Loạt bài chia sẽ của mẹ Hồ Thị Hải Âu. B2

ĐỪNG HOANG TƯỞNG VỀ CÁI GỌI LÀ KỶ LUẬT KHÔNG NƯỚC MẮT

(*)HAY LÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC “RU NGỦ NHỮNG KỸ NĂNG CỐT LÕI CỦA PHẨM CHẤT”
********************(tiếp theo)
NĂNG LỰC CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG: 20 NĂM VÀ 3 THÁNG
(*) NHỮNG GỢI Ý VỀ MINH TRIẾT GIÁO DỤC: KỶ LUẬT VÀ NƯỚC MẮT

Để bạn đọc có được cảm hứng thuyết phục về quá trình đồng hành cùng con gái của mình – quá trình đã có không ít nước mắt, la lối, thậm chí có cả lằn roi vào mông – mình mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ chân thành của Minh Khuê sau hơn 3 tháng gia nhập cộng đồng Harvard university.

Đó thực sự là những đối thoại gây xúc động sâu sắc:

1/ Thư gửi mẹ Hải Âu nhân ngày sinh nhật mẹ:

“Mẹ ơi, hôm nay, sau gần bốn tháng có mặt nơi đây – tại trường ĐH Harvard – con muốn nói với mẹ rằng, nếu mẹ đã từng nghĩ “18 năm qua, mẹ nỗ lực cố gắng để đồng hành cùng con đến trường Harvard và đó là tất cả niềm vui, hạnh phúc của mẹ lúc này” thì mẹ ạ, những gì con nhận được từ mẹ, những gì mẹ dạy con suốt hành trình của mẹ cùng con 18 năm qua, có giá trị quý báu đối với con nhiều hơn 10 lần (có khi còn hơn thế nữa) việc con được vào trường Harvard. Giờ đây, khi ở xa mẹ, khi con đang sống và trải nghiệm quãng đời sinh viên của mình, con thấm thía nhận ra những điều mẹ dạy con đang giúp con “hưởng thụ” phúc lạc, dù việc học tập và hoạt động ngoại khoá ở Harvard luôn là áp lực lớn, dù hoàn cảnh sống và văn hóa cộng đồng có nhiều khác biệt, nhưng con luôn đáp ứng trong thảnh thơi, thoải mái, con hòa nhập một cách nhẹ nhàng, được mọi người yêu mến thực sự. Con muốn nói, con biết ơn mẹ nhiều và yêu thương mẹ còn nhiều hơn thế!”

2/ Trả lời thầy giáo Nguyễn Tuấn Hải:

– Người ta bảo rằng, học tập ở Harvard University là một trạng thái áp lực triền miên và chỉ có thể diễn tả bằng một từ đó là “áp lực huyền thoại” – với con thì sao, Minh Khuê?
“ – Dạ, con thấy con thu xếp và học tập rất ổn Thầy ạ. Bởi chẳng có áp lực nào có thể “đỉnh” và “khủng” bằng áp lực của “bà mẹ phát xít” có tên là Hồ Thị Hải Âu của con, he he! Mẹ đã bền bỉ hướng dẫn con trong hơn 10 năm qua, để con biết thu xếp, biết cách đáp ứng tốt với hơn 15 môn học (trong đó, gồm 13 môn của trường PT và các môn năng khiếu nghệ thuật khác), hiệu quả mà vẫn có thời gian vui chơi thư giãn, làm bếp, cắm hoa, xem ti vi, trồng cây, làm đẹp và tán dóc hàng ngày ạ. Mẹ thường nói: Nếu áp lực là hiện thực cuộc sống, mẹ con mình sẽ bắt đầu cuộc chơi bằng tên gọi “Vui vẻ cùng áp lực!”

3/ Trả lời chất vấn của các em học sinh trường PTTH năng khiếu Ngôi sao (TP HCM):

“ – Chị Khuê có thể cho chúng em biết mức độ cạnh tranh giữa Harvard University và trường chuyên Hà Nội – Amsterdam thì ở đâu khốc liệt hơn?”

“ Lã Hồ Minh Khuê: Câu hỏi của em thật thú vị. Thực ra, sự cạnh tranh ở hai ngôi trường này được hiểu theo hai nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ở môi trường học tập tại VN nói chung, thì sự cạnh tranh được hiểu là sự xếp hạng từ cao đến thấp giữa các cá nhân, nên đó thực sự là cuộc cạnh tranh hướng ngoại, có tính đối kháng hơn thua.

