Homeschool (p2): Dạy gì cho trẻ lên 3 ở nhà?

Thật khó đối với nhiều người lớn khi phải tưởng tượng xem trẻ ở nhà thì sẽ học được gì. Việc trẻ ở nhà, không đến trường, được cha mẹ dạy hoàn toàn là một lựa chọn còn lạ lẫm. 
Một trong những phản ứng mà mình nhận được nhiều nhất là cho rằng con mình không đến trường sẽ bị tự kỉ, không biết giao tiếp. (Với những người nghĩ như vậy, mình khuyên tốt nhất nên tìm hiểu lại từ đầu về bệnh tự kỉ.) Bên cạnh đó, cũng có những người phá lên cười, cho rằng đó hẳn là … một trò đùa. Ngoài ra, cũng có những phản ứng khác như “Cho con đi học đi còn gì? 3 tuổi rồi? Mẹ ở nhà với con chán chết. Đi làm cho thoải mái!” hoặc “Đi học về là ngoan lắm, biết nhiều lắm” – những phản ứng ám chỉ rằng tự ở nhà dạy con là một lựa chọn ngu ngốc, tự “hại” mình và”hại” con, rằng bố mẹ không thể dạy con tốt như ở trường, rằng trẻ con đi học là để biết nghe lời, để “sợ” thầy cô thì mới là “ngoan”, là có “kỉ luật”.
Mình thấy rất vui vì gần đây đã có một vài bài báo trên Vnexpress nói về một số gia đình homeschool cho con để giúp xóa bớt cách hiểu nhầm về việc dạy con ở nhà. Nếu quan tâm, bạn có thể tra từ khóa “dạy con ở nhà” kèm “vnexpress”. Chắc chắn sẽ tìm ra ngay để tham khảo. 

Quyền lựa chọn

Suy nghĩ quá đơn giản thường gặp là cho rằng có lựa chọn đúng và lựa chọn sai; rằng gửi trẻ đến trường là đúng (với lý lẽ là: nếu không thì người ta lập ra trường học để làm gì? Vì nếu không thì tại sao ai cũng gửi con đến trường? Mọi người đều làm thế mà mình không làm thì chắc hẳn là mình … “rồ” rồi?); còn học ở nhà với cha mẹ là “không bình thường”. Đây là lựa chọn của từng gia đình. 
Nếu chúng ta có quyền lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn thức ăn, lựa chọn nhà ở, lựa chọn cách mình sử dụng thời gian rảnh rỗi, lựa chọn người chúng ta giao du cùng, lựa chọn quần áo, lựa chọn bạn đời, … thì cũng chẳng có gì là vô lý nếu chúng ta được lựa chọn cả cách giáo dục con nữa – chưa kể đây là một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời chúng ta. Nếu có mặc quần áo không hợp thời trang cũng chả chết ai. Nếu có ăn phải thức ăn không thích một vài bữa cũng chẳng thành vấn đề. Thậm chí nếu có cưới “nhầm” thì có thể li dị được. Nhưng giáo dục con là một câu chuyện hoàn toàn khác. (Tất nhiên, đó là nếu bạn cho rằng việc này quan trọng. Với không ít cha mẹ thì cho con đi học là một cách hay để … không phải trông con và không phải chịu trách nhiệm giáo dục con. Tất nhiên, nếu không thích hoặc không muốn làm thì để cho người khác hẳn là lựa chọn tốt hơn.)
Đối với homeschooling, cha mẹ cũng có thể tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, và 2 gia đình áp dụng cách tiếp cận khác nhau cũng có thể hoàn toàn cãi nhau xem ai đúng ai sai. Nhưng hãy bình tĩnh mà nhớ rằng chúng ta chọn lựa những gì thích hợp với ta, và người khác chọn những gì thích hợp với họ. Có gia đình mua sách giáo khoa và dạy con y như ở trường. Có gia đình không quá cứng nhắc về thời gian biểu, cha mẹ lựa chọn nội dung dạy tùy theo sở thích của bé.
Gia đình mình chọn cách sau, tức là hoàn toàn dạy theo sở thích của bé và tùy xem bé đã sẵn sàng và hứng thú để học gì để có thể dạy nội dung phù hợp. 
Nói đến học, chúng ta hay nghĩ đến sách vở, hình ảnh học sinh ngồi im lắng nghe, người dạy nói liên tục, các bài kiểm tra và điểm số, dạy sớm và học cả buổi sáng hoặc buổi chiều hoặc cả hai để có “nề nếp”, “kỉ luật”, giờ giấc cố định, các môn học riêng biệt,… Tại sao phải cứng nhắc? Kinh nghiệm đi dạy học cho trẻ con của mình cho thấy cách học trên tốn vô cùng nhiều thời gian (vì sĩ số đông) mà lại ít hiệu quả. 
Nếu bạn băn khoăn, cho rằng chắc chắn học ở trường phải là cách tốt nhất vì trên thế giới cách dạy đó vẫn được áp dụng trên khắp các quốc gia, câu trả lời của mình là có rất nhiều nhà giáo dục lỗi lạc đã lên tiếng tại các quốc gia phát triển từ nhiều thập kỉ qua cho đến tận bây giờ (và có cả từ các thế kỉ trước). Nhưng truyền thống thì quá mạnh mẽ, và các thay đổi lại quá khó để có thể đạt được trong khi sẽ phải tốn nhiều công sức, và sẽ phải vứt đi thành quả của bao nhiêu năm xây dựng nên hệ thống hiện tại. Chi bằng cứ kệ, cứ đi đường cũ, thay đổi ít một là đủ “đổi mới” rồi! Lý luận là: thì chúng ta hồi trước cũng thế, có làm sao đâu? Nếu chúng ta biết chúng ta làm sao thì chúng ta quả là thông thái; nhưng người điên thì thường không biết họ bị điên cho đến khi người khác nói. Nhưng nghe xong thì sẽ chối đây đẩy!
Dù sao, mình cũng không có ý định thuyết phục ai hay đả phá gì, nên sẽ không đi vào chi tiết thêm để dẫn chứng dài dòng (mặc dù đã nói khá nhiều ở trên… cho phép mình được xin lỗi!).

