Xin cho tôi bắt đầu post này bằng cách chia sẻ thành thực rằng trước khi có con, tôi không hề quan tâm đến trẻ con. Tôi dám chắc điều này không chỉ đúng với tôi mà đúng với không ít các cha mẹ khác. Phải, trước đó, tôi không hề thích chơi với trẻ con (mặc dù tôi thấy rất vui khi được dạy học cho trẻ con – và tất nhiên, có lúc chúng cũng khiến đầu óc tôi quay cuồng), và ngay trước khi sinh con, tôi cũng không chắc chắn về việc liệu mình sẽ giỏi chơi với con hay không, hay có bất kì suy nghĩ nào về việc mình sẽ là người mẹ kiểu gì.
Nay con đầu của tôi đã hơn 3 tuổi. Còn tôi thì đã tự dạy con học ở nhà từ khi bé biết đi và còn đang bập bẹ.
Khởi đầu quá trình dạy con
Trước khi con tôi được 2 tuổi, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng mình phải dạy tiếng Anh được cho con. (Và đó là khởi đầu của việc tôi tự ý thức được vai trò lớn lao của cha mẹ trong việc dạy con, và khởi đầu của một quá trình quan trọng.) Nhưng tôi cũng nghĩ đơn giản hơn nữa là khi bé tới tuổi đi mẫu giáo, tôi cũng sẽ cho bé đi mẫu giáo như các bé khác; còn tôi thì sẽ kiếm công việc toàn thời gian để thời gian biểu làm việc của tôi có thể khớp với giờ đi học của bé, để mẹ con tôi có thể có nhiều thời gian với nhau khi một ngày đi làm/đi học kết thúc.
Cuộc đời tôi có một số bước ngoặt quan trọng. Và một số bước ngoặt này là những điều hoàn toàn bất ngờ xảy ra một cách dường như ngẫu nhiên. Một mốc quan trọng thay đổi cuộc đời tôi (và cả con tôi) vĩnh viễn là khi tôi gặp một cặp vợ chồng chị bạn người Úc có con bằng tuổi con đầu của tôi. Chị vợ chia sẻ với tôi rằng chị sẽ hoàn toàn dạy con ở nhà. Khi đó, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về homeschooling. Tôi đã trả lời khi chị hỏi tôi về việc đi học của con đại loại như sau: “Tớ cũng không chắc. Nhưng chắc là tớ sẽ gửi con đến trường như những nhà khác. Vì ở Việt Nam mà homeschool từ bé thì e không thể gửi vào trường khi lớn hơn được.”
Nhưng tôi có một điểm khác so với nhiều cha mẹ: Tôi có kinh nghiệm dạy học cho trẻ con, và cả người lớn. Và tôi đã băn khoăn nhiều tại sao hình thức học trên lớp không hiệu quả với trẻ em.
Đó là khởi điểm của việc tôi tìm hiểu về homeschooling, về cách thức học hiệu quả với trẻ em, và về vai trò của cha mẹ cũng như những lợi thế của cha mẹ nếu tự dạy con ở nhà.
Nguyên tắc dạy trẻ ở nhà
Có nhiều phản ứng khác nhau về lựa chọn này của tôi. Một kiểu phản ứng là cho rằng cha mẹ tự dạy con sẽ là một quá trình rất gian nan – vì làm sao cha mẹ có thể gánh vác được vai trò của cả một nền giáo dục và bao nhiêu thầy cô cũng phải chật vật mới có thể GẦN lo liệu được?
Ở một số post trước trong blog này, tôi đã chia sẻ nhiều suy nghĩ về homeschooling; tôi sẽ cố gắng không lặp lại ở đây.
