đêm nào khi tôi cho đứa nhỏ đi ngủ, đứa lớn sắp 5 tuổi nhà tôi cũng nài nỉ: “mẹ ơi, xong mẹ đọc sách cho con.” đôi khi trong ngày tôi đã sắp xếp thời gian để đọc cho nó trước rồi, mà đến tối nó vẫn khăng khăng đòi đọc bằng được.
tôi hầu như không mua quà hay đồ gì cho con, ngoài sách. sách là khoản đầu tư lớn nhất – cả về thời gian lẫn tiền bạc – mà tôi dành cho cả hai con. tôi đã không bắt đầu đọc sách cho bé lớn cho tới khi bé được 1,5 tuổi. với bé nhỏ, tôi còn đọc cho sớm hơn. hồi chỉ có bé lớn, tôi đọc cho con ít nhất mỗi ngày 15 phút, có những hôm hai mẹ con mải mê đọc cả tiếng đồng hồ. bây giờ có hai đứa, tôi dành thời gian riêng để đọc cho từng đứa.
đến giờ đọc sách hoặc lúc nào hứng lên là hai đứa hăng hái tự chọn sách. thường nếu tôi không yêu cầu các con cho tôi nghỉ thì có lẽ không biết phải đọc đến bao giờ. bé nhỏ 20 tháng bây giờ cũng thường xuyên tự chạy đi lấy sách, rồi ngồi phịch vào lòng tôi, hớn hở chờ mẹ đọc cho.
cứ đến khi đi hiệu sách là hai đứa nhảy cẫng lên như được đi hàng đồ chơi.
trẻ nhỏ không chỉ học qua sách. sách là một phần nhỏ thôi. nhưng do nhiều người lớn nghĩ rằng phải sách vở mới là học nên tôi muốn chia sẻ một chút những gì tôi quan sát được ở trẻ em.
các con tôi chưa từng đi học. Bư, đứa lớn, chưa từng nghe tôi nói: “đến giờ học rồi, ra đây ngồi nghe mẹ nói, nhắc lại theo mẹ. con có nhớ không? sao? mẹ dạy con rồi cơ mà? sao con chẳng nhớ gì hết thế nhỉ?”
tôi không bao giờ phân chia giờ học giờ chơi. vì vậy, khi nghe tôi nói “con có muốn sau này học đọc để tự đọc được không?”‘, chẳng hạn vậy, thì Bư luôn gật đầu lia lịa, mắt sáng long lanh. giờ học lúc đọc sách của chúng tôi chẳng qua là giờ chơi, là cảm giác yêu thương được ở bên nhau để cùng cười, cùng khám phá về đủ thứ, được giả vở đủ loại giọng, được nói chuyện với nhau, được đặt câu hỏi cho nhau,…
học đơn giản là như vậy.
nếu chúng ta không dạy trẻ con phân biệt chơi và học, nếu chúng ta không dạy trẻ con học là chán, học xong mới được chơi, nếu chúng ta không dạy trẻ con sai cách, nếu chúng ta không cho chúng thấy học chán như thế nào, thì làm sao mà chúng có thể ghét học như thế? bạn không tin thì bạn hãy hỏi bọn trẻ ở độ tuổi đã biết đọc, biết viết, đã đến trường. tôi đã tiếp xúc với không ít trẻ. khi chúng bắt đầu tin tưởng tôi vì tôi quan tâm tới chúng và lắng nghe chúng, chúng chẳng ngại tâm sự: “đọc sách chán lắm. học chán lắm.” chỉ mới 6, 7 tuổi vừa mới vào lớp 1 là đã đủ để một em học sinh cảm thấy như thế.
bạn nhớ phản ứng của bạn khi còn đi học khi nghe tiếng trống báo hiệu hết giờ chứ? bạn biết bộ mặt của bọn trẻ khi bị dựng dậy vào buổi sáng khi phải đi học chứ? bạn có thấy chúng có bộ mặt đó khi được đi chơi không?
nhiều cha mẹ nói với tôi rằng con của họ không chịu học. hãy để tôi làm rõ lý do: trẻ em ghét học vì người lớn đã dạy chúng học sai cách. khi chúng nói chúng ghét học, điều đó có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm phải tìm hiểu xem chúng ta đã làm gì sai, để chúng ta có thể điều chỉnh càng sớm càng tốt.
nếu bạn cũng ghét học, thì chắc chắn bạn sẽ khiến con bạn ghét học. nếu thầy cô giáo chẳng thích thú gì với công việc của họ, thì tất nhiên làm sao mà học sinh của họ thích học được? khi chính bản thân cha mẹ và thầy cô không tự học, không dành thời gian để đọc sách, thì sao chúng ta có thể kỳ vọng trẻ tự học? làm sao trẻ có thể thích cầm một cuốn sách lên khi chúng không bao giờ thấy cha mẹ đọc?
quay lại câu chuyện của gia đình tôi, hôm nay đến nửa đêm rồi, Bư vẫn còn kì kèo đòi tôi đọc sách. tôi nói rõ luôn với con: “hôm nay mẹ đã đọc cho con lúc chiều để tối nếu muộn quá thì mình không đọc nữa. mẹ không đọc nữa đâu.” con tôi, đã quen với sự cứng rắn không nhân nhượng của mẹ, bèn thay đổi chiến thuật: “thế con bật đèn lên tự đọc sách một mình được không?” tôi nghe thấy thế mà mát hết cả lòng: “ừ, con đọc đi.” thế là Bư đi lấy sách. khi Bư muốn lấy một quyển về khủng long nằm ở dưới mấy quyển khác mà chưa lấy được, chúng tôi nói chuyện với nhau như sau:
– mẹ ơi, con không lấy được, mẹ lấy hộ con! (sắp khóc)
– Bư ơi, mẹ đang cho em ti, mẹ dậy bây giờ là em dậy.
– đi mà mẹ, không được!!!
– không được. con có hai lựa chọn: chờ mẹ lấy quyển đó, hoặc tự lấy quyển khác.
sau vài giây suy nghĩ, con tôi quyết định tự cố gắng để lấy sách khủng long. tôi bảo: “con thấy chưa? cố gắng một tí là sẽ làm được”.
qua một tình huống như vậy thôi, con học được:
– mẹ nói có là có và không là không. cha mẹ yêu thương con, nhưng đến lúc thì phải cứng rắn. quyền quyết định luôn là của cha mẹ.
– tự quyết định xem mình phải làm gì.
– tự nỗ lực cố gắng để làm điều mình muốn.
– và sau đó là tự xem sách khủng long –> “mẹ ơi, con này to thế. có ăn được người không?”
và đây chính xác là các lý do tôi sẽ tiếp tục dạy các con ở nhà.
tôi đã và đang giúp các con duy trì được niềm đam mê học hỏi. chẳng có lý gì mà tôi phải ngừng. tôi yêu công việc này, và các con tôi cũng thích thú chẳng kém gì.
vì vậy, nếu con bạn còn nhỏ, bạn hãy tranh thủ giúp con duy trì thái độ tích cực với việc học bằng cách dạy con đúng cách. không nên chờ đến khi con tới trường và không bao giờ phó mặc toàn bộ việc học của con cho nhà trường.