Xin được nói ngay kẻo các bạn lại cho là tôi đùa giỡn tục tằn: thoạt đầu, tôi đã viết là “con bồ câu…”, nhưng thế là không chính xác; vì đây là con chim cu – loại cu gáy, “cu cườm” chính hiệu mà người chơi chim cảnh thường chưng trong lồng đẹp treo dưới mái hiên hoặc cành cây trước nhà. Có điều con cu của tôi không bị nhốt trong lồng mà nó được tự do.
Cũng phải thành thật là thoạt tiên tôi chưa có lòng tốt cho con cu được tự do. Chỉ do đãng trí, mở cửa cho nó ăn rồi quên đóng lại; sáng ra, nhìn lồng chim trống không, đã tưởng là mất tăm, không ngờ một lúc sau thấy cu ta từ đâu ngoài vườn cây sà xuống đậu trên thành lan can trước phòng làm việc, cái đầu trơn bóng với đôi mắt tròn xinh xắn thập thò nghiêng ngó, vừa thăm dò, vừa cảnh giác. Cả khi tôi tung một nhúm thóc ra, cu ta vẫn e ngại, đôi chân hồng hồng mảnh nhỏ cứ rụt rè không dám bước tới. Nhưng rồi cu ta thấy không có gì đe doạ, bụng thì chắc đói meo mà những hạt thóc vàng mẩy ngon lành cận kề thế kia, nên dần dà “bữa ăn” tôi dọn ra cũng được chiếc mỏ nhọn thu nhặt gọn vào cái diều không bao giờ phình ra lộ liễu như mấy ả gà vừa ăn no đang gọi trống ồn lên ngoài vườn.
Con cu quen dần với cảnh sống tự do như thế và tôi cũng không còn lo nó bay đi nữa, tất nhiên là ngày nào cũng phải nhớ cho nó ăn. Chỉ buồn một nỗi là từ hôm sổng lồng, nó không gáy nữa! Ôi chao ! Tôi nhớ lần đầu tiếng cu gáy cất lên vào một chiều hè đã muộn làm tôi xốn xang . “Cục cù cu. . . r . . ” ? Từng hồi nhịp ba như thế, âm cuối rung nhẹ, rất gần mà như xa. Phải, tiếng cu gáy thật dễ gợi một nỗi buồn xa vắng, dịu ngọt và bồn chồn; trong giây lát, ta như được trở về làng quê, sống lại thời thơ trẻ, lưng trần quần cộc lon ton chạy theo người bẫy chim với chiếc lồng nhỏ hình bán cầu một mặt phủ lưới và cây sào dài để treo cu-mồi lên cành cao…
Nuôi chim cu cườm mà mất tiếng gáy thì còn gì để nói nữa? Thật may vào lúc đó tình cờ tôi đọc thấy trong bài viết về sự tinh tế, hiểu biết sự đời cặn kẽ của một nhà văn đàn anh có câu: “Chim cu ăn no nó mới gáy”. Thì cũng như con người “có thực mới vực được đạo”. Chỉ đơn giản vậy mà tôi không biết! Phải ! Hồi còn nhốt trong lồng, bình đựng nước, đựng thóc lúc nào cũng có sẵn; tôi cứ tưởng cu ta được tự do ít nhiều cũng tự kiếm ăn thêm, hàng ngày chỉ cần cho nhúm thóc để nó nhớ về với chủ. Tôi quên là các cánh đồng quanh thành phố đã nhường chỗ cho những lâu đài, đi xa thì chắc là cu ta e ngại. Kể ra thì cũng không thiếu chỗ kiếm được miếng ăn, nhưng cu ta – với kẻ nuôi nấng quen thuộc còn e dè nghiêng ngó cảnh giác mỗi khi lại nhặt thóc tôi ném ra, hẳn thừa biết con người mấy ai cho không, chỗ có miếng ăn thường là nơi cạm bẫy. Cũng vì ông Trời sinh ra cái giống điệu đàng chỉ biết cất tiếng hát gợi hồn quê và khoe “bộ cánh” mượt mà với cái đuôi dài quét đất, với chiếc khăn quàng cổ lóng lánh như đeo cườm, còn cái diều chứa miếng ăn hàng ngày thì lại “sĩ diện” giấu kín, nên nào ai biết cu đói hay no ! Quả nhiên, sau hai ngày tôi để cả lon thóc mỗi lần cho cu ăn, tiếng gáy “Cục cù cu. . . r . . ” nhịp ba làm xao xuyến lòng người lại cất lên những trưa nắng đổ và cả những chiều mưa dầm dề. Nói cho đầy đủ thì không chỉ vì được ăn no mà nó ở với tôi. Tôi thường “gáy” theo nó, “nói chuyện” với nó, giỡn chơi với nó mỗi khi nó chạy theo mổ vào chân tôi. Con vật cũng như con người, đâu chỉ cần miếng ăn. Đưa lon thóc ra mà bỏ đi ngay, có khi nó không thèm ăn. Nó ưa tôi ngồi lại, âu yếm gọi “cu cu” và tung từng hạt như người mẹ bón cháo cho con. Con cu thân thiết với tôi đến mức nhiều khi bay lên đậu trên màn hình máy vi tính hoặc trên chiếc quạt máy nơi tôi làm việc, có lần đậu cả lên vai tôi, chẳng màng chi đến tiếng kêu gọi bạn của đồng loại – tiếng cu gáy đâu đó thỉnh thoảng lại vọng tới.
Một chiều nắng dịu, tôi theo hướng tiếng cu gáy vẫn thường vẳng đến ấy, thử xem vì sao tiếng kêu đồng loại tha thiết đến thế mà không dẫn dụ được con cu của tôi bay đi theo. Phía ấy, vốn có một vườn cây um tùm bao quanh ngôi miếu nhỏ. Chỉ mới mấy tháng qua mà lùm cây đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng lấp loá mặt kính với đủ kiểu chóp nhọn và vòng cung. Vậy thì tiếng cu gáy kia cất lên từ đâu đây? Nghiêng ngó một lúc, tôi đã nhìn thấy một con cu gáy y chang con cu của tôi đang buồn bã rụt cổ thu chân đậu trong một chiếc lồng tre vàng hươm giống hệt chiếc lồng mà tôi đã mua ngày nào? Hèn chi con cu của tôi không màng đến! Dù sao nó cũng được tự do hơn – một tự do tương đối, vì hàng ngày vô hình trung nó vẫn bị “buộc chân” bởi lon thóc mà tôi mang tới. Phải? Ở đời làm gì có tự do tuyệt đối.
Nghe kể chuyện “con cu của tôi”, ai cũng bảo tôi như thế là người có phúc, chứ giống cu gáy mấy khi thả tự do mà chịu ở với chủ. Chuyện hậu vận xa xôi nào ai biết chắc, nhưng quả là tôi đang có phúc vì quanh mình vẫn là nơi yên tĩnh với rất nhiều bóng cây xanh.
Tác giả : cugayviet -chimcanhviet.vn