Những người nuôi chim, thường hỏi chú chim của bạn bao nhiêu mùa, mùa ở đây là tính theo số lần chú chim đã thay lông kể từ khi nuôi trong lồng, không tính số thời gian nó sống ngoài tự nhiên. Thuần hóa và luyện một chú chim hót thường phải mất từ hai mùa trở lên mới có thể chơi tốt được.
Tôi chưa từng chơi chim đá, nhưng có chút ít kinh nghiệm về nuôi chim hót xin chia sẻ và trao đổi với các bạn. Để có được một chú chim hót đem lại sự hãnh diện cho bạn mỗi khi đem đi chơi quả không đơn giản, khi bắt đầu thuần hóa một chú chim mới, sau thời gian nuôi ủ ở nhà thì có thể đem tới cội (sân chơi). Thời gian này bạn có thể bị nhiều chỉ trích hoặc gièm pha, chế giễu từ bạn bè hay mọi người tại cội, việc của bạn là phải có đủ can đảm và khôn khéo để vượt qua dư luận, tìm kiếm bạn bè, người ủng hộ. Khi tới cội, hãy cố gắng làm thân với những người có kinh nghiệm để học hỏi từ họ, sau này thân hơn, bạn có thể gửi chim ở nhà họ một vài ngày để luyện cho chim thích nghi với đa môi trường, hoặc thân hơn nữa, bạn có thể mượn chim hay của họ về nhà để cho các chú khác ở nhà học hỏi giọng hót và tăng hứng thú cho chúng (việc mượn chim về nhà với tôi là không nên hoặc rất tế nhị, bạn phải lường trước rủi ro làm xẩy chim, mất chim hoặc hư chim, thậm chí làm chết chim).
Chọn cội:
Tôi chọn theo tiêu chí gần nhà nhất, điều này giảm thiểu được nhiều bất tiện khi bạn vận chuyển chim, tôi không quan tâm ở cội đó có những ai và chim hay hay dở, nhưng số lượng chim mỗi lần tụ họp (thường là sáng Chủ Nhật) phải không dưới 5 con cùng loại chim mình đem tới (Ví dụ bạn đem Chòe Lửa đi dợt, thì cội đó phải có ít nhất 5 con Chòe Lửa khác đem tới chơi hoặc ở cội đó nuôi ít nhất 5 Chòe Lửa có thể treo lên đấu hót cùng chim của bạn).
Mùa đầu:
Theo tôi, mùa này là mùa quan trọng hơn cả những mùa khác, mọi điều lúc này nếu sai sẽ rất khó sửa. Bạn luôn phải kiên nhẫn và cẩn trọng trong thời gian này. Bạn nên lưu ý một số điểm sau:
* Chỉ đem chim đi dợt khi có thể mở hẳn áo lồng và chim đã hót sổng liên tục trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là 20 phút, nếu chim chỉ hót sổng vài tiếng vào sáng sớm hay vài lần trong ngày thì chưa nên đưa chim đi dợt. Nếu chim hót sổng ít nhưng rất nhiều lần trong ngày cũng có thể đem chim đi dợt được.
* Với lần đầu đem chim tới cội, đừng nên mở áo lồng và cũng không nên treo gần hơn 5m với các chim khác mặc dù có thể con chim của bạn sẽ hót vang trong lồng.
* Những lần sau tới cội, bạn sẽ bắt đầu lại quá trình như khi bạn mới mua chim về nhà bằng việc mở dần áo lồng mỗi khi tới cội và giảm dần khoảng cách với các chú chim khác cho đến khi bạn có thể mở hẳn áo lồng và treo với cùng một khoảng cách như mọi người.
* Nếu bạn đem chim tới cội sau vài lần mà nó không chịu hót ở cội, bạn nên kiên nhẫn tiếp tục đem chim đi dợt nhưng quá trình mở áo lồng sẽ lâu hơn và giảm khoảng cách ít hơn, hoặc đưa ra xa hơn với điều kiện là khi về nhà, bạn cảm thấy nó hăng hơn, hót nhiều hơn.
* Không nên liên tục đổi nhiều cội trong mùa đầu.
* Không sử dụng nước ở cội cho chim tắm hoặc uống, không lấy thức ăn của người khác cho chim ăn (ngoại trừ côn trùng tươi).
* Không để người khác đụng vào lồng chim của bạn kể cả chủ cội và bạn bè.
* Ngay khi chim bắt đầu quá trình thay lông, hoặc thấy lông chim không mướt như trước, thì nên cho chim nghỉ đi dợt và chuẩn bị quá trình thay lông cho chim.
