Thuần dưỡng chim họa mi đá
Chơi chim họa mi đá lý thú nhưng rất cầu kỳ. Để có được một con chim “máu chiến”, người chơi phải tuyển lựa từ khi chim còn non, phải trông tướng chim, từ đầu, mặt, đôi mắt, móng chân, màu lông, đến tìm hiểu nguồn gốc sinh trưởng, tập quán của chim.
Họa mi có ánh mắt màu vằng nhạt, hơi tối hoặc mắt xanh, mí dày; chân hình cành đào, móng ngắn; mỏ “sẻ” hoặc búp đa, gốc mỏ to, thẳng, dày và ngắn; đuôi cân đối; đầu to bự; lông ngắn là lý tưởng.
Việc nuôi chim rất cẩn thận, như việc cho ăn, tưởng đơn giản song khá phức tạp. Nếu không cẩn trọng, khi cho chim ăn cào cào, châu chấu mà giữ nguyên chân thì vuốt sắc ở chân có thể làm xước cổ họng loài chim này.
Muốn chim sung sức, ngoài nguồn thức ăn “tươi sống trên, người nuôi phải cho chim ăn gạo rang trộn lòng đỏ trứng gà, nước uống phải là nước mưa. Hàng ngày còn cho chúng tắm nắng, tắm nước để không sinh rận và giúp chim khỏe hơn.
Ngay từ nhỏ, họa mi đá được cho ở lồng cao để bay, nhảy giúp chân, móng khỏe khoắn. Một tuần trước khi vào sới, chim được chuyển sang lồng thấp, phủ áo lồng yên tĩnh. Tất cả những việc đó đều nhằm “luyện võ” cho chim trước khi vào trận.
Để có một con chim họa mi luôn sẵn sàng xung trận thì phải có một con mái hay.
Chim mái rất quan trọng, khi nó đã kết đôi sẽ khéo léo cổ vũ con trống của mình. Chim mái biết quan sát, đánh giá lực lượng giữa hai bên, biết cầm trịch cho con trống đánh và nghỉ đúng lúc, biết hót “chỉ đạo”, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho con trống hay “xùy, gõ”, con trống lao vào tấn công, đánh thắng đối phương.
Tập luyện cho chú họa mi đá trước khi ra trận: Giống như một vận động viên, một đô vật hay một võ sĩ, trước khi ra trận họa mi đá cần được tập dượt một cách bài bản, đúng cách. Việc tập luyện giúp cho họa mi sung sức khi vào trận, đồng thời cũng giúp chủ nuôi đánh giá đúng mức tình hình sức khỏe của họa mi mà mình chuẩn bị đưa vào trận.
Chim Họa Mi thi đá
+ Sử dụng lồng phóng: Mục đích của việc sử dụng lồng phóng là tạo sức bền cho chim. Tuy nhiên, không phải con họa mi nào cũng có thể áp dụng việc sử dụng lồng phóng. Muốn ra nhảy lồng phóng, chim tương đối ổn định, thể lực thật khỏe (khi nhảy lồng phóng chỉ nhún chân và lắc đuôi chứ không sử dụng cánh; nếu còn dùng cánh thì chưa cho ra lồng phóng). Nếu thấy chim khỏe mạnh, giọng hót vang, lông lên tuyết, lông bụng không bị xỉa (lông ôm sát bụng), tắm không bị ướt lông thì có thể cho nhảy lồng phóng được.
Đọc thêm Kỹ thuật nuôi chim vành khuyên
Lồng phóng nên đặt ở chỗ thoáng, có ánh sáng mặt trời, yên tĩnh, ít người qua lại, để chim thích thì nhảy chứ không ép chim nhảy.
Người nuôi có thể trực tiếp bắt chim từ lồng chiến qua lồng phóng hoặc ghép cửa lồng phóng vào cửa lồng chiến cho hai lồng thông sang nhau. Để mồi, nước, cám ở bên lồng phóng. Cách này tạo thói quen sang lồng cho con chim rất tốít, nhưng phải cẩn thận vì dễ bị sổng chim (không may có người chạm vào; cần có dây néo hai lồng vào nhau hoặc để lồng ở sân chơi riêng). Mỗi ngày chỉ cho nhảy theo thời gian tùy vào kích thước lồng phóng. Trong quá trình cho chim “tự luyện tập” nếu quan sát thấy lông chim khi tắm bị ướt thì không cho nhảy lồng phóng nữa.