Ở Harvard, “cạnh tranh” được hiểu là hành trình vượt lên chính các giới hạn bản thân, để chinh phục những đỉnh cao hơn trong vương quốc tri thức nhân loại, nơi mà mọi ham muốn khám phá tri thức của sinh viên được phục vụ và hỗ trợ tốt nhất. Do đó, “cạnh tranh” được hiểu là sự nỗ lực để vượt lên các giới hạn bản thân, chinh phục bản thân ở những tầm cao mới.
Chị ngồi đây với các em lúc này, nhưng chị muốn nói lời cảm ơn nền giáo dục Harvard, đã cho chị cơ hội hoàn hảo để chị được khám phá chính bản thân mình một cách thách thức và vô cùng thú vị. Đó là cách để hiểu về “cạnh tranh” ở Harvard”.

Trên đây là những chia sẻ chân thành của Minh Khuê sau một thời gian trải nghiệm, học tập và sinh sống tại cộng đồng Harvard university.

Khi nhận được dòng thư của con gái, nắn nót bằng nét bút bi nghiêng nghiêng cổ điển kiểu chữ la-tin, mình đã lặng lẽ khóc và mỉm cười hoan hỷ, tràn đầy hạnh ngộ trong nước mắt.

Thực ra, khi tiễn con rời tổ ấm để gia nhập vào cộng đồng Harvard University, mình có nỗi buồn lặng lẽ, chiêm nghiệm mà không nói ra với ai. Nỗi buồn đó, có tên: “Minh Khuê” – Mình võ đoán: Cô bé đang sung sướng với cảm giác được giải thoát khỏi sự kìm kẹp, xoi mói, bới lỗi, la lối luôn mồm, thậm chí có khi còn bị nhận vài lằn roi vào mông nữa. Nó chưa thể ghi nhận rằng, để có cánh bay mạnh mẽ lúc này, thì không thể phủ nhận những giọt mồ hôi, nước mắt, những đêm thao thức tìm phương hướng giải quyết, những nỗi đau mẹ dấu trong tim trên hành trình của hai mẹ con. Nó sẽ nhìn nhận sự can đảm đương đầu, không khuất phục của mẹ trước những ương bướng dường như hỗn láo, cẩu thả, ngạo mạn tức thời của lứa tuổi dậy thì bất ổn, như là một món nợ nó sẽ đòi lại bằng sự xa lánh mẹ, khước từ gần gũi, thân thiện với mẹ trong một thời gian dài. Mình nghĩ thế.
Mình đã bật khóc vì tủi thân, khi trên sân ga đông đúc, mà lòng trống vắng, mênh mông. Mình đã nghĩ, Minh Khuê cần phải đi qua hai chục năm nữa, cũng như mình đã từng thế, mới đủ trải nghiệm, đủ từ ái và nhận hiểu để trân quý những gì mà mẹ đã dành cho cô bé… Khi Minh Khuê khuất sau phòng cách ly của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mình đã bật khóc nức nở, như thể là đang vuột khỏi tầm tay điều gì đó quý báu nhất trên đời.
Bạn biết không, đó là tâm trạng mình khi chia tay con gái lần đầu. Và chỉ lần đó thôi. Nhưng đó cũng là điều mình đã hình dung đến, ngay trên chặng hành trình đầu tiên cùng con 18 năm qua. Với mình, sự nhận thức đó giống như là sự “HY SINH” thật sự. Đây là lần duy nhất mình dùng từ “HY SINH” trong cảm thức tình yêu dành cho con. Sự HY SINH này là có thật – đó chính là chủ động “HY SINH” cảm giác được đón nhận tình yêu nhất thời của con trẻ, “HY SINH” sự hài lòng của con trẻ về hình ảnh người mẹ… để can đảm đương đầu với những vấn đề rắc rối do lứa tuổi, đương đầu với những biểu hiện lười biếng, bảo thủ, nói dối, thiếu tính kỷ luật tự giác, thiếu dũng cảm, hèn yếu vân vân… Cảm giác phải hy sinh tình yêu của con dành cho mình không dễ dàng chút nào, nhất là với người mẹ – lại là một người mẹ đơn thân. Nhưng mình tin vào tính đúng đắn của tình yêu sáng suốt mà mình dành cho con.
