Người phụ nữ và những con nhồng nổi tiếng

[​IMG]
Cho “vợ chồng” nhồng ăn – Ảnh: T.G

Nhồng, giống chim quý có khả năng học nói tiếng người đã được một phụ nữ Việt Nam thuần phục, thậm chí dạy nói tiếng… nước ngoài. Đặc biệt hơn, bà đã nghiên cứu, chăm sóc làm cho nhồng có thể sinh sản tại nhà, một việc mà trên thế giới hiếm nơi nào làm được.
“Nhồng Vinh Hoa kính chào quý khách”
Đến thị trấn Ngãi Giao, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hỏi bà Nguyễn Thị Bé ai cũng biết. Đi theo chỉ dẫn của những người chẳng liên quan gì đến chuyện “nhồng, chim” – anh xe ôm và mấy bà bán quán – chúng tôi gặp trại chim Vinh Hoa ở gần cuối một con hẻm đất đỏ, ngoằn ngoèo.
Trời trưa nắng gắt. Mở cổng sắt đón chúng tôi là một người đàn bà ăn mặc rặt quê, mồ hôi ướt đẫm, đang cầm vòi nước tưới cây. Bà là Nguyễn Thị Bé – bà chủ, con người duy nhất hiện hữu ở trại chim này. Nhiều năm nay, bà Bé (sinh năm 1945) ở một mình tại trại chim gần 2.000 mét vuông với những “đứa con”: nhồng! Bà có đứa con, hiện đang bán cà phê trên thị trấn. Thỉnh thoảng con bà cũng nấu cơm đem về nhưng thường thì bà tự nấu ăn. Dẫn chúng tôi vô trong, đi ngang qua phòng cách âm dạy nhồng nói tiếng, bà Bé khẽ khàng: “Nói khẽ nha, đừng làm nhồng sợ”.
Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, bà Bé đi coi người ta thi nhồng trên TP.HCM. Hai thí sinh xách hai lồng nhồng ra trước mặt ban giám khảo, “khích” hoài mà nhồng không chịu nói. Hết giờ thi, ban giám khảo động viên “chấm vớt”, kêu thí sinh biểu diễn màn thả nhồng ra xem có bay về chuồng không? Chẳng ai dám biểu diễn vì sợ… mất chim. Bà Bé bấm bụng, quyết phải nuôi được nhồng nói tiếng người, không những vậy, phải luyện cho nhồng đậu được trên tay mà không bay. Nghiệp nuôi nhồng của bà Nguyễn Thị Bé bắt đầu từ đó. Năm 1996, bà bắt đầu bán được những con nhồng đầu tiên. Nhồng của bà đậu tay không bay, nói được tiếng… nước ngoài. Có ông khách người Đức, tìm đến “đặt hàng” nhờ bà dạy nhồng nói vài câu tiếng Đức. Bà Bé cũng dạy được nhồng nói tiếng Đức. Con này, bà Bé bán 5 triệu đồng.
Bà Bé nhớ: “Lứa đầu tiên cô nuôi hai chục con, dạy nói được hết”. Nhồng trại bà Bé, nên nói rặt những câu: Nhồng Vinh Hoa kính chào quý khách! Tôi là nhồng Việt Nam! Việt Nam Vinh Hoa! Việt Nam Tổ quốc tôi!… Những câu khó hơn, như “how are you” (bạn khỏe không – tiếng Anh) hay “nỉ hảo ma” (bạn khỏe không – tiếng Hoa) bà Bé đều dạy được cho nhồng nói. Đặc biệt, có con còn biết hóng chuyện, hễ thấy người ta nói chuyện một hồi là nó lắc lắc đầu “phải không, phải không”…
Gia phả họ nhồng

Trích:“Người nuôi chó số 1 Sài Gòn” Nguyễn Văn Lãng cũng là nghệ nhân am tường về nhồng. Ông cho biết: “Nhồng là loài rất khó nuôi sinh sản. Bà Bé rất giỏi vì đã làm được điều này. Nuôi nhồng đẻ, dạy nhồng nói được chỉ có bà Bé ở Ngãi Giao”. Bà Nguyễn Thị Bé đã đoạt huy chương vàng 3 lần liên tiếp (1996 – 1998) cùng những chú nhồng có thể nói được tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa trong các Hội hoa xuân tại TP.HCM.