Trẻ lên 3 thì học được gì?

Trẻ 3 tuổi có thể học được rất nhiều điều. Vấn đề chính là cha mẹ có cách tiếp cận phù hợp với trẻ hay không.
Có điều cha mẹ nên hết sức cẩn thận, không thì sẽ vẫn rơi vào vòng xoáy so sánh thành tích với các trẻ đồng lứa, và lo lắng sợ con mình không bằng ai, hoặc có khi lại tự hào cho rằng con mình quá giỏi nhờ có mình. Đừng nghe quảng cáo hay nhìn con nhà người khác mà vội ép con học đọc, học số cho “kịp”. Nội dung cha mẹ dạy phải do chính trẻ cảm thấy HỨNG THÚ và đã SẴN SÀNG để học. Không có nội dung nào đúng hoặc sai.
Đối với trẻ nhỏ, hình thức đơn giản mà hiệu quả nhất để dạy trẻ chính là để trẻ tham gia vào cuộc sống hàng ngày với bạn và tích cực nói chuyện với trẻ. Một thực tế đáng buồn là nhiều gia đình dùng tivi, điện thoại và iPad để thay người trông trẻ trong khi bố mẹ khi rảnh rỗi cũng cắm mặt vào màn hình. Đây là thực tế ở rất nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Nhiều chuyên gia ở các nước phát triển đã cảnh báo rằng khả năng giao tiếp và tập trung của trẻ em thời đại tivi và máy tính bảng sẽ ngày càng kém trong khi nạn béo phì thì gia tăng. Màn hình vô cùng hấp dẫn lấy đi của trẻ em thời gian lẽ ra được dùng để vận động và tương tác với mọi người xung quanh. Màn hình cũng không thể thay thế được các tương tác đa giác quan phù hợp để kích thích não phát triển và do đó không có gì là lạ nếu trẻ tiếp xúc với màn hình quá sớm quá nhiều sẽ chậm phát triển về mặt nhận thức.
Hiện tại, mình dạy gì cho con? (hay chính xác hơn là để cho con sử dụng thời gian ra sao, và giúp con như thế nào) Xin phép được chia sẻ:
Tiếng Anh và tiếng Việt. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, mình vẫn nói chuyện tiếng Anh với bé qua các hoạt động hàng ngày. Kết quả sau 2 năm khiến mình vô cùng hài lòng vì đã đi đúng hướng. (Bạn có thể xem ở các post ngay trước post này).
Hoạt hình và âm nhạc. Mình chỉ cho phép bé xem hoạt hình hoặc ca nhạc mỗi ngày 1 tiếng chia làm 2 lần, mỗi lẫn 30 phút và đảm bảo nội dung phù hợp với độ tuổi và trình độ ngôn ngữ của bé. Nhà mình cũng có đàn piano – bé có thể ngồi nghịch khi nào bé thích. Ngoài ra, mình và bé cũng thường xuyên hát “chay” cùng nhau.
Đọc sách. Mỗi ngày bé đọc sách với bố mẹ 30 phút đến 1 giờ. 
  • Mình rất kĩ tính khi lựa chọn sách vì nội dung rất quan trọng. Một trong vô cùng ít bộ sách tiếng Việt cho đến giờ khiến mình hài lòng là bộ Bách khoa thư Larousse do Việt Nam mua lại bản quyền của Pháp. Hiện bộ sách này (bao gồm hơn 20 cuốn) được bán ở nhiều nơi, trong đó có hiệu sách ADC. Tranh vẽ rất đẹp, và nội dung phong phú bao gồm phép lịch sự, 5 giác quan, cướp biển, vườn thú, trong rừng, khi bé đau, bóng đá, xiếc, … Điểm hay của bộ sách này là trẻ từ 3 đến 8, 9 tuổi đều có thể đọc. Với trẻ chưa biết chữ, bố mẹ nên đọc và giải thích cho trẻ, cũng như nên giản lược nội dung để phù hợp với nhận thức của trẻ. 
  • Các sách tiếng Anh thường được mình đặt trên Amazon nhưng cũng có mua tại Hà Nội. Các sách của nhà xuất bản Usborne được cả mình và bé vô cùng yêu thích (và cũng có mặt tại Việt Nam, tuy chưa có ở các hiệu sách. Các cha mẹ quan tâm có thể lên Facebook và tìm trang “Sách đồ chơi”). Các sách Usborne có đủ các chủ đề, trong đó có khoa học, toán, vũ trụ, cơ thể người,… có tranh vẽ vô cùng hấp dẫn, và các phần có thể đóng hoặc mở,  gây tò mò cho bé. Có cả các chủ đề về thời Trung Cổ, các thành phố lớn, tàu hỏa, công trường, du hành xuyên thời gian, khủng long, lịch sử thế giới, kính hiển vi,… để hấp dẫn cả các bé lớn hơn. Các sách giáo khoa hay các sách dành cho trẻ em nói chung khó lòng so sánh được với sách Usborne cả về nội dung lẫn hình ảnh. Một quyển Usborne, đối với các bé nhỏ, có thể hấp dẫn bé trong vòng vài tháng. Câu hỏi duy nhất là: bạn có kiên trì để đọc và giải thích cho con hay không?
