Sự đối lập của các phong cách chơi cu gáy

Trong vũ trụ này luôn luôn tồn tại hai thái cực Âm và Dương …cũng từ hai chữ âm – dương mà sinh ra thiện – ác, ngày – đêm, trắng – đen, đẹp – xấu …. vân vân và vân vân …. thế giới đã phân rõ ràng như vậy nhưng cái thiện vẫn không thắng nổi cái ác, cái ác cũng không triệt tiêu được cái thiện …. mà chúng song hành, cùng tồn tại cũng như cái đẹp và cái xấu vậy. Nếu không có cái xấu thì làm sao “có cái nào” để so sánh mà ta cho nó là đẹp…. suy rộng ra trong đạo chơi chim cu cườm cũng vậy nếu không có những con bổi kia dở thì ta làm sao biết được con bổi này hay, không có những con mồi dở thì làm sao mà ta biết được con mồi kia hay, con mồi may bổi ….
Trong cái nghệ thuật chọn và nuôi con mồi cũng vậy: Đa phần các nghệ nhân đều có cách nghĩ khác nhau nên cách chọn một con bổi nuôi thành một con mồi cũng khác nhau … người thì chọn bộ cườm, giọng gáy … người thì chọn quy, chọn vẩy …. người thì chẳng chọn cái gì cứ bổi hay ngoài rừng thì đem về nuôi …
Sau nhiều đêm trăn trở tôi cảm thấy rất bất bình khi thấy những nghệ nhân mê cu gáy đối chọi với nhau, có sự phân chia ranh giới rõ ràng, không bao giờ ngồi chung một bàn uống cà phê, nếu có ngồi chỉ là gượng ép mà thôi, ngồi lâu thì sợ có cảnh kẻ u đầu người bể trán …. trước sự mất đoàn kết của những người có cùng đam mê, cùng sở thích như mình tôi luôn tự hỏi Tại sao vậy? Con chim thì ghét nhau giọng gáy, còn con người lại ghét nhau tiếng nói nên hôm nay tôi mạo muội ghi đôi lời tâm sự thầm kín gởi đến bạn cùng đam mê với một hy vọng sau khi đọc bài viết này các anh em, các ” nghệ nhân thật thụ” hãy xích lại gần nhau hơn…. vì nét đẹp và cũng vì nghệ thuật, đạo chơi chim cu cườm có từ ngàn xưa …. xin hãy phát huy nét đẹp truyền thống chứ đừng làm cho nó mai một mất đi.
Có hai trường phái luôn luôn song hành mà Nguyên tôi tạm gọi là: Trường phái “thực tế” và trường phái “lý thuyết” . Sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế lúc nào cũng khác xa nhau, ai cũng cho rằng mình giỏi nhưng cổ nhân có nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, hay nói nôm na núi này cao còn có núi khác cao hơn … tại sao có trường phái “thực tế”, thế trường phái thực tế là gì? xin thưa:
– Các nghệ nhân nghiêng về trường phái thực tế thường thì:tai nghe, mắt thấy họ mới tin … nên khi những nghệ nhân này chọn bổi để nuôi thường thì họ chọn từ ngoài rừng. Biết được rõ ràng con bổi đó gáy giọng gì, lớn tiếng hay nhỏ tiếng, có kèm hay không? kèm mắc me hay kèm bo, có gù phóng hay không …. cứ thấy ngoài rừng hay là đem về nuôi và luôn luôn nghĩ rằng mai này nhất định mình sẽ có con mồi hay vô địch…. Nhưng theo Nguyên thì chưa chắc, tại sao chưa chắc? … con mồi phải có tướng tá, dáng dấp của một con mồi chứ tướng mà xấu quá, mặc dù nó rất hay ở ngoài rừng, có nghệ nhân nuôi cả 40 đến 50 con bổi trong nhà mà khi nó nổi thành mồi thì chỉ có mấy con chơi được, số còn lại toàn là cái đồ dở hơi, khoái thì gáy gù không ai chịu nổi còn không khoái thì cạy miệng cũng im ru, có con gáy đến nỗi bổi không dám đến gần …(thử mà nghĩ xem trong hàng vạn tinh binh mới có một vị tướng, tại sao họ lại là tướng, có phải họ khác người không? theo tôi thì không. Khi mới nhìn vào thì họ như bao con người khác cũng có mắt mũi miệng tay chân, đi, đứng như bao nhiêu người khác nhưng cốt cách của họ khác hơn một người bình thường. Nguyên xin đơn cử một vị tướng mà Nguyên có dịp ngắm nhìn tận mắt, bắt tay , trò chuyện đó là: Thượng tướng Phan Trung Kiên ông này tai to, mặt thì bự, cổ thì ngắn, tay chân, thân thể trông y như được đúc ra vậy, giọng nói nghe như có âm lực rất hùng hồn, thử hỏi người như vậy có dị tướng hay không? …)
Một con bổi hay, dáng đẹp khi trở thành một con mồi cũng chưa chắc là một con mồi hay. Tại sao chưa chắc? cứ từ từ mình sẽ giai thích…một con mồi chỉ hay thôi mà không khôn thì không tài nào mà bắt bổi được…. hiện giờ mình cũng có một con son, nó gáy gù đến nỗi bổi teo luôn, anh em trên diễn đàn nói đem nó xuống đất, ở trên cây nó còn kèm bo, kèm mắt me nhưng khi thả nó xuống đất nó gù không, gù suốt…. chả có con bổi nào dám đến gần… làm sao mà gọi nó là con chim hay được mà chỉ gọi là con chim dữ thôi.
