Con chim có tổ con người có tông, mọi vật đều có nguồn gốc cội nguồn của mình với chim Chào Mào, quy luật đó cũng không là ngoại lệ. Tuy cùng một loài nhưng tiếng hót, cách đấu của mỗi vùng miền lại khác nhau rất rõ rệt. Ngày nay, phong trào chơi chim đấu phát triển, tình trạng lai giọng, lẹo giọng tràn lan khiến một số nghệ nhân có khuynh hướng chơi chim giọng và cố giữ đúng giọng gốc cho chim nhà, bằng cách nuôi cùng loại, ép giọng chim tơ để lưu giữ chất giọng mình yêu thích.
Chào Mào là loài chim quê mùa, phổ biến có mặt ở hầu hết các vùng nông thôn và rừng núi Việt Nam, tuy vậy mà chất giọng lại rất phong phú đa dạng. Giọng chim vùng nào, miền nào cũng có cái hay riêng, vì thế mà mỗi người lại chọn cho mình một chất giọng yêu thích nhất mà theo đuổi. Ai đã từng chơi chim giọng mới cảm hết nét thanh tao giản dị, đúng chất thanh nhã của thú chơi chim. Sáng sáng, “dọn chim” ra, rồi thì sắm sửa mồi màng, vệ sinh lồng cóng, móc mỗi con mỗi nơi, ngồi nhấm nháp tách trà bên bằng hữu hàn huyên những chuyện nắng mưa ở đời thì còn gì bằng. Nói thế không có nghĩ là phong cách chơi cội (trường) là không thanh nhã, vì chính các nghệ nhân chơi chim giọng vẫn phải đi trường, dợt nhà để chim luôn được sung mãn. Mỗi phong cách đều có nét hay riêng.
Nói về giọng chim Chào Mào, những năm trở lại đây, nhiều phân loài gần như tuyệt chủng, đơn cử như dòng Suối Đá – Tây Ninh, dòng Kim Phụng – Huế, dòng Trung Mang – Quảng Nam, và đáng buồn hơn cả là dòng Thủ Đức -Sài Gòn, vì gần như mất gốc, chỉ còn năm mười so với ngày xưa, âu như vậy cũng là may mắn quá rồi.
Chơi chim giọng việc đầu tiên người nuôi phải nghĩ đến nếu muốn di trùy lâu dài đó là vấn đề chim thầy.
Chim Thầy, phải là con hay, nếu không muốn nói là rất hay, chơi Chào Mào lâu nay tôi mới ngộ ra rằng, không phải con “Thầy” nào cũng tốt, chim thầy đúng nghĩa, phải hót suốt ngày, hót không ngừng nghĩ, luôn sung mãn để di trùy nhịp độ cho cả đàn đi theo. Thường phải mất khá lâu người ta mới chọn được một con Thầy ưng ý, xét về ngoại hình chim thầy cũng không nhất thiết là con đẹp tướng, miễn nết na, dữ tợn lị lợm, và bền chim, siêng hót, chơi ổn định là được.
Một chú chim Thủ Đức thầy già mùa, dìu dắt rất nhiều lứa chim non.
Chim Thầy có thể là một con tuyển ra từ những chú bổi có chất giọng mượt mà, đanh thép, hoặc cũng có thể là một con non ép giọng trở thành lão làng, đạt đến độ tuổi chính mùi để dìu dắt những lứa tơ kế tiếp. Ngoài ra chim Thầy thường là những con khôn, biết cách dìu chim Má Trắng, chứ không đè cho tắt lửa. Nhiều người có chim thầy rất hung, chơi trường rất tốt, nhưng về dạy Má Trắng lại không đạt kết quả, vì chim quá hung, hễ chim non mở miệng thì ché chéc, rất kinh khủng. Chim non bị đè ép, lâu ngày cũng hư chim, quá tuổi học giọng thì xem như thả.
Nói về chim Trò, tức chim Má Trắng, ta phải lưu ý một số vấn đề sau:
Chim Má Trắng gọi là chơi được phải là chim non đầu mùa, vào thời gian này, chim rừng đẻ tốt, trứng chim chứa nhiều dinh dưỡng, điều kiện thức ăn cũng phong phú, bởi thế mà chim tơ đầu mùa, luôn là đối tượng săn lùng số một của dân chơi giọng. Độ tuổi thích hợp nhất để tuyển chim, là lúc chim vừa theo mẹ ra ràng, lông lá, chân cánh đã khá cứng cáp,miệng vẫn còn hai mục gạo màu trắng, đây là lứa tơ tốt nhất cho việc ép giọng. Một số người lại thích nuôi chim ổ, bón thức ăn mỗi ngày, nhằm vỗ béo chim có ngoại hình đẹp, nhưng chim ổ, ưu điểm thì ít, song khuyết điểm lại nhiều.