Xả bỏ “CÁI TÔI” được vuốt ve là “Người mẹ hiền” hay “Người mẹ tâm lý không bao giờ la lối con cái” hay “Con mình nó yêu mình lắm vì chẳng bao giờ mình to tiếng với nó cả, tình cảm cha con bao giờ cũng ổn” vân vân. Mình tin vào tình yêu con vô điều kiện của mình, tin vào sự sáng suốt, tỉnh táo của lý trí để thấu đạt rằng, điều quan trọng bậc nhất của biểu hiện tình yêu dành cho con là xả thân để huấn luyện con dần trở thành một cá thể sinh động, năng động, nội lực và tràn đầy khi nó bước vào đời sống xã hội toàn bộ; là cống hiến tình yêu của mình trong những thực tiễn phải đương đầu, huấn luyện sao cho khi con gia nhập xã hội, con được cảm giác làm chủ đời mình một cách phúc lạc, thảnh thơi không vướng bận, sợ hãi, yếu mềm, hay mơ hồ.
Trong khi đem đến, hiến tặng cho con, cho cuộc sống những trải nghiệm êm ái, ngọt ngào thần tiên của tuổi thơ, ví như những trải nghiệm ngoài thiên nhiên biển – rừng thơ mộng, những bữa ăn với nến thơm, căn phòng khách luôn thoảng mùi thảo dược… Hay những khi ôm nhau trùm chăn, tắt điện, trong bóng tối kể chuyện ma rồi rú lên khoái trá, vân vân… Mình luôn hiểu, mình phải nỗ lực để bồi đắp cho con những kỹ năng cốt lõi: khả năng chấp nhận cạnh tranh, khả năng chấp nhận áp lực, khả năng tự kỷ luật, khả năng chấp nhận thất bại, tổn thương và khả năng tự chữa lành… Đây là những phẩm chất Minh Khuê cần được mẹ hướng dẫn thuần thục, trước khi con thực sự bay tới bầu trời của con- biết chung sống và có khả năng hưởng thụ cuộc sống tự do với người dưng. Quả là một trọng trách cam go, mà trần thiết, không thể đừng, trong vai trò NGƯỜI MẸ!
Yêu con vô điều kiện và tự biến mình trở thành một phòng lab, biến mình thành kẻ “luôn phản biện” đáng ghét nhất thế giới của con, đó là cách mình đặt mục tiêu: 18 năm đầu đời của con gái, khi còn trong vòng tay mẹ, là giai đoạn con được huấn luyện trong “ngôi trường đặc biệt” với đầy trải nghiệm: Có ngọt ngào êm ái, có hoan hỷ an lành, có hưởng thụ vui chơi, có thành quả phần thưởng. Nhưng cũng Có thất bại, có khổ đau, có áp lực, có cạnh tranh, có thất vọng, có tổn thương, có mất mát… đó là những trải nghiệm hoàn toàn trong kiểm soát, an toàn của tình yêu thương vô điều kiện và tỉnh thức của mình. Tất nhiên, không ít khi biện pháp được dùng tới rất nghiêm khắc, kể cả hình phạt… để rèn luyện phẩm chất của con, dần chuyển hóa thành kim cương: vững chãi, nội lực bên trong; an nhiên làm chủ với ngoại cảnh, khi con bước vào đời ở tuổi thành niên – tuổi 18 đẹp đẽ.
Ngay từ khi Minh Khuê còn bé bỏng, áp lực của làn sóng “Yêu thương và chỉ yêu thương” dường như là một tinh thần mới mẻ trong quan điểm giáo dục con cái lan rộng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trẻ, trí thức. Những phản kháng lại kiểu nuôi dạy con hà khắc của các thế hệ cha mẹ Việt trước đó, càng làm cho làn sóng ấy có cơ hội dâng lên như một liều thuốc an thần. Mình cũng không ngoài tâm lý đó.