* Đánh giá chú chim bạn đang sở hữu, nếu tất cả các tiêu chí đều quá tệ thì nên bán lại và mua chú khác để thuần hóa. Trong thời gian này tùy theo tiêu chí mỗi người, với tôi, việc đánh giá chủ yếu ở dáng chim (cái này cũng tùy người) và chất giọng (lớn giọng, luyến giọng), dĩ nhiên không có các dị tật trên thân như sút móng, gãy cánh và những chú chim có tính xấu như lộn vòng thì tôi bỏ ngay từ khi vừa đứng lồng.
Mùa thứ hai:
Sau khi chim hoàn tất thay lông và chim đã có lửa trở lại (xong lông), tôi vẫn khuyên bạn khi bắt đầu đem chim tới cội nên làm trở lại như mùa đầu. Để chim làm quen với đa môi trường, trong mùa này bạn có thể đem chim tới nhiều cội khác, hoặc nhà bạn bè, người quen có nuôi chim để gửi một vài ngày (với tôi thì tôi chỉ đem tới cội nhiều lần hơn hoặc đem tới nhà bạn bè vài tiếng rồi đem về). Việc làm này nhằm tập cho chim không bị hoảng và cũng nhân cơ hội tự đánh giá con chim mình nuôi có khả năng tới mức độ nào.
Với chú chim không triển vọng thì loại bỏ và thuần hóa chú chim khác. Việc đánh giá chim lúc này nên nhờ thêm vài người thân đánh giá giúp để khách quan hơn, vì nếu bạn đánh giá sai, nó có thể làm bạn mất thời gian và công sức cho nó. Tiêu chí đánh giá của tôi trong giai đoạn này là sự học hỏi thêm giọng của chú chim và sức chơi cũng như nết chơi. Nếu chim có vài ba giọng như mùa đầu và khi căng lửa cũng hót không liên tục từ khi treo lồng lên tới khi về thì tôi sẽ loại bỏ. Trừ khi chú chim đó có một giọng nào rất độc, lạ giọng, tôi sẽ thâu âm và giữ lại một thời gian cho các chim khác học giọng xong sẽ loại bỏ.
Trong mùa này, bạn nên để ý các thông tin về các hội thi chim ở khu vực bạn sinh sống, nếu thời gian thi rơi vào đúng lúc chim của bạn đang có lửa thì nên thúc lửa để đem đi thi. Mục đích thi trong thời gian này là giúp chú chim có kinh nghiệm trận mạc, nếu may mắn trúng giải thì cũng có một số tiền kha khá, đồng thời giá trị của chú chim sẽ tăng cao.
Mùa thứ ba và các mùa sau:
Trước hết chúng ta sẽ quay lại mùa thứ hai sau khi xong lông, tới đây, bạn thấy là chúng ta đang làm những việc không khác mùa đầu nhiều lắm, chỉ khác là chúng ta đang có một con chim đã thuần hóa xong và dạn dĩ. Lúc này nếu muốn sở hữu chú chim để hãnh diện, thì bạn phải khó với chính mình, sao cho chú chim có được một chế độ ăn uống, luyện tập tốt nhất, nếu bạn sơ ý, chú chim của bạn sẽ từ không hót nổi đến te tua xù lông và chẳng ai muốn nuôi nếu không từng biết về nó. Bạn chỉ cần một tuần lễ bỏ bê nó thôi, bạn sẽ thấy rõ ngay kết quả nhãn tiền.
Giai đoạn tiếp theo là duyên của bạn với chú chim, tôi từng nghe nói tới những chú chim dáng rất đẹp, giọng hay, đa giọng, nết chơi tốt… nhưng mỗi khi tới ngày thi thì dù làm mọi cách vẫn bị xuống lửa, hoặc vì lý do gì đó mà không đạt được phong độ cao nhất để đoạt giải. Ngoài ra khi đi thi còn lệ thuộc vào “học tài thi phận nữa”, nên bạn đừng vì giải thưởng mà bỏ một chú chim hót hay đã gắn bó với bạn sau bao tháng ngày cực nhọc và làm bạn hăng hái trong những lúc mệt mỏi…
Những gì tôi đang trao đổi với bạn chỉ là quá trình dợt chim, bạn nên tham khảo thêm các bài viết khác của các bạn trên diễn đàn về quá trình cực kỳ quan trọng là chăm sóc khi chim thay lông và dinh dưỡng của chim trong từng giai đoạn (thay lông, bình thường, thúc lửa, hạ lửa).
Chúc bạn luôn may mắn có những chú chim hay!
Theo Quốc Vũ (toilavu) SVC SaiGon
Diễn Đàn Chim Cảnh Việt Nam