Một chú chim chuyền mỏ trắng, lứa chim thích hợp nhất để ép giọng.
Thời điểm phát triển tốt nhất của chim Chào Mào.
Chim Má Trắng đã trổ mỏ đen, chim đã dính giọng rừng từ cha mẹ, không thích hợp để ép giọng.
Khuyết điểm chim ổ:
– Thứ nhất, chim ổ nuôi rất khó, rất mất thời gian, cái dở nhất của con chim ổ là hay ” Sợ bậy”, thấy cái nón của chủ đội cũng nhảy, thấy sào lạ cũng tung, ra khỏi nhà thì không dám hót. Tất nhiên là vẫn có nhiều nghệ nhân có cách khắc phục tình trạng này, nhưng theo tôi phổ biến nhất ta không nên chọn chim ổ, để ép giọng.
– Thứ hai, chim ổ rất khó phân biệt trống mái, nhiều nghệ nhân lão làng vẫn bị nhầm, có con nuôi gần năm trời, vừa chéc vừa giang cánh xòe đuôi khá hung, về sau thấy nó không theo kịp “các anh khác”, mới hay là chim mái. Nghề chơi cũng lắm công phu, muôn hình vạn trạng phải không quý nghệ nhân.
– Thứ ba, chim ổ rất khó đoán ngoại hình sau này, nhiều con, lúc còn đút cườm rất to, mào cao chót vót. Nhưng sau một mùa lông thì khác hẳn, tướng rất xấu, ở lứa tuổi này ta chưa thế nói gì nhiều về ngoại hình vì chim còn một giai đoạn dài “Trổ mã”.
Chim ổ, tuy có mỏ trắng, nhưng lại mắc nhiều khuyết điểm, dễ sợ bậy (sợ linh tinh như chai lọ, mũ, màu sắc…)
Đó cũng là lí do vì sao Chim mục gạo luôn là ưu tiên số một với chim giọng, nhiều người thấy những nghệ nhân chơi giọng cứ tháng 3 tháng 4 hằng năm hay trầu trực, có khi giành nhau, mua những con tơ thuộc hàng quỷ khóc thần sầu, tướng mạo rất ư xấu xí, lông lá tơi tả, lộ lớp da đen xì nhìn rất khó coi, họ cho rằng những người này không biết chơi nên mới lựa những con đó, chim bổi đẹp thế kia sao không bắt, chim tơ đã trổ mào lân họng bò sao không mua? Xin thưa rằng mua “chim bổi tiệm” chẳng khác nào đem lửa về rừng, bổi tiệm rất khó xác định nguồn gốc, chủ tiệm nào cũng gắn mác chim chim Huế, mà thao thao bất tuyệt, thật chất lại không phải vậy, chim bổi rất tạp nham, đã pha trộn nhiều từ khâu mối lái. Lẽ đó mà chim bổi không phải là đối tượng của phong cách giọng, còn thì chim tơ đã trổ, ôi mào lân họng bò, dáng uy nghi lãm liệt, tiếc thay mỏ chim đã đen, loại này không thể ép giọng được nữa. Chim Thầy hay mấy lâu lâu nó vẫn sổ giọng gốc. Chim đầu vào, đã không chuẩn thì khó mà nghĩ đế chuyện bảo tồn cho đúng chất giọng chim thầy. Người nghệ nhân giỏi là người nhìn hình dạng mà đoán được dáng chim sau này, quả nghề chơi chim nhìn đơn giản song lại là một nghệ thuật “Nuôi chim luyện trí”.
Chim đầu mùa khôn có con chỉ 2 tuần là chơi tay đôi với Thầy, có con chừng 2 tháng rưỡi đã nắm gần hết các giọng chuẩn của chim thầy. Có lần tôi đã bất ngờ với phong cách chơi của một chú chuyền 5 tháng lồng, chim hót giống hệt giọng thầy, càng lớn chim càng hăng máu. Chơi lấn thầy, kẹp chim lạ thì bung cánh xòe đuôi rất đẹp.
Cách ép với số lượng ít.