Nếu bạn là người ủng hộ hình thức học truyền thống, bạn sẽ khó mà chấp nhận được cách tiếp cận của tôi: Con tôi có thể học bất kì lúc nào, dù đang ăn, đang đi siêu thị, đang chạy nhảy, đọc sách, sát giờ ngủ, đi vệ sinh,… và con tôi có quyền từ chối học bất kì lúc nào nếu bé không sẵn sàng hoặc nếu đang không trong tâm trạng để học. Khi tôi nói như vậy, nhiều cha mẹ sẽ không thể tưởng tượng ra được giờ học ở nhà của tôi với bé như thế nào.
Nguyên tắc dạy của tôi là:
- không có thời gian biểu cứng nhắc; không có địa điểm cứng nhắc; không có hình thức học cứng nhắc.
- không có nội dung đúng hay sai, chỉ có nội dùng phù hợp hoặc không phù hợp với bé.
- bé và mẹ đều phải ở trong tâm trạng thoải mái; không vui, không học.
- không có ranh giới giữa chơi và học, bất kì lúc nào cũng có thể vừa là giờ học vừa là giờ chơi,
- không đặt giới hạn thời gian theo mục tiêu học (như ở trường). Ví dụ như: tôi không bao giờ đặt mục tiêu con tôi phải học thuộc bảng chữ cái trong 1 tuần, hay học thuộc số đếm 20 tới 30 trong tuần tới.
- không học thuộc lòng, không kiểm tra; chỉ có đối thoại giữa 2 mẹ con.
- nhạy cảm với bé để nắm được khi nào phù hợp để dạy gì và khi nào nên ngưng. (Chỉ cần bạn nhạy cảm, quan tâm đến bé và đặt nhu cầu của bé lên trên hết, bạn sẽ dễ dàng nắm được lúc nào nên dạy bé.)
Tôi sẽ đưa ví dụ để cho thấy việc dạy con có thể đơn giản và rất hiệu quả (và không một thầy cô giáo nào có thể làm được) mà lại vô cùng dễ dàng, vui vẻ cho cả bố/mẹ và con, với điều kiện bố/mẹ phải hiểu được các nguyên tắc cơ bản. Nếu cắm đầu vào dạy mà không nắm được các nguyên tắc tôi đã nêu, cha mẹ dễ căng thẳng với bé, khiến căng thẳng lây sang cả bé – do đó, cha mẹ khó mà dạy, bé cũng khó mà học.
Ví dụ của con tôi
Trước khi lên 3, con tôi đã thuộc bảng chữ cái cũng như nhận diện số từ 1 đến 20 trong tiếng Anh. Khả năng này của bé trong tiếng Việt phát triển sau – vì một lý do khá đơn giản: tôi không lo lắng về khả năng của bé phải nắm được mọi thứ trong 2 ngôn ngữ cùng lúc. Thêm vào đó, các video dạy số cho trẻ em cũng như sách bằng tiếng Anh về đề tài này được thiết kế rất hiệu quả, phù hợp với trẻ nhỏ.
Tối qua, lúc 11 giờ kém khi 2 mẹ con tôi đang nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi lấy điện thoại ra xem giờ và mở ứng dụng máy tính để làm một vài phép tính cần thiết thì bé nhìn thấy. Bé rất tò mò về ứng dụng và tỏ ra rất thích thú với các con số. Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: Đây là chính thời điểm dạy số từ 20 đến 100. Vậy là tôi ấn số trên điện thoại và dạy con tôi đọc số bằng tiếng Anh: đầu tiên là 20, 30, 40 cho tới 100 (sau đó là cả 200, 300, 400,..); sau đó là các số còn lại bất kì như 33, 45, 62, 73,…
Như nguyên tắc tôi đã chia sẻ, thời điểm đó phù hợp do hội tụ đầy đủ các yếu tố sau:
- Con tôi đang trong tâm trạng thoải mái, lại tò mò.
- Tôi cũng thoải mái, không bận bịu hay khó chịu gì.
- Con tôi đã thuộc các số từ 1 -20, thậm chí có thể đếm đúng đến tận 33 với một chút giúp đỡ từ tôi.
- Con tôi đã từng làm quen với số hàng trăm và hàng nghìn.