tìm gia sư tiếng Anh cho trẻ – tiêu chuẩn của bạn là gì?

Rất nhiều cha mẹ cho trẻ tham gia các lớp tiếng Anh ở trung tâm hoặc thuê gia sư đến nhà dạy con. Có trung tâm đã mở lớp cho trẻ từ độ tuổi sớm nhất là 3 tuổi. Cha mẹ nào thì cũng đều mong muốn con cái được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất trong điều kiện tài chính có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, không phải tất cả các bậc phụ huynh đều tự trang bị kiến thức đầy đủ cho bản thân về tâm lý và phát triển của trẻ nhỏ cũng như giáo dục nói chung để đưa ra kì vọng hợp lý cho giáo viên hoặc biết cách chọn lựa giáo viên, trung tâm cho xứng đáng với mức lao động mình bỏ ra để đánh đổi lấy vài giờ mỗi tuần cho con được học và quan trọng hơn là xứng đáng với thời gian và đôi khi là cả sự chịu đựng của con cái họ.

Không ít cha mẹ chọn lựa gia sư cho con đơn giản vì được người quen giới thiệu, nhưng bản thân cũng không nắm rõ được trình độ gia sư ở đâu hay cách tiếp cận của gia sư ra sao đối với trẻ. Cứ gọi điện cho cô giáo, hẹn lịch, không gặp mặt trực tiếp để trao đổi xem mong muốn của mình là gì hay tìm hiểu xem thầy là người ra sao, có quan điểm giáo dục thế nào. Vậy là thầy/cô đến, và cứ thế là học. Có những người đi dạy nhưng không hề biết cách tiếp cận với trẻ.
Đặc biệt, cũng có nhiều hiểu nhầm hoặc ngộ nhận, trong đó một số ví dụ nổi bật như sau:
– Thấy người ta bảo cô này dạy tốt lắm, tôi phải gọi bằng được cô đó về dạy cho con tôi ngay.

– Người bản ngữ dạy con tiếng Anh là tốt nhất.
– Người có bằng cấp, nhiều năm kinh nghiệm luôn dạy tốt hơn người ít kinh nghiệm.
– Cô giáo dạy tốt hơn … thầy giáo.
– Nếu có kết quả thì con tôi phải biết nói tiếng Anh vèo vèo rồi, nhưng nửa năm mà chưa thấy gì.
– Cô giáo hiền quá, không biết dạy; học sinh thì “hỗn hào”, học được cái gì?
– Cô giáo thấy cháu thế nào? Cháu học không được ạ? Để nhà nhắc cháu, có tập trung học hành gì đâu, kém lắm.
Nếu chọn lựa người không phù hợp mà để con học một thời gian, người dạy có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học của bé, bao gồm phát âm, ngữ pháp, khả năng giao tiếp, nghe nói nói chung, tâm lý khi học và cả thái độ với tiếng Anh. Trái với kì vọng và mong muốn thông thường của phụ huynh, yếu tố quan trọng nhất KHÔNG phải là trình độ hay phát âm (mặc dù nền tảng của người dạy phải chắc chắn, không được mắc các lỗi cơ bản, có hiểu biết nhưng không cần phải cực kì giỏi).
Kinh nghiệm, bằng cấp, giới tính hay những gì người khác nói đều không phải là cơ sở chính xác để các phụ huynh có thể đánh giá chính xác về giáo viên.
Cha mẹ nên thu xếp một buổi để gặp mặt trực tiếp giáo viên để “phỏng vấn”, tìm hiểu kĩ.

Những điều nên tìm hiểu về gia sư trong quá trình chọn lựa:

– Các kĩ năng tiếng Anh tốt và nền tảng chắc chắn, nhưng không cần quá giỏi. Bố mẹ nếu có chút vốn tiếng Anh nên “kiểm tra” luôn trình độ giáo viên, hoặc nếu cần thiết nên nhờ một người giỏi tiếng Anh “kiểm tra” hộ.
– Thái độ với trẻ trong quá trình dạy: người dạy có cho rằng không khí thoải mái cho bé học là quan trọng? Nếu bé tỏ vẻ không thích học hoặc không thích một nội dung nhất định nào đó, người dạy sẽ làm gì?  Nếu bé chưa thạo đọc, thạo viết, thầy/cô sẽ làm gì? Cha mẹ nên trao đổi với giáo viên để tìm hiểu xem cách tiếp cận của giáo viên.
– Cách tiếp cận của giáo viên đối với nội dung học: theo giáo viên kĩ năng gì là quan trọng nhất? nếu có 1 tiếng rưỡi với bé, giáo viên sẽ sử dụng thời gian ra sao cho hiệu quả? giáo viên sẽ sử dụng giáo trình gì và sử dụng ra sao?
– Hiểu biết về phát triển ngôn ngữ: theo giáo viên, để một đứa trẻ học thành công tiếng Anh phải có những yếu tố gì? thành công bao nhiêu phần trăm ở đứa trẻ và bao nhiêu phần trăm ở thầy? theo người dạy thì mất bao lâu trẻ mới nói được thành thạo?

Câu trả lời ra sao là “chuẩn”?

