Chim yến Canary được con người thuần dưỡng cách đây 400 năm. Đầu tiên, khi các cuộc chiến tranh giành lãnh địa, lãnh hải xảy ra giữa các quốc gia thuộc châu Âu, người ta đã đem về đất liền những chú chim yến hoang dã, vóc bé nhỏ, màu lông xanh tối với những phớt vàng màu cỏ úa từ quần đảo Canaries bên bờ Đại Tây Dương và trên đảo Elbe thuộc Địa Trung Hải. Tuy không đẹp nhưng bù lại, giọng hót của nó quyến rũ người nghe ngay lập tức. Nó có tên khoa học là Serius Canaries.
Để giữ độc quyền, người Tây Ban Nha chỉ bán ra nước ngoài những chú chim trống. Đến thế kỷ 17, người Ý đánh cắp được những con mái và bắt đầu hình thành “công nghiệp sinh sản”. Ngày nay yến Canary đã dược lai tạo và ổn định giống qua việc xử lý gène trong các phòng thí nghiệm của các nhà điểu học với hàng ngàn màu sắc diễm kiều khác nhau được tung ra khắp thế giới, trở thành loại chim cảnh có màu sắc thu hút nhất với giọng hót hay nhất trong các loài chim có tiếng hót hay cùng sự điều nghiên có chọn lọc về tiết tấu chính, phụ. Yến Canary có chất giọng “siêu đẳng quốc tế” phải là giống yến có nguồn gốc nuôi dưỡng tại vùng núi Harz của nước Đức. Với giọng hót nhiều tiết tấu chính và một số tiết tấu phụ, khi trình diễn, nó điều tiết khẽ khàng, êm tai với cái mỏ luôn khép. Kế đến là yến vùng Flandre nước Bỉ. Giọng hót của nó sinh động hẳn với gần 20 tiết tấu nhưng lại pha tạp một số âm chói tai, thô cứng, khi hót cái mỏ thỉnh thoảng há ra.
Nước Anh đã tạo được giống Hắc yến hoặc giống Lizard Norwich. Pháp tạo được giống lông xoắn toàn thân độc nhất vô nhị. Bỉ có giống Malinois. Đức có giống Harz, Saxon hót cực hay với những búp lông như những cái mũ đội đầu. Và rất nhiều dòng chim yến khác ở các nước khác, trở thành biểu tượng riêng cho mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam thường thấy nhất là Hoàng Yến, Hồng Yến, Bạch Yến, Panachée (sặc sỡ nhiều màu), tiếp đến là dòng Agate và dòng Isabelle… với những vệt màu sọc thanh tú như đường vân của những viên mã não, hoặc ngời vàng hoặc ửng bạc.
Trong khâu chăn nuôi, có lẽ kỹ thuật ghép đôi là hấp dẫn và tế nhị nhất. Nó cho phép người nuôi lao động ở mức ý tứ cao nhất: từ thức ăn, thời tiết, thời kỳ động dục, sức khoẻ chim trống-mái, màu sắc đến gène ẩn hoặc trội do di truyền từ bố mẹ; nó cho phép người nuôi sống với hạnh phúc nho nhỏ trong sự chờ đợi kết quả ở tương lai, khi những ổ chim non nở ra, rồi sau 8 ngày màu lông xuất hiện. Đối với người chăn nuôi và kinh doanh, màu sắc của lông quyết định sự thành đạt trên thị trường. Người ta còn nhớ rằng, khi con Bạch Yến đầu tiên ra đời, nó đã đánh đổ sự nghiệp lai tạo của các nhà bác học trước đó. Với màu trắng tinh khôi, thướt tha, Bạch Yến ngự trị khắp hoàn cầu như một bà hoàng trẻ trung! Bạch Yến là kết quả lấy ra phần lớn những sắc tố, một cơ thể bạch tạng với cái tên: Albino. Nhưng nhanh chóng sau đó, Bạch Yến mất đi giá trị ban đầu, nhường chỗ cho những sắc màu kỳ ảo và khó tạo hơn.
Người Việt Nam bắt đầu làm quen với chim yến Canary cách đây 100 năm do người Pháp đem vào, và dĩ nhiên, ngày nay cũng thừa hưởng và cập nhật được sự hình thành 3 trường phái chính: yến hót, yến màu và yến dáng. Trong đó kỳ công lớn nhất và giá trị nhất vẫn là sự tổng hợp để cho ra đời dòng chim có màu lông mượt mà, vóc dáng đẹp cùng giọng hót dài, du dương điêu luyện. Người nuôi chim ở ta ví von: Nếu hoạ mi là “ca sĩ của rừng xanh” thì chim yến Canary là “nhạc sĩ của phòng khách”!