Nói tóm lại ở trường phái thực tế ưu điểm và khuyết điểm như sau:
– Ưu điểm: Biết được con bổi đó hiền hay dữ, gáy lớn hay nhỏ, kèm phóng ra sao, có đủ bài bản hay không …
– Khuyết điểm: Con nào ưng ý, gáy gù nghe đã lỗ tai là nuôi … nhưng khi thành mồi thì chỉ có vài con là chơi được, số còn lại …tự xử …như vậy hơi tốn công nghen!
Các nghệ nhân theo trường phái lý thuyết:Mấy ông trường phái lý thuyết thường bị mấy ông thực tế cho là cái đồ dở hơi, cái đồ sách vở vớ vẩn …. nghe qua cũng tức nhưng xin đừng nóng dễ nổi mụn đó nghen! Thử hỏi nếu không học thì có nói được hay không? đâu phải ai ai cũng nói được, nói có sách, mách có chứng rõ ràng ai dám cãi. Nếu hiểu thấu đáo mọi ngỏ ngách trong nghề cũng như trong đạo chơi thì trường phái lý thuyết được xếp cao hơn trường phái thực tế một bậc. Tại sao vậy?
* Xin đơn cử: có hai ông nghệ nhân của hai trường phái thực tế và lý thuyết rủ nhau vào tiệm bán chim cu bổi thì:
– Cái ông thực tế làm sao mà biết được con nào gáy to hay nhỏ, con nào kèm hay không kèm, con nào gù phóng hay không, con nào bền hay không bền …. bó tay chưa?
– Nhưng cái ông lý thuyết thì biết đấy, nhìn cái mỏ ông ta biết ngay con đó gáy nhanh hay chậm, nhìn cái lỗ mũi ta biết nó gáy to hay nhỏ, nhìn bộ cườm ta biết ngay con đó gù nhiều hay ít, nhìn chóp mỏ + quy ta biết ngay con đó kèm hay không kèm, nhìn cấp mình là biết ngay con đó có bền hay không … bấy nhiêu đó thui Ông thực tế đã thua chắc …. nhưng không cam lòng ông ta đi về nhà đem con mồi cực hay bắt bổi nhanh như điện mà quy, cườm chỉ có vài cọng lưa thưa … ông nói “này xem cho kỹ đi mà nói, nói mà không đúng thì tao cho một trận”. Nếu tài nghệ của ông lý thuyết bình thường thì chịu thua đi (chắc kiểu này tiêu mất)….. còn nếu đã lĩnh hội hết thì ông ta sẽ có cách trả lời, vì nhớ con chim cũng có ẩn tướng đó nghen Nguyên ví dụ: con dán cánh, con đeo tang (lông trắng mọc trên đầu), con giao long (chân có hai hàng vẫy như chân gà nòi), con móng trắng …vân vân …
Nhưng theo Nguyên nghĩ cái chuyện chơi mà tranh hơn thua làm gì, có lợi lộc gì đâu? sao ta lại làm mất đi cái tình người …. Nguyên nghĩ cái đó mới quý, nó còn quan trọng hơn gấp bội cái chuyện chim cò…… mà còn bị người đời cho là ngu nữa. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này thì hai anh thực tế và lý thuyết hãy ngồi chung một bàn mà uống cà phê nhé …. thân chào.