“Thần nhãn” luyện họa mi

Thú chơi chim họa mi hót

QĐND – Đang trong men chiến thắng, miệng cười ngoác tới gần tai, tay cầm cốc bia đầy bọt còn sủi tăm tanh tách, Trường “thổ” say sưa kể về trận đại chiến vừa qua. Con họa mi có biệt danh “Bất bại” của Trường mới giành chức quán quân trong “đại hội võ thuật” (Hội thi chim họa mi chọi phía Bắc). “Thần nhãn” là cái danh mà người ta dành cho Trường “thổ” quả thật không ngoa…

QĐND –Đang trong men chiến thắng, miệng cười ngoác tới gần tai, tay cầm cốc bia đầy bọt còn sủi tăm tanh tách, Trường “thổ” say sưa kể về trận đại chiến vừa qua. Con họa mi có biệt danh “Bất bại” của Trường mới giành chức quán quân trong “đại hội võ thuật” (Hội thi chim họa mi chọi phía Bắc). “Thần nhãn” là cái danh mà người ta dành cho Trường “thổ” quả thật không ngoa. Trường nói được thì làm được, mặc dù trong giọng nói có phần “kiêu kiêu” khiến nhiều người nghe không được ưng tai lắm, nhưng cứ con họa mi nào Trường đã chọn để huấn luyện cũng đều để lại danh tiếng trên “Diễn đàn chim họa mi” của dân chơi Hà thành.

Phạm Xuân Trường là tên đầy đủ của anh, sinh ra và lớn lên tại đất Lạng Sơn, theo học Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn – Bắc Ninh, với niềm đam mê trở thành một vận động viên điền kinh đỉnh cao. Nhưng trời không chiều lòng người hay người phải thuận ý trời mà con đường vận động viên của anh đành đứt gánh. Gọi là có duyên nên anh làm rể ở khu nhà tôi cũng hơn chục năm nay, kẻ tầng trên, người tầng dưới. Chúng tôi thân nhau kể từ ngày anh rủ tôi đi dự Hội thi chim họa mi chọi Chùa Tiên ở Lạng Sơn năm 2010 (hội chọi chim Chùa Tiên là hội thi chọi chim họa mi lớn nhất cả nước).

Tôi còn nhớ những ngày đầu Trường mới về khu nhà tôi sinh sống, nhìn anh lạ hoắc, chẳng biết là ai. Thường thì khoảng 5 giờ 30 phút, tôi ra khỏi nhà đi tập thể dục thì lại thấy một gã cơ bắp cuồn cuộn lúi húi quét sân hay mang các lồng chim ra phơi trước nhà. Tôi nói đùa: “Bác chỉ có quét sân và bê lồng chim mà người nhìn “oách” thế nhỉ, chẳng bù cho em, tập ngày tập đêm mà bụng mãi “một múi”. Trường mỉm cười: “Anh làm mấy vòng Công viên Lê-nin rồi, giờ mới về đây dọn sân… chứ giờ này chú mới dậy thì chỉ đi bộ, vươn vai hít thở thôi thì ăn nhằm gì”. Con người anh thiên phú cho thể chất tốt, chơi thể thao môn gì cũng được. Tennis, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… ai dại dột mà “thách đố” anh thường chỉ còn nước mất tiền mua bia khao cả hội.

Trường “thổ” cũng có niềm đam mê câu cá nên thi thoảng chúng tôi cũng ra hồ ngồi với nhau.Trong những lúc ôm cần, tôi khơi chuyện chim chóc, anh cũng kể cho tôi nghe về cách chọn chim chiến ra sao. Trường nói: “Họa mi mà nuôi từ nhỏ trong lồng khó trở thành chim hay, bởi nó không có được sự hoang dã, luyện rèn ngoài thiên nhiên. Loài chim này có nhiều ở vùng cao như: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… nhưng hay nhất có lẽ là chim ở vùng Lạng Sơn. Họa mi ngoài tự nhiên vốn có bản tính kiêu hùng, chúng tranh chấp, thi đấu bằng cả giọng hót và móng vuốt để giành được chim cái cũng như lãnh thổ của mình. Khi xuất hiện một giọng lạ như thách thức trong lãnh thổ, lập tức con trống sẽ nghênh chiến bằng giọng hót kiêu hùng với móng vuốt và sự quả cảm của nó để giữ vững “giang sơn”. Những trận tử chiến này cũng là nguyên nhân tạo nên được cái chất kiêu hùng của chúng và đã có rất nhiều chim trống phải bỏ mạng vì sự kiêu hùng đó”.

