Hướng dẫn cách nuôi chim Khướu (Phần 1)

Nhiều người có thể bỏ tiền triệu ra mua chim, nhưng lại không quan tâm mấy đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Có thể do là họ lười biếng, cũng có thể do thiếu tình thương đối với vật nuôi của mình, cũng có thể do không biết cách chăm sóc như thế nào cho phù hợp.

Thường thì những người nuôi chim từ trước tới giờ, dù ở nước ta hay là người nước ngoài gì cũng vậy, hầu nhứ là những người có lòng yêu thương thú vật. Tình yêu thương này ở họ càng cao độ thì việc nuôi dưỡng càng chu đáo hơn, do chịu khó nuôi nấng, chăm sóc thường xuyên nên chim mập mạp, tránh được nhiều các loại bệnh.

Chim khướu và 10+ thông tin hữu ích cho người tập nuôi ...

Những người này thường làm việc tùy hứng, nếu không muốn nói là bốc đồng, họ ưa chạy theo phong trào, thấy người ta nuôi chim hót nghe cũng vui tai thì mình cũng bỏ tiền ra mua chim, sắm lồng để nuôi. Nhưng, nuôi mà không học cách nuôi, nuôi mà không chịu khó thức khuya dậy sớm bỏ công ra chăm sóc chim của mình, thì cũng chỉ hao tiền tốn của một cách vô ích mà thôi. Có khi họ còn làm trò cười cho thiên hạ nữa.

Người nuôi chim chuyên nghiệp, dù giàu sang tột đỉnh, dù địa vị xã hội thật cao, họ cũng muốn được tự mình lo lắng cho con chim từ thức ăn nước uống, đến việc tắm, ngủ …Họ chăm sóc cho chim với tất cả sự yêu thương. Có như vậy, khi dựa mình ra ghế để lắng nghe chim hót họ mới cảm nhận được cái thú vị toàn vẹn của việc nuôi chim.

Nuôi chim mà chỉ biết có việc bỏ tiền ra, còn việc chăm sóc thì không làm hoặc giao cho người khác, thì cái thú chơi chim của người đó bị không có gì gọi là thú vị.

Việc nuôi và chăm sóc một con chim Khướu thật ra không có gì nặng nhọc lắm, nhưng phải có phương pháp thì mới có kết quả tốt được.

Khoảng 11 giờ đến 2 giờ chiều chúng ta nên cho Khướu tắm. Việc tắm đối với chim Khuớu có thể mỗi tuần tắm hai lần cũng được. Mỗi lần tắm chừng 15-20 phút là vừa. Khi tắm phải sang lồng tắm, tắm xong sang chim trở lại lồng nuôi như cũ và đem phơi chim Khướu ngoài nắng một vài phút để chim rủ bớt nước trên mình. Sau đó nên treo chim vào nơi khuất gió để chim khỏi bị cảm lạnh.

Buổi sáng ta nên mở áo lồng rồi cho chim ăn, uống. Trộn tấm và trứng nên cho vào để đủ cho Khướu ăn trong ngày. Còn nước nên súc rửa kỹ rồi thay nước mới vào. Lồng nên treo ra hướng đông để chim đón nhận ánh nắng mặt trời ban mai, không nên treo chim Khướu qua chín giờ. Sau đó đem lồng vào treo ở nơi thoáng mát và có thể cho chim ăn thức ăn bổ như trứng kiến, sâu hoặc cào cào…

Ngoài thức ăn chính là tấm gạo rang trộn trứng ra, mỗi ngày ta nên cho Khướu ăn thêm cào cào tươi, thằn lằn, cóc nhái (loại nhỏ) và thịt bò xắt vụn…

Tất nhiên, không phải trong một ngày mà phải cho Khướu ăn tất cả những thứ vừa kể, mà chỉ cần cho ăn một hay vài loại nào đó mà thôi. Có thể là cào cào, hoặc sâu tươi. Nếu không mua được hai thứ đó thì cho ăn vài con dế, hay vài con gián, có thể vài mẩu thịt bò xắt vụn cũng được.

Những thức ăn đạm động vật này có thể thay đổi hằng ngày mà không làm cho Khướu bị sốc. Nghĩa là tiện có thứ gì cho ăn thứ nấy, thậm chí ngày nào không cho ăn cũng không sao. Tuy vậy, nếu lâu ngày quá mà không cho ăn đạm động vật, mà chỉ cho ăn mỗi một món tấm rang trộn trứng không thôi, thì chim dễ bị suy vì khẩu phần thiếu chất bổ dưỡng cần thiết để nuôi cơ thể.

Thức ăn đạm là thức ăn phụ của Khướu, vài ngày cho ăn một lần cũng không ảnh hưỏng gì đến sức khỏe của nó.