Vận động. Hàng ngày bé được ra sân chơi gần nhà khoảng 1 tiếng đồng hồ cùng bà nội. Có lúc bố cho bé vào Tini World.
Tương tác với người ngoài. Bé hay gặp bạn hàng xóm ở sân chơi gần nhà để chơi cùng. Các dịp khác để chơi cùng trẻ con hoặc tương tác với người lớn là khi đi gặp họ hàng hoặc bạn bè của bố mẹ. Mình tôn trọng tính cách của bé: nếu bé không thích chơi với ai đó hoặc có lúc thích chơi một mình, mình không thúc ép. Nhiều cha mẹ cho rằng nhút nhát là xấu, cần được “huấn luyện”; mình thì cho rằng có thể động viên, nhưng quyết định là của bé. Khi bé sẵn sàng, bé sẽ tham gia.
Thi thoảng đi ra hàng cafe với bố mẹ, nếu gặp các bé cùng lứa, bé thường làm quen và chơi với bạn.
Nếu muốn xin bóng bay ở nhà hàng, bé phải tự hỏi nhân viên và cảm ơn. Khi nhân viên cửa hàng mang đồ cho bé, bé phải nói cảm ơn.
Mình khuyến khích bé nói chuyện với cả người lớn chứ không riêng trẻ con.
Chơi Lego và các trò chơi tự do. Bé chơi Lego ít nhất 1 tiếng hàng ngày và thời lượng có thể dao động tùy bé. Ngoài ra, bé cũng thích chơi đồ hàng và giả vờ nấu ăn. (Thời lượng sử dụng thiết bị điện tử là khía cạnh duy nhất mình kiểm soát chặt chẽ.) Bé cũng có Play-doh, giấy để vẽ, và một số đồ chơi khác – tuy nhiên, bé LỰA CHỌN chơi ít các trò này.
Ngoài ra, mình cố gắng tận dụng các hoàn cảnh khác nhau để dạy (tuy không phải lần nào cũng thành công – đây cũng là chuyện hoàn toàn bình thường!):
  • Từ mới. Mình chú ý đến nhận thức của con và cố gắng dạy từ mới khi có thể. Đọc sách cũng là cách tốt để học từ. Bé chưa biết chữ nhưng rất nhớ nội dung sách được đọc với mẹ và thường xuyên tự mở sách giả vờ đang đọc.
  • Chữ cái và đọc. Bé đã nhận biết và gọi tên được các chữ cái từ khi còn 2 tuổi. Mình cũng đã viết các từ lên thẻ nhiều màu tự làm lấy và dán quanh nhà. Bé rất nhớ và có thể đọc được kha khá từ trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.  Tuy nhiên, tập đọc không phải là ưu tiên ở tuổi lên 3 đối với gia đình mình.
  • Số và toán. Hàng ngày mình hỏi bé nhận diện và gọi tên các số mà bé nhìn thấy, và đếm đồ vật trong nhà, ngoài đường hoặc trong tranh.
  • Phép lịch sự và tôn trọng, quan tâm đến người xung quanh: xin lỗi, cảm ơn, xếp hàng, không vứt rác ra đường, ăn nói lịch sự, nói nhỏ khi ở nơi công cộng, không được đánh người khác, không nói to ở nhà khi người khác đang ngủ,…
  • Yêu thương con vật. Bé thường chơi với mèo và cho mèo ăn vào dịp cuối tuần khi về nhà ông bà ngoại.
  • Trách nhiệm và tính độc lập: tự dọn đồ chơi khi chơi xong, giúp mẹ chăm em (lấy đồ cho em, nói chuyện với em) và các việc nhỏ, tự đi giày và cất giày, tự chọn quần áo mặc trong các lựa chọn mẹ đưa ra, tự lấy đồ mình muốn lấy nếu ở trong tầm với, tự chọn thức ăn trong các lựa chọn có ở nhà hoặc ngoài hàng, tự đánh răng, … Cho tới giờ thì bé vẫn chưa tự mặc quần áo, và cũng chưa tự xúc ăn mọi bữa.
  • Nhận diện cảm xúc, kiểm soát cách thể hiện cảm xúc và hành vi: học cách gọi tên các cảm xúc khác nhau, và hiểu rằng giận dữ hay khóc nhè không phải là xấu, ai cũng có lúc như vậy. Qua các tình huống hàng ngày, bé học cách diễn giải thành lời nguyên nhân các cảm xúc. Bé cũng hiểu rằng bé không được phép để bản thân mất kiểm soát khi có các cảm xúc tiêu cực, và nếu mất kiểm soát thì phải xin lỗi người xung quanh khi đã bình tĩnh lại.

