Một vài bệnh điển hình do thiếu nguyên tố vi lượng
1- Chết đột ngột
Một số chim tự nhiên rơi xuống ngắc ngoải nếu cấp cứu kịp thời vẫn có thể sống bình thường. Năm 1995 tôi bị một trường hợp như vậy. Khi thấy con chim tự nhiên rơi xuống sàn lồng, cánh vỗ vật vờ, mỏ ngáp chầm chậm, tôi vội bắt ra ủ ấm và dùng viên Ampicilin trộn bột đút cho ăn vì nghĩ có thể có vi trùng nên dùng kháng sinh (Sau này mới biết là sai lầm). Đồng thời ngay lúc ấy tôi hòa đường Glucoza với vài hạt muối bơm cho nó vài giọt. Mấy phút sau con chim đứng dậy bình thường, đặt vào lồng nó nhảy ngay lên cầu. Sau này do đọc nhiều tài liệu mới biết là nó thiếu chất (Thiếu nguyên tố vi lượng) nên bị đột quỵ. Chính mấy giọt đường Glucoza và muối đã cứu nó thoát chết.
+ Nguyên nhân: Do chế độ nuôi nhốt lâu dài nên chim bị thiếu chất, thiếu nguyên tố vi lượng như Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Magie (Mg), Cô ban (Co) là những nguyên tố vô cùng quan trọng đối với cơ thể sống dẫn đến chim bị suy nhược và đột quỵ.
+ Triệu chứng: Chim có thể đang đứng hót, bỗng chao đảo rồi rơi xuống giãy đạp và tử vong.
+ Điều trị: Có hai giai đoạn như sau.
* Cấp cứu: Khi thấy chim rơi xuống giãy đạp, cần nhẹ nhàng cầm chim lên, chụm hai bàn tay ủ cho chim chừng 5 phút, thấy chim tỉnh dần hãy bẻ viên thuốc Cinazizin làm 4, đút cho chim ¼ viên và dùng Xilin bơm cho chim một chút nước đường Glucoza hòa với vài hạt muối để chim nuốt miếng thuốc, chừng 10 phút sau chim có thể trở lại bình thường, cho chim vào lồng như cũ.
* Điều trị tận gốc: Hãy làm khoáng cho chim ăn thường xuyên theo hướng dẫn ở bài số 3. Tỷ lệ khoáng/cám = 1,2% đến 1,5% kéo dài trong 6 tháng, sau đó rút xuống tỷ lệ 1% đến 1,2%. Chim đủ chất sẽ không bị tái phát bệnh. Trong mùa thay lông, cho chim ăn Khoáng/cám = 1,7% đến 2%
2- Bệnh về lông
Mất màu lông, bó lông, sâu lông, phá vĩ…
Những con chim bị mất màu lông, bó lông, sâu lông, phá vĩ chủ yếu là thiếu nguyên tố vi lượng. Đặc biệt chim yến Kanari đỏ không cho ăn khoáng rất mau bạc màu. Các nguyên tố tạo thành lông nói chung hết sức phức tạp nhưng đặc biệt là nguyên tố Kẽm (Zn).
Kẽm có trong hầu hết các loại tế bào và các bộ phận của cơ thể, nhưng nhiều nhất tại gan, thận, lá lách, xương, tinh hoàn, da, lông và móng.
Vì thế khi thiếu Kẽm, lông chim phát triển không bình thường, rối loạn quy luật thay lông, không tạo được lông mới và đào thải lông cũ đúng mùa vụ cần thiết. Ta thường gọi là bị bó lông. Đồng thời những lông quá cũ bị sơ rách, mất màu, mất độ bóng, mất tuyết nhung và dễ bị rận mạt, vi khuẩn khu trú phá hủy, đó chính là sâu lông.
Do không thay được lông nên chim có cảm giac ngứa ngáy, rúc gãi, cắn lông đuôi, lông cánh tan nát đó là phá vĩ.
Muốn tránh được bệnh này chúng ta cần chịu khó làm khoáng cho chim ăn thường xuyên như công thức ở bài số 3 ngay từ khi mới mua chim mộc về.
Ngoài ra còn một số bệnh khác nữa mà điển hình là bệnh đục nhân mắt như đã nói ở tiết II.
Trên đây tôi chỉ nói vài trường hợp điển hình hay gặp nhất còn rất nhiều vấn đề khác nữa mà tôi chưa có thời gian để soạn hết ra đây được. Chúng ta cứ nuôi và chơi chim lâu năm, dần dần sẽ kiểm chứng và nghiệm ra những điều thú vị khác nữa.
Tôi muốn nói thêm một chút nữa về sự cần thiết của khoáng chất đối với chim, không chỉ chim cảnh mà ngay cả chim nuôi làm thực phẩm như chim bồ câu cũng rất cần có khoáng chất. Chim câu thiếu khoáng sẽ đẻ thưa, hoặc đẻ hỏng, đẻ non và tỷ lệ thụ tinh rất thấp. Khi chúng ta làm khoáng đúng kỹ thuật, cho vào chuống chim câu, con nào cũng tranh ăn, nhất là chim non. Chú ý: Khoáng chất cho chim có nhiều loại muối như muối Ka, muối Na, muối Ca… nên ta nên tránh đựng vào những đồ dùng có khả năng hoạt động hóa học mạnh như sắt (Fe), đồng (Cu), nhôm (Al) để tránh bị ăn mòn hóa học. Tôi thường cho chim câu ăn khoáng trong các khay nhựa nhỏ là an toàn nhất. Mời ace tham khảo ở các Clip dưới đây nhé.
Chúc ace luôn vui vẻ, may mắn, mọi điều như ý.
Chào thân ái!
Lâm Kiệt