Người chơi chim họa mi có hai dòng, một là nuôi chim hót, hai là nuôi chim chọi. Cổ nhân có câu: “Chủ nào tớ nấy” nên những người có tuổi thường nuôi chim hót, chăm chú tập luyện cho cái giọng thiên phú của chúng, mỗi sớm mai thưởng trà mắt lim dim mà nghe chúng cất cao giọng ca theo từng nhịp, từng cung bậc khác nhau mà lấy làm cái thú. Hội chơi chim họa mi cũng có những cuộc thi riêng cho chim hót, tham gia chủ yếu là “các cụ” với những con chim nhiều năm tuổi lồng cùng chất giọng thanh tao. Nuôi họa mi hót vốn đã rất công phu, nhưng nuôi dòng chim chọi lại càng công phu hơn nữa.

Mắt Trường lim dim như chỉ có riêng mình trong cái thế giới của chim chọi, giọng trầm ấm, anh kể: “Con chim chọi hay hẳn phải có giọng hót hay, chỉ cần nghe tiếng nó từ xa đã có thể hiểu khí chất nó ra sao?! Chưa kể mình còn phải xem mắt, xem mỏ, xem chân… Nó tên họa mi cũng bởi có một đường họa trắng vòng quanh mắt với đuôi kéo dài. Tìm được con chim quý tướng có đủ bộ ngũ trường quả thật rất hiếm, nhưng con chim hay phải có được quả (thân mình) to, chắc, lưng hơi gù kiểu lưng rùa (lưng quy bối). Chim có cánh gọn, lông đều tăm tắp úp như mảnh chai; đầu to, hàm mỏ dài, có trán cao nhìn trực diện lại thon, nhọn như đầu rắn (đầu xà). Mắt chim nhỏ như hạt chanh nhưng sáng, có quầng quang sắc, mí mắt dày; chân phải to, dài, vảy đều như vảy rắn (chân phượng) nhưng dáng đứng lại phải thấp như thế võ. Chim chọi phải có móng khỏe, nuột nà, lông ngắn, thưa nhưng mềm mượt, có màu nâu sáng ánh và sau cùng là phao câu cũng phải dày dặn”.

Nói về tướng chim cũng như những người chơi gà chọi xem tướng thì cả ngày có lẽ không hết điểm hay của nó, nhưng cái quan trọng vẫn là cách chăm, nuôi dưỡng và tập luyện cho chim. Anh nói: “Nuôi chúng đúng là rất công phu, phải cẩn thận và đầy đủ chế độ ăn uống cũng như cho tập luyện hằng ngày mới mong nó trở thành chim hay được. Ngày đông cũng như ngày hè, họa mi rất thích tắm, cứ cách một ngày lại phải cho chúng vào lồng tắm một lần, mà cái thứ nước uống, nước tắm mình phải hứng nước mưa mà trữ lại vào chum để dùng dần. Nhìn chúng nhảy múa ùm ũm, rỉa lông, tỉa cánh, chăm chút móng vuốt trong cái khay nước mát mà ngỡ như đàn trẻ con đang đùa nghịch vậy, thú vị lắm. Sáng phải cho chúng ra sân sớm hít khí trời tươi mới, đợi nắng lên phơi mình cho lông mượt. Cho ăn phải là loại cám mình tự làm bằng những nguyên liệu tươi ngon như ngũ cốc xay mịn trộn lòng đỏ trứng gà, rồi ngày nào cũng phải có châu chấu hay dế tươi sống cho chúng ăn. Để tăng độ “lửa” cho chim trước ngày thi đấu, khoảng hai tuần phải bổ sung năng lượng như thịt chó bỏ sạch mỡ xay mịn trộn thêm”. Một nụ cười bí hiểm trên môi, anh ngập ngừng: “Còn vài gia giảm nữa nhưng là bí truyền, có nói chú cũng không biết được”.

