Các sản phẩm học tiếng Anh hiệu quả đến đâu?

Nếu bạn là một người cha hoặc mẹ, khả năng rất cao là bạn đã để ý tới sự xuất hiện la liệt của các sản phẩm được quảng cáo là giúp trẻ nhỏ học tiếng Anh một cách dễ dàng, thành công cao mà tiền bỏ ra để mua lại thấp. Bên cạnh đó là các nhận xét “chân thành” từ các cha mẹ đã từng mua sản phẩm, cùng với hàng trăm, thậm chí cả nghìn, comment trên Facebook đặt mua sản phẩm.

Trong post này, tôi xin bàn về tính hiệu quả của các sản phẩm – với vai trò là một người đã từng mua một trong các sản phẩm này, một giáo viên đã dạy tiếng Anh cho nhiều lứa tuổi, và một người mẹ đã dạy tiếng Anh thành công cho con.

Các sản phẩm “giáo dục”

Được bày bán nhiều tại các hiệu sách với những lời quảng cáo cực kì thuyết phục trên nhãn hàng, các bộ flashcard đang chiếm được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Một số bộ được quảng cáo là sẽ giúp con bạn nói được tiếng Anh “như gió” trước 6 tuổi nếu cha mẹ mua đủ cả bộ và giúp con học trước thời điểm đó.

Ngoài ra, có các bộ hoạt hình cũng được bán với giá rẻ được quảng cáo là sẽ giúp con bạn nói được tiếng Anh trong khi bé không phải đi học nhiều, cha mẹ cũng không phải đầu tư nhiều tiền hay công sức. Mỗi ngày, chỉ cần xem hoạt hình (điển hình là bộ có tên Gogo), sau một thời gian, bé sẽ nói được tiếng Anh cũng như cải thiện được điểm số trên lớp nếu bé đã ở độ tuổi đi học.

Thực hay hư?

Nếu bản thân cha mẹ chưa từng học tiếng Anh thành công, do đó không có hiểu biết nhiều về cách thức học tiếng hiệu quả, họ sẽ rất dễ bị “mắc bẫy” và vội vã mua ngay sản phẩm. Vừa rẻ, lại vừa dễ dàng – tội gì không thử?

Tuy nhiên, không có một con đường nào nhanh mà lại dễ có thể dẫn đến thành công – đây là sự thật đối với việc học một kĩ năng hay làm bất kì một điều gì trong cuộc đời. Những người nghĩ ra những sản phảm này, bản thân có khả năng cao chẳng phải là người đã học ngoại ngữ thành công, mà đơn giản là những kẻ bán hàng biết lợi dụng tâm lý số đông để kiếm chác. Khi nhìn thấy những đảm bảo như “chỉ cần mua sản phẩm ABC, bạn sẽ học thành công DỄ DÀNG chỉ trong thời gian NGẮN”, bạn nên nhắc nhở mình rằng đây là một trò lừa lọc. (Kể cả các trung tâm tiếng Anh cũng áp dụng những chiêu trò ngớ ngẩn nhưng lại vô cùng thành công này.)

Tôi không phản đối việc sử dụng các flashcard hay hoạt hình. Các sản phẩm này có thể đem lại hiệu quả ở một mức độ nhất định – thường là thấp – và còn tùy thuộc vào cách thức sử dụng. Thiếu đi kiến thức về phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ và các điều kiện dẫn đến thành công, việc sử dụng không thể đem lại nhiều kết quả.

Mong đợi thực tế về các sản phẩm học ngoại ngữ

Đối với flashcard

Flashcard giới thiệu các từ riêng lẻ. Nếu trẻ chỉ được học các từ này, và đặc biệt lại được giới thiệu qua tiếng Việt (ví dụ như: “Con thấy hình này không? Đây là con gì? Con chó đúng không? Con chó trong tiếng Anh là “dog”), thì nhiều lắm trẻ chỉ có thể nhớ từ, nhưng không thể nói thành câu hoàn chỉnh và cũng không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc trước 6 tuổi trẻ có thể giao tiếp thành công với vài bộ flashcard theo cách học như vậy là điều không tưởng.

Hiệu quả hơn,  khi sử dụng flashcard, các cha mẹ hãy giới thiệu các từ qua tiếng Anh. 

Mẹ: What’s this?
Con: (chưa có tiếng Anh nên không nói được gì).
Mẹ: It’s a dog. Can you say “dog”? Dog!
Con: Dog.

Kể cả giới thiệu từ theo cách này qua flashcard, nội dung học bị flashcard chi phối, do vậy rất hạn chế, Có giao tiếp được bằng câu hoàn chỉnh, trẻ cũng chỉ có thể nói được: “What’s this? It’s a dog/cat/chair/table…”

Quan điểm của tôi là: Môi trường ở nhà của trẻ còn đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần mà cha mẹ chẳng tốn xu nào khi tận dụng để dạy trẻ. Các bộ flashcard cũng chỉ xoay quanh các từ đơn giản, có thể giúp ích cho các cha mẹ có trình độ tiếng Anh ở mức cơ bản. Một đồ vật ở dạng 2D trên giấy chẳng thể nào thú vị với trẻ bằng những đồ vật ở nhà mà trẻ có thể tận tay sờ vào và chơi với

Đối với  hoạt hình 


Khi đang ở giai đoạn bắt đầu học ngoại ngữ, đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, tác dụng của họat hình là con số không. Các nghiên cứu cho thấy màn hình không giúp trẻ học nói – điều trẻ cần nhất là một con người bằng xương bằng thịt tương tác với trẻ.

Hoạt hình có thể có tác dụng khi trẻ đã biết một chút tiếng Anh, có một vốn từ nhất định, và đã có thể hiểu được tương đối những gì (ít nhất là ở mức độ ngôn ngữ đơn giản) người lớn nói trong cuộc sống hàng ngày. Hoạt hình có tác dụng cao nhất khi ngôn ngữ trong hoạt hình khó hơn khả năng ngôn ngữ của trẻ MỘT CHÚT. Hoạt hình quá dễ không giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trong khi hoạt hình quá khó sẽ chỉ khiến trẻ hoàn toàn không hiểu gì cả, chỉ xem để tiêu khiển.

Một số cha mẹ, do thiếu hiểu biết về quá trình học ngoại ngữ, cho trẻ xem hoạt hình thường xuyên với hi vọng trẻ sẽ học được thứ gì đó, và ít nhất thì cũng nắm được “giai điệu” của ngôn ngữ. Nhiều người còn không ý thức được rằng cho trẻ XEM nhiều có nghĩa là trẻ ngồi thụ động một chỗ, thiếu đi các kích thích giác quan có ý nghĩa và phong phú để giúp não trẻ phát triển. Màn hình chính là một cách để “giúp” trẻ trở nên kém thông minh.

Lời kết

Tất cả chúng ta đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình. Nhưng những điều tốt đẹp không tự dưng mà đến nếu không có sự nỗ lực tìm hiểu và dẫn dắt trẻ của chính chúng ta.

Tôi mong các phụ huynh sẽ tìm hiểu nhiều hơn để tránh lãng phí tiền cho những sản phẩm kém hiệu quả, cũng như có mong đợi thực tế hơn khi sử dụng các sản phẩm này.