Lớn lên trong một gia đình mà cả Ba và Mẹ mình đều có xuất thân dòng dõi, khá giả của xã hội những năm đầu thế kỷ 20. Mẹ là con nhà buôn có tiếng ở Vinh, ba là con nhà nho được cho ăn học trường Pháp từ bé. Cách mạng và những biến cố xã hội tiếp sau, làm thay đổi cuộc sống của đôi vợ chồng ấy. Đông con lại bỗng dưng thành vô sản do bị tịch biên tài sản, bị phân biệt đối xử giai cấp hệt như thành phần xấu của xã hội, họ phải gồng lên, phải thu mình lại, âm thầm kiếm sống bên lề xã hội thời đó để nuôi con và bảo toàn gia đình. Do đó, việc dạy con cái một cách hà khắc bằng la lối, đòn vọt là điều khó tránh. Với tinh thần không gì lay chuyển là phải luôn vươn lên bằng học vấn, tự học vấn và lao động chăm chỉ, và đòn vọt là điều mình hứng chịu thường ngày, hàng ngày. Học tập – luôn phải đứng nhất lớp; lao động – luôn phải hoàn thành khối lượng công việc lớn, như: giặt giũ cho cả nhà, lấy rau nuôi lợn, nuôi gà, thỏ, chăm sóc vườn tược, sân vời, và 20 gánh nước mỗi ngày, cơm nước ba bữa… bất chấp quy luật tự nhiên. Mình hiểu, mình phải tự xoay xở, tự thu xếp mọi việc ổn thỏa… nếu không hoàn thành là bị đánh, mắng… chứ không có chuyện giải thích, hay được phân tích.
Giữ nếp nhà “dòng dõi trâm anh” ngay cả khi xã hội đầy biến cố và nhiều giá trị đảo lộn, cả khi gia cảnh nghèo bần vẫn giữ phong lưu nếp nhà… thì có nghĩa rằng, con cái phải lao động cật lực hơn, học hành khổ luyện hơn và chấp nhận đòn roi vì một ý chí và nỗ lực không chịu khuất phục số phận của ba mẹ.
Nhìn lại, mình nhớ tuổi thơ của mình tràn đầy nước mắt, lằn roi đòn vọt, lao động cật lực, sợ hãi và lo âu… Nhưng, cũng ngay thời điểm thơ bé ấy, mình vẫn biết thương ba mẹ, vì hàng ngày tận mắt chứng kiến ba mẹ trằn mình, lao mình vào bão tố cuộc đời để nuôi và dạy các con nên người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không buông tay khuất phục. Họ nhẫn nhịn với bên ngoài, kiên gan và mềm mỏng, nhất là ba mình. Và, họ nghiêm khắc với bên trong: với chính họ và con cái. Lao động cật lực, học hành khổ luyện, thức khuya dậy sớm, nhưng bao giờ cũng đề cao việc học hành, tu dưỡng. Với khách quan, họ luôn nhẫn nhịn, chịu thiệt, hòa hiếu, mục tiêu là giữ được nguyên khí cho sự tinh tấn học hành, cho sự vượt lên của nội lực, tránh để con cái gặp những rắc rối không cần thiết. Hình ảnh mẹ dậy đi làm từ 2 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới trở về, những giọt mồ hôi của mẹ nhỏ từng giọt lăn tròn trên lối đi cát bỏng, dáng mẹ vặn xiêu với đòn gánh trĩu vai những trưa hè oi ả, khiến lòng mình quặn đau khi nhớ về. Ba mình trở thành người thầy thuốc từ tâm của cả vùng, mục đích để người dân yêu mến chứ không vì định kiến xã hội mà tẩy chay con cái họ. Mình nhìn thấy con đường vươn lên, con đường vượt gian truân để hướng về nơi tốt đẹp của ba mẹ mình có tinh thần của dân tộc Do Thái. Và, từ ý chí hà khắc ấy, đàn con của họ dần phương trưởng, lương thiện, hiền lành trong cái nhìn của xã hội, dù nội tâm mỗi người con ấy, đều có một ngọn lửa nhiệt thành, khát vọng vươn lên, vươn lên. Đó chính là tài sản, là dòng máu được truyền lại từ ba mẹ.
