Ông thầy thuốc Phiêu là con ông Biện Noán – một danh gia của đất Bạc Liêu hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng, khi hỏi ông ấy là ai thì đa số những người được hỏi sẽ bảo: “Có phải ông “gác cu” đó không?”. Nghe thật buồn cười, nhưng nếu biết “gác cu” là gì, sẽ phải công nhận, họ đã và đang thực hiện một thú chơi dân gian đặc biệt của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
Ông Biện Noán qua đời lâu rồi, còn ông thầy thuốc Phiêu thì sống trong căn nhà to, cổ kính tại TP Bạc Liêu. Ðã hơn 70 tuổi, dù dáng dấp ông Phiêu toát lên vẻ lịch lãm vẫn không giấu được đôi mắt kèm nhèm và tay chân run của tuổi xế chiều. Nhưng lạ lùng thay, khi nhắc tới cái thú chơi dân gian như một nét văn hóa ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thì ông Phiêu như thành người khác. Ðôi mắt bỗng sáng lên, tay chân nhanh nhẹn. Rồi ông dẫn tôi đi xem bộ đồ nghề mà ông giữ như kỷ vật. Ông bảo: ‘Già rồi, nhớ nghề, nhớ rừng lắm mà đi không nổi, đành giữ nó lại để nhớ một thuở của mình’. Thấy tôi đề nghị ông giới thiệu một bạn nghề để tôi đi thực tế, ông Phiêu bảo: ‘Tôi dẫn cậu đi’. Và sau khi ném về phía sau nhà một cái nhìn khó hiểu, ông nặng nhọc ngồi lên sau xe rồi lẩm bẩm: ‘Vợ con, thiên hạ chửi cả đời mà không sao dứt nổi cái thú mê mẩn này’. Vợ chửi thì tôi mới nghe, nhưng thiên hạ chửi nghề gác cu thì tôi nghe lâu rồi, họ ca rằng: Ở đời có bốn cái ngu – Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu! Vâng, ‘cái ngu’ của nghề ‘gác cu’ là khi con mồi và con bổi (cu rừng) xông vào trận, chúng gù, chúng thúc ngay cửa lụp (bẫy). Ðó là lúc người ‘gác cu’ dồn hết tâm trí vào cửa bẫy, không thiết gì chung quanh, đến nỗi nghe nói ngày trước cọp hay rắn hổ đến gần mà không hay biết. Còn vì sao bị vợ chửi thì ông Phiêu diễn giải cho tôi nghe: ‘Nhà đang buôn bán ì xèo, lúa ngoài đồng chín đỏ, chờ gặt… Hửng sáng, nghe tiếng cu gáy – cái thứ tiếng như ‘ma kêu quỷ gọi’, nó làm tứ chi ngứa ngáy. Thế là, anh thợ ‘gác cu’ bỏ hết việc nhà, xách cu mồi, vác lụp ra đi, đổ hết việc nhà lên đầu vợ, vợ nó ức, nó chửi cho’!
Vào đầu thế kỷ 20, nghề ‘gác cu’ được du nhập từ Tịnh Biên sang và phát triển ra cả ÐBSCL. Thập niên 70 trở về trước, hầu như làng nào cũng có người làm nghề ‘gác cu’. Nguồn gốc của người Khmer, nhưng khi nghề ‘gác cu’ vào ÐBSCL thì người Việt tiếp nhận một cách hào hứng và cải biến không ngừng. Ông Phiêu bảo: ‘Cậu cứ nghĩ thử xem, chẳng có ai làm nghề ‘gác cu’ đem bán cả. Vì giỏi lắm ngày chỉ bắt được hai – ba con, có bữa chẳng có con nào; và cũng không phải ‘gác cu’ kiếm thịt làm đồ nhắm. Gác được con cu dở thì cho người ta, được con cu hay thì luyện thành cu mồi… Vấn đề là khoái nghe tiếng cu kêu, khoái nhìn hai con vờn nhau nơi cửa lụp, khoái rừng rậm âm u và đồng xanh mênh mông cánh cò. Tóm lại là thích đi lông nhông giữa thiên nhiên cao rộng’.
Ông Phiêu kể về quá khứ ‘gác cu’ của mình bằng giọng ngậm ngùi, trang trọng: ‘Mười tuổi tôi đã đi theo ông Cả Kim ‘gác cu’. Ngày nào tôi cũng vác lụp, quảy lồng cu giúp ông đi lang thang trong rừng, dù cha mẹ tôi rầy la rất dữ. Máu mê ‘gác cu’ càng ngày càng đậm trong người tôi. Ðến mười ba tuổi, một hôm ông Cả Kim kêu tôi về nhà ông rồi bảo: ‘Mầy bây giờ đi ‘gác cu’ lẻ được rồi. Nếu muốn, ông nhận làm đệ tử, ông cho một con mồi, bộ đồ nghề và truyền nghiệp cho?’. Tôi mừng rơn trong bụng, rồi bảo: ‘Muốn’. Thế là ông kêu tôi đến thắp nhang khấu đầu rồi lạy ra mắt tổ nghiệp. Tổ nghề ‘gác cu’ được ông Cả Kim thờ trên một cái trang đỏ chót nơi cây xiên nhà. Tôi hỏi: ‘Nghề gác cu cũng có tổ nữa sao ạ?’. Ông bảo: ‘Nghề nào cũng có tổ để người làm nghề hành xử đúng đạo của nghiệp’. Trong không gian, khói hương lan tỏa, trầm mặc và thần bí, tôi thành đệ tử của ông trong nghề ‘gác cu’. Tò mò con trẻ, tôi hỏi: ‘Thế tổ nghiệp là ai?’. Ông Cả Kim bảo: ‘Người ta nói hồn người, hồn thiêng sông núi; vậy thì rừng rú, ruộng đồng lại cũng có hồn. Hồn rừng rú, ruộng đồng đích thị là tổ nghiệp của chúng ta. Rừng rú, ruộng đồng dung dưỡng nuôi nấng chim muông, nên ta mới có chim chóc. Việc như vậy chẳng lẽ không sinh ra ân nghĩa với rừng rú, ruộng đồng? Với người đã khuất, cách đối xử duy nhất là thờ phượng, cúng kiến. Ðó cũng là một cách trả nghĩa với thiên nhiên, với trời đất’.