Say sưa lần giở những tấm hình về nhồng con, từ lúc còn là quả trứng, rồi được ấp nở, mổ vỏ thò đầu ra ngoài, rồi hình cha mẹ nhồng cho con ăn… bà Bé nói rằng phải mất 5 năm kể từ lúc khởi nghiệp, mới làm cho nhồng sinh hạ được lứa đầu tiên, nhưng hiếm ai tin việc bà đã nuôi được nhồng đẻ tại gia. Có những bức hình này, coi như là “nói có sách, mách có chứng”.
Tại trại Vinh Hoa, bà Bé đã từng tiếp nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, mua chim. Nhiều người Việt nổi tiếng cũng đã đến đây. Những gì họ cảm nhận về bà Bé, về những con nhồng, họ đều ghi vô cuốn “gia phả” của nhồng – theo cách nói của bà… Trong cuốn “gia phả” này, bà Bé cũng ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết liên quan đến những con nhồng. Như con của “vợ chồng” nhồng Soon Brown Cho và Aki được bà Bé ghi như sau: Nhồng A – F1, ngày 2.5.2001 đẻ được 3 trứng và bắt đầu cho ấp, tới ngày 15.5 thì 3 trứng này nở, đến 19.5 thì nhồng con mở mắt, ngày 6.6 nhồng con tập vỗ cánh… Một trong những nhồng con này, sau được bà Bé nuôi dưỡng, dạy nói, bán cho ông Nh. ở Q.3, TP.HCM.
Bà Bé kể, nhồng thương con lắm, nhất là nhồng cha, chăm con còn hơn nhồng mẹ. Trước khi đẻ, vợ chồng nhồng tha rác, dựng ổ và ngay từ lúc này, chúng đã cảnh giác cao độ với con người, kể cả là bà Bé. Có lần, một cặp vợ chồng nhồng chuẩn bị đẻ trứng. Từ trước đó, bà Bé đã “nghe” hai vợ chồng nhồng “nói chuyện” với nhau về việc này khoảng một hai ngày tới. Trước lúc lên Sài Gòn có công chuyện, bà dặn con cái: “Ở nhà trông nom nhà cửa cẩn thận, nhẹ nhàng, trứng sắp nở đó!”. Người con ngạc nhiên, hỏi lại: “Sao má biết?”. Bà bảo: “Thì tao nghe được tụi nó nói chuyện”. Y như rằng, bà Bé lên Sài Gòn, về nhà thì trứng đã nở. Thương “con”, bà mắc màn bên ngoài ổ che nhồng, đứng ngoài quan sát. “Hễ thấy con “ị”, nhồng cha tới liền, gắp phân bỏ qua chỗ khác. Tổ nhồng lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng”, bà kể. Bà Bé muốn vô chăm, phải đeo khăn, đội nón, vén màn chui vô. Nhưng hễ thấy bà, nhồng cha lao vô “đánh”, từ dưới lao lên mổ vô cằm, cổ bà.
Chuyện nuôi nhồng đã khó là vậy, việc dạy cho nhồng nói tiếng người còn khó hơn. Bà Bé phải lập phòng cách ly riêng biệt trong trại, ở một nơi yên tĩnh nhất. Hàng chục con nhồng được nuôi trong đó. Cứ tối tối, trời im, nhồng chuẩn bị vô ngủ, bà Bé lại nhẹ nhàng mở cửa bước vô phòng dạy nhồng nói. Mỗi lần như vậy từ 10 – 15 phút, một câu bà đọc đi đọc lại 5 lần, dạy thuộc câu này bà mới chuyển qua dạy câu khác. Bà bảo, nói với nhồng phải như “rót mật vào tai”, nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Giờ đó cũng là giờ nhồng dễ tiếp thu nhất, vì “chúng mơ màng chuẩn bị ngủ, mình nói chúng dễ nghe”.
Bà Bé nhớ mãi lần dạy một “đứa con tiếp thu chậm”. Con này tướng ngon, nhìn thấy “tương lai” lắm nhưng mỗi tội dạy hoài nó không tiếp thu. Kiên nhẫn lắm, rồi một dịp may đến với bà. Lần đó, có một bà khách tới trại chơi, không thấy bà Bé đâu, bèn hỏi: “Có ai ở nhà không?”. Chẳng biết cơ duyên xui khiến thế nào, con nhồng này bỗng bật lên lia lịa “có ai ở nhà không?”. Từ đó, nó nói được, nói câu này hoài. Về sau, con nhồng được bán cho người ở khách sạn H.Đ trên Sài Gòn.
Giờ đây thì thương hiệu “bà Bé nuôi nhồng” đã không còn chỉ nổi tiếng trong nước. Các “con” của bà đã xuất ngoại qua Pháp, Đức, Canada, Toronto… Chúng được ở “nhà Tây”, ăn quả nho, nói tiếng nước ngoài… Điều lo lắng nhất là, xa bà thì nhồng có bị mai một khả năng nói tiếng người không? Bà Bé rất vui: “Qua đó người ta còn thương chim hơn mình. Không những bị mất tiếng, nó còn nói giỏi hơn!”. Những con nhồng bà nuôi đẻ, bụ bẫm hơn nhồng thiên nhiên, không hoang dã nên rất thân thiện với con người. Hiện bà Bé cũng đang được nhiều công ty, tổ chức nước ngoài đề nghị hợp tác, nuôi sinh sản và phát triển giống nhồng để bán ra thế giới.

Phóng sự củaThiếu Gia
Bài:Báo Thanh niên online (06/09/2008)