– Người dạy nên hiểu rằng không khí thoải mái, tôn trọng trẻ nhỏ là rất quan trọng trong quá trình học của trẻ. Trong quá trình dạy, có lúc giáo viên sẽ phải hỏi ý kiến trẻ, và phải chú ý xem trẻ thích thú hay không thích thú với cách tiếp cận/hoạt động nào để tự điều chỉnh cho phù hợp.
– Trẻ càng bé càng không cần giải thích về ngữ pháp nhiều. Nên tập trung khuyến khích trẻ nói và tập phát âm.
– Trẻ không thể học được suốt cả buổi mà chỉ có thể học (theo đúng định nghĩa của học là ngồi im, lắng nghe, nhắc lại nội dung đã học, làm bài) tối đa 20 – 30 phút. Thời gian còn lại là để ôn lại những gì đã biết và chơi trò chơi bằng tiếng Anh.
– Giáo trình khá hữu ích, nhưng giáo viên không nên cứng nhắc bắt trẻ học tất cả nội dung trong giáo trình đề ra. Tùy trường hợp, giáo viên phải linh hoạt rút gọn hoặc thêm cho phù hợp với độ tuổi, và sự quan tâm của trẻ. Đừng ép trẻ ngồi cả buổi ôn 1 bài trẻ đã biết, hoặc nếu trẻ chưa sẵn sàng để học một nội dung nhất định, có thể tạm bỏ qua hoặc chấp nhận mỗi buổi cho trẻ học một ít cho đến khi trẻ nắm chắc được – không nên ấn định 1 buổi 1 unit, và học liên tiếp cho “đúng tốc độ”. Nếu trẻ chưa biết đọc, biết viết, giáo viên phải biết linh hoạt tập trung vào nói, không cứng nhắc bắt trẻ ngồi viết cho đến khi thuộc thì thôi.
– Ngoài giáo trình, giáo viên phải biết kết hợp các nguồn khác như sách truyện tiếng Anh, sách trò chơi bằng tiếng Anh, các trò chơi trên mạng để học tiếng hoặc hoạt hình. Tùy trẻ mà biết cách điều chỉnh cho phù hợp.
– Để học thành công là một quá trình dài có nhiều yếu tố trong đó sự yêu thích của trẻ là quan trọng nhất. Giáo viên chỉ là một phần, và năng khiếu của trẻ chỉ là một phần. Riêng giáo viên hay năng khiếu của trẻ không bao giờ làm nên sự thành công học ngoại ngữ. Giáo viên chỉ có thể đóng vai trò khích lệ trẻ, trả lời câu hỏi của trẻ và hướng dẫn trẻ. Tất cả những người học ngoại ngữ thành công khi không có môi trường nói tiếng Anh đều là những người yêu thích hoặc có động lực học tiếng Anh lớn, nên kết quả là tự bản thân họ biến việc học tiếng Anh thành thói quen hàng ngày. Nếu trẻ yêu thích tiếng Anh, trẻ sẽ tự nghe nhạc, đọc truyện hoặc xem hoạt hình để cải thiện tiếng Anh của mình ngoài giờ học với giáo viên và có động lực thực sự để học – đây mới là nền tảng chính.
– Để thành thạo ngoại ngữ, lượng học 2 buổi 1 tuần là quá ít và với thời lượng như vậy phải mất 5 năm hoặc hơn để có thể sử dụng trong giao tiếp ở mức nhất định. Thời lượng có thể vô hạn vì còn tùy vào từng đứa trẻ, nên không ai có thể đảm bảo cho bạn đến bao giờ thì con bạn sử dụng được tiếng Anh lưu loát. Nếu bạn thấy con bạn ngại nói, đặc biệt khi gặp người nước ngoài, đây là biểu hiện bình thường nên đừng vội cho rằng cô giáo không biết dạy hoặc con mình kém.
– Và lý tưởng nhất thì giáo viên là người phải tự cập nhật liên tục về các vấn đề giáo dục và các nghiên cứu liên quan đến giáo dục – nhưng có lẽ đây là một đòi hỏi quá cao cho cả giáo viên chuyên dạy ở các trường tiểu học, trung học, nên tạm thời ta hãy gác sang một bên.

Hỏi ý kiến trẻ

Để có đánh giá chính xác nhất, nhận xét của trẻ là vô cùng quan trọng. Vậy nếu sau khi tìm hiểu, bạn cảm thấy có thể đã tìm được người phù hợp, hãy để cho trẻ học khoảng 1 tháng rồi trao đổi với trẻ.
Hãy hỏi trẻ xem trẻ nghĩ gì thầy/cô. Trẻ có bị stress khi học không? Trẻ có yêu mến thầy/cô không? Một thầy/cô được trẻ này yêu thích có khi lại không hợp với trẻ khác.
Trẻ thấy trình độ tiếng Anh của thầy/cô thế nào? Trẻ con vào thời buổi này được tiếp xúc và nghe tiếng Anh nhiều. Không khó để trẻ có thể suy ra được thầy/cô là người nói tiếng Anh không đạt.
Có thể thầy/cô không đặc biệt giỏi tiếng Anh nhưng lại rất yêu trẻ, và có khả năng khích lệ trẻ học. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất.
Nếu trẻ cảm thấy thoải mái, yêu mến thầy/cô và thích thú hơn với tiếng Anh thì xin chúc mừng bạn và con bạn – nên giữ gia sư này lâu dài.
Nếu câu trả lời của trẻ là “con không thích”, bạn nên tìm cho trẻ một giáo viên khác thích hợp hơn. 

Lời kết

Mong rằng post này có thể giúp bạn cân nhắc thêm một vài yếu tố trong quá trình chọn lựa gia sư tiếng Anh cho con để có thể đem lại kết quả mong muốn.