Khởi nghiệp từ đam mê chim cảnh

Từ năm học lớp 6, anh Nguyễn Việt Hùng (SN 1997) ở tổ dân phố 5 (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) đã đam mê thú chơi chim, đặc biệt là chim chào mào.

Ban đầu anh Hùng chỉ nuôi vài con cho vui, nhưng đến năm 2017 thi đậu vào Khoa Luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, anh quyết định kiếm thêm thu nhập từ nuôi chim cảnh để trang trải sinh hoạt phí. Nghĩ là làm, anh Hùng tận dụng sân thượng chỗ đang ở, mua sắt thép về làm khung, ngăn từng ô rồi nhập chim cảnh về nuôi bán.

Anh Nguyễn Việt Hùng (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc chim đột biến cho thanh niên địa phương.

Một năm sau khi đã có kinh nghiệm và các mối quan hệ làm ăn, anh Hùng cùng một người bạn thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh để nuôi chim chào mào đột biến, rồi tự nhân giống bán. Những chú chào mào biến đổi gen nơi lông mi có một vài chiếc lông đỏ, chân thì một trắng, một đen, đôi cánh thay vì nâu đen thì cánh trắng hoặc chấm đen trắng, hoành tráng hơn là trắng như kiểu “bạch tạng”. Hiện nay, chim chào mào đột biến, đặc biệt là chim chào mào “bạch tạng” được nhiều người ưa chuộng.

Anh Hùng cho hay, nuôi, chăm sóc chim chào mào đột biến cũng giống như nuôi chim chào mào thường. Tuy nhiên, dòng chim chào mào “bạch tạng” sức khỏe yếu hơn, thường không chịu được nắng nhiều. Thức ăn cho chim chỉ đơn giản là sâu, trái cây tươi, vitamin, nước… Nếu nuôi chim chào mào theo kiểu công nghiệp, trung bình mỗi năm có thể sinh sản tối đa 10 lứa, mỗi lứa 2 – 3 trứng. Nếu để chim bố mẹ nuôi chim non cho tới khi biết ăn, cứng cáp thì số lứa sẽ ít hơn.

Năm 2021, tốt nghiệp đại học anh Hùng quyết định trở về địa phương lập nghiệp bằng mô hình nuôi chim chào mào đột biến. Anh xây dựng một khu nuôi chim cảnh để tiếp tục theo đuổi đam mê. Hiện nay, anh đang nuôi hơn 10 con chim chào mào đột biến, trung bình mỗi con có giá từ 35 – 120 triệu đồng.

Anh Hùng trò chuyện, cách thẩm định giá chim chào mào đột biến cũng rất đặc biệt, tùy theo con mắt của người mua. Mới đây, anh mua được một con chim chào mào đột biến với giá 70 triệu đồng, nhưng khi đưa hình ảnh chú chim chào mào lên mạng xã hội có nhiều người trả hơn 370 triệu đồng. Do bất cẩn, khi mang chú chim chào mào ra phơi nắng, chim xổng chuồng bay mất, khiến anh tiếc “đứt ruột”. Hiện trung bình mỗi tháng anh Hùng bán vài chục con chim chào mào, được người dân tự tìm đến mua hoặc đặt từ khi chim mẹ mới đẻ trứng. Khách hàng của anh Hùng ở khắp cả nước, chủ yếu xem, tìm hiểu qua mạng xã hội rồi đến mua. Bằng đam mê, tự tích lũy kinh nghiệm anh Nguyễn Việt Hùng đã bước đầu thành công với nghề nuôi chim cảnh.

Chim chào mào “bạch tạng” được anh Nguyễn Việt Hùng (bên phải) nhân giống.

Nuôi chim chào mào đột biến phải có niềm đam mê, đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận. Nhờ đeo đuổi niềm đam mê chim cảnh này, anh Hùng học được tính kiên nhẫn, thận trọng, mở rộng mối quan hệ với nhiều người ở nhiều độ tuổi, ngành nghề… Để có nơi giao lưu cho những người cùng chung đam mê anh Hùng lập một nhóm chơi chim đột biến trên mạng xã hội Facebook, thu hút hơn 10.000 thành viên tham gia.

Thùy Dung