 

Homeschool là một lối sống

Homeschool không đơn thuần là một cách dạy trẻ. Nó là lối sống của một gia đình và thể hiện các giá trị gia đình. Và tất nhiên nó khó mà phù hợp với tất cả, nhất là khi đa phần các cha mẹ đều có công việc toàn thời gian từ sáng tới chiều. Đối với vợ chồng mình, điều quan trọng là con cái có quyền tự quyết định chúng sử dụng thời gian ra sao và phát triển sở thích dưới sự hướng dẫn của cha mẹ cũng như học cách ứng xử bên cạnh nhiều thứ khác.
Nếu trẻ em không được quyền quyết định từ sớm, việc gì của chúng cũng do người lớn quyết, cho dù việc lớn hay nhỏ do thầy cô hay bố mẹ quyết định giúp, thì sau này khi lớn lên, không có gì là lạ khi chúng quay cuồng với việc làm hài lòng người khác nhưng lại không biết mình muốn gì. Đây là sự thật về vô vàn thanh niên các thế hệ gần đây. 
Mình không muốn con mình sau này 7 tuổi vẫn bố mẹ lẽo đẽo đuổi theo để xúc cơm, 10 tuổi không biết mình thích gì ngoài chơi điện tử, những năm thiếu niên chỉ cắm mặt vào học thuộc lòng để trả bài cho thầy cô, 17 tuổi không biết mình muốn học gì hay sau này làm gì, và lên đại học thì cười nhăn răng bảo: “Em chỉ thích ngủ và chơi điện tử. Em học tài chính vì bố mẹ em bắt em học. Ngoài ra, cho em chọn em cũng không biết em thích ngành gì.”
Nếu bạn không homeschool, bạn cũng hoàn toàn có thể dành thêm thời gian với con hàng ngày. Chỉ chú ý, quan tâm và nhạy cảm hơn với nhu cầu của trẻ và nói chuyện với trẻ hàng ngày để hiểu trẻ cũng đã là một cố gắng hết sức tuyệt vời sẽ đem lại sự khác biệt và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hiện tại của trẻ. Tránh ép buộc trẻ, bắt ép đi học thêm không cần thiết, bắt học vẽ hoặc bơi lội hoặc đủ thứ (trong khi trẻ không muốn) chỉ để phấn đấu thành đứa trẻ “toàn diện”.
Cuộc sống bây giờ chính là nền tảng cho trẻ, và sẽ để lại dư âm suốt cuộc đời.