Không gian tối thiểu phải có diện tích đủ rộng cho thầy và trò cùng rèn luyện, con treo trước con treo sau lại càng hay. Chào Mào là giống tinh khôn, chỉ sau vài lần đi gió là nhái được giọng thầy ngay, chim tơ mua về ta khoang hãy kè thầy, như thế sẽ rất dễ hư chim, hay để chim học giọng một cách tự nhiên nhất, cứ con trước con sau, hoặc con trùm con mở, miễn là thầy trò không thấy mặt nhau. Ép như vậy cho tới khi chim non đi được giọng 4 5 trở lên, bắt đầu trổ mã, hăng máu, căng lửa thì cho kè thầy, ban đầu chim thầy sẽ làm rất dữ, ché chéc, chim non chỉ biết cụp mào thỉnh giáo. Hãy yên tâm chim không bể đâu, vạn sự khởi đầu nan, tuy cụp mào, như khi thầy đã quen mặt nó sẽ thôi bắt nạt nữa, chim non lúc này sẽ đi gió mà học theo, cứ vài ngày thì tách riêng ra cho sổ, chim sung thì kè tiếp, cứ nhứ thế chim non sẽ học được giọng thầy một cách nhanh nhất.
Chim bố, người thầy đầu tiên…
Bên cạnh đó ta có thể cho chim non đi dợt ở nhà hoặc cội chim cùng giọng để chim tự tin hơn, học được nhiều giọng hơn, ngược lại chim thầy cũng cho đi đổi gió để nó không lười hót. Nếu được cho cả 2 thầy trò cùng dợt, về thì ủ áo vài hôm, sẽ giữ nhiệt được rất lâu. Với tâm lí luôn lấn át kẻ xâm nhập lãnh thổ, Chào Mào bắt đầu biết hót nếu, lãnh thỗ đã được khẳng định, và kẻ xâm nhập đã quy hàng, luôn thay đổi vị trí treo để chim luôn phải bảo vệ lãnh thổ, sáng treo trên lầu, trưa đổi chỗ xuống đất, làm như vậy thầy trò sung đều, giọng cũng cứng hơn hẳn.
Cách ép với số lượng nhiều.
Cách ép này khá đơn giản, và đỡ tốn công hơn cách ép trên, nhưng dàn chim Thầy phải thật hùng hậu để luôn “đuôi bắt” nhau, đè nhau luân phiên cho sung đều, không bị quen mặt, quen giọng. Chim thầy nhiều, chim trò cũng tương đương. Giả sử, trường hợp nhà ép 5 thầy 1 trò, nguy cơ chim trò tịt ngòi là rất cao. Cả đàn sẽ ép nó cho tới khi bể mới thôi, giọng hót có khi còn uy lực và đáng sợ hơn cả cú giang cánh xòe đuôi của chim thầy, chim non, tốt nhất ta nên kẹp 4, 5 con tơ, cùng lứa với nhau, nhất định sẽ có con vượt trôi dìu cả đàn đi lên, chim tơ ganh lẫn nhau, ví dụ hôm nay con lồng thấp hót đấu với thầy rất dữ, hôm sau những con khác cũng bắt nhịp hót theo. Đây là thời điểm thú vị nhất của thú chơi giọng, chim trò nổi dậy, có con còn đạt lửa đè lại thầy. Chim lên đều rât hay. Thỉnh thoảng mượn chim lạ về, kè lồng mỗi con một chút, chim càng hăng hót dữ hơn nữa, hằng ngày nếu rãnh cứ cầm lồng, kè đều khắp dàn để chim đượ xoay vần, vừa dạn hơn, vừa sung mãn hơn, tiện cả đôi đường.
Dàn chim thầy rặc giọng siêng hót, nhân tố chính quyết định sự thành công trong việc ép giọng.
Dàn chim Thủ Đức trò, đa số là chim Huế và chim Bắc – tài sắc vẹn toàn.
Kè lồng xoay vần giúp chim không quen mặt, & hăng máu hơn.
Chim trò 2 mùa lồng, lên lửa chụp lại thầy, cả hai đều rất sung mãn.
Chim non cứng giọng ở tuổi lồng thứ 2, con nhanh thì mất một năm rưỡi để cứ giọng.Chim đã cứng giọng có thể làm thầy được rồi, sẽ có rất nhiều thế hệ sau được dìu dắt, chất giọng nguyên sơ được bảo tồn, chúc quý nghệ nhân thành công. Thiết nghĩ ở khía cạnh của người viết tôi không thể nhìn hết tổng thể của vấn đề, nên không tránh khỏi những sai xót, rất mong quý nghệ nhân lượng thứ.