Ăn thì như vậy là tạm ổn, còn tập thì phải cho vào lồng phóng (lồng cao và to gấp nhiều lần lồng nhốt) để nó bay nhảy hoạt động cho tăng gân cốt. Qua lồng phóng lại đến lồng bệt đất có cát ở đáy để chúng cào, bới luyện thêm móng. Vẫn chưa đủ, trời đất có phân âm dương, người có nam, có nữ thì chim cũng phải có con trống, con mái; đặc biệt với họa mi chọi (chim trống) không thể thiếu chim mái được. Hằng ngày, chúng được cho ghép đôi bằng cách để hai lồng trống mái cạnh nhau, nếu như hợp đôi chúng sẽ gần gũi, quấn quýt thể hiện qua tiếng xùi của con mái và tiếng hót vang vọng, kiêu hùng của con trống. Kể cả lúc giao chiến cũng vậy, lồng luôn để hai cặp, chim trống luôn có chim mái ở bên cổ vũ (hộ chiến). Chim mái hay sẽ xuống cầu, áp sát lồng “phu quân” mà rít lên giật cục từng hồi như thúc giục tình yêu của mình thêm quả cảm mà thi đấu. Đã có rất nhiều trận chim trống thua không phải vì đòn thế không hay hơn đối thủ nhưng con mái của nó lại bị “phu nhân” của đối phương “át vía”, không xuống nổi cầu mà gáy, rít hộ chiến, chỉ loanh quanh trên cầu (cây gỗ bắc ngang lồng làm chỗ đậu của chim) như bế tắc, thành ra con trống cũng không được tiếp thêm lửa mà bung hết đòn thế vần vũ của mình. Kết cục là thảm bại, thất trận. “Nói thật với chú, tưởng nói đùa nhưng nuôi chúng thì có lẽ phải yêu chúng như con mình vậy, vui khi nó mạnh khỏe hát ca, buồn lo khi chúng ốm mà bỏ ăn, bệnh mà rụng lông, nấm vảy mà ngứa ngáy… Như lứa này anh nuôi hơn 3 năm tuổi lồng rồi, cũng có đôi, ba con đã thành danh, giành được thứ hạng nhất, nhì của hội. Nói chẳng phải khoe hay kể khổ, để được chim hay phải tốn nhiều thời gian và cả tiền bạc đấy, chú à”.

Tôi nhìn những tấm huy chương và cờ thưởng treo gần kín tường kia cũng đủ để minh chứng cho tình yêu của Trường với họa mi. Con người anh chân chất, tính tình vui vẻ, dễ gần, đặc biệt là rất chịu khó với cái nghề sửa chữa xe gắn máy và thuần hóa chim chọi. Anh vẫn nói vui với tôi: “Nghề nọ nó nuôi nghiệp kia đấy chú à”. Cái dáng người chắc khỏe, nước da bánh mật và đặc biệt là đôi mắt nâu như mắt họa mi được anh em yêu quý gọi là “thần nhãn” ấy sáng nào cũng vậy, đều đặn, cần mẫn như một chiếc đồng hồ, cứ đi tập về là lại lúi húi quét dọn sân khu tập thể rồi lo cho chim ăn, chim tắm, chim tập. Kinh tế gia đình anh cũng chẳng dư dả gì khi phải nuôi tới ba miệng con ăn học, song những con chim đoạt giải cao của anh đã từng có nhiều “tay chơi” tới trả giá đến hơn trăm triệu đồng một con nhưng anh không bán – cũng bởi anh yêu chúng, lo cho chúng như người cha chăm cho con cái vậy. Với ý niệm bán chim thì khác gì bán đi cái danh tiếng của mình, có lẽ với anh thà bán nhà còn hơn. Cũng bởi vậy mà trong giới chim cảnh, nhất là giới chơi chim họa mi, không ai không biết tới biệt danh Trường “thổ” – “thần nhãn”. Quả là “nghề chơi cũng lắm công phu”, có gần cũng khó mà theo.

Bài và ảnh:DƯƠNG TUẤN