Trong thời gian cho chim tập ở lồng phóng cần chú ý tới việc chăm sóc chim. Cho chúng ăn loại cám dễ tiêu, sáng và trưa cho ăn thêm châu chấu (khoảng 3 – 5 con/1 bữa). Quan sát thấy phân chim trắng, khô, bộ lông bóng mượt ốp sát người là chim khá khỏe mạnh.
+ Sử dụng lồng chạy đất: Lồng chạy đặt giúp chim tiếp đất và ăn những viên cát sỏi mà nó thích, rất tốt cho tiêu hoá. Có thể cho chim vào lồng chạy đất hàng ngày để chim tắm, ăn mồi tươi và phơi nắng.
Đặc biệt chú ý: Khi chuyển từ lồng chiến sang lồng chạy đất rất dễ sổng chim. Vi vậy cần phải thật cẩn thận. Lồng chạy đất phải được đặt ở nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt tròi. Chủ chim phải túc trực liên tục trong thời gian cho cho chim tắm, ăn mồi tươi. Phải đảm bảo rằng không một vật nuôi nào (hoặc trẻ con) có thể vào khu vực cho chim ăn nếu không rất dễ làm chim hoảng sợ hoặc có thể sổng mất rất đáng tiếc.
Mỗi ngày cho chim ra lồng chạy đất khoảng 1 tiếng, rồi cho chim trở lại lồng chiến, không nên để chim phơi nắng quá lâu.
Tìm hiểu về thú chơi họa mi đá
Thú chơi họa mi đá bắt đầu từ các vùng sơn cước, miền trung du và được tiến công vào cung ở thời Lý, bởi tiếng hót tuyệt vời và sức chiến đấu đến một mất một còn của chim họa mi.
Thú chơi này ngày càng được nâng cấp, nhiều bài bản hơn và trở thành một nghệ thuật tinh tế. Dần dà người ta còn soạn thảo ra những luật lệ riêng về phép chơi hoạ mi đá – nào là cuộc đấu phải ra sao, lồng nuôi như thế nào cùng hàng loạt quy định về xem tướng chim, cách vỗ béo chim, quy cách của từng loại lồng, nào lồng nuôi, lồng đá, lồng phóng.
Bắt đầu vào trận, hai người chơi từ từ đặt lồng chim vào sỏi. Bốn lồng chim đặt sát nhau. Lồng chim đực đặt cạnh lồng chim mái. Áo phủ lồng được mở. Chim mái cất tiếng lảnh lót cổ vũ cho chim trông. Hai đối thủ bắt đầu sốt ruột, búng cánh liên hồi.
Khi giám khảo ra lệnh tháo cũi. Vách ngăn bằng gỗ nhẹ nhàng biến mất. Hai đấu sĩ vừa nhìn thấy nhau đã muốn giở võ. Cửa lồng của hai đối thủ áp sát nhau, được ngăn cách bởi một cửa nhỏ gọi là cửa công để hai đối thủ vào được lãnh thổ của nhau mà chỉ có thể “giáp lá cà” ở nơi hai chiếc lồng giáp nhau. Thông thường, để giành được vinh quang, mỗi đấu sĩ có thân hình nhỏ chưa đầy nắm xôi phải chiến đấu giáp lá cà từ 10 đến 30 phút liên tục không nghỉ. Góp phần đưa các “người hùng”’ đến danh hiệu vô địch chính là những ‘”bóng hồng” luôn ở sát bên cổ vũ các đấu sĩ.
Được biết, trước khi thi đấu, chim đá được chăm sóc đặc biệt với thức ăn nhiều chất đạm, được chuyển sang ở lồng cao để bay nhảy tập thể dục cho chân cẳng khỏe khoắn. Sau đó chim được chuyển sang lồng thấp, phủ áo lồng yên tĩnh khoảng một tuần trước khi vào sới.