Thực lòng, ngay khi còn bé, mình đã biết thương xót ba mẹ vô cùng. Tuy nhiên, mình cũng không thể nào quên những trận đòn tức tưởi đeo bám suốt quãng đời tuổi thơ. Ngày ấy, không ít lần mình thấy mình thật vô nghĩa, vô ích khi có mặt trên đời đã làm khổ ba mẹ… Oán trách số phận đã từng có trong tâm trí mình đôi khi… Sự hà khắc trong giáo dục gia đình với ý chí vươn lên để trả lời cho số phận, có mầu sắc của lòng kiêu hãnh, của cái tôi; đề cao giá trị truyền thống và sự sĩ diện dòng tộc, hạnh phúc vui vẻ cá nhân không được đặt ra ở đó. Mọi người phải suy nghĩ, phải hành động, học tập vì lòng kiêu hãnh dòng tộc, kiêu hãnh gia đình chứ tuyệt nhiên không được nhắc đến khát vọng cá nhân… Gần đây, mình đọc một tác phẩm dạy con nổi tiếng của một người mẹ Mỹ gốc Trung Quốc mình nhận ra có nét gì đó giống với cách nuôi dạy con của ba mẹ mình ngày xưa: “Nếu mày không đỗ đại học thì nghĩa là mày bôi tro trát trấu lên mặt tao, đồ vô ơn bội nghĩa”. Ani Chua (Khúc chiến ca của mẹ Hổ) cũng đã từng mạt sát cô con gái rằng: “Nếu con không vào được Harvard, con chỉ là thứ rác rưởi!”
Nhớ lại thời thơ ấu của mình, suy ngẫm về nó rất nhiều và mình chợt hiểu rằng: Sự dấn thân, xả thân vì con cái của ba mẹ, khiến mình cảm nhận được tình yêu thương của họ dành cho con cái. Chính những thấu hiểu bằng trực quan, đã làm hình thành quỹ đạo – con đường vô hình mà có lực hấp dẫn-khiến cho những đứa con luôn biết nghe lời, biết thương yêu, biết vượt lên can đảm, cho dù phương pháp của họ nhiều khi rất hà khắc, để lại nhiều tổn thương sâu sắc trong tâm hồn.
Và, cho dù kính yêu, dù cảm nhận sâu sắc thì mình vẫn chưa sẵn lòng tha thứ, gần gũi mẹ, mãi đến khi mình cũng trở thành mẹ một thời gian, đúng như câu ca dao: “Lên non mới biết non cao. Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy”. Những tổn thương từ dòng đời đầy biến cố, những tổn thương từ nền giáo dục nghiêm khắc của ba mẹ, sau gần 20 năm ngày thành niên (18 tuổi), những vết thương tâm hồn ấy, mới có khả năng chữa lành vì mình tự trưởng thành, tự nhận hiểu ngay chính trên hành trình làm mẹ. Hai mươi năm sau, vết thương mới lành, bởi nó đã không được chữa lành một cách chủ động ngay chính khi tổn thương, do ba mẹ không có nhu cầu, không có kỹ năng tâm lý, không biết chia sẻ và giãi bày với con cái những quan điểm của mình, để thuyết phục con cái làm theo điều đúng, mà chỉ có mệnh lệnh và đòn vọt.
Thế hệ mình chắc chắn nhiều người sống trong tâm trạng ấy, nhiều cá nhân mãi mãi không thể tự chữa lành tâm hồn với những tổn thương từ thơ bé.
(*)Mình và con gái Minh Khuê, hai thế hệ thuần Việt tiếp nối liên tục, đã là minh chứng cho sự khác nhau của hai đường hướng giáo dục gia đình: Mình mất 20 năm để chữa lành những tổn thương tâm hồn từ những hình phạt thuở bé. Minh Khuê, chỉ sau 3 tháng đã thấu đạt, hiểu biết và tràn đầy hoan hỷ biết ơn. Chắc chắn, điều đó đã nói lên sự hóa giải thành công khi mình đối diện với bài toán “dạy con” ngay khi bắt đầu sự nghiệp làm mẹ.

