạnh mẽ” như người lớn

Tất cả các em bé đều có niềm khát khao mãnh liệt là được coi như người lớn. Nắm được tâm lý này, cha mẹ có thể thuyết phục bé nghe lời bằng cách tạo ra  “nhiệm vụ” cho “người khổng lổ bé” như cách của mẹ Ngân (Quận 3, TP.HCM)  hay dùng với Jerry. 

Mỗi khi đưa Jerry đi đâu chơi, tới giờ về bé nhất định không chịu về, mẹ Ngân bèn đặt ra các tình huống cần bé “giúp đỡ”: “ Mẹ cần con giúp mẹ lấy xe, một mình mẹ không đủ mạnh để kéo cái xe nặng nề đó ra được đâu”. Hay  nhờ bé giúp đỡ nhặt rau, xếp đồ… vì “Mẹ bận quá, nếu con giúp mẹ thì mẹ sẽ đỡ mệt hơn nhiều đấy”, thế là Jerry luôn hăng hái “gánh vác” những trọng trách đó.  Trở nên có ích rõ ràng luôn khiến bé yên tâm và háo hức hợp tác hơn là bị sai bảo phải làm thế này, thế kia.

Đối với trẻ, thế giới thần tiên diệu kỳ với cô tiên, phép màu…luôn có sức hấp dẫn ngọt ngào vô cùng. Và cậu bé Bin 3 tuổi cũng bị cuốn hút bởi những nhân vật thần tiên đó. Mẹ của Bin – chị Kim Anh thường trò chuyện với Bin rằng những em bé ngoan luôn được chăm sóc, bảo vệ bởi các cô tiên, nếu cô tiên nhận ra Bin cũng là một em bé ngoan, cô sẽ để lại lời nhắn hay phần thưởng cho Bin lúc Bin không có nhà, hoặc lúc Bin đang ngủ. 

Thi thoảng, khi hôm nào Bin ngoan ngoãn, hợp tác ôn hoà, chị lại lén để ra ban công một thứ gì đó như lời nhắn của thần tiên. Có khi chỉ là cục kẹo, hay món đồ chơi nhỏ, trái táo…và khi Bin bất ngờ tìm thấy “lời nhắn” đó, bé vui mừng đến vỡ oà, vì rõ ràng bé đã được công nhận rằng mình rất ngoan. Bằng hành động dễ thương này, mẹ Bin đã khiến bé luôn ý thức được hành động của mình, nỗ lực để được “trở thành bé ngoan” mọi lúc, mọi nơi. Nhờ thế những khuyên bảo của mẹ cũng dễ được bé tiếp thu hơn.

Điều cần làm trước tiên với cha mẹ khi con cái bất ngờ trở nên khó bảo là: bình tĩnh và dịu dàng (ảnh minh họa)


5. Cha mẹ cần nhất quán với lời nói và hành động của mình 


Khi hành vi của trẻ như “cơn cuồng phong”, thời điểm đó chúng ta muốn làm cách nào đó tìm lại bầu trời xanh bình yên ngay lập tức. Chính điều đó chi phối phản ứng của cha mẹ trong từng thời điểm. Những lúc tâm trạng vui vẻ, cha mẹ có thể dễ dàng đáp ứng đòi hỏi của trẻ, tuy nhiên cũng chung một tình huống như vậy tại thời điểm khác, có thể do tâm trạng không tốt, cha mẹ lại không chấp nhận hành vi khó chịu của trẻ và phản ứng hoàn toàn khác so với những lần trước. 

Chính phản ứng không nhất quán của cha mẹ tại các thời điểm khác nhau khiến cho đứa trẻ không phân biệt được lúc nào nên hay không nên làm việc gì. Hãy đặt ra các nguyên tắc cho cha mẹ và bé và phải đảm bảo rằng những nguyên tắc đó chắc chắn sẽ được thực hiện trong mọi thời điểm. Khi đó, lời nói của cha mẹ sẽ có giá trị rất cao đối với trẻ. 

Như vậy có thể thấy, bằng những cách xử lý tinh tế, logic cha mẹ hoàn toàn có thể nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Nhưng về cơ bản những phương pháp giáo dục trẻ dựa trên sự tôn trọng cảm xúc, quyền lợi của chính đứa trẻ. Có như thế, đứa trẻ mới học được cách tôn trọng chính bản thân và những người xung quanh. Và có như thế, chúng ta sẽ kêu gọi được sự hợp tác của con cái mình, không những chỉ là khi chúng còn nhỏ mà đến khi chúng dần lớn lên và trưởng thành.

Vũ Thị Thu Hằng (Giáo viên tiếng Anh)