Ông Mai Xuân Mấm thích thú bên chú chim cu gáy
Từ cổng làng cốm Vòng trên phố Trần Thái Tông, theo đường làng nhỏ, tôi tìm đến nhà ông Mai Xuân Mấm, hội trưởng Hội chim cu gáy Hà Nội. Căn nhà 4 tầng nằm khuất trong hẻm sâu, phía trước có một khoảng sân nhỏ, dọc theo bờ tường treo 4 lồng chim cu gáy luôn phát ra âm thanh “cúc cù cu..” êm ái. Vào đến đây, mọi âm thanh náo nhiệt của phố phường đều lùi xa. Ông Mấm đứng ngay đầu ngõ đón khách, ăn mặc chỉnh tề như đi dự đám cưới. Ông hồ hởi, nhiệt tình mời tôi vào phòng khách.
Đam mê ngày nhỏ
Ông Mấm sinh năm 1945 ở Nga Hương, Nga Sơn, Thanh Hóa. Từ khi còn nhỏ, ông đã theo các cụ trong làng đi bẫy cu gáy. Khoảng tháng 8 Âm lịch hàng năm, chim ngói từng đàn từ ngoài biển bay về ruộng tìm thức ăn, chim cu gáy cũng theo đàn ngói bay về. Chim cu thường đi đôi một chứ không sống theo đàn, to hơn chim ngói một chút, cổ có cườm sao rất dễ nhận biết.
Đánh được chim ngói thì đem bán hoặc thịt ăn, nhưng với cu gáy thì ai cũng muốn giữ lại nuôi vì đam mê giọng gáy, gù của nó. Trước đây ở làng quê Bắc bộ, không phải ai cũng chơi được cu vì cuộc sống đói kém, chơi chim cu cả năm phải mất đến bồ thóc thế nên chỉ tiết kiệm mà ăn chứ không dám chơi. Trong làng chỉ có Lý trưởng, Hương mục và vài nhà khá giả mới dám chơi.
Ông Mấm tham gia hải quân từ năm 1963, đóng quân tại đảo Hòn Mê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ở đảo Hòn Mê có rất nhiều cu gáy, ông đánh bẫy được khá nhiều chim hay. Sau này xuống đơn vị trong rừng núi là nơi có nhiều chim, ông hướng dẫn anh em trong đơn vị mang lồng đi bẫy.
Kỷ niệm ông nhớ nhất là lần đi công tác tại Đô Lương, Nghệ An, ông mua một con cu gáy với giá chỉ có 10.000 đồng, mang về đơn vị nuôi. Anh em thấy hay vào xem, không may làm con cu gáy bay mất, lúc đó ông buồn lắm. Thấy con chim gáy đang đậu trên cây bạch đàn, anh em liền nảy ra sáng kiến dùng xe cứu hỏa xịt vòi nước cực mạnh lên cây làm con chim quay tít rồi rơi xuống đất, thế mọi người tóm được cu cậu. Sau đó năm 1999 nghỉ hưu, ông mang con chim này về Hà Nội nuôi.
Ông Mấm cảm động nói với tôi, cuộc đời quân ngũ có tiếng cu gáy làm bạn giúp ông thêm yêu đời, yêu cuộc sống mà vượt qua chiến tranh, vượt qua khó khăn đời lính. Tiếng cu gáy còn làm ông vơi đi nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân.
Hội cu gáy Hà Nội trong một cuộc thi thường niên
Nhà thẩm âm tài tình
Ông Mấm kể, chọn một chú chim cu gáy bổi (chim tự nhiên chưa thuần dưỡng) có rất nhiều tiêu chí, tốt nhất là nghe được tiếng của nó ngoài tự nhiên khi đi đánh bẫy. Con chim ngoài tự nhiên bao giờ cũng thể hiện hết ưu điểm của nó khi đấu với chim mồi. Nếu không nghe được tiếng chim thì khi chọn tập trung vào con chim có mã bộ đẹp từ đầu, mắt, mỏ, thân hình, đuôi, chân…
Khác với cách chọn loài chim khác, khi chọn cu gáy người chơi đặc biệt chú ý đến cườm. Cườm là vùng lông hình chấm sao chạy vòng quanh cổ chim cu. Về cách chọn chim qua cườm, dân chơi có nhiều kinh nghiệm có thể viết thành cuốn sách dày, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là đoán giọng chim qua cườm có câu “Kim nổ, thổ vừng”. Vùng cườm trên cổ có hạt to màu trắng, chim thường có giọng Kim, vùng cườm có hạt nhỏ li ti như hạt vừng, chim thường có giọng thổ.