Nghe câu chuyện của ông thầy thuốc Phiêu, tôi nghĩ, ngày nay chúng ta tha thiết kêu gọi mọi người phải hành xử có trách nhiệm với thiên nhiên, thì từ mấy trăm năm trước nghề ‘gác cu’ đã khuyến cáo cho đệ tử việc ấy rồi. Trong cái mê tín ấy thoáng hiện, thoáng ẩn một giá trị nhân văn!
Chúng tôi đến Sóc Ðồn, xã Hưng Hội, thì đến nhà bạn nghề của ông thầy thuốc Phiêu. Ông này người Khmer, tên Trương Suôil. Thế nhưng, hỏi cả ấp Sóc Ðồn rằng Trương Suôl là ai thì chẳng mấy người biết, và chỉ biết có ông Hai Cu. Nghe danh cũng biết ngay là bậc tiên chỉ của nghề ‘gác cu’. Ông Hai Cu ở như một kẻ quy ẩn, ngôi nhà nhỏ của ông nằm sâu giữa ruộng lúa, xa xa thấp thoáng tre, me, còng, dừa… Trước mái hiên nhà treo lủng liểng năm bảy chiếc lồng cu. Thấy chúng tôi đến, lão sư Hai Cu huýt sáo và bảo: ‘Chào khách đi các con’, thế là các chú cu đồng loạt quay về phía chúng tôi gáy vang: cù… cú… cu, đầu chúng mọp mọp như vái chào. Tôi trố mắt, rồi chỉ biết thốt lên: ‘Quả là thiện nghệ, xin bái phục!’.
Hai ông già bảo, có nuôi cu mồi rồi cũng phải đón nhận những cuộc chia ly không kém phần đau đớn. Bởi có những con mồi sống với người thợ hai – ba chục năm, họ quý mến như con. Ông Phiêu kể: ‘Hồi mười năm trước, con mồi của tôi bị bệnh, trị nhiều cách nhưng không hết, cuối cùng tôi ủ ấm nó trong lòng đến sáng đêm, vậy mà nó cũng ra đi’. Còn ông Hai Cu thì nói: ‘Bảy năm trước vào mùa lúa chín, biết con mồi mà thầy tôi cho đã hơn 25 năm, bị bệnh, nhưng bận đi kêu công gặt, tôi bảo vợ tôi ở nhà đi kiếm thuốc giùm. Mà vợ tôi lại về quê. Chiều tôi về thì con cu đã chảy nước dãi ra miệng, sau đó thì chết. Tôi cầm con mồi trên tay mà nước mắt như mưa. Lần đó, hai vợ chồng tôi ‘hục hặc’ với nhau suốt một tháng trời’.
Bên chén rượu nồng, hai lão tiền bối ‘gác cu’ bảo lớp các ông mà qua đời thì nghề ‘gác cu’ sẽ mai một, vì con cháu các cụ chẳng đứa nào nối nghiệp cả. Nói thì họ bảo: ‘Thời đại tân kỳ cần giải trí thì người ta leo lên Dream chạy ào ào trên phố, ai lại dang nắng làm cái việc vô ích’. Giọng các ông rầu rầu: ‘Nghe hậu sinh nói thế, người già buồn lắm. Thú ‘gác cu’ vãn cảnh chính là để cái hồn thiên nhiên vào hồn người, để người thêm quý thêm yêu chim muông, cây cỏ… Hèn gì, thời đại tân kỳ, người ta tàn phá thiên nhiên không thương xót’. Hai ông kể, gần đây, nghề ‘gác cu’ có xuất hiện lớp hậu bối khá đông, nhưng không ra đời từ lò ‘gác cu’ truyền thống, mà từ nhu cầu của các nhà hàng. Lớp này hành nghề một cách vô đạo, dã man. Họ len lỏi khắp các vùng nông thôn, với những tấm lưới ngang năm mét, dài mười mét và một con cu mồi. Họ khâu mắt con cu mồi để không thấy gì, cho đứng giữa tấm lưới. Nhìn trời thấy có bầy cu bay đến là họ giật cho con cu mồi chớp chớp cánh. Thế là cu rừng sà xuống, họ giật cho tấm lưới bung lên cao rồi chụp xuống, không sót một con. Cách ‘gác cu’ mới này có ngày bắt được hàng trăm con. Hai ông lão của tôi bảo rằng ‘Chim cu đã thưa đến 70 – 80% có khi đi dăm ba ngày không gác được một con, giải nghệ là vừa’.
Châu thổ sông Cửu Long – vùng đất khai mở muộn màng của cha ông, từ quá trình khẩn hoang đã làm nảy sinh nhiều việc lạ, như nhấp cá lóc, đặt trúm và … thú ‘gác cu’. Những thứ này góp phần làm nên nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ. Bản sắc ấy giúp cho vùng đất giàu có này không lẫn với nơi khác. Thế nhưng, thời hiện đại như đang tiến công và xóa dần một số nét văn hóa độc đáo của châu thổ sông Cửu Long. Và cứ như thế, trong tương lai, bản sắc văn hóa đặc trưng của Nam Bộ sẽ dễ bị nhạt nhòa, nếu hiện tại con người không biết giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.