Câu chuyện giáo dục gia đình hà khắc tuổi thơ và làn sóng “Chỉ yêu thương là đủ” lan rộng vào thời điểm mình chuẩn bị làm mẹ – đặt ra trước mình một bài toán lớn, cần có lời giải minh triết. Và đây là cách mình phân tích “bài toán” ấy như sau:

1/Giáo dục kiểu Truyền thống:
(*) Yêu thương để trong lòng, không bộc lộ, không chia sẻ, không gần gũi con cái.
(**) Đề cao ý chí, nỗ lực, không quan tâm đến quy luật và tâm lý con cái.
(***) Đề cao triết lý: Sống vì lòng kiêu hãnh, niềm sĩ diện, truyền thống, vì người khác, hướng vọng đến tương lai mà không chăm sóc hiện tại.
(****) Hình phạt và đòn roi là phương pháp huấn luyện được sử dụng phổ biến, thường xuyên, không giải thích phân tích.

Hệ lụy: – Chỉ số AQ (chỉ số vượt khó – ý chí) của những cá thể lớn lên trong nền giáo dục này thường rất cao.

-Có thể đạt tới thành công nhất định; hoặc thành công rất cao trong sự nghiệp. Tuy nhiên, nội tâm những cá nhân này thường bất an vì không cảm thấy hoan hỷ, vì luôn mặc cảm: “Nếu mình không thành công như thế này, thì với gia đình, mình chỉ là rác rưởi, vô giá trị.”
-Mối quan hệ cha mẹ – con cái có khoảng cách lớn, khó cởi mở, vì bản thân các thế hệ trước không có tập quán thể hiện tình yêu thương. Thậm chí, họ còn cực đoan đến mức: “Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”, khiến các thế hệ cha mẹ/ con cái luôn tồn tại khoảng cách lớn.
– Hình phạt được sử dụng thường xuyên với kỳ vọng đè bẹp mọi ý chí “nổi loạn” cá nhân, có hai tác dụng trái chiều: hoặc giả vờ ngoan hiền, vâng lời, nhưng ý chí phản kháng nung nấu bên trong, chờ có cơ hội là bùng lên, thậm chí cực đoan đến chỗ phạm tội bạo lực; hoặc bị đè bẹp thật sự và sinh ra những cá nhân kém nhân phẩm vì cảm giác thấp hèn được nhen nhóm, ngay trong những trận đòn roi vùi dập từ tấm bé. Chỉ số EQ của những cá nhân này rất thấp (EQ – Trí tuệ xúc cảm) .

2/ Triết lý giáo dục yêu thương là tất cả:

(*) Bộc lộ yêu thương nồng nhiệt, toàn vẹn, tràn đầy và dân chủ.
(**) Nhấn mạnh phát triển tự nhiên, năng lực tự nhiên của từng cá nhân.
(***) Đề cao đam mê của cá nhân, xu hướng cá nhân, miễn điều này làm cá nhân thỏa mãn, thích thú.
(****) Hình phạt bằng roi vọt- một công cụ bị lên án trong các giải pháp tình huống giáo dục trẻ chưa ngoan- ngược lại, luôn kêu gọi yêu thương, giải thích và kiên nhẫn chờ đợi.

Hệ lụy:

-Các cá nhân thụ hưởng nền giáo dục này thường có chỉ số EQ cao, do được khuyến khích bày tỏ cảm xúc, quan điểm riêng.
-Có thể đạt tới thành công hoặc không thành công cao, nhưng vẫn cảm thấy hài lòng với bản thân, dễ hạnh phúc.
-Mối quan hệ cha mẹ và con cái rất dân chủ, bình đẳng, dễ cởi mở và chia sẻ hơn.
-Hình phạt bằng đòn roi dường như không được áp dụng, nên cá tính cá nhân luôn có xu hướng lấn át. Đồng thời, do không bị đòi hỏi phải sống vì người khác, vì truyền thống, vì dòng tộc, nên ý thức cá nhân được lên ngôi, những cá nhân này có xu hướng sống vị kỷ, ít quan tâm đến người khác kể cả cha mẹ. Chỉ số AQ của những cá nhân này thường thấp.

Như vậy, từ việc phân tích hai tập quán giáo dục gia đình “truyền thống” và “làn sóng giáo dục Âu – Mỹ”, bạn sẽ nhận ra một hiểu biết quý báu, đó là trong tập quán nào cũng có hạt nhân hợp lý, khoa học, nhân văn của nó, đồng thời cũng tồn tại những mặt hạn chế ghi dấu lên ký ức tuổi thơ của cá thể thụ hưởng nền giáo dục ấy.
Bạn sẽ lựa chọn thế nào? Phần trên, mình đã viết rằng: “Quá trình đồng hành cùng con cái đến khi chúng trưởng thành, ví như bạn đang đi thăng bằng trên dây. Chỉ cần bạn mất trọng tâm, chỉ cần bạn thiên lệch về một bên nào đó, lập tức bạn sẽ bị ngã lộn nhào và thất bại là điều đương nhiên!”
Nhưng, chắc chắn triết lý giáo dục “Kỷ luật và nước mắt” của mình không phải chỉ là sự kết hợp đơn thuần, máy móc dựa trên cơ sở hai tập quán nêu trên. Nó được minh triết từ những hiểu biết sâu sắc về quy luật sinh tồn.