Cu gáy có 3 loại tiếng: Tiếng gáy gọi hay còn gọi là gáy bổ khi con chim cu gáy gọi bạn hay tuyên bố lãnh thổ thì phát ra những âm thanh “Cúc cù cu… cu” đĩnh đạc, rõ nét, khoan thai. Tiếng dặt có nơi còn gọi là tiếng dỗ hay tiếng thúc là lúc chim gáy chiến đấu với nhau để tranh giành hoặc khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Chim gáy gấp gáp, thúc giục như tiếng trống giục xung trận vậy. Tiếng gù là khi đã nói hết lời hơn lẽ thiệt với nhau bằng tiếng dặt ở trên mà không anh nào chịu nhường anh nào và phải bật ra tiếng gù thách thức, dọa nạt lẫn nhau. Khi ấy chim phát ra tiếng cù cu vừa kèm theo một cái gật đầu.
Tìm được chú chim gáy giọng thổ có đủ chu, lèo, dặm, vấp, gù đấu thì coi như là người chơi đã rất có duyên với nghề chơi chim gáy. Tuy thế con chim gáy có đầy đủ chất giọng chỉ được đánh giá là xuất sắc khi nó tạo ra nhiều làn điệu. Rất hiếm có được con chim như vậy, cho nên trong cuộc thi cu gáy, mỗi thành viên ban giám khảo chỉ chấm được vài ba con, họ phải thẩm định âm thanh của mỗi con tìm ra giọng xuất sắc đúng như tiêu chí.
Hiện nay, người chơi cu gáy Hà Nội thích chơi cu có tiếng gáy bổ tư có nghĩa là khi gáy chỉ cần đủ 4 tiếng “Cúc cù cu… cu” đĩnh đạc, rõ ràng, gáy bổ tư con chim sẽ có đủ lực, đủ hơi để cho ra từng chữ rõ nét và tốc độ vừa phải, êm tai. Nếu chim gáy bổ năm, bổ sáu… đuối hơi âm sẽ không được hay.
Chăm sóc chim cu gáy không có gì khó khăn, chỉ cho cu đủ nước uống, thóc, hạt kê, hạt vừng, thi thoảng cho chim phơi nắng, đặt chim trên mặt đất để chim áp thổ, ăn đất bù lại phần khoáng chất còn thiếu trong cơ thể. Có một điều đặc biệt là nuôi chim cu người chơi thường dùng lồng quả đào rất nhỏ, chim cu phải cắt bỏ phần đuôi mới xoay xở dễ dàng trong lồng. Nuôi trong lồng quả đào chim cu bổi nhanh thuộc và bị bức sẽ gáy, gù nhiều hơn nuôi ở lồng rộng.
Thú chơi lành mạnh
Hội cu gáy Hà Nội có từ lâu nhưng chính thức hoạt động vào tháng 4-2011, theo quyết định thành lập của Thành hội sinh vật cảnh Hà Nội. Hội sinh hoạt vào sáng chủ nhật hàng tuần tại quán cafe số 3 đường Đông Quan, Cầu Giấy. Các thành viên của hội mang chim đến dượt dãi (tập dượt), vừa uống nước vừa chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim, ngoài ra còn thăm hỏi, động viên nhau trong công việc và cuộc sống. Qua thú chơi chim cu gáy, người chơi nhất là thanh niên có được thời gian thư giãn sau một tuần làm việc nặng nhọc, tâm tính cũng điềm đạm hơn.
Hội chim cu gáy tổ chức thi một năm một lần vào đầu tháng 4, mời các thành viên cu gáy tại các địa phương. Từ khi thành lập tới nay, hội chim cu gáy Hà Nội thường giao lưu với các hội ở các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang…
Hội hàng năm có thu phí để duy trì hoạt động. Khi tổ chức các kỳ thi, hội kêu gọi các thành viên đóng góp thêm, những ai có khả năng kinh tế, có tấm lòng với hội có thể hỗ trợ nhiều hơn để trao giải thưởng và chi phí đi lại, ăn ở cho các thành viên các tỉnh về Hà Nội dự thi.
Tiếng “Cúc cu cu… cu” khi vang lên trong không gian yên ắng nghe mộc mạc mà sâu lắng, nó như đến từ tiềm thức của mỗi con người giúp chúng ta hướng đến cái chân, thiện, mỹ. Đó là tất cả ý nghĩa mà ông Mấm muốn gửi gắm đến những ai muốn tìm hiểu và đến với thú chơi chim cu gáy.